Chế tài xử lý khi ép người lao động làm việc tại nơi có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng?
- Người lao động có được từ chối làm việc nếu có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của mình hay không?
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đánh giá môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm như thế nào?
- Chế tài xử lý khi ép người lao động làm việc tại nơi có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng?
Người lao động có được từ chối làm việc nếu có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của mình hay không?
Tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, cụ thể như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Người lao động có các quyền sau đây:
a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
e) Đình công;
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, theo quy định trên, người lao động hoàn toàn có quyền từ chối làm việc nếu nhận thấy có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.
Chế tài xử lý khi ép người lao động làm việc tại nơi có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đánh giá môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm như thế nào?
Quy định tại Điều 18 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 như sau:
Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc
1. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.
2. Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm. Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
3. Đối với yếu tố nguy hiểm thì người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm soát, quản lý đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và ít nhất một lần trong một năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá yếu tố này theo quy định của pháp luật.
4. Ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải:
a) Thông báo công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm;
b) Cung cấp thông tin khi tổ chức công đoàn, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu;
c) Có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
5. Chính phủ quy định chi tiết về việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và điều kiện hoạt động của tổ chức quan trắc môi trường lao động bảo đảm phù hợp với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.
Như vậy, trách nhiệm của người sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc và ít nhất một lần trong một năm.
Chế tài xử lý khi ép người lao động làm việc tại nơi có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng?
Căn cứ khoản 10 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Buộc người lao động phải làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ không đúng quy định của pháp luật;
b) Buộc người lao động không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ không đúng quy định của pháp luật;
c) Buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ chưa được khắc phục không đúng quy định của pháp luật.
...
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định nêu trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Ngoài ra, căn cứ khoản 11 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
11. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc người sử dụng lao động trả cho người lao động khoản bồi dưỡng bằng hiện vật được quy thành tiền theo đúng mức quy định đối với hành vi không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại quy định tại khoản 8 Điều này.
Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu công ty buộc bạn phải làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của bạn không đúng quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Bên cạnh đó công ty còn phải trả cho bạn khoản bồi dưỡng bằng hiện vật được quy thành tiền theo đúng mức quy định đối với hành vi không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Các mẫu hợp đồng lao động 2025 chuẩn nhất cho doanh nghiệp và người lao động phải đảm bảo những nội dung nào?
- Chốt thời điểm cho ý kiến cải cách tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội trong Báo cáo của Chính phủ năm 2025 chưa?
- Trong năm 2025, nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và địa phương đến hết năm 2024 còn dư được sử dụng để làm gì?