Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật đất đai 2013 số 45/2013/QH13

Số hiệu: 45/2013/QH13 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 29/11/2013 Ngày hiệu lực: 01/07/2014
Ngày công báo: 31/12/2013 Số công báo: Từ số 1011 đến số 1012
Tình trạng: Hết hiệu lực: 01/08/2024

Tăng thời hạn 30 năm giao đất nông nghiệp

Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai 2013 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2003.

Một trong những điểm nổi bật đó là trong phần quy định giao đất, Luật mới đã không phân chia đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hằng năm.

Theo đó, thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tính chung là 50 năm; trường hợp thuê đất thì thời hạn tối đa không quá 50 năm.

Thời hạn đất được giao cho tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhằm mục đích thương mại, đầu tư… là không quá 50 năm.

Riêng các dự án vốn đầu tư lớn nhưng chậm thu hồi, dự án đầu tư vào địa bàn khó khăn thì thời hạn giao đất không quá 70 năm.

Luật Đất đai số 45/2013/QH13 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2014.

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 45/2013/QH13

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2013

LUẬT

ĐẤT ĐAI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật đất đai,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.

2. Người sử dụng đất.

3. Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.

2. Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

3. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.

4. Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

5. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là bản đồ thể hiện sự phân bố các loại đất tại một thời điểm xác định, được lập theo từng đơn vị hành chính.

6. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là bản đồ được lập tại thời điểm đầu kỳ quy hoạch, thể hiện sự phân bổ các loại đất tại thời điểm cuối kỳ của quy hoạch đó.

7. Nhà nước giao quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước giao đất) là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.

8. Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước cho thuê đất) là việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất thông qua hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất.

9. Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định.

10. Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

11. Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.

12. Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất.

13. Chi phí đầu tư vào đất còn lại bao gồm chi phí san lấp mặt bằng và chi phí khác liên quan trực tiếp có căn cứ chứng minh đã đầu tư vào đất mà đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi được.

14. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển.

15. Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.

16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

17. Thống kê đất đai là việc Nhà nước tổng hợp, đánh giá trên hồ sơ địa chính về hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm thống kê và tình hình biến động đất đai giữa hai lần thống kê.

18. Kiểm kê đất đai là việc Nhà nước tổ chức điều tra, tổng hợp, đánh giá trên hồ sơ địa chính và trên thực địa về hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê và tình hình biến động đất đai giữa hai lần kiểm kê.

19. Giá đất là giá trị của quyền sử dụng đất tính trên một đơn vị diện tích đất.

20. Giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định.

21. Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.

22. Hệ thống thông tin đất đai là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu và quy trình, thủ tục được xây dựng để thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, phân tích, tổng hợp và truy xuất thông tin đất đai.

23. Cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp các dữ liệu đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.

24. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

25. Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

26. Tổ chức sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có chức năng thực hiện các hoạt động dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

27. Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

28. Đất để xây dựng công trình ngầm là phần đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất.

29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

30. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

Điều 4. Sở hữu đất đai

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Điều 5. Người sử dụng đất

Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Điều 6. Nguyên tắc sử dụng đất

1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.

2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.

3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất

1. Người đứng đầu của tổ chức, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với việc sử dụng đất của tổ chức mình.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương.

3. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư.

4. Người đứng đầu cơ sở tôn giáo đối với việc sử dụng đất đã giao cho cơ sở tôn giáo.

5. Chủ hộ gia đình đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình.

6. Cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với việc sử dụng đất của mình.

7. Người có chung quyền sử dụng đất hoặc người đại diện cho nhóm người có chung quyền sử dụng đất đối với việc sử dụng đất đó.

Điều 8. Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý

1. Người đứng đầu của tổ chức chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức được giao quản lý công trình công cộng, gồm công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm;

b) Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư;

c) Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng;

d) Tổ chức được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa có người ở thuộc địa phương.

4. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.

Điều 9. Khuyến khích đầu tư vào đất đai

Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào các việc sau đây:

1. Bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất;

2. Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

3. Phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất.

Điều 10. Phân loại đất

Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:

1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

b) Đất trồng cây lâu năm;

c) Đất rừng sản xuất;

d) Đất rừng phòng hộ;

đ) Đất rừng đặc dụng;

e) Đất nuôi trồng thủy sản;

g) Đất làm muối;

h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;

2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;

đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;

e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;

g) Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

h) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

i) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

k) Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;

3. Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.

Điều 11. Căn cứ để xác định loại đất

Việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau đây:

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

2. Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;

4. Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.

9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.

10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẤT ĐAI

MỤC 1. QUYỀN CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẤT ĐAI

Điều 13. Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai

1. Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.

2. Quyết định mục đích sử dụng đất.

3. Quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất.

4. Quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất.

5. Quyết định giá đất.

6. Quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.

7. Quyết định chính sách tài chính về đất đai.

8. Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Điều 14. Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất

Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Điều 15. Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất

1. Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

2. Nhà nước quy định thời hạn sử dụng đất bằng các hình thức sau đây:

a) Sử dụng đất ổn định lâu dài;

b) Sử dụng đất có thời hạn.

Điều 16. Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất

1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

2. Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Điều 17. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất

Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua các hình thức sau đây:

1. Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất;

2. Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

3. Công nhận quyền sử dụng đất.

Điều 18. Nhà nước quyết định giá đất

1. Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất.

2. Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.

Điều 19. Nhà nước quyết định chính sách tài chính về đất đai

1. Nhà nước quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai.

2. Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

Điều 20. Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Điều 21. Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai

1. Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước.

2. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.

3. Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật này.

MỤC 2. TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẤT ĐAI

Điều 22. Nội dung quản lý nhà nước về đất đai

1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó.

2. Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính.

3. Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất.

4. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

5. Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

6. Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.

7. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

8. Thống kê, kiểm kê đất đai.

9. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

10. Quản lý tài chính về đất đai và giá đất.

11. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

12. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

13. Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.

14. Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai.

15. Quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai.

Điều 23. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.

Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai.

3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này.

Điều 24. Cơ quan quản lý đất đai

1. Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Điều 25. Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn

1. Xã, phường, thị trấn có công chức làm công tác địa chính theo quy định của Luật cán bộ, công chức.

2. Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương.

Điều 26. Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất

1. Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.

2. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

3. Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.

4. Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

5. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 27. Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số

1. Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

2. Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

Điều 28. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai

1. Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai.

2. Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật.

3. Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp.

4. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH VÀ ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ ĐẤT ĐAI

MỤC 1. ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

Điều 29. Địa giới hành chính

1. Chính phủ chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

2. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện việc xác định địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới hành chính trong phạm vi địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý mốc địa giới hành chính trên thực địa tại địa phương; trường hợp mốc địa giới hành chính bị mất, xê dịch hoặc hư hỏng phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

3. Hồ sơ địa giới hành chính bao gồm tài liệu dạng giấy, dạng số thể hiện thông tin về việc thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó.

Hồ sơ địa giới hành chính cấp dưới do Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp xác nhận; hồ sơ địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Nội vụ xác nhận.

Hồ sơ địa giới hành chính cấp nào được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp đó và Ủy ban nhân dân cấp trên, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:

a) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định;

b) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp địa giới hành chính.

Điều 30. Bản đồ hành chính

1. Bản đồ hành chính của địa phương nào thì được lập trên cơ sở bản đồ địa giới hành chính của địa phương đó.

2. Việc lập bản đồ hành chính được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn việc lập bản đồ hành chính các cấp trong phạm vi cả nước và tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hành chính toàn quốc, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

MỤC 2. ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ ĐẤT ĐAI

Điều 31. Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính

1. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

2. Việc chỉnh lý bản đồ địa chính được thực hiện khi có sự thay đổi về hình dạng kích thước diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, chỉnh lý và quản lý bản đồ địa chính trong phạm vi cả nước; điều kiện hành nghề đo đạc địa chính.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc lập, chỉnh lý và quản lý bản đồ địa chính ở địa phương.

Điều 32. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai

1. Điều tra, đánh giá đất đai bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai;

b) Điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất;

c) Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp;

d) Thống kê, kiểm kê đất đai;

đ) Điều tra, thống kê giá đất; theo dõi biến động giá đất;

e) Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất.

2. Điều tra, đánh giá đất đai bao gồm các nội dung sau đây:

a) Lấy mẫu, phân tích, thống kê số liệu quan trắc đất đai;

b) Xây dựng bản đồ về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp, giá đất;

c) Xây dựng báo cáo đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp, giá đất;

d) Xây dựng báo cáo thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, báo cáo về giá đất và biến động giá đất.

Điều 33. Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng theo định kỳ 05 năm một lần và theo chuyên đề;

b) Chỉ đạo việc thực hiện điều tra, đánh giá đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Tổng hợp, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc điều tra, đánh giá đất đai và điều kiện về năng lực của đơn vị thực hiện điều tra, đánh giá đất đai.

Điều 34. Thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

1. Thống kê, kiểm kê đất đai bao gồm thống kê, kiểm kê đất đai theo định kỳ và kiểm kê đất đai theo chuyên đề.

2. Thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Thống kê, kiểm kê đất đai được thực hiện theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn;

b) Việc thống kê đất đai được tiến hành mỗi năm một lần, trừ năm thực hiện kiểm kê đất đai;

c) Việc kiểm kê đất đai được tiến hành 05 năm một lần.

3. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được lập 05 năm một lần gắn với việc kiểm kê đất đai quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Việc kiểm kê đất đai chuyên đề để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Trách nhiệm thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của địa phương;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của địa phương;

c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thống kê, kiểm kê đất quốc phòng, an ninh và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố kết quả thống kê đất đai hàng năm, kết quả kiểm kê đất đai 05 năm của cả nước.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

Chương 4.

QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 35. Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

2. Được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã.

3. Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả.

4. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu.

5. Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

6. Dân chủ và công khai.

7. Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

8. Quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Điều 36. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

2. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

3. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

4. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng.

5. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh.

Điều 37. Kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm.

2. Kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh là 05 năm. Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.

Điều 38. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia

1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia bao gồm:

a) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia; quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;

b) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội;

c) Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia kỳ trước;

d) Nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực;

đ) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

2. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia bao gồm:

a) Định hướng sử dụng đất 10 năm;

b) Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng; trong đó xác định diện tích một số loại đất gồm đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất khu chế xuất, đất khu công nghệ cao, đất khu kinh tế, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất đô thị và đất bãi thải, xử lý chất thải;

c) Xác định diện tích các loại đất quy định tại điểm b khoản này của kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và vùng kinh tế - xã hội;

d) Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và các vùng kinh tế - xã hội;

đ) Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

3. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia bao gồm:

a) Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia;

b) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hàng năm của cả nước;

c) Nhu cầu sử dụng đất 05 năm của các ngành, lĩnh vực;

d) Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia kỳ trước;

đ) Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

4. Nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia bao gồm:

a) Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia kỳ trước;

b) Xác định diện tích các loại đất quy định tại điểm b khoản 2 Điều này trong kỳ kế hoạch sử dụng đất 05 năm;

c) Kế hoạch sử dụng đất 05 năm cho từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và vùng kinh tế - xã hội;

d) Giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

Điều 39. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh

1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:

a) Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia;

b) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế - xã hội, của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;

c) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

d) Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh kỳ trước;

đ) Nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, của cấp tỉnh;

e) Định mức sử dụng đất;

g) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

2. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:

a) Định hướng sử dụng đất 10 năm;

b) Xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh;

c) Xác định các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng;

d) Xác định diện tích các loại đất quy định tại điểm b khoản này đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

đ) Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

e) Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

3. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:

a) Kế hoạch sử dụng đất 05 năm cấp quốc gia; quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

b) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hàng năm của cấp tỉnh;

c) Nhu cầu sử dụng đất 05 năm của các ngành, lĩnh vực, của cấp tỉnh;

d) Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh kỳ trước;

đ) Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

4. Nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:

a) Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh kỳ trước;

b) Xác định diện tích các loại đất quy định tại điểm b khoản 2 Điều này trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

c) Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 57 của Luật này trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

d) Xác định quy mô, địa điểm công trình, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh sử dụng đất vào các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này thực hiện trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh;

đ) Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

e) Giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

Điều 40. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện

1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bao gồm:

a) Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

b) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cấp tỉnh, cấp huyện;

c) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

d) Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện kỳ trước;

đ) Nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, của cấp huyện, của cấp xã;

e) Định mức sử dụng đất;

g) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

2. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bao gồm:

a) Định hướng sử dụng đất 10 năm;

b) Xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã;

c) Xác định các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng đến từng đơn vị hành chính cấp xã;

d) Xác định diện tích các loại đất đã xác định tại điểm b khoản này đến từng đơn vị hành chính cấp xã;

đ) Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; đối với khu vực quy hoạch đất trồng lúa, khu vực quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 57 của Luật này thì thể hiện chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã;

e) Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

3. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện bao gồm:

a) Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

b) Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;

c) Nhu cầu sử dụng đất trong năm kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, của các cấp;

d) Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

4. Nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện bao gồm:

a) Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm trước;

b) Xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện, cấp xã trong năm kế hoạch;

c) Xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất vào mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã.

Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh;

d) Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đối với các loại đất phải xin phép quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 57 của Luật này trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã;

đ) Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện;

g) Giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

5. Đối với quận đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm; trường hợp quy hoạch đô thị của quận không phù hợp với diện tích đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì phải điều chỉnh quy hoạch đô thị cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Điều 41. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh

1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia;

b) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia và quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội;

c) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội;

d) Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh kỳ trước;

đ) Nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, an ninh;

e) Định mức sử dụng đất;

g) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

2. Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Định hướng sử dụng đất quốc phòng, an ninh;

b) Xác định nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, an ninh trong kỳ quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia;

c) Xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh để giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội;

d) Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

3. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Kế hoạch sử dụng đất 05 năm cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh;

b) Nhu cầu sử dụng đất 05 năm quốc phòng, an ninh;

c) Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh kỳ trước;

d) Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

4. Nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh bao gồm:

a) Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh kỳ trước;

b) Xác định khu vực, diện tích đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh trong kỳ kế hoạch 05 năm và cụ thể đến từng năm;

c) Xác định cụ thể vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh bàn giao lại cho địa phương quản lý trong kỳ kế hoạch 05 năm;

d) Giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

Điều 42. Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Chính phủ tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì giúp Chính phủ trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

3. Bộ Quốc phòng tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; Bộ Công an tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 43. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 42 của Luật này có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

2. Hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án công trình thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

c) Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến.

3. Cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

4. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 44. Thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:

a) Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

b) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Cơ quan quản lý đất đai ở trung ương có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

2. Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp có trách nhiệm thẩm định và gửi Thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 42 của Luật này; cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm tiếp thu, giải trình theo nội dung thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

3. Nội dung thẩm định quy hoạch sử dụng đất bao gồm:

a) Cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học của việc lập quy hoạch sử dụng đất;

b) Mức độ phù hợp của phương án quy hoạch sử dụng đất với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia và địa phương; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;

c) Hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường;

d) Tính khả thi của phương án quy hoạch sử dụng đất.

4. Nội dung thẩm định kế hoạch sử dụng đất bao gồm:

a) Mức độ phù hợp của kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch sử dụng đất;

b) Mức độ phù hợp của kế hoạch sử dụng đất với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

c) Tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất.

