Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có được đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu?
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
- Điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm những gì?
- Chế độ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
- Năm 2024, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là bao nhiêu?
- Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có được đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có thể nói bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Như vậy, để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.
- Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có được đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu? (Hình từ Internet)
Chế độ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hôi 2014 quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội cụ thể như sau:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
Theo đó, chế độ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:
- Hưởng lương hưu hàng tháng;
- Trợ cấp tử tuất
Năm 2024, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy đinh về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2024 như sau:
Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;
Đồng thời, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có được đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu?
Tại Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;
- Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Ngoài ra, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
Phương thức đóng
Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Đóng hằng tháng;
b) Đóng 03 tháng một lần;
c) Đóng 06 tháng một lần;
d) Đóng 12 tháng một lần;
đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.
Như vậy, người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu trong hai trường hợp sau đây:
- Trường hợp còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo một trong 05 phương thức sau đến khi còn dưới 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu:
+ Đóng hằng tháng;
+ Đóng 03 tháng một lần;
+ Đóng 06 tháng một lần;
+ Đóng 12 tháng một lần;
+ Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
- Trường hợp còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần.
Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP độ tuổi nghỉ hưu năm 2024 đối với nam là 61 tuổi và đối với nữ là 56 tuổi 4 tháng.
Để xác định chính xác tuổi nghỉ hưu đến năm 2028 cần theo dõi lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tử hình là hình phạt gì? Những tội bị tử hình ở Việt Nam hiện nay gồm những tội nào?
- Giỗ tổ 2025 vào ngày nào, thứ mấy? Giỗ tổ 2025 được nghỉ 3 ngày đúng không?
- Ngày 11 tháng 2 năm 2025 là thứ mấy? Ngày 11 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm?
- Ngày giờ nào đẹp nhất để cúng ngày vía Thần Tài 2025?
- Xe tang có được vượt đèn đỏ không? Xe tang vượt đèn đỏ bị xử phạt bao nhiêu theo Nghị định 168?