Công ty chỉ đóng kinh phí công đoàn cho người lao động trong nước và không đóng cho lao động người nước ngoài có được không?
- Lao động người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam theo các hình thức nào?
- Doanh nghiệp đang sử dụng lao động nước ngoài có phải đóng kinh phí công đoàn cho các đối tượng lao động này không?
- Công ty chỉ đóng kinh phí công đoàn cho lao động trong nước và không đóng cho lao động người nước ngoài có bị xử phạt không?
Lao động người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam theo các hình thức nào?
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP người lao động nước ngoài là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau đây:
- Thực hiện hợp đồng lao động.
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.
- Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế.
- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.
- Chào bán dịch vụ.
- Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tình nguyện viên.
- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
- Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật.
- Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Doanh nghiệp đang sử dụng lao động nước ngoài có phải đóng kinh phí công đoàn cho các đối tượng lao động này không?
Căn cứ Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định về tài chính công đoàn như sau:
Tài chính công đoàn
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Theo quy định trên, đoàn phí là do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Trong khi đó, người lao động nước ngoài do không được kết nạp vào công đoàn, không phải đoàn viên nên người nước ngoài sẽ không phải đóng đoàn phí.
Tuy nhiên kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Cùng với đó, theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
...
Như vậy, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ thuộc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề và ký hợp đồng lao động từ đủ 01 năm trở lên.
Do đó, nếu doanh nghiệp bạn sử dụng lao động nước ngoài thì doanh nghiệp bạn sẽ phải đóng kinh phí công đoàn theo tiền lương đóng BHXH của cả người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài.
Doanh nghiệp đang sử dụng lao động nước ngoài có phải đóng kinh phí công đoàn không? (Hình ảnh từ Internet)
Công ty chỉ đóng kinh phí công đoàn cho lao động trong nước và không đóng cho lao động người nước ngoài có bị xử phạt không?
Nếu không đóng hoặc đóng không đủ kinh phí công đoàn đối với người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn
1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;
b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền với mức từ 24 - 30% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng đối với trường hợp người sử dụng lao động đóng không đủ kinh phí cho toàn bộ người lao động kể cả lao động nước ngoài.
Đồng thời chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
- Chính thức tăng lương cho 03 nhóm đối tượng thuộc lực lượng vũ trang do thay đổi cơ sở tính lương, đó là 03 nhóm đối tượng nào?
- Đã có bảng phân công nhiệm vụ triển khai cải cách tiền lương 2025 theo Kết luận 83, cụ thể ra sao?
- Có thật sự tăng lương giáo viên lên mức cao nhất và hưởng thêm phụ cấp mới hay không?
- Từ tháng 10/2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp ưu đãi người có công sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền về việc mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương?
- Sau 2024, tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng khi tăng năng suất lao động của người lao động có đúng không?