5. Kinh phí tổ chức thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xác định thành một mục riêng trong kinh phí lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Điều 45. Thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

2. Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật này trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.

Điều 46. Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia; quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội mà sự điều chỉnh đó làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất;

b) Do tác động của thiên tai, chiến tranh làm thay đổi mục đích, cơ cấu, vị trí, diện tích sử dụng đất;

c) Có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của cấp trên trực tiếp làm ảnh hưởng tới quy hoạch sử dụng đất;

d) Có sự điều chỉnh địa giới hành chính của địa phương.

2. Việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất chỉ được thực hiện khi có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất hoặc có sự thay đổi về khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

3. Nội dung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là một phần của quy hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt. Nội dung điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất là một phần của kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt.

Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện theo quy định tại các điều 42, 43, 44 và 48 của Luật này.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp nào thì có thẩm quyền quyết định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp đó.

Điều 47. Tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thuê tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

2. Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Điều 48. Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai.

2. Trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện và công bố công khai nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Thời điểm, thời hạn công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định sau đây:

a) Việc công bố công khai được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;

b) Việc công khai được thực hiện trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Điều 49. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Chính phủ tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trên cơ sở các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội quyết định.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp xã.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

2. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

3. Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Khi kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết thì vẫn được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Điều 50. Báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Trách nhiệm báo cáo hàng năm về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

2. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với năm cuối của kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu phải kèm theo báo cáo tổng hợp việc thực hiện cả kỳ kế hoạch sử dụng đất.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với năm cuối của kỳ quy hoạch sử dụng đất phải kèm theo báo cáo tổng hợp việc thực hiện cả kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối và báo cáo tổng hợp việc thực hiện cả kỳ quy hoạch sử dụng đất.

Điều 51. Giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi Luật này có hiệu lực thi hành

1. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải rà soát, điều tra bổ sung để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy định của Luật này khi lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2016 - 2020).

2. Khi Luật này có hiệu lực thi hành mà quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và danh mục dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải hoàn thành chậm nhất 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Chương 5.

GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 52. Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Điều 53. Giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác

Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng.

Điều 54. Giao đất không thu tiền sử dụng đất

Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này;

2. Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này;

3. Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;

4. Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước;

5. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.

Điều 55. Giao đất có thu tiền sử dụng đất

Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

1. Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở;

2. Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;

4. Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.

Điều 56. Cho thuê đất

1. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sau đây:

a) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

b) Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 129 của Luật này;

c) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

d) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh;

đ) Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê;

e) Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;

g) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc.

2. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm đối với đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối hoặc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

Điều 58. Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư

1. Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:

a) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;

b) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

2. Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.

3. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư;

b) Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư;

c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 59. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;

b) Giao đất đối với cơ sở tôn giáo;

c) Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;

d) Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này;

đ) Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;

b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền.

Điều 60. Xử lý trường hợp giao đất, cho thuê đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành

1. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật này đã được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn sử dụng đất còn lại mà không phải chuyển sang thuê đất. Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn thì phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật này.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật này đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải chuyển sang thuê đất kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và nộp tiền thuê đất.

3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật này đã nhận chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại mà không phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật này.

4. Tổ chức kinh tế thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật này mà đã nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn còn lại của dự án mà không phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật này.

5. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại hoặc chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này nếu có nhu cầu.

Chương 6.

THU HỒI ĐẤT, TRƯNG DỤNG ĐẤT, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ

MỤC 1. THU HỒI ĐẤT, TRƯNG DỤNG ĐẤT

Điều 61. Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh

Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh trong các trường hợp sau đây:

1. Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc;

2. Xây dựng căn cứ quân sự;

3. Xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh;

4. Xây dựng ga, cảng quân sự;

5. Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;

6. Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;

7. Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí;

8. Xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân;

9. Xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;

10. Xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Điều 62. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:

1. Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;

2. Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:

a) Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

b) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia;

c) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;

3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:

a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;

b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;

c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.

Điều 63. Căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải dựa trên các căn cứ sau đây:

1. Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này;

2. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

3. Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.

Điều 64. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai

1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:

a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;

đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;

e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;

h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

2. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 65. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người

1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm:

a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;

b) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;

c) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;

d) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;

đ) Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;

e) Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.

2. Việc thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều này phải dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người để thừa kế đã chết đó đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

d) Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

đ) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người đối với trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 66. Thẩm quyền thu hồi đất

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

b) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

3. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.

Điều 67. Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

1. Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

2. Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.

3. Người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

4. Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai, người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất.

Điều 68. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý đất đã thu hồi

1. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

2. Đất đã thu hồi được giao để quản lý, sử dụng theo quy định sau đây:

a) Đất đã thu hồi theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này thì giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư hoặc giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý;

b) Đất đã thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này thì giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất.

Trường hợp đất đã thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này là đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Quỹ đất này được giao, cho thuê đối với hộ gia đình, cá nhân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 69. Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.

Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;

c) Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

d) Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật này.

2. Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:

a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền;

b) Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

3. Việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;

b) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

c) Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt;

d) Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.

Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này.

4. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng.

Điều 70. Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc

1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc:

a) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;

b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

2. Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định kiểm đếm bắt buộc sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;

b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đã có hiệu lực thi hành;

d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.

4. Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc được quy định như sau:

a) Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế;

b) Trường hợp người bị cưỡng chế chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành và thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế.

Điều 71. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất

1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật này.

2. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;

b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;

d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.

4. Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất:

a) Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế;

b) Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế;

c) Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; thực hiện phương án tái định cư trước khi thực hiện cưỡng chế; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất;

b) Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán;

c) Lực lượng Công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;

d) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất;

đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu;

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 72. Trưng dụng đất

1. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

2. Quyết định trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản; trường hợp khẩn cấp không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền được quyết định trưng dụng đất bằng lời nói nhưng phải viết giấy xác nhận việc quyết định trưng dụng đất ngay tại thời điểm trưng dụng. Quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm ban hành.

Chậm nhất là 48 giờ, kể từ thời điểm quyết định trưng dụng đất bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng đất bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng đất và gửi cho người có đất trưng dụng.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất. Người có thẩm quyền trưng dụng đất không được phân cấp thẩm quyền cho người khác.

4. Thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày kể từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành. Trường hợp trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì thời hạn trưng dụng được tính từ ngày ra quyết định đến không quá 30 ngày kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Trường hợp hết thời hạn trưng dụng đất mà mục đích của việc trưng dụng chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng không quá 30 ngày. Quyết định gia hạn trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và gửi cho người có đất trưng dụng trước khi kết thúc thời hạn trưng dụng.

5. Người có đất trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng dụng. Trường hợp quyết định trưng dụng đất đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà người có đất trưng dụng không chấp hành thì người quyết định trưng dụng đất ra quyết định cưỡng chế thi hành và tổ chức cưỡng chế thi hành hoặc giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng tổ chức cưỡng chế thi hành.

6. Người có thẩm quyền trưng dụng đất có trách nhiệm giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đất trưng dụng đúng mục đích, hiệu quả; hoàn trả đất khi hết thời hạn trưng dụng; bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra.

7. Việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra thực hiện theo quy định sau đây:

a) Người có đất trưng dụng được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại; trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra;

b) Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;

c) Trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng.

Mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định mức bồi thường.

đ) Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả đất.

8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 73. Sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh

1. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

MỤC 2. BỒI THƯỜNG VỀ ĐẤT, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ

Điều 74. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất

1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.

2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

3. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Điều 75. Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

2. Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

4. Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

6. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

Điều 76. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

1. Các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:

a) Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này;

b) Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;

c) Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng;

d) Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;

đ) Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 77. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định sau đây:

a) Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 129, Điều 130 của Luật này và diện tích đất do được nhận thừa kế;

b) Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại;

c) Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này.

Điều 78. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo

1. Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường về đất; mức bồi thường về đất được xác định theo thời hạn sử dụng đất còn lại.

2. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại nếu chi phí này không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Trường hợp đất nông nghiệp không phải là đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên của tổ chức kinh tế đã giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất thì hộ gia đình, cá nhân nhận khoán không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

3. Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ.

Điều 79. Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường như sau:

a) Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền;

b) Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.

2. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.

3. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường về đất.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 80. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo thời hạn sử dụng đất còn lại đối với đất sử dụng có thời hạn.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 81. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

1. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, đất nghĩa trang, nghĩa địa, khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo thời hạn sử dụng đất còn lại.

2. Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất để làm nghĩa trang, nghĩa địa quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; doanh nghiệp liên doanh sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất quy định tại Điều 184 của Luật này, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ.

3. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất phi nông nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, khi Nhà nước thu hồi đất nếu đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường về đất theo thời hạn sử dụng đất còn lại.

4. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất phi nông nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

5. Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất phi nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ.

Điều 82. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất

Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây:

1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này;

2. Đất được Nhà nước giao để quản lý;

3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này;

4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này.

Điều 83. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

1. Nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:

a) Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật này còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ;

b) Việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.

2. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:

a) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;

b) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;

c) Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;

d) Hỗ trợ khác.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 84. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất

1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

2. Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ mà nguồn thu nhập chính là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh; trường hợp người có đất thu hồi còn trong độ tuổi lao động thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

3. Căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi.

Điều 85. Lập và thực hiện dự án tái định cư

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.

2. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.

3. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Điều 86. Bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở

1. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho người có đất ở thu hồi thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư.

Nội dung thông báo gồm địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà tái định cư; dự kiến bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi.

2. Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng.

Phương án bố trí tái định cư đã được phê duyệt phải được công bố công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư.

3. Giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

4. Trường hợp người có đất thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu.

Chính phủ quy định cụ thể suất tái định cư tối thiểu cho phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và địa phương.

Điều 87. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt

1. Đối với dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng, các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

2. Đối với dự án sử dụng vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài mà Nhà nước Việt Nam có cam kết về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện theo khung chính sách đó.

3. Đối với trường hợp thu hồi quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 65 của Luật này thì người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để ổn định đời sống, sản xuất theo quy định của Chính phủ.

MỤC 3. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN, VỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH

Điều 88. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất

1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.

2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.

Điều 89. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất

1. Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.

2. Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của Chính phủ.

3. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 90. Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi

1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

b) Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;

c) Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;

d) Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường;

b) Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Điều 91. Bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất

1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường tại khoản 1 Điều này.

Điều 92. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất

1. Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i khoản 1 Điều 64 điểm b, d khoản 1 Điều 65 của Luật này.

2. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng.

Điều 93. Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

2. Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.

3. Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước.

4. Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách nhà nước.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 94. Bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn

Khi Nhà nước xây dựng công trình công cộng, quốc phòng, an ninh có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ.

Chương 7.

ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

MỤC 1. ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI, NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

Điều 95. Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

2. Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

3. Đăng ký lần đầu được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;

b) Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;

c) Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;

d) Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.

4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:

a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;

d) Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;

đ) Chuyển mục đích sử dụng đất;

e) Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;

g) Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

h) Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;

i) Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;

k) Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;

l) Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;

m) Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.

5. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã kê khai đăng ký được ghi vào Sổ địa chính, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu và có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp đăng ký biến động đất đai thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Trường hợp đăng ký lần đầu mà không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ.

6. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều này thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

7. Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.

Điều 96. Hồ sơ địa chính

1. Hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu dạng giấy hoặc dạng số thể hiện thông tin chi tiết về từng thửa đất, người được giao quản lý đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, các quyền và thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính và việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính; lộ trình chuyển đổi hồ sơ địa chính dạng giấy sang hồ sơ địa chính dạng số.

MỤC 2. CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

Điều 97. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này.

Điều 98. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất. Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.

2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

3. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất không thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được miễn, được ghi nợ nghĩa vụ tài chính và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp.

4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.

5. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.

Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này.

Điều 99. Trường hợp sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:

a) Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật này;

b) Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

c) Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;

d) Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;

đ) Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;

e) Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

g) Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;

h) Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

i) Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;

k) Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

3. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 102. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất

1. Tổ chức đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích đất sử dụng đúng mục đích.

2. Phần diện tích đất mà tổ chức đang sử dụng nhưng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được giải quyết như sau:

a) Nhà nước thu hồi phần diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, cho mượn, cho thuê trái pháp luật, diện tích đất để bị lấn, bị chiếm;

b) Tổ chức phải bàn giao phần diện tích đã sử dụng làm đất ở cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để quản lý; trường hợp đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì người sử dụng đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp doanh nghiệp nhà nước sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đã được Nhà nước giao đất mà doanh nghiệp đó cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng một phần quỹ đất làm đất ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì phải lập phương án bố trí lại diện tích đất ở thành khu dân cư trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất phê duyệt trước khi bàn giao cho địa phương quản lý.

3. Đối với tổ chức đang sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất quy định tại Điều 56 của Luật này thì cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

4. Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được Nhà nước cho phép hoạt động;

b) Không có tranh chấp;

c) Không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01 tháng 7 năm 2004.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 103. Xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao

1. Đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở.

2. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó.

Trường hợp trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất được xác định bằng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 143 và khoản 4 Điều 144 của Luật này.

3. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật này mà trong giấy tờ đó ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó.

4. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật này mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện, tập quán tại địa phương quy định hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình phù hợp với tập quán ở địa phương theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình;

b) Trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở tại địa phương thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận đất ở tại địa phương;

c) Trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở tại địa phương thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất.

5. Đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật này mà đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì diện tích đất ở được xác định theo mức quy định tại khoản 4 Điều này; trường hợp đất đã sử dụng ổn định kể từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì diện tích đất ở được xác định theo mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 143 và khoản 4 Điều 144 của Luật này.

6. Phần diện tích đất vườn, ao còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 của Điều này thì được xác định sử dụng vào mục đích hiện trạng đang sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 104. Cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất

1. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với tài sản gắn liền với đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 105. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

3. Đối với những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 106. Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:

a) Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó;

b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.

2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;

b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;

c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

3. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.

Chương 8.

TÀI CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI, GIÁ ĐẤT VÀ ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

MỤC 1. TÀI CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI

Điều 107. Các khoản thu tài chính từ đất đai

1. Các khoản thu tài chính từ đất đai bao gồm:

a) Tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất;

b) Tiền thuê đất khi được Nhà nước cho thuê;

c) Thuế sử dụng đất;

d) Thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất;

đ) Tiền thu từ việc xử phạt vi phạm pháp luật về đất đai;

e) Tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai;

g) Phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

2. Chính phủ quy định chi tiết việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền xử phạt vi phạm pháp luật về đất đai, tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.

Điều 108. Căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

1. Căn cứ tính tiền sử dụng đất:

a) Diện tích đất được giao, được chuyển mục đích sử dụng, được công nhận quyền sử dụng đất;

b) Mục đích sử dụng đất;

c) Giá đất theo quy định tại Điều 114 của Luật này; trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất là giá trúng đấu giá.

2. Căn cứ tính tiền cho thuê đất:

a) Diện tích đất cho thuê;

b) Thời hạn cho thuê đất;

c) Đơn giá thuê đất; trường hợp đấu giá quyền thuê đất thì giá đất thuê là đơn giá trúng đấu giá;

d) Hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

3. Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Điều 109. Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất

1. Khi chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 57 của Luật này thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định sau đây:

a) Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thời gian thuê bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất;

b) Nộp tiền thuê đất hàng năm theo loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất.

