Cách tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức được quy định như thế nào?
Viên chức xin thôi việc có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
Căn cứ Điều 45 Luật Viên chức 2010 và khoản 6 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định như sau:
Chế độ thôi việc
1. Viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị buộc thôi việc;
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này.
Như vậy, theo quy định trên, nếu như bạn làm đơn thôi việc và được đơn vị đồng ý thì bạn sẽ được chi trả các khoản trợ cấp thôi việc theo quy định.
Cách tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Cách tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức được quy định như thế nào?
Hiện nay, cách tính trợ cấp thôi việc đối với viên chức thôi việc được quy định tại Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, cụ thể:
(1) Đối với viên chức công tác từ 31/12/2008 trở về trước, mức trợ cấp thôi việc được tính như sau:
- Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ quản lý, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
- Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng.
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.
Vì viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động (Điều 45 Luật Viên chức 2010, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) nên theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của viên chức được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.
(2) Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01/01/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, quy định về trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013:
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở.
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc đối với viên chức được lấy từ đâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc đối với viên chức thôi việc được lấy các nguồn sau đây:
- Đối với đơn sự nghiệp công lập tự bảo đảm về chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm về chi thường xuyên:
Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị, kể cả thời gian trước đó viên chức đã làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị.
- Đối với đơn sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:
Nguồn kinh phí chi trả được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả thời gian trước đó viên chức đã làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị.
Trường hợp nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập không đáp ứng đủ phần kinh phí chi trả cho thời gian viên chức trước đó đã làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị thì ngân sách nhà nước hỗ trợ.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?