Đâu là thỏa thuận trái pháp luật mà người lao động nên biết trước khi ký hợp đồng?
- Có được thỏa thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Có được yêu cầu người lao động thỏa thuận không làm thêm cho công ty khác khi ký hợp đồng hay không?
- Yêu cầu người lao động không làm việc cho công ty đối thủ có phải là thỏa thuận trái pháp luật?
- Bắt nhân viên cam kết không kết hôn, sinh con trong vài năm đầu làm việc có phải là thỏa thuận trái pháp luật?
- Có được yêu cầu người lao động cam kết làm việc dài hạn cho công ty hay không?
Có được thỏa thuận không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi ký hợp đồng lao động hay không?
Tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
...
Theo đó, cả người sử dụng lao động và người lao động đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội.
Như vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi thỏa thuận không đóng bảo hiểm bắt buộc khi ký hợp đồng lao động. Trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội nhưng các bên thỏa thuận không đóng bảo hiểm thì được xem là thỏa thuận trái pháp luật và cả người lao động và người sử dụng lao động đều sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Đâu là thỏa thuận trái pháp luật mà người lao động nên biết trước khi ký hợp đồng? (Hình từ Internet)
Có được yêu cầu người lao động thỏa thuận không làm thêm cho công ty khác khi ký hợp đồng hay không?
Tại Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Giao kết nhiều hợp đồng lao động
1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, người lao động có quyền tự do ký hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, miễn sao đảm bảo thực hiện đầy đủ công việc đã thỏa thuận.
Chính vì vậy, việc yêu cầu người lao động không được làm thêm cho công ty khác là thỏa thuận trái pháp luật, xâm phạm đến quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc của người lao động nên thỏa thuận này sẽ không được pháp luật công nhận.
Yêu cầu người lao động không làm việc cho công ty đối thủ có phải là thỏa thuận trái pháp luật?
Tại khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Quyền làm việc của người lao động
1. Được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
2. Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.
Theo đó, người lao động có quyền tự do chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Đồng thời, tại khoản 6 Điều 9 Luật Việc làm 2013 cũng nghiêm cấm hành vi cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
Chính vì vậy, người sử dụng lao động không thể bắt người lao động cam kết không làm việc cho công ty đối thủ. Thậm chí, dù người lao động có ký thì thỏa thuận này cũng được xem là thỏa thuận trái pháp luật, không có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động, khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH đã quy định
Nội dung hợp đồng lao động
…..
2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 3 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
…
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Như vậy, nếu người lao động làm công việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người đó về thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và vấn đề bồi thường khi vi phạm. Đây được xem là thỏa thuận hợp pháp.
Bắt nhân viên cam kết không kết hôn, sinh con trong vài năm đầu làm việc có phải là thỏa thuận trái pháp luật?
Để hạn chế sự gián đoạn sản xuất kinh doanh do lao động nghỉ thai sản nên một số công ty đã yêu cầu người lao động ý cam kết không kết hôn, sinh con trong vài năm đầu làm việc.
Tuy nhiên, cam kết này đã vi phạm đến quyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình của công dân được nêu tại Điều 10 Pháp lệnh dân số 2003, được sửa đổi bởi Điều 1 Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12, cụ thể như sau:
Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:
1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;
2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;
3. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Do đó dù người lao động có đồng ý thì cam kết này cũng không có giá trị pháp lý.
Mặt khác, tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định:
Bảo vệ thai sản
...
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
...
Theo đó, người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản. Nếu cố tình vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Có được yêu cầu người lao động cam kết làm việc dài hạn cho công ty hay không?
Để hạn chế tình trạng nhân viên nhảy việc sau khi đã quen việc, nhiều công ty đã đề nghị người lao động ký cam kết làm việc dài hạn, thông thường là từ 03 - 05 năm và không được nghỉ việc trước hạn nếu không sẽ phải bồi thường.
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Người lao động có các quyền sau đây:
a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
...
Theo đó, người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Trường hợp đã ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn thì người lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn mà không cần lý do, miễn sao đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước. Người lao động chỉ phải bồi thường nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Như vậy, có thể thấy bản cam kết dài hạn đã xâm phạm đến quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động nên dù người lao động có ký thì thỏa thuận này cũng được xem là thỏa thuận trái pháp luật, không được pháp luật công nhận.
Lưu ý: Nếu trong quá trình làm việc, người lao động được cử đi học nghề, đào tạo nghề từ kinh phí của người sử dụng lao động, đồng thời các bên có cam kết về thời gian làm việc sau khi đi đào tạo về thì người lao động buộc phải tuân thủ cam kết.
Ngoài ra còn có các thỏa thuận khác như lương thưởng, thời giờ làm việc... mà người lao động cũng cần chú ý.
- Cơ quan xét xử cao nhất của nước ta là gì?
- Từ 1/7/2025 công chứng viên được phân công hướng dẫn tập sự phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề công chứng?
- Người lao động đã thành lập tổ chức nào để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình?
- Không còn quy định được miễn đào tạo nghề đấu giá từ 01/01/2025 đúng không?
- Thời điểm tổ chức Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT là khi nào?