2. Khi được gia hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất thuộc đối tượng phải trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với thời gian được gia hạn.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 110. Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

1. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại;

b) Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo; hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; đất ở cho người phải di dời khi Nhà nước thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;

c) Sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số;

d) Sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập;

đ) Đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; đất xây dựng cơ sở, công trình cung cấp dịch vụ hàng không;

e) Sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đối với hợp tác xã nông nghiệp;

g) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 111. Quỹ phát triển đất

1. Quỹ phát triển đất của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác của địa phương để ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất được phân bổ từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

MỤC 2. GIÁ ĐẤT

Điều 112. Nguyên tắc, phương pháp định giá đất

1. Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá;

b) Theo thời hạn sử dụng đất;

c) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất;

d) Cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.

2. Chính phủ quy định phương pháp định giá đất.

Điều 113. Khung giá đất

Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.

Điều 114. Bảng giá đất và giá đất cụ thể

1. Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.

Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.

Trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất ít nhất 60 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự thảo bảng giá đất đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất xem xét, trường hợp có chênh lệch lớn về giá đất giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:

a) Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân;

b) Tính thuế sử dụng đất;

c) Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai;

d) Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

đ) Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai;

e) Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.

Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.

4. Giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:

a) Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;

b) Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất;

c) Tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;

d) Tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm;

đ) Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 115. Tư vấn xác định giá đất

1. Tư vấn xác định giá đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Khi xây dựng, điều chỉnh khung giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu;

b) Khi giải quyết khiếu nại về giá đất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên có liên quan;

c) Khi thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến giá đất cụ thể mà các bên có yêu cầu.

2. Điều kiện hoạt động của tư vấn xác định giá đất, hành nghề tư vấn xác định giá đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Việc xác định giá đất của tư vấn xác định giá đất phải độc lập, khách quan, trung thực và tuân theo nguyên tắc, phương pháp định giá đất quy định tại Điều 112 của Luật này.

4. Giá đất do tư vấn xác định là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định giá đất.

Điều 116. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất

1. Quyền của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất:

a) Thực hiện tư vấn xác định giá đất theo quy định của Luật này, Luật giá và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Yêu cầu bên thuê tư vấn cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc tư vấn xác định giá đất; được nhận tiền dịch vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Đơn phương chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng tư vấn xác định giá đất khi bên thuê tư vấn vi phạm điều kiện do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật;

d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất:

a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả tư vấn giá đất;

b) Thực hiện thỏa thuận theo hợp đồng tư vấn xác định giá đất với bên thuê tư vấn;

c) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức, kết quả hoạt động tư vấn xác định giá đất định kỳ hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất;

d) Thực hiện nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan theo quy định của pháp luật;

đ) Đăng ký danh sách định giá viên và việc thay đổi, bổ sung danh sách định giá viên với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức tư vấn xác định giá đất đặt trụ sở chính;

e) Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về kết quả tư vấn xác định giá đất;

g) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

MỤC 3. ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 117. Nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng đất

1. Đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

2. Việc đấu giá quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản.

Điều 118. Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất

1. Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:

a) Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua;

b) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê;

c) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng;

d) Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

đ) Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

e) Giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước;

g) Giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân;

h) Giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

2. Các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm:

a) Giao đất không thu tiền sử dụng đất;

b) Sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 110 của Luật này;

c) Sử dụng đất quy định tại các điểm b, g khoản 1 và khoản 2 Điều 56 của Luật này;

d) Sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản;

đ) Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ;

e) Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền;

g) Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;

h) Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;

i) Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.

Điều 119. Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất

1. Điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất:

a) Đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước;

c) Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này;

b) Phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 58 của Luật này đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

Chương 9.

HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐẤT ĐAI VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐẤT ĐAI

Điều 120. Hệ thống thông tin đất đai

1. Hệ thống thông tin đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam.

2. Hệ thống thông tin đất đai gồm các thành phần cơ bản sau đây:

a) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai;

b) Hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng;

c) Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Điều 121. Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia

1. Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được xây dựng thống nhất trong phạm vi cả nước.

2. Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia gồm các thành phần:

a) Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;

b) Cơ sở dữ liệu địa chính;

c) Cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai;

d) Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

đ) Cơ sở dữ liệu giá đất;

e) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai;

g) Cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai;

h) Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.

3. Nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 122. Quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai

1. Thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thì có giá trị pháp lý như trong hồ sơ dạng giấy.

2. Cơ sở dữ liệu đất đai là tài sản của Nhà nước phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; nghiêm cấm mọi hành vi truy cập trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai.

3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu về thông tin, dữ liệu đất đai được khai thác, sử dụng qua cổng thông tin đất đai ở trung ương, địa phương và phải nộp phí; khi thực hiện khai thác thông tin, dữ liệu đất đai phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Điều 123. Dịch vụ công điện tử trong lĩnh vực đất đai

1. Các dịch vụ công điện tử được thực hiện gồm đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; thực hiện các giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất; cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai.

2. Cơ quan quản lý đất đai có trách nhiệm thực hiện các dịch vụ công quy định tại khoản 1 Điều này; cung cấp các dịch vụ thuận tiện, đơn giản, an toàn cho tổ chức và cá nhân trên môi trường mạng.

Điều 124. Trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin đất đai

1. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai; bảo đảm kinh phí vận hành, duy trì hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; thực hiện dịch vụ công điện tử trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Chính phủ.

3. Bộ, ngành, cơ quan có liên quan có trách nhiệm cung cấp kết quả điều tra cơ bản và các dữ liệu, thông tin có liên quan đến đất đai cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, hệ thống thông tin đất đai.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương; cung cấp dữ liệu đất đai cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai, điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn về xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai.

Chương 10.

CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG CÁC LOẠI ĐẤT

MỤC 1. THỜI HẠN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 125. Đất sử dụng ổn định lâu dài

Người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong các trường hợp sau đây:

1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng;

2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này;

3. Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê;

5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính quy định tại khoản 2 Điều 147 của Luật này;

6. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

7. Đất cơ sở tôn giáo quy định tại Điều 159 của Luật này;

8. Đất tín ngưỡng;

9. Đất giao thông, thủy lợi, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất xây dựng các công trình công cộng khác không có mục đích kinh doanh;

10. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;

11. Đất tổ chức kinh tế sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 127 và khoản 2 Điều 128 của Luật này.

Điều 126. Đất sử dụng có thời hạn

1. Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 129 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này.

2. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.

3. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.

Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.

Đối với dự án kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc để cho thuê mua thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản này.

4. Thời hạn cho thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao không quá 99 năm. Khi hết thời hạn, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao nếu có nhu cầu sử dụng đất thì được Nhà nước xem xét gia hạn hoặc cho thuê đất khác, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn quy định tại khoản này.

5. Thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 05 năm.

6. Đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính quy định tại khoản 2 Điều 147 của Luật này và các công trình công cộng có mục đích kinh doanh là không quá 70 năm.

Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản này.

7. Đối với thửa đất sử dụng cho nhiều mục đích thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sử dụng vào mục đích chính.

8. Thời hạn giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều này được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 127. Thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất

1. Thời hạn sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:

a) Trường hợp chuyển đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang sử dụng vào mục đích khác thì thời hạn được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

b) Trường hợp chuyển đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài;

c) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng giữa các loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó theo thời hạn đã được giao, cho thuê.

Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng;

d) Trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

đ) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài sang đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn hoặc từ đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn sang đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài.

2. Thời hạn sử dụng đất đối với tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư không thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao khi chuyển mục đích sử dụng đất được xác định theo dự án đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật này.

3. Tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng từ đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài sang đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn hoặc từ đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn sang đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài thì tổ chức kinh tế được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Điều 128. Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất

1. Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất có quy định thời hạn là thời gian sử dụng đất còn lại của thời hạn sử dụng đất trước khi nhận chuyển quyền sử dụng đất.

2. Người nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất được sử dụng ổn định lâu dài thì được sử dụng đất ổn định lâu dài.

MỤC 2. ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Điều 129. Hạn mức giao đất nông nghiệp

1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:

a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;

b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

3. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất:

a) Đất rừng phòng hộ;

b) Đất rừng sản xuất.

4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.

5. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

6. Hạn mức giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng cho mỗi hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

7. Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân.

Cơ quan quản lý đất đai nơi đã giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hộ gia đình, cá nhân đó đăng ký hộ khẩu thường trú để tính hạn mức giao đất nông nghiệp.

8. Diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều này.

Điều 130. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 129 của Luật này.

2. Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ.

Điều 131. Đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng

1. Đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân sử dụng gồm đất nông nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do thuê quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác; do nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2. Việc sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân được quy định như sau:

a) Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này;

b) Đối với những địa phương chưa thực hiện việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất lập phương án giao đất và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất;

c) Đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân các cấp đã hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân thương lượng điều chỉnh đất cho nhau trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 và đang sử dụng ổn định thì được tiếp tục sử dụng.

3. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng được quy định như sau:

a) Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để bảo tồn bản sắc dân tộc gắn với phong tục, tập quán của các dân tộc;

b) Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ đất được giao, được sử dụng đất kết hợp với mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác.

Điều 132. Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích

1. Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

Đối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.

2. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào các mục đích sau đây:

a) Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng quy định tại điểm a khoản này;

c) Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

3. Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm.

Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

4. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 133. Đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng

1. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được Nhà nước xem xét cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

2. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thì phải rà soát hiện trạng sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất. Nội dung phương án sử dụng đất phải xác định rõ diện tích, ranh giới sử dụng, diện tích từng loại đất được giữ lại sử dụng, thời hạn sử dụng đất, diện tích đất bàn giao cho địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất theo phương án sử dụng đất được phê duyệt; thu hồi diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, giao khoán, cho thuê, cho mượn trái pháp luật, bị lấn, bị chiếm để tạo quỹ đất giao, cho thuê đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Việc giao đất, cho thuê đất phải ưu tiên hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương.

3. Tổ chức kinh tế đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải chuyển sang thuê đất.

Điều 134. Đất trồng lúa

1. Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

2. Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.

Điều 135. Đất rừng sản xuất

1. Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

2. Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định sau đây:

a) Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định tại điểm b khoản 3 Điều 129 của Luật này để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất;

b) Cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;

c) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.

3. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.

4. Đất rừng sản xuất tập trung ở những nơi xa khu dân cư không thể giao trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thì được Nhà nước giao cho tổ chức để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Điều 136. Đất rừng phòng hộ

1. Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất rừng phòng hộ cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đó để bảo vệ, phát triển rừng; Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đó sử dụng.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.

5. Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng thì được giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng; có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 137. Đất rừng đặc dụng

1. Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán ngắn hạn đất rừng đặc dụng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cho hộ gia đình, cá nhân chưa có điều kiện chuyển ra khỏi khu vực đó để bảo vệ rừng.

3. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán đất rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống ổn định tại khu vực đó để bảo vệ và phát triển rừng.

4. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất vùng đệm của rừng đặc dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về lâm nghiệp hoặc kết hợp quốc phòng, an ninh theo quy hoạch phát triển rừng của vùng đệm và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.

Điều 138. Đất làm muối

1. Đất làm muối được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức giao đất tại địa phương để sản xuất muối. Trường hợp sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất.

Đất làm muối được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư sản xuất muối.

2. Những vùng đất làm muối có năng suất, chất lượng cao phải được bảo vệ và ưu tiên cho việc sản xuất muối.

3. Nhà nước khuyến khích việc sử dụng những vùng đất có khả năng làm muối để sản xuất muối phục vụ cho nhu cầu công nghiệp và đời sống.

Điều 139. Đất có mặt nước nội địa

1. Ao, hồ, đầm được Nhà nước giao theo hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.

Ao, hồ, đầm được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp.

2. Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều xã, phường, thị trấn thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc sử dụng do Chính phủ quy định.

Điều 140. Đất có mặt nước ven biển

1. Đất có mặt nước ven biển được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, phi nông nghiệp.

2. Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển theo quy định sau đây:

a) Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Bảo vệ đất, làm tăng sự bồi tụ đất ven biển;

c) Bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và cảnh quan;

d) Không cản trở việc bảo vệ an ninh quốc gia và giao thông trên biển.

Điều 141. Đất bãi bồi ven sông, ven biển

1. Đất bãi bồi ven sông, ven biển bao gồm đất bãi bồi ven sông, đất cù lao trên sông, đất bãi bồi ven biển và đất cù lao trên biển.

2. Đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc địa phận xã, phường, thị trấn nào thì do Ủy ban nhân dân cấp xã đó quản lý.

Đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý và bảo vệ.

3. Đất bãi bồi ven sông, ven biển được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, phi nông nghiệp.

4. Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn giao đất còn lại. Khi hết thời hạn giao đất, nếu có nhu cầu sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và không vi phạm pháp luật về đất đai thì Nhà nước xem xét cho thuê đất.

5. Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 142. Đất sử dụng cho kinh tế trang trại

1. Nhà nước khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

2. Đất sử dụng cho kinh tế trang trại gồm đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối quy định tại Điều 129 của Luật này; đất do Nhà nước cho thuê; đất do thuê, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho; đất do nhận khoán của tổ chức; đất do hộ gia đình, cá nhân góp.

3. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo quy định của pháp luật.

4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm kinh tế trang trại phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không có tranh chấp thì được tiếp tục sử dụng theo quy định sau đây:

a) Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này thì được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này;

b) Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối khi hết thời hạn được giao thì phải chuyển sang thuê đất;

c) Trường hợp sử dụng đất do được Nhà nước cho thuê, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, được tặng cho, nhận khoán của tổ chức; do hộ gia đình, cá nhân góp vốn thì được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này.

5. Nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất.

MỤC 3. ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP

Điều 143. Đất ở tại nông thôn

1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.

3. Việc phân bổ đất ở tại nông thôn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đồng bộ với quy hoạch các công trình công cộng, công trình sự nghiệp bảo đảm thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân, vệ sinh môi trường và theo hướng hiện đại hóa nông thôn.

4. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho những người sống ở nông thôn có chỗ ở trên cơ sở tận dụng đất trong những khu dân cư sẵn có, hạn chế việc mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp.

Điều 144. Đất ở tại đô thị

1. Đất ở tại đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đất ở tại đô thị phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị hiện đại.

3. Nhà nước có quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại đô thị, có chính sách tạo điều kiện để những người sống ở đô thị có chỗ ở.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.

5. Việc chuyển đất ở sang đất xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định về trật tự, an toàn, bảo vệ môi trường đô thị.

Điều 145. Đất xây dựng khu chung cư

1. Đất xây dựng khu chung cư bao gồm đất để xây dựng nhà chung cư, xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp cho đời sống của những hộ gia đình trong nhà chung cư và các công trình phục vụ cộng đồng theo quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc quy hoạch đất xây dựng khu chung cư phải bảo đảm đồng bộ với quy hoạch các công trình công cộng, bảo vệ môi trường.

