Tự đi làm hồ sơ hưởng thai sản có được không? Vợ đủ điều kiện hưởng thai sản, chồng có được hưởng chế độ?
1. Tự đi làm hồ sơ hưởng thai sản có cần quyết định nghỉ việc?
Em tự làm bảo hiểm thai sản khi đã nghỉ việc ở công ty trước khi sinh thì em có cần nộp giấy quyết định thôi việc không ạ? Nay con em sinh được 15 ngày rồi ạ.
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 thì trong trường hợp lao động nữ nghỉ việc trước khi sinh, người lao động tự đi làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản trực tiếp tại cơ quan BHXH.
Tùy từng trường hợp mà hồ sơ sẽ bao gồm các thành phần khác nhau.
- Theo thông tin chị cung cấp thì chúng tôi hiểu rằng trường hợp của chị là trường hợp thông thường (không xảy ra việc con mất hay mẹ mất), chị chỉ cần mang bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
- Trường hợp khi mang thai chị phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
+ Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
- Nếu thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.
Ngoài ra, khi đi làm thủ tục, chị nên mang theo bản sao sổ bảo hiểm xã hội và chứng minh nhân dân để cơ quan bảo hiểm xã hội đối chiếu, có căn cứ giải quyết chế độ thai sản.
Như vậy, khi nghỉ việc trước khi sinh, hồ sơ chị tự đi làm thủ tục hưởng chế độ thai sản không bao gồm quyết định nghỉ việc.
2. Vợ đủ điều kiện hưởng thai sản, chồng có được hưởng chế độ?
Em có trường hợp NLĐ đã xin nghỉ việc trước sinh 2 tháng nhưng vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Công ty đã báo giảm hẳn và chốt sổ, NLĐ sẽ tự đi làm chế độ. Vậy trường hợp này người chồng của chị này có được hưởng chế độ thai sản theo vợ không ạ?
Trả lời:
Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi như sau:
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Như vậy, theo quy định trên thì nếu lao động nữ sinh con và đủ điều kiện hưởng thai sản thì chồng sẽ không nhận thêm trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, người chồng lúc này vẫn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau (Khoản 2 Điều 34)
- 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
3. Sinh con thứ 3 được nghỉ thai sản bao lâu?
Xin giúp tôi vấn đề sau đây, tôi có đóng BHXH và dự sinh vào tháng 7 tới đây, nhưng tôi sinh đứa thứ 3. Không biết là tôi có được nghỉ thai sản không và nếu được thì nghỉ mấy ngày vậy ạ?
Trả lời:
*Sinh con thứ 3 có được nghỉ thai sản không?
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng điều kiện sau:
- Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Người lao động sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Như vậy lao động nữ đáp ứng một trong 2 điều kiện nêu trên thì được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Trường hợp này không phân biệt khi lao động nữ sinh con thứ nhất, thứ hai hay thứ 3,... Do đó, bạn sinh con thứ 3 mà đáp ứng về thời gian tham gia BHXH theo quy định nêu trên thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
*Thời gian nghỉ thai sản khi sinh con thứ 3
Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ khi sinh con như sau: thì bạn được nghỉ hưởng chế độ thai sản khi sinh con thú 3 như sau:
- Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Như vậy bạn sinh con thứ 3 thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Bạn được nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- 08 tính năng bắt buộc của ứng dụng Online Banking từ 1/1/2025?
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?