Năm 2025, người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ tết?
Năm 2025, người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ tết?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về ngày nghỉ lễ tết như sau:
Điều 112. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, năm 2025, người lao động có 11 nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết. Tuy nhiên, gộp cùng các ngày nghỉ liền kề, người lao động có thể được nghỉ 22 ngày lễ tết. Cụ thể:
(1) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
Tết Dương lịch 2025, người lao động được nghỉ 1 ngày thứ Tư (ngày 01/01/2025).
(2) Tết Âm lịch: 05 ngày;
Theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo thực hiện lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 quy định như sau:
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức: Được nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần. Trong đó, cán bộ công chức viên chức, được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 5 ngày, từ thứ Bảy ngày 25/01/2025 Dương lịch đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
- Đối với người lao động: Doanh nghiệp lựa chọn phương án nghỉ tết theo 01 trong 03 lịch như sau:
+ 01 ngày cuối năm Giáp Thìn và 04 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc;
+ 02 ngày cuối năm Giáp Thìn và 03 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc;
+ 03 ngày cuối năm Giáp Thìn và 02 ngày đầu năm Ất Tỵ.
Lưu ý: Thông báo phương án nghỉ tết Âm lịch 2025 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, người lao động có thể được nghỉ 9 ngày liên tục.
(3) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); (4) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
Theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 thì cán bộ, công chức, viên chức được hoán đổi ngày làm việc từ thứ sáu ngày 02/5/2025 sang thứ bảy ngày 26/4/2025.
Như vậy, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30-4 và ngày Quốc tế lao động 1-5 năm 2025 cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục từ thứ Tư ngày 30/4/2025 đến hết Chủ nhật ngày 4/5/2025 (làm bù vào thứ bảy ngày 26-4-2025).
(6) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
Theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ dịp lễ Quốc khánh năm 2025 từ thứ bảy ngày 30/8/2025 đến hết thứ ba ngày 2/9/2025 Dương lịch, bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh và 2 ngày nghỉ hằng tuần.
(7) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch)
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm 2025 rơi vào thứ Hai (7/4/2025 Dương lịch) nên người lao động sẽ được nghỉ liên tục 3 ngày, gồm 1 ngày nghỉ lễ và 2 ngày nghỉ cuối tuần (đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ cố định thứ bảy và Chủ nhật hằng tuần).
Theo đó, năm 2025, người lao động được nghỉ 01 ngày Tết Dương lịch, 09 ngày Tết Âm lịch, 03 ngày dịp Giỗ tổ Hùng Vương, 05 ngày đợt lễ 30-4 và 1-5 và 04 ngày dịp 2-9, tổng cộng 22 ngày nghỉ.
Ngoài ra, lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
Năm 2025, người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ tết? (Hình từ Internet)
Người lao động làm việc vào ngày lễ, tết 2025 được trả lương như thế nào?
Theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, trường hợp người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được hưởng lương, ít nhất 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày.
Trường hợp người lao động làm ban đêm vào ngày lễ, tết thì ngoài việc trả lương làm thêm vào ngày lễ người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết và 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ lễ tết bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
[...]
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
[...]
Tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
[...]
Theo đó, người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ lễ tết sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nghỉ lễ tết có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Năm 2025 lái xe ô tô chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h thì bị trừ điểm bằng lái xe?
- Mẫu phiếu hẹn khám lại trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?
- Có được phép đeo tai nghe khi đang điều khiển xe máy hay không? Phạt nặng nhất là bao nhiêu?
- Lỗi lùi xe ô tô trên đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền từ 1/1/2025?