Hồ sơ chứng minh đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội của cán bộ, công chức
Hồ sơ chứng minh đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội của cán bộ, công chức
Trường hợp cán bộ, công chức tạm trú tại nơi có nhà ở xã hội, họ là đối tượng được mua nhà ở xã hội thì cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì?
Trả lời:
Trước hết, để mua nhà ở xã hội thì cán bộ, công chức phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở 2014 bao gồm:
- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
- Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.
- Phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Về hồ sơ chứng minh đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội của cán bộ, công chức: Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì hồ sơ gồm có:
1. Giấy tờ chứng minh đối tượng
Giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở.
2. Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú
Vì theo thông tin cung cấp, đây là trường hợp mua nhà ở xã hội tại nơi tạm trú nên cần chuẩn bị:
- Bản sao có chứng thực giấy đăng ký tạm trú;
- Hoặc Bản sao có chứng thực hợp đồng lao động và giấy xác nhận (hoặc giấy tờ chứng minh) về việc có đóng BHXH tại nơi đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra, trường hợp mua nhà ở xã hội tại nơi có đăng ký thường trú thì chuẩn bị: Bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể.
3. Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập
Giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên.
Điều kiện để vay vốn mua nhà xã hội đối với vợ chồng mới cưới
Vợ chồng anh hai em mới cưới được 6 tháng vì không muốn ở chung với gia đình bà nội nên có mong muốn năm sau mua nhà xã hội, nhưng vẫn chưa đủ tiền. Cho em hỏi trường hợp vợ chồng anh hai em muốn vay vốn để mua nhà xã hội thì cần những điều kiện gì? Thời hạn trả vay trong bao lâu?
Trả lời:
Theo Khoản 1, 2 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định về vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở như sau:
- Đối tượng được vay vốn là các đối tượng quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở.
Dẫn chiếu Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở 2014 các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Cụ thể:
+ Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
...
+ Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
+ Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Điều kiện được vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội:
+ Có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định;
+ Có đủ hồ sơ chứng minh theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này;
+ Có nguồn thu nhập và có khả năng trả nợ theo cam kết với Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định;
+ Có Giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi tại ngân hàng khác để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;
+ Có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định của Nghị định này và của pháp luật về nhà ở;
+ Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. Ngân hàng cho vay, chủ đầu tư và người vay vốn phải quy định rõ phương thức quản lý, xử lý tài sản bảo đảm trong hợp đồng ba bên.
Tại Khoản 6 Điều 16 Nghị định này quy định thời hạn vay:
Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.
Căn cứ từ những quy định trên, anh chị bạn muốn vay tiền để mua nhà xã hội thì phải thuộc đối tượng người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị hoặc đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp thì mới thuộc đối tượng được vay vốn.
Như vậy, điều kiện để được vay vốn khi có đủ vốn tối thiểu, hồ sơ chứng minh, nguồn thu nhập và có khả năng trả nợ, hợp đồng mua nhà xã hội với chủ đầu tư, giấy đề nghị vay vốn và đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành từ vay vốn.
Chủ đầu tư nhà ở xã hội được góp vốn là nhà ở xã hội vào doanh nghiệp khác không?
Tại Luật Nhà ở năm 2014 chỉ đề cập đến quyền góp vốn bằng nhà ở của tổ chức, cá nhân đã mua nhà ở từ chủ đầu tư. Vậy, Chủ đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội có được quyền góp vốn vào doanh nghiệp khác bằng tài sản là Nhà ở xã hội đã hoàn thiện không?
Trường hợp Nhà ở xã hội đã ký hợp đồng cho thuê (chưa bán, chưa chuyển quyền sở hữu) thì có được sử dụng để làm tài sản góp vốn không? Bên nhận góp vốn vẫn đảm bảo giao dịch nhà ở xã hội được thực hiện với các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 150 Luật Nhà ở 2014 có nội dung quy định như sau:
“Chủ sở hữu nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có quyền góp vốn bằng nhà ở để tham gia hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm kinh doanh tại nhà ở đó. Việc góp vốn bằng nhà ở phải thông qua hợp đồng có các nội dung theo quy định tại Điều 121 của Luật này.
Nhà ở đưa vào góp vốn phải là nhà ở có sẵn và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này”.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Luật Nhà ở 2014 thì:
"Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được lựa chọn hình thức bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở có sẵn."
Như vậy, pháp luật về nhà ở không có quy định về việc chủ sở hữu nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được dùng nhà ở xã hội làm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp khác.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?