Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024 đúng không? Chỉ số giá tiêu dùng tăng thì lương tối thiểu có tăng không?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là gì?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá cả chung theo thời gian của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân.
Danh mục hàng hoá và dịch vụ đại diện gồm các mặt hàng và dịch vụ chủ yếu, đại diện cho tiêu dùng của dân cư trong một giai đoạn nhất định, được sử dụng để điều tra thu thập giá định kỳ, phục vụ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024 đúng không? Chỉ số giá tiêu tăng thì lương tối thiểu có tăng không? (Hình từ Internet)
Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024 đúng không?
Ngày 10/07/2024 ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Trong đó có nội dung về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024.
Theo Mục I Nghị quyết 108/NQ-CP năm 2024 quy định thì tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nền tảng để phấn đấu hoàn thành và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả năm 2024.
Tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, tăng trưởng GDP tăng 6,93% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng tăng 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (tăng 3,84%), vượt cận trên kịch bản đề ra; trong đó một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng hai con số như: Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,5%), Hà Nam (10,35%), Hải Phòng (10,32%), Trà Vinh (10,27%), Hải Dương (10%).
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, cụ thể chỉ số giá tiêu dùng 06 tháng tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6%; an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ trong khi ban hành nhiều giải pháp chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với quy mô khoảng 160,5 nghìn tỷ đồng; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt trong chỉ tiêu Quốc hội giao.
Vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 7,5% so với cùng kỳ, tính chung 06 tháng tăng 6,8%. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 29,39% kế hoạch được giao. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, như vậy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 13,1% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng tăng 15,7%; xuất siêu 11,63 tỷ USD. Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ; công tác quản lý thị trường vàng, xăng dầu, điện... chuyển biến tích cực.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều tăng trưởng tốt. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng tăng 7,54% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,67%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 54,7 điểm, cao nhất từ năm 2020 đến nay. Nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 06 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi mạnh; 6 tháng đạt 8,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Phát triển doanh nghiệp xu hướng tích cực; tính chung 06 tháng, có gần 120 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Vậy chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tăng. Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng 06 tháng tăng 4,08%.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng thì lương tối thiểu có tăng không?
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo đó chỉ số giá tiêu dùng là một trong những yếu tố tác động đến việc điều chỉnh mức lương tối thiểu của người lao động.
Chỉ số giá tiêu dùng và lương tối thiểu là hai chỉ tiêu thống kê khác nhau phản ánh các khía cạnh khác nhau của phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên giữa hai chỉ tiêu này có quan hệ và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Tăng lương tối thiểu góp phần nâng cao đời sống của nhân dân sẽ làm cho sức mua của dân cư tăng lên sẽ làm cho giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng lên.
Ngược lại, khi giá tiêu dùng tăng, chỉ số giá tiêu dùng ngày càng lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư (khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng với một lượng tiền lưu thông không đổi thì khối lượng hàng hóa tiêu dùng của người dân ít hơn), do đó nhà nước cần có nhiều biện pháp, trong đó có giải pháp tăng lương tối thiểu.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?