Có được cấn trừ tiền lương của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân không?
Có được cấn trừ tiền lương của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân không?
Tại điểm b khoản 3 Điều 23 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 có quy định:
Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động
...
3. Người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân;
c) Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân;
d) Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.
...
Theo đó, đối với người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bắt buộc phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Người sử dụng lao động không được phát tiền và yêu cầu người lao động tự mua phương tiện bảo vệ cá nhân. Đồng thời không được thu tiền của người lao động, kể cả trừ tiền lương để mua phương tiện bảo vệ cá nhân.
Có được cấn trừ tiền lương của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân không? (Hình từ Internet)
Người lao động làm mất phương tiện bảo vệ cá nhân có được trang cấp lại hay không?
Tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH có quy định:
Nguyên tắc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Người sử dụng lao động phải tổ chức hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phải kiểm tra việc sử dụng.
2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật cao thì người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra, thử nghiệm để bảo đảm chất lượng, quy cách của phương tiện bảo vệ này trước khi trang cấp, đồng thời định kỳ kiểm tra chất lượng trong quá trình sử dụng và ghi sổ theo dõi; không sử dụng các phương tiện không đạt yêu cầu kỹ thuật hoặc quá hạn sử dụng theo khuyến cáo của nhà cung cấp; loại bỏ ngay các phương tiện hư hỏng, không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sử dụng.
3. Người lao động được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải sử dụng phương tiện đó theo đúng quy định trong khi làm việc. Nếu người lao động vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo nội quy lao động của cơ sở mình hoặc theo quy định của pháp luật.
4. Người sử dụng lao động phải trang cấp lại cho người lao động phương tiện bảo vệ cá nhân khi bị mất, hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng. Trường hợp bị mất, hư hỏng mà không có lý do chính đáng thì người lao động phải bồi thường theo quy định của nội quy lao động của cơ sở. Khi hết thời hạn sử dụng hoặc khi chuyển làm công việc khác thì người lao động phải trả lại những phương tiện bảo vệ cá nhân nếu người sử dụng lao động yêu cầu nhưng phải ký bàn giao.
Như vậy, khi làm mất phương tiện bảo vệ cá nhân thì ngươi lao động được cấp lại phương tiện bảo vệ cá nhân mới.
Nếu việc làm mất phương tiện bảo vệ cá nhân mà không có lý do chính đáng thì người lao động phải bồi thường theo quy định của nội quy lao động của cơ sở.
Có bắt buộc phải khử trùng phương tiện bảo vệ cá nhân hay không?
Tại Điều 7 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Nguyên tắc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí nơi cất giữ, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chế tạo phương tiện bảo vệ cá nhân. Người lao động có trách nhiệm giữ gìn phương tiện bảo vệ cá nhân được giao.
2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân để sử dụng ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ thì sau khi sử dụng, người sử dụng lao động phải có các biện pháp làm sạch, khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, môi trường xung quanh và phải định kỳ kiểm tra.
Theo đó, chỉ khi nào các phương tiện bảo vệ cá nhân sử dụng ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ thì sau khi sử dụng, người sử dụng lao động phải có các biện pháp làm sạch, khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, môi trường xung quanh và phải định kỳ kiểm tra.
Đối với các trường hợp khác thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí nơi cất giữ, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chế tạo phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?
- Các mẫu hợp đồng lao động 2025 chuẩn nhất cho doanh nghiệp và người lao động phải đảm bảo những nội dung nào?