Khi nào cần phải gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam?
- Khi nào cần phải gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam?
- Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam gồm những gì?
- Trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Khi nào cần phải gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam?
Tại Điều 155 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời hạn của giấy phép lao động như sau:
Thời hạn của giấy phép lao động
Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.
Theo đó, thời hạn của giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.
Do đó, sau 02 năm, người lao động cần phải xin gia hạn giấy phép lao động.
Tuy nhiên muốn gia hạn giấy phép lao động thì cần phải tuân thủ được các điều kiện theo Điều 6 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm:
- Giấy phép lao động đã được cấp còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày.
- Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
- Giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp.
Như vậy cần lưu ý việc gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài cần thực hiện khi giấy phép được cấp còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày.
Khi nào cần phải gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam bao gồm:
- Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
- 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Giấy phép lao động còn thời hạn đã được cấp (1)
- Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài (2)
- Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
- Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe theo quy định (3)
- Một trong các giấy tờ quy định tại khoản 8 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp (7)
Lưu ý: Giấy tờ quy định tại các mục (1), (2), (3), (4) Điều 17 Nghị định 152/2020/NĐ-CP là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự và phải dịch ra tiếng Việt trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 18 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, việc gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được thực hiện như sau:
Bước 1: Xin chấp thuận nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài
Trước khi nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép lao động cho người lao động theo bước 2, trong vòng 30 ngày người sử dụng lao động phải nộp văn bản xin chấp thuận nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài theo quy định tại Điều 4 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Bước 2: Nộp hồ sơ gia hạn giấy phép lao động
Trước ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày trước ngày giấy phép lao động hết hạn, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó kèm với văn bản thông báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về vị trí công việc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài hoặc văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.
Bước 3: Xử lý hồ sơ gia hạn giấy phép lao động
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gia hạn giấy phép lao động. Trường hợp không gia hạn giấy phép lao động thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 4: Ký kết hợp đồng lao động với người được gia hạn giấy phép lao động
Sau khi người lao động nước ngoài được gia hạn giấy phép lao động, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động. Nội dung hợp đồng lao động không được trái với nội dung ghi trong giấy phép lao động đã được gia hạn.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Có bổ nhiệm công chức lãnh đạo trong cơ quan hành chính nhà nước từ nguồn nhân sự bên ngoài được không?
- Ủy quyền quyết toán thuế là gì? Ai được ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là cán bộ hay công chức?
- Công chức biệt phái, luân chuyển được hưởng chế độ chính sách ra sao?