3. Chính phủ quy định chi tiết chế độ sử dụng đất xây dựng khu chung cư.

Điều 146. Đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn

1. Đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị gồm đất chỉnh trang khu vực nội thành, nội thị hiện có; đất được quy hoạch để mở rộng đô thị hoặc phát triển đô thị mới.

Đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn gồm đất chỉnh trang trong khu dân cư hiện có, đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất được quy hoạch để mở rộng khu dân cư nông thôn.

2. Việc sử dụng đất để chỉnh trang, phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc lập và giao cho tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án theo quy định của pháp luật để chỉnh trang hoặc xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới. Đất cho các dự án này phải được phân bổ đồng bộ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho toàn khu vực, bao gồm đất sử dụng để xây dựng kết cấu hạ tầng, đất ở, đất xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Khi thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn, Nhà nước chủ động thu hồi đất, bao gồm đất để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và đất vùng phụ cận theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

4. Cộng đồng dân cư xây dựng, chỉnh trang các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước hỗ trợ thì việc tự nguyện góp quyền sử dụng đất, bồi thường hoặc hỗ trợ do cộng đồng dân cư và người sử dụng đất đó thỏa thuận.

Điều 147. Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

1. Đất xây dựng trụ sở cơ quan gồm đất trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

2. Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác.

3. Việc sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao, được thuê và phải sử dụng đất đúng mục đích.

Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác.

5. Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường.

Điều 148. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh

1. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh bao gồm đất sử dụng vào các mục đích quy định tại Điều 61 của Luật này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước đối với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thuộc địa bàn quản lý hành chính của địa phương.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không đúng mục đích để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

3. Đối với những khu vực nằm trong quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh nhưng chưa có nhu cầu sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thì người đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đến khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng không được làm biến dạng địa hình tự nhiên.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 149. Đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề

1. Việc sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

2. Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất. Đối với phần diện tích thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì người được Nhà nước cho thuê đất có quyền cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm; đối với phần diện tích thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì người được Nhà nước cho thuê đất có quyền cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm.

Nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.

3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất được thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức kinh tế khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng và có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Trường hợp thuê lại đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 của Luật này;

b) Trường hợp thuê lại đất trả tiền thuê đất hàng năm thì có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 175 của Luật này.

4. Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất phải sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này.

5. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất đã được Nhà nước giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức kinh tế khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn còn lại của dự án mà không phải chuyển sang thuê đất. Khi hết thời hạn thực hiện dự án nếu có nhu cầu được Nhà nước xem xét cho thuê đất theo quy định của Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 150. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao

1. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các loại đất có chế độ sử dụng khác nhau phục vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Khi quy hoạch, thành lập khu công nghệ cao phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng nằm ngoài khu công nghệ cao để phục vụ đời sống chuyên gia, người lao động làm việc trong khu công nghệ cao.

2. Ban quản lý khu công nghệ cao được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất khu công nghệ cao. Ban quản lý khu công nghệ cao được cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất trong khu công nghệ cao theo quy định của Luật này.

3. Ban quản lý khu công nghệ cao lập quy hoạch chi tiết xây dựng của khu công nghệ cao và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất phê duyệt.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất cho Ban quản lý khu công nghệ cao để tổ chức xây dựng, phát triển khu công nghệ cao theo quy hoạch đã được phê duyệt.

4. Người sử dụng đất được Ban quản lý khu công nghệ cao cho thuê đất trong khu công nghệ cao có các quyền và nghĩa vụ như được Nhà nước cho thuê đất theo quy định của Luật này.

5. Doanh nghiệp phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp phát triển hạ tầng được Ban quản lý khu công nghệ cao cho thuê đất; người có nhu cầu sử dụng đất trong khu công nghệ cao được thuê lại đất của doanh nghiệp phát triển khu công nghệ cao, doanh nghiệp phát triển hạ tầng.

6. Người sử dụng đất trong khu công nghệ cao phải sử dụng đất đúng mục đích đã được ghi trong hợp đồng thuê đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này.

Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghệ cao thì người nhận chuyển nhượng phải tiếp tục sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định.

7. Nhà nước khuyến khích tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghệ cao và khuyến khích tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất vào mục đích phát triển khoa học và công nghệ.

8. Việc xác định giá cho thuê đất và tính thu tiền thuê đất trong khu công nghệ cao thực hiện theo quy định của Luật này.

Điều 151. Đất sử dụng cho khu kinh tế

1. Đất sử dụng cho khu kinh tế bao gồm đất để xây dựng khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đất sử dụng cho khu kinh tế là diện tích đất sử dụng cho các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, khu bảo thuế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác phù hợp với đặc điểm của từng khu kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Việc xây dựng, mở mới các khu kinh tế phải phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống các khu kinh tế trong cả nước.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất cho Ban quản lý khu kinh tế để tổ chức xây dựng khu kinh tế theo kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt trong quy hoạch chi tiết xây dựng của khu kinh tế.

3. Ban quản lý khu kinh tế có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi để giao cho mình trước khi giao lại đất, cho thuê đất. Ban quản lý khu kinh tế được giao lại đất có thu tiền sử dụng đất, giao lại đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người có nhu cầu sử dụng đất trong các khu chức năng của khu kinh tế theo quy định tại các Điều 54, 55 và 56 của Luật này.

Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế là không quá 70 năm.

4. Người sử dụng đất trong khu kinh tế được đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, kết cấu hạ tầng, được sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ và có các quyền, nghĩa vụ như sau:

a) Trường hợp được Ban quản lý khu kinh tế giao lại đất trong khu kinh tế thì có các quyền và nghĩa vụ như được Nhà nước giao đất theo quy định của Luật này;

b) Trường hợp được Ban quản lý khu kinh tế cho thuê đất trong khu kinh tế thì có các quyền và nghĩa vụ như được Nhà nước cho thuê đất theo quy định của Luật này.

5. Nhà nước khuyến khích đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế và khuyến khích sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế.

6. Chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong khu kinh tế được áp dụng đối với từng loại đất theo quy định của Luật này.

7. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế đã được Nhà nước giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn còn lại của dự án, không phải chuyển sang thuê đất. Khi hết thời hạn thực hiện dự án, nếu có nhu cầu được Ban quản lý khu kinh tế xem xét cho thuê đất theo quy định của Luật này.

8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 152. Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản

1. Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và khu vực các công trình phụ trợ cho hoạt động khoáng sản và hành lang an toàn trong hoạt động khoáng sản.

2. Đất để thăm dò, khai thác khoáng sản được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép thực hiện dự án thăm dò, khai thác khoáng sản.

Đất để làm mặt bằng chế biến khoáng sản thuộc loại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp có chế độ sử dụng đất như đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp quy định tại Điều 153 của Luật này.

3. Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản phải tuân theo các quy định sau đây:

a) Có giấy phép hoạt động khoáng sản và quyết định cho thuê đất để thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc quyết định cho thuê đất để làm mặt bằng chế biến khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ;

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và các biện pháp khác để không gây thiệt hại cho người sử dụng đất trong khu vực và xung quanh;

c) Sử dụng đất phù hợp với tiến độ thăm dò, khai thác khoáng sản; người sử dụng đất có trách nhiệm trả lại đất đúng với tiến độ thăm dò, khai thác khoáng sản và trạng thái lớp đất mặt được quy định trong hợp đồng thuê đất;

d) Trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp đất mặt hoặc không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất thì không phải thuê đất mặt.

Điều 153. Đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

1. Đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, thương mại, dịch vụ.

Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp bao gồm đất để xây dựng các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.

2. Việc sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường.

3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; thuê đất, thuê lại đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khác; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này còn được nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất để làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; thuê đất, thuê lại đất của tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 154. Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm

1. Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm bao gồm đất, đất có mặt nước để khai thác nguyên liệu và đất làm mặt bằng để chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

Việc sử dụng đất để khai thác nguyên liệu cho sản xuất gạch ngói, làm đồ gốm phải tận dụng các loại đất đồi, gò không canh tác, đất bãi hoang, đất lòng sông hoặc ao, hồ cần khơi sâu, đất ven sông ngòi không sản xuất nông nghiệp, đất đê bối không còn sử dụng, đất do cải tạo đồng ruộng.

2. Đất, đất có mặt nước để khai thác nguyên liệu được Nhà nước cho thuê đối với hộ gia đình, cá nhân được phép khai thác nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đối với tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép thực hiện dự án đầu tư khai thác nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

Đất để làm mặt bằng sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm thuộc loại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp có chế độ sử dụng đất như đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp quy định tại Điều 153 của Luật này.

3. Việc sử dụng đất để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm phải tuân theo các quy định sau đây:

a) Có quyết định cho thuê đất vào mục đích khai thác nguyên liệu, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Thực hiện các biện pháp cần thiết để không gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống và ảnh hưởng xấu đến môi trường, dòng chảy, giao thông;

c) Người sử dụng đất có trách nhiệm trả lại đất đúng với tiến độ khai thác nguyên liệu và trạng thái mặt đất được quy định trong hợp đồng thuê đất.

4. Nghiêm cấm sử dụng những loại đất sau đây để khai thác làm nguyên liệu cho sản xuất gạch ngói, làm đồ gốm:

a) Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bảo vệ;

b) Đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình.

5. Trong quá trình sử dụng đất để khai thác nguyên liệu cho sản xuất gạch ngói, làm đồ gốm, người sử dụng đất phải áp dụng các biện pháp công nghệ thích hợp để khai thác, sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm; phải thực hiện các biện pháp cần thiết để không gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống của những người sử dụng đất xung quanh và không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Điều 155. Đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao và dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao

1. Việc sử dụng đất vào mục đích công cộng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó phân định rõ các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh và các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh.

Đối với đất thuộc khu chức năng không có mục đích kinh doanh thì Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 54 của Luật này; có mục đích kinh doanh thì Nhà nước cho thuê đất theo quy định tại Điều 56 của Luật này.

3. Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT); giao đất hoặc cho thuê đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 156. Đất cảng hàng không, sân bay dân dụng

1. Đất phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay bao gồm:

a) Đất xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động thường xuyên tại cảng hàng không, sân bay;

b) Đất xây dựng các hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay gồm đất để xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, cơ sở bảo đảm hoạt động bay, bảo đảm an ninh hàng không, khẩn nguy sân bay, hàng rào, đường công vụ, đường giao thông nội cảng và các công trình, khu phụ trợ khác của sân bay;

c) Đất xây dựng cơ sở, công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay;

d) Đất xây dựng công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ phi hàng không.

2. Cảng vụ hàng không được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay được cấp cho Cảng vụ hàng không.

3. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng phê duyệt, Cảng vụ hàng không giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định sau đây:

a) Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

b) Cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với đất quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này. Việc tính tiền thuê đất và thu tiền thuê đất được thực hiện theo quy định của Luật này.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Sử dụng đất đúng mục đích; không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

b) Được dùng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê để thế chấp tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; được bán, cho thuê tài sản, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 157. Đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn

1. Đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn bao gồm đất xây dựng các hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống dẫn điện, dẫn xăng dầu, dẫn khí, thông tin liên lạc và đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình này.

2. Việc sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải bảo đảm kết hợp khai thác cả phần trên không và trong lòng đất, bố trí kết hợp các loại công trình trên cùng một khu đất nhằm tiết kiệm đất và phải tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan về bảo vệ an toàn công trình.

3. Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình.

Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình, chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình; trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý.

5. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình; công bố công khai mốc giới sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình; kịp thời xử lý những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ an toàn công trình.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 158. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

1. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt theo quy định sau đây:

a) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đó chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

b) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý diện tích đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

c) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

2. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì việc chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.

Điều 159. Đất cơ sở tôn giáo

1. Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.

Điều 160. Đất tín ngưỡng

1. Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.

2. Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 161. Đất xây dựng công trình ngầm

1. Việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm phải phù hợp với quy hoạch xây dựng công trình ngầm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm theo quy định của Chính phủ.

Điều 162. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa

1. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức đất và chế độ quản lý việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa bảo đảm tiết kiệm và có chính sách khuyến khích việc an táng không sử dụng đất.

3. Nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nghĩa địa trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 163. Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng

1. Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu đã xác định, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng được quản lý và sử dụng theo quy định sau đây:

a) Nhà nước giao cho tổ chức để quản lý kết hợp sử dụng, khai thác đất có mặt nước chuyên dùng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng và khai thác thủy sản;

b) Nhà nước cho thuê đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để nuôi trồng thủy sản;

c) Nhà nước cho thuê đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối thu tiền thuê đất hàng năm đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản.

2. Việc khai thác, sử dụng đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chủ yếu đã được xác định; phải tuân theo quy định về kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực có liên quan và các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường; không làm cản trở dòng chảy tự nhiên; không gây cản trở giao thông đường thủy.

MỤC 4. ĐẤT CHƯA SỬ DỤNG

Điều 164. Quản lý đất chưa sử dụng

1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương và đăng ký vào hồ sơ địa chính.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa có người ở.

3. Việc quản lý đất chưa sử dụng được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 165. Đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân các cấp có kế hoạch đầu tư, khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đối với diện tích đất được quy hoạch sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì ưu tiên giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Chương 11.

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất

1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:

a) Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này;

b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.

3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 168. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.

2. Thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê sau khi có Giấy chứng nhận và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 194 của Luật này.

Điều 169. Nhận quyền sử dụng đất

1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:

a) Hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thông qua chuyển đổi quyền sử dụng đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 179 của Luật này;

b) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại Điều 191 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ;

c) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 và điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 191 của Luật này;

d) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế quyền sử dụng đất;

đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;

e) Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp liên doanh nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

g) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;

h) Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước cho thuê đất;

i) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang được sử dụng ổn định;

k) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với hộ gia đình hoặc nhóm người có quyền sử dụng đất chung;

l) Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành;

m) Tổ chức là pháp nhân mới được hình thành thông qua việc chia tách hoặc sáp nhập theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc văn bản về việc chia tách hoặc sáp nhập tổ chức kinh tế phù hợp với pháp luật được nhận quyền sử dụng đất từ các tổ chức là pháp nhân bị chia tách hoặc sáp nhập.

2. Hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phụ thuộc vào nơi cư trú, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 191 và Điều 192 của Luật này.

Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất

1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.

5. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

6. Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.

7. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.

Điều 171. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề

1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

2. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này.

Điều 172. Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất

1. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

2. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và phải xác định lại giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật này.

MỤC 2. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 173. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất

1. Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.

2. Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Điều 174. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê

1. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.

2. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê ngoài quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này còn có các quyền sau đây:

a) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất;

b) Cho thuê quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

c) Tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; tặng cho nhà tình nghĩa gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;

d) Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

đ) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà tiền thuê đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; việc thực hiện các quyền phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà tiền thuê đất đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 173 của Luật này.

4. Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở mà được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai như trường hợp không được miễn hoặc không được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

b) Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư vì mục đích lợi nhuận không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai như trường hợp không được miễn hoặc không được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với loại đất có mục đích sử dụng tương ứng;

c) Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư vì mục đích lợi nhuận không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai như trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với loại đất có mục đích sử dụng tương ứng.

Điều 175. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm

1. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

c) Bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 189 của Luật này; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;

d) Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;

đ) Cho thuê lại quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm đối với đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

2. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất thì có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 176. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất

1. Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.

2. Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc do được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc Nhà nước cho thuê đất trả trước tiền một lần cho cả thời gian thuê mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 174 của Luật này.

3. Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Trường hợp nhận chuyển nhượng và không chuyển mục đích sử dụng đất thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 174 của Luật này;

b) Trường hợp nhận chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất mà thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 174 của Luật này;

c) Trường hợp nhận chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất mà thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 175 của Luật này.

4. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không thu tiền sử dụng đất sang đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được quy định như sau:

a) Trường hợp tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 174 của Luật này;

b) Trường hợp tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 175 của Luật này.

Điều 177. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế khi giải thể, phá sản

1. Tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế khác thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 của Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Đất của tổ chức kinh tế góp vốn có nguồn gốc do được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

b) Đất của hộ gia đình, cá nhân góp vốn mà không phải là đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm.

2. Quyền sử dụng đất của hợp tác xã khi giải thể, phá sản thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, do mua tài sản gắn liền với đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền mua tài sản gắn liền với đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì Nhà nước thu hồi đất đó;

b) Đối với đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, do mua tài sản gắn liền với đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền mua tài sản gắn liền với đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; đất do thành viên góp quyền sử dụng vào hợp tác xã thì Nhà nước không thu hồi đất, quyền sử dụng đất đó là của hợp tác xã và được xử lý theo điều lệ của hợp tác xã, nghị quyết của đại hội thành viên.

3. Quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế là doanh nghiệp khi giải thể, phá sản được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 178. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được thuê đất để xây dựng công trình ngầm

Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng công trình ngầm thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì có quyền và nghĩa vụ như tổ chức kinh tế quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 174 của Luật này;

2. Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì có quyền và nghĩa vụ như tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 175 của Luật này.

MỤC 3. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN, CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 179. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác;

c) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

d) Cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thuê quyền sử dụng đất;

đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó;

e) Tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này; tặng cho quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này;

g) Thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;

h) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh;

i) Trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì có quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ.

2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;

c) Để thừa kế, tặng cho tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người nhận thừa kế, người được tặng cho tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;

d) Cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê theo quy định của pháp luật về dân sự;

đ) Thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;

e) Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê trong thời hạn thuê đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định.

3. Hộ gia đình, cá nhân thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Trường hợp thuê đất, thuê lại đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trường hợp thuê đất, thuê lại đất trả tiền thuê đất hàng năm thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ như trường hợp không được miễn, không được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

5. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 180. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất

1. Hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.

2. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không thu tiền sử dụng đất sang đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất được quy định như sau:

a) Trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 179 của Luật này;

b) Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 179 của Luật này.

Điều 181. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất

1. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.

2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

MỤC 4. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI, TỔ CHỨC NƯỜC NGOÀI CÓ CHỨC NĂNG NGOẠI GIAO, DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 182. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao

1. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Xây dựng các công trình trên đất theo giấy phép của cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền;

c) Sở hữu công trình do mình xây dựng trên đất thuê trong thời hạn thuê đất.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao có quyền và nghĩa vụ theo điều ước quốc tế đó.

Điều 183. Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu tiền sử dụng đất có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 174 của Luật này.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê, người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước cho thuê đất theo đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn còn lại;

c) Bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 189 của Luật này;

d) Cho thuê nhà ở trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở.

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn sử dụng đất;

c) Cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn sử dụng đất;

d) Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam trong thời hạn sử dụng đất;

đ) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh trong thời hạn sử dụng đất.

4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sử dụng đất được hình thành do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hình thành do nhận chuyển nhượng cổ phần là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này tương ứng với hình thức nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

b) Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hình thành do nhận chuyển nhượng cổ phần là doanh nghiệp mà bên Việt Nam chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền và nghĩa vụ như tổ chức kinh tế quy định tại Điều 174 và Điều 175 của Luật này.

5. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 174 của Luật này.

Điều 184. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp liên doanh sử dụng đất do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được chuyển đổi từ doanh nghiệp liên doanh

1. Doanh nghiệp liên doanh giữa tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài với tổ chức kinh tế mà tổ chức kinh tế góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp liên doanh có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 của Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Đất của tổ chức kinh tế góp vốn do được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;

b) Đất của tổ chức kinh tế góp vốn do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phải là đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm mà tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

2. Doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất như ngân sách nhà nước cấp cho doanh nghiệp, không phải ghi nhận nợ và không phải hoàn trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai để góp vốn liên doanh với tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì doanh nghiệp liên doanh có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 174 của Luật này. Giá trị quyền sử dụng đất là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp liên doanh.

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tư cách là tổ chức kinh tế trong nước vào liên doanh với tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì doanh nghiệp liên doanh có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 của Luật này.

4. Doanh nghiệp liên doanh mà bên Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất nay chuyển thành doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 183 của Luật này đối với trường hợp quyền sử dụng đất do nhận góp vốn trước đó không thuộc trường hợp được sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư nhà ở để bán và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này;

b) Quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 183 của Luật này đối với trường hợp quyền sử dụng đất do nhận góp vốn trước đó không thuộc trường hợp được sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư nhà ở để bán và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này;

c) Quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 183 của Luật này đối với trường hợp quyền sử dụng đất do nhận góp vốn trước đó được sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư nhà ở để bán và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được Nhà nước giao đất theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này.

Điều 185. Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và có quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Điều 174 của Luật này.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Trường hợp trả tiền thuê đất, thuê lại đất một lần cho cả thời gian thuê, thuê lại thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 của Luật này;

b) Trường hợp trả tiền thuê đất, thuê lại đất hàng năm thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 175 của Luật này.

Điều 186. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;

c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

d) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.

3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

4. Trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam còn những người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế quyền sử dụng đất cho từng người nhận thừa kế thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.

Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phần thừa kế được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Người nhận thừa kế trong các trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều này được ủy quyền bằng văn bản cho người trông nom hoặc tạm sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 187. Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất để xây dựng công trình ngầm

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng công trình ngầm được Nhà nước cho thuê đất có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 183 của Luật này;

2. Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 183 của Luật này.

MỤC 5. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CÁC QUYỀN CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Điều 189. Điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm

1. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bán tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;

b) Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận.

2. Người mua tài sản gắn liền với đất thuê phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư;

b) Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dự án đầu tư;

c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó.

3. Người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án.

4. Đối với trường hợp thuê đất để thực hiện dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng thì thực hiện theo quy định tại Điều 194 của Luật này.

Điều 190. Điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.

Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Điều 192. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.

2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.

3. Hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất theo quy định của Chính phủ.

Điều 193. Điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp

Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án;

2. Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

3. Đối với đất chuyên trồng lúa nước thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 134 của Luật này.

Điều 194. Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê

1. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định của Chính phủ về điều kiện loại đô thị để cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai;

b) Đối với các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận. Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện dự án đầu tư đúng theo tiến độ đã được phê duyệt.

2. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật này;

b) Dự án phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương 12.

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI

Điều 195. Các thủ tục hành chính về đất đai

1. Các thủ tục hành chính về đất đai bao gồm:

a) Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

b) Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

c) Thủ tục cấp đổi, cấp lại, đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng;

d) Thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất;

đ) Thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất;

e) Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính;

g) Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 196. Công khai thủ tục hành chính về đất đai

1. Nội dung công khai thủ tục hành chính về đất đai bao gồm:

a) Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả;

b) Thời gian giải quyết đối với mỗi thủ tục hành chính;

c) Thành phần hồ sơ đối với từng thủ tục hành chính;

d) Quy trình và trách nhiệm giải quyết từng loại thủ tục hành chính;

đ) Nghĩa vụ tài chính, phí và lệ phí phải nộp đối với từng thủ tục hành chính.

2. Việc công khai về các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện bằng hình thức niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; đăng trên trang thông tin điện tử cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 197. Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

1. Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm thống nhất giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác có liên quan.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương; quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở địa phương để giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và các thủ tục hành chính khác có liên quan.

3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính về đất đai phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

4. Người sử dụng đất và người khác có liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục hành chính về đất đai và các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Chương 13.

GIÁM SÁT, THANH TRA, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI

MỤC 1. GIÁM SÁT, THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

Điều 198. Giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận về việc quản lý và sử dụng đất đai

1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến phápLuật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 199. Giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai

1. Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.

2. Việc giám sát và phản ánh phải bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật; không được lợi dụng quyền giám sát để khiếu nại, tố cáo không đúng quy định của pháp luật, làm mất trật tự xã hội; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác các thông tin do mình phản ánh.

3. Nội dung giám sát của công dân trong quản lý và sử dụng đất đai:

a) Việc lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

b) Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

c) Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

d) Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

đ) Việc thu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế liên quan đến đất đai; định giá đất;

e) Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

4. Hình thức giám sát của công dân trong quản lý và sử dụng đất đai:

a) Trực tiếp thực hiện quyền giám sát thông qua việc phản ánh, gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết;

b) Gửi đơn kiến nghị đến các tổ chức đại diện được pháp luật công nhận để các tổ chức này thực hiện việc giám sát.

5. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân và tổ chức đại diện cho người dân:

a) Kiểm tra, xử lý, trả lời bằng văn bản theo thẩm quyền;

b) Chuyển đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết trong trường hợp không thuộc thẩm quyền;

c) Thông báo kết quả cho tổ chức, cá nhân đã phản ánh.

Điều 200. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai

1. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai được sử dụng để đánh giá việc thi hành pháp luật về đất đai, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, sự tác động của chính sách, pháp luật về đất đai đến kinh tế - xã hội và môi trường trên phạm vi cả nước và các địa phương.

2. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai được xây dựng dựa trên hệ thống thông tin đất đai và việc thu thập các thông tin khác từ quá trình thi hành pháp luật về đất đai trên phạm vi cả nước bao gồm:

a) Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giá đất và thuế đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; việc chấp hành pháp luật về đất đai; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về đất đai của các cơ quan hành chính;

b) Thông tin về giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về đất đai;

c) Thông tin từ quá trình giám sát việc thực thi pháp luật về đất đai của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; các tổ chức khác có liên quan và người dân;

d) Những thông tin cần thiết phải thu nhận bằng các giải pháp công nghệ gồm chụp ảnh mặt đất từ vệ tinh, máy bay và các phương tiện bay khác; điều tra thực địa và các phương tiện kỹ thuật khác;

đ) Những thông tin cần thiết từ dữ liệu điều tra xã hội học về quản lý và sử dụng đất đai được thực hiện từ các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát khác nhau và thực hiện điều tra xã hội học bổ sung khi cần thiết.

3. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm quản lý hệ thống theo dõi và đánh giá; tổ chức thực hiện đánh giá việc thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tác động của chính sách, pháp luật về đất đai đến kinh tế - xã hội và môi trường trên phạm vi cả nước và các địa phương; kết quả đánh giá được gửi định kỳ đến Chính phủ, Quốc hội.

4. Cơ quan nhà nước lưu giữ thông tin quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cho cơ quan quản lý hệ thống theo dõi và đánh giá. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm cập nhật các thông tin trong hệ thống theo dõi, đánh giá vào hệ thống thông tin đất đai.

5. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai được công khai để các tổ chức, cá nhân tìm hiểu thông tin theo quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết về việc xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai.

MỤC 2. THANH TRA, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI

Điều 201. Thanh tra chuyên ngành đất đai

1. Thanh tra chuyên ngành đất đai là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quản lý thuộc lĩnh vực đất đai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành đất đai trong cả nước.

Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành đất đai tại địa phương.

2. Nội dung thanh tra chuyên ngành đất đai bao gồm:

a) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp;

b) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân khác có liên quan;

c) Thanh tra việc chấp hành các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực đất đai.

3. Thanh tra chuyên ngành đất đai có các nhiệm vụ sau đây:

a) Thanh tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người sử dụng đất trong việc quản lý và sử dụng đất đai;

b) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

4. Quyền và nghĩa vụ của trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành đất đai, quy trình tiến hành thanh tra chuyên ngành đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Điều 204. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai

1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Điều 205. Giải quyết tố cáo về đất đai

1. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.

2. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Điều 206. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.

Điều 207. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;

c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 208. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Điều 209. Tiếp nhận và xử lý trách nhiệm của thủ trưởng, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và công chức địa chính cấp xã trong việc vi phạm trình tự thực hiện các thủ tục hành chính

1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp, công chức địa chính xã, phường, thị trấn vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn đối với việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, làm thủ tục thực hiện quyền của người sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận thì có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền theo quy định sau đây:

a) Đối với vi phạm của công chức địa chính xã, phường, thị trấn thì gửi kiến nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Đối với những vi phạm của công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai cấp nào thì gửi kiến nghị đến thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai cấp đó;

c) Đối với vi phạm của thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai thì gửi kiến nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.

2. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo cho người có kiến nghị biết.

Chương 14.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 210. Điều khoản chuyển tiếp

1. Người được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã trả tiền còn lại ít nhất là 05 năm thì tổ chức kinh tế có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 của Luật này; hộ gia đình, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 179 của Luật này.

2. Trường hợp nhà đầu tư được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp khu chế xuất mà đã cho thuê lại đất có kết cấu hạ tầng theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải nộp tiền cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ; người thuê lại đất có quyền và nghĩa vụ như được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê sau khi chủ đầu tư đã nộp đủ tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước.

3. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, khi hết thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này. Thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày 15 tháng 10 năm 2013 đối với trường hợp hết hạn vào ngày 15 tháng 10 năm 2013 theo quy định của Luật đất đai năm 2003; tính từ ngày hết thời hạn giao đất đối với trường hợp hết hạn sau ngày 15 tháng 10 năm 2013.

4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì thời hạn sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận tính từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

5. Đối với đất được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo dự án, đất có nguồn gốc trúng đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 của các tổ chức kinh tế sử dụng mà không xác định thời hạn sử dụng đất thì thời hạn sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

6. Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Luật này.

7. Đối với trường hợp được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà người sử dụng đất chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ.

8. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng diện tích đất nông nghiệp được giao vượt hạn mức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật này.

9. Chính phủ quy định việc xử lý đối với một số trường hợp cụ thể đang sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai và các trường hợp đã bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 211. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.

Luật đất đai số 13/2003/QH11 và Nghị quyết số 49/2013/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội về kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

2. Bãi bỏ Điều 57 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11; Điều 2 của Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ởĐiều 121 của Luật đất đai; Điều 4 của Luật số 38/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Điều 264 của Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12; các quy định về trưng dụng đất trong Luật trưng mua, trưng dụng tài sản số 15/2008/QH12.

Điều 212. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 45/2013/QH13

Hanoi, November 29, 2013

LAND LAW

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Land Law.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Law prescribes the land ownership, powers and responsibilities of the State in representing the entire-people ownership of land and uniformly managing land, the land management and use regimes, and the rights and obligations of land users over the land in the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 2. Subjects of application

1. State agencies that exercise the powers and perform the responsibilities of the representative of the entire-people ownership of land, and perform the tasks of uniform state management of land.

2. Land users.

3. Other subjects involved in land management and use.

Article 3. Interpretation of terms

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. Land parcel means a land area delimited by boundaries determined in the field or described in records.

