Án treo là gì? Người lao động hưởng án treo có được đi khỏi địa phương để làm việc không?

Án treo là loại hình phạt thế nào? Có được đi khỏi địa phương để làm việc đối với người lao động hưởng án treo không?

Án treo là gì?

Theo Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định:

Án treo
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Theo đó án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm. Điều này dựa trên nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần thiết phải bắt họ chấp hành hình phạt tù.

Người được hưởng án treo sẽ phải trải qua một thời gian thử thách từ 1 đến 5 năm, trong thời gian này họ phải tuân thủ các quy định và chịu sự giám sát của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi họ cư trú. Nếu trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo vi phạm các nghĩa vụ hoặc phạm tội mới, họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước đó.

Án treo là gì? Người lao động hưởng án treo có được đi khỏi địa phương để làm việc không?

Án treo là gì? Người lao động hưởng án treo có được đi khỏi địa phương để làm việc không? (Hình từ Internet)

Người lao động hưởng án treo có được đi khỏi địa phương để làm việc không?

Theo Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định:

Giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo
1. Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
2. Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.
3. Việc giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật này.
4. Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.

Theo đó người lao động được hưởng án treo được đi khỏi địa phương nếu có lý do chính đáng và phải xin phép.

Thời gian đi khỏi địa phương mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian đi khỏi địa phương không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

Người được hưởng án treo có nghĩa vụ gì?

Theo Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định thì nghĩa vụ của người được hưởng án treo như sau:

- Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định.

- Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

- Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

- Chấp hành quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019.

- Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

- Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.

Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.

Đi đến trang Tìm kiếm - Án treo
380 lượt xem
Án treo
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Lao động tiền lương
Án treo là gì? Người lao động hưởng án treo có được đi khỏi địa phương để làm việc không?
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào