Chứng chỉ hành nghề luật sư khi đã bị thu hồi do không gia nhập Đoàn luật sư có được cấp lại không?
Không gia nhập Đoàn luật sư có bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư?
Căn cứ khoản 1 Điều 18 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012) quy định về thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, cụ thể như sau:
Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư
1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:
a) Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;
b) Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Không còn thường trú tại Việt Nam;
d) Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;
đ) Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư;
e) Thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng;
g) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;
h) Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
i) Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật;
k) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
...
Như vậy, người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Chứng chỉ hành nghề luật sư khi đã bị thu hồi do không gia nhập Đoàn luật sư có được cấp lại không?
Chứng chỉ hành nghề luật sư khi đã bị thu hồi do không gia nhập Đoàn luật sư có được cấp lại không?
Căn cứ Điều 19 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012) quy định về cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư như sau:
Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư
1. Người đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm a, b, c, e và k khoản 1 Điều 18 của Luật này được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn luật sư quy định tại Luật này và lý do bị thu hồi Chứng chỉ không còn.
2. Người đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 18 của Luật này được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư khi có đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.
3. Người đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm g, h và i khoản 1 Điều 18 của Luật này thì được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư khi có đủ tiêu chuẩn tại Điều 10 của Luật này và thuộc một trong các điều kiện sau đây:
a) Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày có quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;
b) Thời hạn tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư đã hết hoặc đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
c) Đã được xóa án tích trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý thì không được cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.
5. Thủ tục cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật này.
Như vậy, từ quy định trên có thể thấy đối với trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do không gia nhập Đoàn luật sư sẽ được cấp lại chứng chỉ khi có đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Sứ mệnh của một luật sư là gì?
Căn cứ theo Quy tắc 1 tại Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành, có quy định về sứ mệnh của một luật sư như sau:
Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, trong lời nói đầu của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 cũng đã nêu về nghề luật sư như sau:
Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư.
Mỗi luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?