2. Land use master plan means the distribution and zoning of land by use space to serve the objectives of socio-economic development, national defense, security, environmental protection and climate change adaptation based on the land potential and land use demands of all sectors and fields, for each socio-economic region or administrative unit in a given period of time.

3. Land use plan means the division of a land use master plan according to periods of time for implementation during the period of the land use master plan.

4. Cadastral map is a map that shows the land parcels and related geographic elements, and is made according to administrative units of communes, wards or townships, and certified by a competent state agency.

5. Current land use map is a map that demonstrates the distribution of various types of land at a specified time, and is made for every administrative unit.

6. Land use master plan map is a map made at the beginning of a planning period, which demonstrates the distribution of various types of land at the end of that planning period.

7. The State allocates land use rights (below referred to as the State allocates land) means that the State issues decisions on land allocation to grant land use rights to subjects having land use demand.

8. The State leases land use rights (below referred to as the State leases land) means that the State decides to grant land use rights to subjects having land use demand under contracts on land use rights lease.

9. The State recognizes land use rights means that the State grants land use rights to a person that is using stably the land not allocated or leased by the State, through the grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for the first time, for a certain land parcel.

10. Transfer of land use rights means the transfer of land use rights from one person to another by ways of exchange, transfer, inheritance or donation of land use rights, or contribution of land use rights as capital.

11. The State expropriates land means the State decides to recover land use rights from a person that is granted land use rights by the State, or from a land user that violates the land law.

12. Land compensation means the State returns the value of land use rights for the expropriated land area to land users.

13. Remaining land investment costs include costs for ground fill-up and leveling and other directly related costs that can be proved to have been invested in the land and have not been retrieved by the time the State recovers the land.

14. Support upon land expropriation by the State means the State provides assistance to those whose land is expropriated, in order to stabilize their livelihood, production and development.

15. Registration of land, houses and other land-attached assets means the declaration and acknowledgement of the legal status of land use rights, ownership of houses and land-attached assets, and the right to manage a certain land parcel, in the cadastral records.

16. Certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets is a legal certificate in which the State certifies the lawful land use rights and ownership of houses and land-attached assets of the person who has land use rights and ownership of houses and land-attached assets.

17. Land statistics means that the State, based on the cadastral records, summarizes and reviews the land use status at the time of making statistics, and the land-related changes between two points of time of making statistics.

18. Land inventory means that the State, based on the cadastral records and field findings, investigates, summarizes and reviews the land use status at the time of conducting inventory, and the land-related changes between the two points of time of conducting inventory.

19. Land price means the value of land use rights calculated per unit of land area.

20. Value of land use rights means the monetary value of land use rights over a specified land area during a specified land use term.

21. Land use levy means an amount of money that a land user shall pay to the State when being allocated land with land use levy by the State, permitted to change the land use purpose, or having land use rights recognized by the State.

22. Land information system means the system consisting of information technology technical infrastructure, software, data and processes and procedures which are developed to collect, store, update, process, analyze, synthesize and track land information.

23. Land database means a collection of land data that are arranged and organized to serve the access to, use, management and update of, information by electronic devices.

24. Land dispute means a dispute over the rights and obligations of land users among two or more parties in a land relationship.

25. Land destruction means acts that deform the land, reduce land quality, pollute the land, negate or reduce the usability of the land according to a determined purpose.

26. Public non-business unit means an organization established by a competent state agency or by a political organization or a socio-political organization, to provide public services in accordance with law.

27. Economic organization means an enterprise, a cooperative or another economic organization as prescribed by the civil law, excluding foreign-invested enterprises.

28. Land for construction of underground facilities means a land area used for construction of underground facilities that are not parts of works constructed on the ground.

29. Land-using household means those who share a marital, family or foster relationship as prescribed by the marriage and family law, are living together and have joint land use rights at the time of being allocated land or leased land, or having land use rights recognized by the State; or acquiring land use rights.

30. Household or individual directly engaged in agricultural production means a household or an individual that has been allocated agricultural land, leased agricultural land, or having agricultural land use rights recognized by the State; or has acquired agricultural land use rights, and generates stable income from agricultural production on that land.

Article 4. Land ownership

Land belongs to the entire people with the State acting as the owner’s representative and uniformly managing land. The State shall grant land use rights to land users in accordance with this Law.

Article 5. Land users

Land users may be allocated land or leased land, have land use rights recognized by the State, or acquire land use rights in accordance with this Law, including:

1. Domestic organizations, including state agencies, people’s armed forces units, political organizations, socio-political organizations, economic organizations, socio-politico-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations, public non-business organizations, and other organizations as prescribed by the civil law (below referred collectively to as organizations).

2. Domestic households or individuals (below referred collectively to as households or individuals).

3. Communities, including Vietnamese communities residing in the same village, street quarter or similar residential area sharing the same customs and practices or the same family line.

4. Religious institutions, including pagodas, churches, oratories, chancels, monasteries, abbeys, religious schools, head offices of religious organizations, and other religious institutions.

5. Foreign organizations with diplomatic functions, including diplomatic representative missions, consulates, other foreign representative agencies with diplomatic functions recognized by the Vietnamese Government, representative missions of organizations of the United Nations, inter-governmental agencies or organizations, and representative missions of inter-governmental organizations.

6. Overseas Vietnamese as prescribed by the nationality law.

7. Foreign-invested enterprises, including 100% foreign-invested enterprises, joint-venture enterprises, Vietnamese enterprises in which foreign investors purchase shares, merge or acquire in accordance with investment law.

Article 6. Land use principles

1. Compliance with land use master plans and plans, and use for proper purposes.

2. Economy, effectiveness, environmental protection, and causing no harm to the legitimate interests of adjacent land users.

3. Land users may exercise their rights and perform their obligations within the land use term in accordance with this Law and other relevant laws.

Article 7. Persons taking responsibility before the State for land use

1. The head of an organization, a foreign organization with diplomatic functions, or a foreign- invested enterprise, is responsible for the land use by his/her organization.

2. The chairperson of the People’s Committee of a commune, ward or township is responsible for the use of agricultural land for public purposes; the use of non-agricultural land which is allocated to the People’s Committee of the commune, ward or township (below referred to as commune-level People’s Committee) for the purpose of construction of the People’s Committee offices, public facilities used for culture, education, health, physical training and sports, entertainment, recreation, markets, cemeteries, graveyards and other public facilities in the locality.

3. The representative of a community who is the head of a village or street quarter, or the person appointed by a community, is responsible for the use of the allocated or recognized land of the community.

4. The head of a religious institution is responsible for the use of land allocated to the religious institution.

5. The head of a household is responsible for the land use by the household.

6. Individuals and overseas Vietnamese are responsible for the use of their own land.

7. The person who shares, or represents a group sharing, land use rights, is responsible for the use of that land.

Article 8. Persons taking responsibility before the State for the management of allocated land

1. The head of an organization is responsible for land management in the following cases:

a/ Organizations assigned to manage public facilities, including roads, bridges, culverts, sidewalks, water supply and drainage systems, irrigation systems, dikes and dams; squares, statues and monuments, and memorial stela;

b/ Economic organizations assigned to manage land used for investment projects in the form of build- transfer (BT) and other forms prescribed by the investment law;

c/ Organizations assigned to manage land with water surface of rivers and land with special- use water surface;

d/ Organizations assigned to manage the land fund recovered under decisions of competent state agencies.

2. The chairperson of a commune-level People’s Committee is responsible for the management of land used for public purposes and land that has not been allocated or leased in the locality.

3. The chairperson of a People’s Committee of a province or centrally run city is responsible for the management of unused land on uninhabited islands in the locality.

4. The representative of a community is responsible for land allocated to the community for management.

Article 9. Encouragement of investment in land

The State shall promulgate policies to encourage land users to invest labor, materials and capital in, and apply scientific and technological achievements to, the following activities:

1. Land protection, improvement and fertilization.

2. Reclamation of waste and unused land, seaward encroachment, use of empty land, bare hills and unused land with water surface in accordance with land use master plans and plans.

3. Development of infrastructure to increase added value for land.

Article 10. Land classification

Depending on land use purpose, land is classified into the following types:

1. Agricultural land, including:

a/ Land for cultivation of annual crops, including paddy land and land for cultivation of other annual crops;

b/ Land for cultivation of perennial trees;

c/ Land for production forests;

d/ Land for protection forests;

e/ Land for special-use forests;

f/ Land for aquaculture;

g/ Land for salt production;

h/ Other agricultural land, including land used to build greenhouses and other building types for cultivation purpose, including fanning not directly on the land, or to build breeding facilities for cattle, poultry and other animals as permitted by law; land for cultivation, breeding and aquaculture for the purpose of learning, research or experimentation; land for planting and nursing seedlings and breeders, and land for growing flowers and ornamental plants.

2. Non-agricultural land, including:

a/ Residential land, including rural residential land and urban residential land;

b/ Land for construction of offices;

c/ Land for national defense or security purpose;

d/ Land for construction of non-business facilities, including land for construction of offices of non-business organizations; land for construction of cultural, social, health, education and training, physical training and sports, science and technology, and diplomatic facilities and other non-business facilities;

e/ Land for non-agricultural production and business, including land for industrial parks, industrial clusters, export processing zones; land for trading and service; land of non-agricultural production establishments; land used for mining activities; and land for production of building materials, and pottery;

f/ Land used for public purposes, including land used for transport (including airports, airfields, inland waterway ports, maritime ports, rail system, road system and other transport facilities); irrigation; land with historical-cultural relics or scenic spots; land for community activities or public entertainment and recreation; land for energy facilities; land for post and telecommunications facilities; land for markets; land for waste dumping and treatment, and land for other public facilities;

g/ Land used by religious institutions;

h/ Land used for cemeteries, graveyards, funeral service centers and cremation centers; i/ Land with rivers, streams, canals, springs and special-use water surface;

k/ Other non-agricultural land, including land for motels, tents and camps for workers in production establishments; land for warehouses and houses to store agricultural products, plant protection drugs, fertilizers, machinery and tools for agricultural use, and land for other buildings of land users which are used for non-commercial purposes and not attached to residential land.

3. Unused land, including land of types for which land use purposes have not been determined yet.

Article 11. Bases for determining land types

The determination of a land type must be based on the following:

1. The certificate of land use rights, or certificate of house ownership and residential land use rights which is granted before December 10, 2009; and the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.

2. Papers on land use rights prescribed in Clauses 1, 2 and 3, Article 100 of this Law, for the cases in which the certificates mentioned in Clause 1 of this Article have not been granted.

3. Decisions on land allocation, land lease or permission for change of land use purpose issued by competent state agencies, for the cases in which the certificates mentioned in Clause 1 of this Article have not been granted.

4. For the cases in which papers prescribed in Clauses 1, 2 and 3 of this Article are not available, the determination of land type must comply with the Government’s regulations.

Article 12. Prohibited acts

1. Encroaching, occupying or destroying land.

2. Violating publicized land use master plans and plans.

3. Failing to use land, or using land for improper purposes.

4. Failing to comply with law when exercising the rights of land users.

5. Acquiring agricultural land use rights exceeding the quota set for households and individuals as prescribed by this Law.

6. Failing to register with competent state agencies when using land or making transactions of land use rights.

7. Failing to perform or fully perform financial obligations toward the State.

8. Abusing positions and powers to act against land management regulations.

9. Failing to provide land information or providing incorrect land information as prescribed by law.

9. Obstructing, or causing difficulties to, the exercise of the rights of land users as prescribed by law.

Chapter II

RIGHTS AND OBLIGATIONS OF THE STATE OVER LAND

Section 1. RIGHTS OF THE STATE OVER LAND

Article 13. Rights of the representative of the land owner

1. To decide on land use master plans and plans.

2. To decide on land use purposes.

3. To prescribe land use quotas and land use terms.

4. To decide on land expropriation and land requisition.

5. To decide on land prices.

6. To decide on grant of land use rights to land users.

7. To decide on financial policies on land.

8. To prescribe the rights and obligations of land users.

Article 14. The State shall decide on land use purposes

The State shall decide on land use purposes through land use master plan and plans, and permit the change of land use purposes.

Article 15. The State shall prescribe land use quotas and land use terms

1. The State shall prescribe land use quotas, including allocation quotas for agricultural land, allocation quotas for residential land, recognition quotas for residential land use rights, and quotas for acquisition of agricultural land use rights.

2. The State shall prescribe land use terms of the following forms:

a/ Long and stable land use term;

b/ Definite land use term.

3. The State shall decide to recover land in the following cases:

a/ For the purpose of national defense or security; socio-economic development in the national or public interest;

b/ Due to violations of the land law;

c/ Due to termination of land use in accordance with law, voluntary return of land, or the risk of threatening human life.

4. The State shall decide to requisition land in case of extreme necessity to perform national defense and security tasks, or in the state of war or a state of emergency, or to prevent and combat natural disasters.

Article 16. The State shall decide on land expropriation or requisition

1. The State shall decide to expropriate land in the following cases:

a) For the purpose of national defense or security; socio-economic development for the national or public interest;

b) Land expropriation due to violations of the land law;

c) Land expropriation due to termination of land use in accordance with law, voluntary return of land, or the risk of threatening human life.

4. The State shall decide to requisition land in case of extreme necessity to perform national defense and security tasks, or in cases of war or emergency circumstances, or to prevent and combat natural disasters.

Article 17. The State shall grant land use rights to land users

The State shall grant land use rights to land users in the following forms:

1. Decision on allocation of land without land use levy, and allocation of land with land use levy.

2. Decision on lease of land with annual rental payment, and lease of land with one-off rental payment for the entire lease period.

3. Recognition of land use rights.

Article 18. The State shall decide on land prices

1. The State shall prescribe the principles and methods for land valuation.

2. The State shall promulgate land price brackets and tables, and decide on specific land prices.

Article 19. The State shall decide on financial policies on land

1. The State shall decide on policies on financial collection and spending related to land.

2. The State shall prescribe the added value from land which does not originate from land user’s investment through tax polices, land use levy, land rental, investments in infrastructure, and support policies for those whose land is expropriated.

Article 20. The State shall prescribe the rights and obligations of land users

The State shall prescribe the rights and obligations of land users in conformity with the forms of land allocation, land lease, recognition of land use rights, land use origin and financial obligations of land users.

1. The National Assembly shall promulgate laws and resolutions on land; decide on national land use master plans and plans; and exercise the power of supreme oversight of land management and use nationwide.

2. People’s Councils at all levels shall exercise the right to adopt local land use master plans and plans before submitting them to competent agencies for approval; to adopt land price tables and approve land expropriation to implement socio-economic development projects in the national or public interest in their localities, according to their competence prescribed in this Law; and to oversee the implementation of the land law in their localities.

3. The Government and People’s Committees at all levels shall exercise the rights of the land owner representative according to their competence prescribed in this Law.

Section 2. RESPONSIBILITIES OF THE STATE FOR LAND

Article 22. Contents of state management of land

1. Promulgating legal documents on land management and use and organizing the implementation thereof.

2. Determining administrative boundaries, compiling and managing administrative boundary records and making administrative maps.

3. Surveying, measuring, making cadastral maps, current land use maps and land use planning maps; surveying and assessing land resources; and surveying for land pricing.

