Công ty yêu cầu người tham gia tuyển dụng lao động đặt tiền cọc giữ chỗ việc làm là đúng pháp luật hay không?
- Công ty yêu cầu người tham gia tuyển dụng lao động đặt tiền cọc giữ chỗ việc làm là đúng pháp luật hay không?
- Người sử dụng lao động phải làm những gì để khắc phục hậu quả nếu yêu cầu người tham gia tuyển dụng lao động đặt tiền cọc giữ chỗ việc làm?
- Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi yêu cầu người tham gia tuyển dụng lao động đặt tiền cọc giữ chỗ việc làm không?
Công ty yêu cầu người tham gia tuyển dụng lao động đặt tiền cọc giữ chỗ việc làm là đúng pháp luật hay không?
Căn cứ Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tuyển dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
2. Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Theo đó Điều luật này quy định người lao động không phải trả bất kì chi phí nào cho việc tuyển dụng. Ở đây Công ty thu tiền cọc giữ chỗ cũng được xem là một khoản tiền cho việc tuyển dụng và người lao động không phải đóng khoản phí này.
Và căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định;
b) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;
c) Không thể hiện, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc;
d) Không xuất trình sổ quản lý lao động khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
...
Theo đó người sử dụng lao động không được thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng.
Trường hợp này Công ty sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, do công ty là tổ chức nên gấp 2 lần tiền phạt là từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Vậy theo những phân tích trên thì công ty không được thu tiền cọc giữ chỗ việc làm của người lao động.
Công ty yêu cầu người tham gia tuyển dụng lao động đặt tiền cọc giữ chỗ việc làm là đúng pháp luật hay không?
Người sử dụng lao động phải làm những gì để khắc phục hậu quả nếu yêu cầu người tham gia tuyển dụng lao động đặt tiền cọc giữ chỗ việc làm?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Theo đó sau khi Công ty bị xử phạt tiền như nêu trên, bắt buộc Công ty trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi thu tiền tham gia tuyển dụng của người lao động trong trường hợp này là tiền giữ chỗ việc làm.
Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi yêu cầu người tham gia tuyển dụng lao động đặt tiền cọc giữ chỗ việc làm không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 48 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này.
...
Theo đó thì Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 5.000.000 đồng đới với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động đối với cá nhân.
Đối với tổ chức thì gấp đôi tiền số tiền phạt về thẩm quyền nên Chủ tịch UBND cấp xã có thể phạt 10.000.000 đồng đối với tổ chức theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương V Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.
...
Trong khi đó mức phạt tối đa của vi phạm này là 6.000.000 đồng. Vậy Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyển xử phạt đối với hành vi thu tiền giữ chỗ làm việc của Công ty.
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?
- Các mẫu hợp đồng lao động 2025 chuẩn nhất cho doanh nghiệp và người lao động phải đảm bảo những nội dung nào?