Hướng dẫn người tham gia BHXH tự nguyện đóng tiếp BHXH tự nguyện online mới nhất?
Hướng dẫn người tham gia BHXH tự nguyện đóng tiếp BHXH tự nguyện online mới nhất?
Căn cứ tiểu mục 2.3 Mục 2 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021 quy định như sau:
(1) Trình tự thực hiện
- Bước 1: Đăng ký tài khoản
Truy cập địa chỉ https://dichvucong.gov.vn, chọn mục "Đăng ký" (tải về hướng dẫn đăng ký tài khoản, thực hiện theo hướng dẫn).
- Bước 2: Thanh toán trực tuyến
Trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, chọn menu "Thanh toán trực tuyến/Đóng tiếp BHXH tự nguyện, gia hạn BHYT", sau đó chọn "Đóng tiếp BHXH tự nguyện". Ở bước này, chọn Ngân hàng thụ hưởng của cơ quan BHXH. Tiếp đó, bấm nút "Thanh toán".
- Bước 3: Lựa chọn ngân hàng trung gian thanh toán
Màn hình cổng thanh toán - Payment Platform sẽ hiển thị để lựa chọn Ngân hàng hoặc trung gian thanh toán mà người tham gia mở tài khoản để thực hiện việc thanh toán. Sau khi chọn ngân hàng, bấm nút "Thanh toán". Hệ thống sẽ điều hướng qua ngân hàng người tham gia mở tài khoản
- Bước 4: Đăng nhập tài khoản ngân hàng người tham gia mở tài khoản để thực hiện thanh toán
- Người tham gia đăng nhập vào tài khoản ngân hàng.
- Hệ thống sẽ hiển thị lại thông tin thanh toán một lần nữa để xác nhận. Nếu các thông tin đã chính xác, bấm nút "Xác nhận".
- Xác nhận việc thanh toán bằng cách nhập mã OTP do Ngân hàng gửi đến
- Bước 5: Thanh toán thành công
Khi thanh toán thành công, hệ thống sẽ điều hướng quay trở lại giao diện của Cổng DVC Quốc gia với thông báo "Thanh toán thành công".
+ Nhấn "Tải biên lai" để tải về biên lai thanh toán.
+ Nhấn "Lịch sử giao dịch" để xem lại lịch sử các lần giao dịch. Tại màn hình lịch sử giao dịch, đơn vị có thể tải lại biên lai thanh toán (nếu cần) bằng cách nhấn vào dòng chữ "Xem biên lai".
Sau khi thực hiện thanh toán thành công, Hệ thống giao dịch điện tử của BHXH Việt sẽ gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký với cơ quan BHXH.
(2) Cách thức thực hiện
- Bước 1. Đăng ký, đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia:
Người tham gia đăng ký và đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng cách truy cập trang web: dichvucong.gov.vn
- Bước 2. Thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Sau khi đăng nhập, người tham gia thực hiện các bước như hướng dẫn tại trình tự thực hiện nêu trên để thực hiện đóng tiếp BHXH tự nguyện.
- Bước 3. Nhận kết quả
Sau khi thực hiện thanh toán thành công, Hệ thống giao dịch điện tử của BHXH Việt sẽ gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký với cơ quan BHXH.
(3) Kết quả giải quyết
Thông báo kết quả giao dịch "Thanh toán thành công", "biên lai thanh toán" và tin nhắn thông báo đã nộp tới số điện thoại đã đăng ký với cơ quan BHXH từ Hệ thống giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam.
Hướng dẫn người tham gia BHXH tự nguyện đóng tiếp BHXH tự nguyện online mới nhất? (Hình từ Internet)
Mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
Căn cứ khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
…
Theo đó, hiện nay người lao động hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
- Từ ngày 01/01/2022, căn cứ Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng. Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất hiện nay là:
22% x 1.500.000 = 330.000 đồng/tháng.
- Từ ngày 01/07/2023, căn cứ Nghị quyết 69/2022/QH15 quy định mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng (trước đó là 1,49 triệu đồng/tháng). Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa hiện nay là:
22% x (20 x 1.800.000) = 7.920.000 đồng/tháng.
Ngoài ra căn cứ theo Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 17 Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì kể từ ngày 01/01/2018 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:
- Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo.
- Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo.
- Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua phương thức nào?
Căn cứ Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
a) Hằng tháng;
b) 03 tháng một lần;
c) 06 tháng một lần;
d) 12 tháng một lần;
đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, người lao động được chọn 01 trong các phương thức đóng sau đây:
- Hằng tháng;
- 03 tháng một lần;
- 06 tháng một lần;
- 12 tháng một lần;
- Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?