4. Managing land use master plans and plans.

5. Managing land allocation, land lease, land expropriation and change of land use purposes.

6. Managing compensation, support and resettlement upon land expropriation.

7. Registering land use rights, compiling and managing cadasữal records, and granting certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.

8. Making land statistics and carrying out land inventories.

9. Developing the land information system.

10. Managing land-related finance and land prices.

11. Managing and supervising the exercise of rights and performance of obligations by land users.

12. Inspecting, examining, supervising, monitoring and assessing die observance of the land law, and handling violations of the land law.

13. Disseminating and educating about the land law.

14. Settling land-related disputes; settling complaints and denunciations related to land management and use.

15. Managing land-related services.

Article 23. Responsibilities of state management of land

1. The Government shall perform the unified state management of land nationwide.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take responsibility before the Government for the unified state management of land.

Related ministries and ministerial-level agencies shall, within the ambit of their respective tasks and powers, assist the Government in performing the state management of land.

3. People’s Committees at all levels shall perform die state management of land in theữ localities according to their competence prescribed in this Law.

Article 24. Land administration agencies

1. The system of land administration agencies shall be organized uniformly from central level to local level.

2. The land administration agency at the central level is the Ministry of Natural Resources and Environment.

Land administration agencies at the local level shall be set up in provinces and centrally run cities and in districts, towns and provincial cities; land-related public service organizations shall be set up and operate in accordance with the Government’s regulations.

Article 25. Cadastral civil servants in communes, wards and townships

1. Communes, wards and townships must have civil servants performing cadastral work in accordance with the Law on Cadres and Civil Servants.

2. Cadastral civil servants in communes, wards and townships shall assist commune-level People’s Committees in local land management.

Article 26. State guarantee for land users

1. Guarantee of the lawful rights to use land and land-attached assets of land users.

2. Grant of the certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to land users who are eligible as prescribed by law.

3. When their land is expropriated by the State for national defense or security purpose; or for socio-economic development in the national or public interest, land users are entitled to compensation, support and resettlement in accordance with law.

4. Adoption of policies in the form of vocational training, change of occupation and facilitation of job seeking for those who are directly engaged in agriculture, forestry, aquaculture or salt production and lack land for production due to land use restructuring or economic restructuring.

5. The State does not recognize the reclaim of land which has been allocated to others in accordance with the State’s regulations in the process of implementing the land policy of the State of the Democratic Republic of Vietnam, the Provisional Revolutionary Government of the Republic of South Vietnam and the State of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 27. Responsibilities of the State for residential and agricultural land for ethnic minorities

1. To adopt policies on residential land and land for community activities for ethnic minorities in conformity with their customs, practices and cultural identities and the practical conditions of each region;

2. To adopt policies to help ethnic minorities who are directly engaged in agricultural production in rural areas have land for agricultural production.

Article 28. Responsibilities of the State for the creation and provision of land information

1. To develop and manage the land information system and guarantee the right to access to the land information system for organizations and individuals.

2. To promptly publicize available information in the land information system for organizations and individuals, except confidential information as prescribed by law.

3. To notify administrative decisions and acts in the field of land administration to organizations and individuals whose lawful rights and interests are affected.

4. Competent state agencies and persons in land administration and use shall create conditions and provide land information for organizations and individuals in accordance with law.

Chapter III

ADMINISTRATIVE BOUNDARIES AND BASE INVESTIGATION ON LAND

Section 1. ADMINISTRATIVE BOUNDARIES

Article 29. Administrative boundaries

1. The Government shall direct the identification of administrative boundaries and the compilation and management of administrative boundary records at all levels throughout the country.

The Minister of Home Affairs shall prescribe the order and procedures for identification of administrative boundaries and the management of boundary landmarks and administrative boundary records at all levels.

The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe the techniques and economic-technical specifications for placing administrative boundary landmarks and compiling administrative boundary records at all levels.

2. People’s Committees at all levels shall organize the identification of administrative boundaries in the field and compilation of administrative boundary records in their respective localities.

Commune-level People’s Committees shall manage administrative boundary landmarks in the field in their respective localities. If the administrative boundary landmarks are lost, moved or damaged, commune-level People’s Committees shall promptly report this to the People’s Committees of districts, towns or provincial cities (below referred to as district-level People’s Committee).

3. The administrative boundary records include paper and electronic documents showing information on the establishment and adjustment of an administrative unit and boundary landmarks and boundary lines of that administrative unit.

The superior People’s Committee shall certify the administrative boundary records of the immediate subordinate level. The Ministry of Home Affairs shall certify the administrative boundary records of provinces and centrally run cities.

The administrative boundary records of a level shall be archived at the People’s Committee of such level, the superior People’s Committee, the Ministry of Home Affairs and the Ministry of Natural Resources and Environment.

4. Disputes over administrative boundaries among administrative units shall be settled by the People’s Committees of such administrative units through their coordination. If no agreement can be reached or the results lead to changes in administrative boundaries, the settlement competence is provided as follows:

a/ If the dispute is related to the boundaries of provinces or centrally run cities, the Government shall submit it to the National Assembly for decision;

b/ If the dispute is related to the boundaries of districts, towns or provincial cities or communes, wards or townships, the Government shall submit it to the National Assembly Standing Committee for decision.

The Ministry of Natural Resources and Environment, the land administration agencies of provinces and centrally run cities and the land administration agencies of districts, towns and provincial cities shall provide necessary documents and coordinate with competent state agencies in settling land disputes over administrative boundaries.

Article 30. Administrative maps

1. The administrative maps of a locality must be made based on the administrative boundary maps of such locality.

2. The making of administrative maps must comply with the following provisions:

a/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide dữections and guidelines for making administrative maps of all levels nationwide and organize the making of administrative maps for the whole country and provinces and centrally run cities;

b/ The People’s Committees of provinces and centrally run cities (below referred to as provincial-level People’s Committee) shall organize the making of administrative maps of districts, towns and provincial cities.

Section 2. BASE INVESTIGATION OF LAND

Article 31. Making and adjustment of cadastral maps

1. The survey for the establishment of cadastral maps must be conducted for each land parcel in each administrative unit of commune, ward or township.

2. The adjustment of cadastral maps is made when there are changes in shape, dimension, area of the land parcel or other factors related to the contents of cadastral maps.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe the making, adjustment and management of cadastral maps for the whole country and conditions for practicing cadastral survey.

4. Provincial-level People’s Committees shall organize the making, adjustment and management of cadastral maps in their respective localities.

Article 32. Investigation and assessment of land

1. Investigation and assessment of land include the following activities:

a/ Investigating and assessing land quality and potential;

b/ Investigating and assessing land degradation and pollution;

c/ Investigating and classifying agricultural land;

d/ Making land statistics and conducting land inventory;

e/ Investigating and making statistics on land prices; monitoring land price changes;

f/ Establishing and maintaining observation and supervision systems for land resources.

2. Investigation and assessment of land include the following contents:

a/ Sampling, analyzing and making statistics on observation data of, land;

b/ Making maps on land quality, land potential, land degradation, land pollution, classification of agricultural land, and land prices;

c/ Making assessment reports on land quality, land potential, land degradation, land pollution, classification of agricultural land, and land prices;

d/ Making reports on land statistics and land inventory, current land use maps, and reports on land price and changes in land prices.

Article 33. Organization of land investigation and assessment

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a/ Organize, and publicize results of, investigation and assessment of land for the whole country and all regions once every 5 years and for each theme;

b/ Direct the investigation and assessment of land for provinces and centrally run cities;

c/ Summarize and publish results of investigation and assessment of land for the whole country.

2. Provincial-level People’s Committees shall organize, and publicize results of, investigation and assessment of land of their respective localities, and send the results to the Ministry of Natural Resources and Environment for summarization.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe the land investigation and assessment and conditions on the capacity of units which conduct land investigation and assessment.

Article 34. Land statistics and inventories and the making of current land use maps

1. Land statistics and inventories include periodical land statistics and inventories and thematic land inventories.

2. Periodical land statistics must be made and land inventories must be conducted according to the following provisions:

a/ Land statistics are made and land inventories are conducted for administrative units of communes, wards and townships;

b/ Land statistics are made once a year, except the year when land inventory is conducted;

c/ Land inventory is conducted once every 5 years.

3. The current land use map must be made once every 5 years in connection with land inventory as prescribed in Clause 2 of this Article.

4. Thematic land inventories serving the state management of land must be conducted under decisions of the Prime Minister or the Minister of Natural Resources and Environment.

5. Responsibilities for making land statistics and conducting land inventories and making current land use map are prescribed as follows:

a/ The People’s Committees at all levels shall make land statistics and conduct land inventories and make current land use maps of their respective localities;

b/ The People’s Committees at commune and district levels shall report the results of land statistics and inventories and the making of current land use maps of their respective localities to their immediate superior People’s Committees. Provincial-level People’s Committees shall report the results of land statistics and inventories and the making of current land use maps of their respective localities to the Ministry of Natural Resources and Environment;

c/ The Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall assume the prime responsibility for, and coordinate with provincial-level People’s Committees in, making statistics and conducting inventories on land used for national defense or security purpose, and send reports on their results to the Ministry of Natural Resources and Environment;

d/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall summarize and report to the Prime Minister and publicize the results of annual land statistics and 5-year land inventories for the whole country.

6. The Minister of Natural Resources and Environment shall detail the making of land statistics, conducting of land inventories and making of current land use maps.

Chapter IV

LAND USE MASTER PLANS AND PLANS

Article 35. Principles of formulation of land use master plans and plans

1. To conform to strategies, master plans and plans on socio-economic development, national defense and security.

2. To be formulated from the master level to detailed level. The land use master plan of the subordinate level must conform to the land use master plan of the superior level; and the land use plans must conform to the land use master plan approved by competent state agencies. The national land use master plan must take into account specific characteristics and linkages of the socio-economic regions; and the district-level land use master plans must demonstrate the contents of the commune-level land use.

3. To use land economically and efficiently.

4. To exploit natural resources reasonably together with environmental protection and climate change adaptation.

5. To protect and embellish cultural-historical relics and scenic spots.

6. To be democratic and public.

7. To ensure priority for using the land fund for the purposes of national defense and security, serve national and public interests, food security and environmental protection.

8. Master plans and plans of the sectors and localities that use land must conform to the land use master plans and plans already decided or approved by competent state agencies.

Article 36. System of land use master plans and plans

1. National land use master plans and plans.

2. Provincial-level land use master plans and plans.

3. District-level land use master plans and plans.

4. Land use master plans and plans for national defense.

5. Land use master plans and plans for security.

Article 37. Periods of land use master plans and plans

1. The period of land use master plans is 10 years.

2. The period of land use plans at the national and provincial levels and for national defense and security is 5 years. District-level land use plans must be made every year.

Article 38. National land use master plan and plan

1. The national land use master plan must be formulated based on:

a/ National strategies for socio-economic development, national defense and security; master plans on the development of socio-economic regions; and strategies and master plans for development of sectors;

b/ Natural and socio-economic conditions;

c/ Current land use status, land potential and results of implementation of the national land use master plan in the previous period;

d/ Land use demands of all sectors and fields;

e/ Scientific and technological advances related to land use.

2. The national land use master plan includes the following contents:

a/ Orientation for land use in 10 years;

b/ Determination of land use targets for agricultural land, non-agricultural land, unused land, including the determination of the areas of paddy land, land used only for wet rice farming, land for protection forest, land for special-use forest, land for production forest, land for aquaculture, land for salt production, land for national defense or security purpose, land for industrial parks, land for export processing zones, land for hi-tech zones, land for economic zones, land for national infrastructure development, land for cultural-historic relics and scenic spots, urban land and land for waste dumping and treatment;

c/ Determination of the areas of the land types specified at Point b, Clause 2 of this Article in the planning period for each provincial-level administrative unit and each socio-economic region;

d/ The land use master plan maps at the national level and of socio-economic regions;

e/ Solutions for implementation of the land use master plan.

3. The national land use plan must be formulated based on:

a/ The national land use master plan;

b/ The 5-year and annual socio-economic development plans of the whole country;

c/ Land use demands in 5 years of all sectors and fields;

d/ Results of implementation of the national land use plan in the previous period;

e/ Ability to invest and mobilize resources for implementing the land use plan.

4. The national land use plan includes the following contents:

a/ Analysis and evaluation of the implementation of the national land use plan in the previous period;

b/ Determination of the areas of the land types specified at Point b, Clause 2 of this Article in the 5-year land use plan;

c/ The 5-year land use plans for each provincial-level administrative unit and each socio­economic region;

d/ Solutions for implementation of the land use plan.

Article 39. Provincial-level land use master plans and plans

1. A provincial-level land use master plan must be formulated based on:

a/ The national land use master plan;

b/ The master plans for socio-economic development of the socio-economic region and the province or centrally run city; the strategies and master plans for development of sectors and fields;

c/ Natural and socio-economic conditions of the province or centrally run city;

d/ Current land use status, land potential and results of implementation of the provincial-level land use master plan in the previous period;

e/ Land use demands of all sectors and fields and of the province;

f/ Land use quotas;

g/ Scientific and technological advances related to land use.

2. A provincial-level land use master plan has the following contents:

a/ Orientation for land use in 10 years;

b/ Determination of the areas of the land types already allocated in the national land use master plan and the areas of the land types in accordance with provincial-level land use demands;

c/ Determination of land use zones by land use function;

d/ Determination of the areas of the land types specified at Point b of this Clause for each district-level administrative unit;

e/ The provincial-level land use master plan map;

f/ Solutions for implementation of the land use master plan.

3. The provincial-level land use plans must be formulated based on:

a/ The national 5-year land use plan; the provincial-level land use master plan;

b/ The provincial-level 5-year and annual socio-economic development plans;

c/ Land use demands in 5 years of all sectors and fields and the province;

d/ Results of implementation of the provincial-level land use plan in the previous period;

e/ Ability to invest and mobilize resources for implementing the land use plan.

4. A provincial-level land use plan has the following contents:

a/ Analysis and evaluation of the implementation of the provincial-level land use plan in the previous period;

b/ Determination of the areas of the land types specified at Point b, Clause 2 of this Article in the land use plan period for each year and each district-level administrative unit;

c/ Determination of the areas of the land types for which land use purposes need to be changed as prescribed at Points a, b, c, d and e, Clause 1, Article 57 of this Law in the land use plan period for each year and each district-level administrative unit;

d/ Determination of the areas and locations of national and provincial-level construction works and projects which use land for the purposes prescribed in Articles 61 and 62 of this Law in the land use plan period for each year and each district-level administrative unit.

For projects on technical infrastructure, construction, improvement of urban centers and rural residential areas, the determination of locations and areas of expropriated land areas in the adjacent areas must be conducted simultaneously in order to put land use rights up for auction to implement housing, trading, service, production and business projects;

e/ The provincial-level land use plan map;

f/ Solutions for implementation of the land use plan.

Article 40. District-level land use master plans and plans

1. A district-level land use master plan must be formulated based on:

a/ The provincial-level land use master plan;

b/ The master plans for socio-economic development of the province and district;

c/ Natural and socio-economic conditions of the district, town or provincial city;

d/ The current land use status, land potential and results of implementation of the previous district-level land use master plan;

e/ Land use demands of all sectors and fields, the district and communes;

f/ Land use quotas;

g/ Scientific and technological advances related to land use.

