3 khoản tiền trợ cấp được nhận khi bị cắt giảm nhân sự cuối năm, cụ thể là khoản tiền nào?

3 khoản tiền trợ cấp được nhận khi bị cắt giảm nhân sự cuối năm, cụ thể là khoản tiền nào? Công ty có phải bồi thường khi cắt giảm nhân sự cuối năm hay không? Câu hỏi của chị G.L (Long An)

3 khoản tiền trợ cấp được nhận khi bị cắt giảm nhân sự cuối năm, cụ thể là khoản tiền nào?

Thời gian vừa qua, một số công ty đã có thông báo sẽ cắt giảm lao động vào cuối năm với lý do được đơn vị sử dụng lao động đưa ra là do khủng hoảng kinh tế. Trước tình hình trên, người lao động đã cần nắm được những khoản tiền trợ cấp có thể được nhận để đảm bảo quyền lợi của bản thân.

(1) Tiền trợ cấp mất việc làm

Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động được hưởng trợ cấp mất việc làm khi đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:

- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;

- Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;

- Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.

- Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;

- Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Cứ mỗi năm làm việc, người sử dụng lao động trả cho người lao động một tháng tiền lương nhưng tối thiểu bằng hai tháng tiền lương.

Đối với trường hợp người lao động có thời gian làm việc thường xuyên cho công ty từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 24 tháng, đơn vị có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng hai tháng lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của sáu tháng liền kề theo hợp đồng lao động, trước khi người lao động mất việc làm.

(2) Trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây sẽ được nhận trợ cấp thôi việc:

- Hết hạn hợp đồng lao động;

- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

- Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

- Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

- Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định.

- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định.

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Tuy nhiên, đối với người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu và người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng thì sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

(3) Tiền trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đáp ứng đủ bốn điều kiện.

- Thứ nhất, đã chấm dứt hợp đồng lao động.

- Thứ hai, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

- Thứ ba, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

- Thứ tư, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ một số trường hợp tại khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm 2013.

Người lao động cần lưu ý thời gian nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là trong thời hạn ba tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng ba tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Đối với người lao động thuộc chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định và do doanh nghiệp trả lương thì mức hưởng tối đa không quá năm lần mức lương tối thiểu vùng, theo quy định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

cắt giảm nhân sự cuối năm

3 khoản tiền trợ cấp được nhận khi bị cắt giảm nhân sự cuối năm, cụ thể là những khoản nào? (Hình từ Internet)

Công ty có phải bồi thường khi cắt giảm nhân sự cuối năm hay không?

Có rất nhiều lý do khác nhau đưa doanh nghiệp đến quyết định cắt giảm nhân sự cuối năm, từ đó chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Do đó, nếu cắt giảm nhân sự không đúng quy định, người sử dụng lao động sẽ phải bồi thường cho người lao động.

Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, doanh nghiệp sẽ phải nhận người lao động trở lại làm việc và bồi thường cho người đó.

Tùy vào việc người lao động có đồng ý trở lại làm việc hay không mà khoản bồi thường khi cắt giảm nhân sự trái luật sẽ là khác nhau:

(1) Trường hợp người lao động đồng ý trở lại làm việc:

- Được trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc;

- Được trả thêm ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

(2) Trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc:

- Được trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc;

- Được trả thêm ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Được trả trợ cấp thôi việc.

(3) Trường hợp doanh nghiệp không muốn nhận người lao động trở lại làm việc và được người đó đồng ý:

Người lao động được bồi thường như sau:

- Được trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc;

- Được trả thêm ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Được trả trợ cấp thôi việc.

- Bồi thường ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cắt giảm nhân sự đúng luật thì chỉ có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ quyền lợi theo quy định của pháp luật cho người lao động như thanh toán tiền lương, tiền trợ cấp mất việc làm, tiền phép năm chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết cùng các khoản tiền khác mà các bên đã thỏa thuận.

Thủ tục cắt giảm nhân sự cuối năm được thực hiện như thế nào?

Doanh nghiệp không thể ngay lập tức cắt giảm nhân sự mà phải thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động

- Thời hạn ra thông báo: (Điều 36 Bộ luật Lao động 2019)

Với người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn: Báo trước ít nhất 45 ngày so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng.

Với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 12 đến 36 tháng: Báo trước ít nhất 30 ngày so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng.

Với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng: Báo trước ít nhất 03 ngày làm việc so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng.

- Hình thức thông báo: Ra văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động. (Điều 45 Bộ luật Lao động 2019)

Bước 2: Ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động khi đến hạn và tiến hành thanh lý hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp có trách nhiệm trả tiền lương, trợ cấp mất việc làm, tiền phép năm chưa nghỉ hết và các khoản tiền khác liên quan đến quyền lợi của người lao động. (Điều 47 Bộ luật Lao động 2019)

Ngoài ra còn phải chốt thời gian đóng bảo hiểm và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Điều 48 Bộ luật Lao động 2019)

Như vậy, thủ tục cắt giảm nhân sự cuối năm được thực hiện theo như quy trình nêu trên.

Cắt giảm nhân sự
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Lao động tiền lương
Khi nào công ty được cắt giảm nhân sự? Mẫu thông báo cắt giảm nhân sự mới nhất hiện nay?
Lao động tiền lương
Trước khi cắt giảm nhân sự vì lý do kinh tế thì doanh nghiệp phải làm gì?
Lao động tiền lương
Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ có được cắt giảm nhân sự không?
Lao động tiền lương
Tải mẫu thông báo cắt giảm nhân sự mới nhất năm 2024? Có bắt buộc công ty phải thông báo khi cắt giảm nhân sự hay không?
Lao động tiền lương
Phương án cắt giảm nhân sự bắt buộc phải có nội dung gì?
Lao động tiền lương
Có được cắt giảm nhân sự đối với lao động nữ mang thai hay không?
Lao động tiền lương
Bị cắt giảm nhân sự vì lý do thay đổi cơ cấu tổ chức thì người lao động được thanh toán các quyền lợi trong thời gian bao lâu?
Lao động tiền lương
3 khoản tiền trợ cấp được nhận khi bị cắt giảm nhân sự cuối năm, cụ thể là khoản tiền nào?
Lao động tiền lương
Bị cắt giảm nhân sự vì lý do kinh tế thì người lao động được thanh toán các quyền lợi trong thời gian bao lâu?
Lao động tiền lương
Một số rủi ro khi cắt giảm nhân sự cuối năm mà doanh nghiệp cần lưu ý, cụ thể ra sao?
Đi đến trang Tìm kiếm - Cắt giảm nhân sự
2,789 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào