Công ty có được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động? Có được chấm dứt hợp đồng lao động vì lợi ích của người thứ ba không?
Công ty có được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động?
Tại Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
...
Theo quy định trên pháp luật cho phép công ty và người lao động tự thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, nếu công ty muốn cho người lao động nghỉ việc và thỏa thuận với người lao động đồng ý thì sẽ chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận của các bên. Nếu công ty đưa ra đề nghị hỗ trợ để chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động đồng ý với thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động đó thì hoàn toàn hợp pháp.
Nếu người lao động không đồng ý với thỏa thuận đó, có nguyện vọng tiếp tục đi làm thì công ty không thể chấm dứt hợp đồng lao động theo diện thỏa thuận nữa. Lúc này, công ty muốn cho người lao động nghỉ việc thì phải thực hiện đúng quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
Công ty có được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động? Có được chấm dứt hợp đồng lao động vì lợi ích của người thứ ba không? (Hình từ Internet)
Có được chấm dứt hợp đồng lao động vì lợi ích của người thứ ba không?
Tại Điều 417 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.
Có thể thấy, việc sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng lao động là do ý chí của các bên chủ thể trong hợp đồng quyết định, tuy nhiên, đối với loại hợp đồng vì lợi của người thứ ba, quyền sửa đối, hủy bỏ hợp đồng bị giới hạn bởi ý chí của người thứ ba.
Theo đó, chỉ khi người thứ ba đồng ý thì hợp đồng mới được hủy bỏ, sửa đổi. Quy định này nhằm hướng đến đảm bảo lợi ích cho người thứ ba, tránh trường hợp các bên trong hợp đồng hủy bỏ, thay đổi hợp đồng gây bất lợi cho bên thứ ba.
Lưu ý: Chỉ khi bên thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích từ hợp đồng thì các bên mới cần có sự đồng ý của họ trong việc sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng. Điều đó có nghĩa khi người thứ ba chưa chấp nhận hưởng lợi ích từ hợp đồng, các bên trong hợp đồng vẫn được tự do thỏa thuận thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật.
Vì bên thứ ba chỉ là bên hưởng lợi từ hợp đồng, họ không tham gia vào việc giao kết, thực hiện hợp đồng, hợp đồng vẫn được thực hiện dựa trên ý chí của bên có quyền và bên có nghĩa vụ. Nên quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba, tránh việc lợi ích của họ bị ảnh hưởng do sự chi phối của bên có quyền và bên có nghĩa vụ.
Khi bên thứ ba chưa chấp nhận hưởng lợi ích từ hợp đồng, thì lợi ích của họ chưa phát sinh, nên việc các bên sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng không làm ảnh hưởng đến người thứ ba. Chính vì vậy, lúc này việc sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng không cần thiết phải dựa vào ý chí của bên thứ ba.
Doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ việc không đúng luật, phải giải quyết thế nào?
Tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 có quy định
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo như quy định trên, khi đơn phương chấm dút hợp đồng lao động với người lao động trái pháp luật, người sử dụng lao động phải nhận lại người lao động trở về làm việc theo hợp đồng đã giao kết.
Đồng thời, trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Các mẫu hợp đồng lao động 2025 chuẩn nhất cho doanh nghiệp và người lao động phải đảm bảo những nội dung nào?
- Chốt thời điểm cho ý kiến cải cách tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội trong Báo cáo của Chính phủ năm 2025 chưa?
- Trong năm 2025, nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và địa phương đến hết năm 2024 còn dư được sử dụng để làm gì?