Lao động nữ nghỉ khám thai thì công ty hay cơ quan bảo hiểm phải trả tiền lương?
Để được hưởng chế độ khám thai lao động nữ cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Theo đó pháp luật hiện nay không quy định về điều kiện được hưởng chế độ khám thai như chế độ nghỉ thai sản khi sinh con. Mà chỉ cần lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ được hưởng chế độ khám thai.
Lao động nữ nghỉ khám thai công ty hay cơ quan bảo hiểm trả tiền lương?
Mức hưởng bảo hiểm xã hội khi nghỉ đi khám thai là bao nhiêu?
Tại khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định cụ thể về mức hưởng chế độ thai sản như sau:
Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
Như vậy, theo quy định này, người lao động sẽ không được nhận lương từ người sử dụng lao động mà được nhận tiền chế độ thai sản do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả. Mức hưởng một ngày bằng mức hưởng chế độ thai sản một tháng chia cho 24 ngày, cụ thể:
Mức hưởng = (Mức bình quân 6 tháng tiền lương / 24 ngày) x 100% x Số ngày nghỉ
Trong đó:
+ Mức bình quân 6 tháng : Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
+Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng thì mức tiền lương bình quân được tính trên số tháng đã đóng.
Lao động nữ nghỉ khám thai công ty hay cơ quan bảo hiểm trả tiền lương?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
...
Như vậy trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Do đó, khi người lao động nghỉ làm hưởng chế độ khám thai, công ty sẽ không phải trả lương. Thay vào đó, người lao động sẽ nhận được tiền trợ cấp thai sản do cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán.
Tuy nhiên, nếu giữa người lao động với người sử dụng lao động có thỏa thuận về việc trả lương ngay cả khi người lao động nghỉ làm để đi khám thai thì người lao động vẫn được nhận đủ lương của tháng đó. Đồng thời người này cũng nhận được tiền chế độ bảo hiểm từ cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Các mẫu hợp đồng lao động 2025 chuẩn nhất cho doanh nghiệp và người lao động phải đảm bảo những nội dung nào?
- Người lao động được nghỉ giữa giờ bao lâu?