2. A district-level land use master plan has the following contents:

a/ Orientation for land use in 10 years;

b/ Determination of the areas of the land types already allocated in the provincial-level land use master plan and the areas of land types in accordance with land use demands of the district and communes;

c/ Determination of land use zones by land use function for each commune-level administrative unit;

d/ Determination of the areas of land types prescribed at Point b of this Clause for each commune-level administrative unit;

e/ The district-level land use planning map in which the zones already planned for paddy land and for changes of land use purposes as prescribed at Points a, b, c, d and e, Clause 1, Article 57 of this Law must be demonstrated in detail for each commune-level administrative unit;

f/ Solutions for implementation of the land use master plan.

3. A district-level annual land use plan must be formulated based on:

a/ The provincial-level land use plan;

b/ The district-level land use master plan;

c/ Land use demands in the planning year of all sectors, fields and levels;

d/ Ability to invest and mobilize resources for implementing the land use plan.

4. A district-level annual land use plan has the following contents:

a/ Analysis and evaluation on the implementation of the land use plan in the previous year;

b/ Determination of the areas of the land types already allocated in the provincial-level land use plan and the area of land types in accordance with land use demands of the district and communes in the planning year;

c/ Determination of the areas and locations of land to be expropriated to implement construction works and projects which use land for the purposes prescribed in Articles 61 and 62 of this Law in the planning year for each commune-level administrative unit.

For the projects on technical infrastructure, construction, improvement of urban centers and rural residential areas, the determination of locations and areas of the expropriated land in the adjacent area must be conducted simultaneously in order to put up land use rights for auction to implement housing, trading, service, production and business projects;

d/ Determination of the areas of land types of which land use purposes need to be changed as prescribed at Points a, b, c, d and e, Clause 1, Article 57 of this Law in the planning year and for each commune-level administrative unit;

e/ District-level annual land use plan map;

f/ Solutions for implementation of the land use plan.

5. Urban districts of which the urban master plans have been approved by competent state agencies shall formulate annual land use plans, but not land use master plans; in case the urban master plan of an urban district is inconsistent with the area allocated in the provincial-level land use master plan, it must be adjusted in accordance with the provincial-level land use master plan.

Article 41. Land use master plans and plans for national defense or security purpose

1. A land use master plan for national defense or security purpose must be formulated based on:

a/ The national land use master plan;

b/ Strategies for socio-economic development, national defense and security and master plans for the development of socio-economic regions;

c/ Natural and socio-economic conditions;

d/ The current land use status, land potential and results of implementation of the land use master plan for national defense or security purpose in the previous period;

e/ The land use demands for national defense or security;

f/ Land use quotas;

g/ Scientific and technological advances related to land use.

2. A land use master plan for national defense or security purpose has the following contents:

a/ Orientation for land use for national defense or security purpose;

b/ Determination of land use demands for national defense or security purpose in the planning period in accordance with the master plan for socio-economic development, national defense and security and national plan for socio-economic development;

c/ Determination of the locations and areas of land for national defense or security purpose which may be re-allocated to localities for management and use for socio-economic development;

d/ Solutions for implementation of the land use master plan for national defense or security purpose.

3. A land use plan for national defense or security purpose must be formulated based on:

a/ The national 5-year land use plan and the land use master plan for national defense or security purpose;

b/ The land use demands in 5 years for national defense or security purpose;

c/ Results of implementation of the land use plan for national defense or security purpose in the previous period;

d/ Ability to invest and mobilize resources for implementing the land use plan for national defense or security purpose.

4. A land use plan for national defense or security purpose has the following contents:

a/ Analysis and evaluation of the implementation of the land use plan for national defense or security purpose in the previous period;

b/ Determination of the locations and areas of land which shall be used for national defense or security purpose in the 5-year land use plan for each year;

c/ Determination in detail of the locations and areas of land for national defense or security purpose which may be re-allocated to localities in the 5-year period;

d/ Solutions for implementation of the land use plan for national defense or security purpose.

Article 42. Responsibilities for formulating land use master plans and plans

1. The Government shall organize the formulation of national land use master plans and plans. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for assisting the Government in formulating national land use master plans and plans.

2. Provincial-level People’s Committees shall organize the formulation of provincial- level land use master plans and plans. District-level People’s Committees shall organize the development of district-level land use master plans and plans.

Provincial- and district-level land administration agencies shall assume the prime responsibility for assisting their respective People’s Committees in the formulation of land use master plans and plans.

3. The Ministry of National Defense shall organize the formulation of land use master plans and plans for national defense. The Ministry of Public Security shall organize the formulation of land use master plans and plans for security.

4. The Government shall detail this Article.

Article 43. Consultations on land use master plan and plans

1. The agencies which organize the formulation of land use master plan and plans as prescribed in Clauses 1 and 2, Article 42 of this Law shall organize consultations with the public on land use master plans and plans.

2. The forms, contents and timing of consultation with the public on land use master plans and plans must comply with the following provisions:

a/ The consultations with the public on national and provincial-level land use master plans and plans must be conducted in the form of publicizing the contents of land use master plans and plans on the websites of the Ministry of Natural Resources and Environment and the provincial- level People’s Committees. The consultations with the public on district-level land use master plans and plans must be conducted in the form of organizing meetings, direct consultation and publicizing the contents of land use master plans and plans on the websites of provincial-level and district-level People’s Committees.

b/ The consultations with the public on land use master plans and plans must be conducted on the targets of land use master plans and plans, projects and construction works to be implemented during the land use master plan and plan periods;

c/ The consultations with the public on land use master plans and plans must be conducted within 30 days after competent state agencies decide to conduct consultations.

3. Agencies responsible for conducting consultations with the public on land use master plans and plans prescribed in Clause 1 of this Article shall prepare reports on summarization, assimilation and explanation of the public opinions, and improve the land use master plans and plans before submitting to the appraisal board for land use master plans and plans.

4. For land use master plans and plans for national defense or security purpose, the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall conduct consultations with provincial- level People’s Committees in the course of formulation of land use master plans and plans.

Article 44. Appraisal of land use master plans and plans

1. Competence to establish the appraisal board for land use master plans and plans:

a/ The Prime Minister may establish an appraisal board for national land use master plans and plans.

The Ministry of Natural Resources and Environment shall assist this appraisal board in the process of appraising land use master plans and plans;

b/ The Minister of Natural Resources and Environment may establish an appraisal board for land use master plans and plans for national defense or security purpose, and for provincial-level land use master plans and plans.

Land administration agencies at central level shall assist this appraisal board in the process of appraising land use master plans and plans;

c/ The chairperson of a provincial-level People’s Committee may establish an appraisal board for district-level land use master plans and plans.

Land administration agencies at provincial and district levels shall assist this appraisal board in appraising land use master plans and plans.

2. The appraisal boards for land use master plans and plans at all levels shall appraise and send the notices of appraisal results to the agencies in charge of organizing the formulation of land use master plans and plans as prescribed in Article 42 of this Law. The agencies in charge of organizing the formulation of land use master plans and plans shall assimilate and explain the contents stated in the notices of appraisal results.

In case of necessity, the appraisal board for land use master plans and plans shall organize the examination and field survey of the areas for which the land use purposes are planned to change, especially paddy land, land for protection forest and land for special-use forest.

3. The appraisal of a land use master plan covers the following contents:

a/ Legal and scientific bases for the formulation of the land use master plan;

b/ The extent of conformity of the land use master plan with strategies and master plans for socio-economic development, national defense and security of the whole country and the locality, and with the master plans for development of sectors and fields;

c/ Socio-economic and environmental effects;

d/ The feasibility of the land use master plan.

4. The appraisal of a land use plan covers the following contents:

a/ The extent of conformity of the land use plan with the land use master plan;

b/ The extent of conformity of the land use plan with the plan for socio-economic development;

c/ The feasibility of the land use plan.

5. The fund for appraisal of land use master plans and plans is determined as a separate item in the fund for formulation of land use master plans and plans.

Article 45. Competence to decide and approve land use master plans and plans

1. The National Assembly shall decide on national land use master plans and plans;

2. The Government shall approve provincial-level land use master plans and plans, land use master plans and plans for national defense purpose and land use master plans and plans for security purpose.

Provincial-level People’s Committees shall submit provincial-level land use master plans and plans to their respective People’s Councils for adoption before submitting them to the Government for approval.

3. Provincial-level People’s Committee shall approve district-level land use master plans and plans.

District-level People’s Committees shall submit district-level land use master plans to their People’s Councils for adoption before submitting them to the provincial-level People’s Committee for approval.

District-level People’s Committees shall submit annual land use plans to the provincial-level People’s Committee for approval. Provincial-level People’s Committees shall submit to their People’s Councils for adoption the lists of projects for which land needs to be expropriated as prescribed in Clause 3, Article 62 of this Law, before approving the district-level annual land use plans.

Article 46. Adjustment of land use master plans and plans

1. Adjustment of a land use master plan is only conducted in the following cases:

a/ There are adjustments to the strategies for socio-economic development, national defense, and security or master plan for development of socio-economic regions and such adjustments result in change of land use structure;

b/ Natural disasters or wars result in changes in the land use purposes, structure, locations and area;

c/ There are adjustments in the land use master plan of the immediate superior level which affect the land use master plan of the concerned level;

d/ There are adjustments to local administrative boundaries.

2. Adjustments to a land use plan are only conducted when there are adjustments in the land use master plan or there are changes in the ability to implement the land use plan.

3. Adjustments to a land use master plan are part of the approved land use master plan. Adjustments to a land use plans are part of the approved land use plan.

The adjustment of land use master plans and plans must be conducted under Articles 42, 43, 44 and 48 of this Law.

4. The state agencies competent to decide on or approve land use master plans and plans at a certain level have competence to decide on or approve adjustments to land use master plans and plans at that level.

Article 47. Consultancy on formulation of land use master plan and plans

1. In the process of formulation of land use master plans and plans, the agencies in charge of the formulation process may hire consultants to formulate land use master plans and plans.

2. The Government shall prescribe the conditions for organizations and individuals to provide consultancy on formulation of land use master plans and plans.

Article 48. Publicization of land use master plans and plans

1. The land use master plans and plans at national, provincial and district levels must be publicized after being decided or approved by competent state agencies.

2. Responsibilities for publicizing land use master plans and plans are prescribed as follows:

a/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall publicize the national land use master plans and plans at its head office and on its website;

b/ Provincial-level People’s Committees shall publicize provincial-level master plans and plans at their head offices and on their websites;

c/ District-level People’s Committees shall publicize district-level land use master plans and plans at their head offices and on their websites and the contents of district-level land use master plans and plans related to communes, wards and townships at the head offices of commune-level People’s Committees.

3. Timing and duration for publicizing land use master plans and plans are prescribed as follows:

a/ The land use master plan and plans must be publicized within 30 days from the date they are decided or approved by competent state agencies;

b/ The publicity is implemented throughout the land use master plan and plan periods.

Article 49. Implementation of land use master plans and plans

1. The Government shall organize and direct the implementation of the national land use master plans and plans.

The Prime Minister shall, based on national land use targets which have been decided by the National Assembly, allocate land use targets for provinces and centrally run cities, the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security.

Provincial- and district-level People’s Committees shall implement land use master plans and plans of their respective localities.

Commune-level People’s Committees shall implement land use master plans and plans in their communes.

The Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall implement land use master plans and plans for national defense or security, respectively.

2. If the land use master plan has been publicized but the annual district-level land use plan is not yet available, land users may continue using land and exercise the rights of land users as prescribed by law.

If the land use master plan and the annual district-level land use plan are available, land users for whom the land use purposes are to be changed or whose land is to be expropriated in accordance with the plans may continue exercising the rights of land users, but may not build new houses or construction works or plant perennial crops. They shall apply for permission from competent state agencies before repairing or renovating existing houses or construction works.

3. If a land area is to be expropriated for implementation of a project or for change of land use purpose as indicated in the publicized annual district-level land use plan, but the decision to recover land has not been issued or the change of land use purpose has not been approved within 3 years, the state agency that has competence to approve the land use plan shall adjust or cancel the recovery or change of land use purpose and shall publicize such adjustment or cancellation.

In case the state agency that has competence to approve the land use plan fails to adjust or cancel, or does adjust or cancel but fails to publicize such adjustment or cancellation, land users are not subject to the limitation of rights as prescribed in Clause 2 of this Article.

4. At the end of the land use master plan period, the land use targets that have not fully been implemented may continue to be implemented until the land use master plan of the subsequent period is decided or approved by competent state agencies.

5. The Government shall detail the organization of the implementation of land use master plans and plans.

Article 50. Report on implementation of land use master plans and plans

1. The responsibility to make annual reports on results of implementation of land use master plans and plans is prescribed as follows:

a/ The People’s Committees at commune and district levels shall send reports on results of implementation of land use master plans and plans to the direct superior People’s Committees. Provincial-level People’s Committees shall send report on results of implementation of land use master plans and plans to the Ministry of Natural Resources and Environment;

b/ The Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security shall send reports on results of implementation of land use master plans and plans for national defense or security purpose to the Ministry of Natural Resources and Environment;

c/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall summarize the annual results of implementation of land use master plans and plans of the whole country in a report to the Government for submission to the National Assembly at the year-end session.

2. The report on results of implementation of the annual land use plan for the last year of the first land use plan period must be enclosed with the review report on the implementation of the whole land use plan period.

The report on results of implementation of the annual land use plan for the last year of the land use master plan period must be enclosed with the review report on the implementation of the last land use plan period and the review report on the implementation of the whole land use master plan period.

Article 51. Settlement of problems arising in land use master plans and plans after this Law takes effect

1. When formulating the land use plans for 5 years (2016-2020), the land use master plans and plans that have been decided or approved by competent state agencies prior to the effective date of this Law must be reviewed and additionally investigated for adjustment in accordance with this Law.

2. If the district-level land use master plan and plan have not yet been approved by competent state agencies when this Law takes effect, the land expropriation, land allocation, land lease, recognition of land use rights and change of land use purpose must be conducted in accordance with the provincial land use plans and the list of projects for socio-economic development of the district concerned which is prepared and submitted by the district-level People’s Committee to the provincial-level People’s Committee for decision.

The approval of district-level land use master plans and plans must be completed within 1 year after this Law takes effect.

Chapter V

LAND ALLOCATION, LAND LEASE AND CHANGE OF LAND USE PURPOSE

Article 52. Bases for land allocation, land lease and change of land use purpose

1. The annual district-level land use plans which have been approved by competent state agencies.

2. Land use demands as indicated in investment project documents or in applications for land allocation, land lease or change of land use purpose.

Article 53. Allocation or lease of land which is currently used by a person to another

The State’s decision on allocation or lease of land which is already being used by a person to another may be made only after a competent state agency decides on land expropriation in accordance with this Law and the compensation, support and resettlement have been completed in accordance with law in case ground clearance is required.

Article 54. Land allocation without land use levy

The State shall allocate land without land use levy in the following cases:

1. Households and individuals directly engaged in agriculture, forestry, aquaculture or salt production to whom agricultural land is allocated within the quotas prescribed in Article 129 of this Law;

2. Persons who use land for protection forests, special-use forests or production forests which are natural forests, for office construction, for national defense or security purpose, for non­commercial public use, for cemeteries and graveyards which fall outside the cases prescribed in Clause 4, Article 55 of this Law;

3. Public non-business organizations that are not self-financed and use land for office construction.

4. Organizations that use land for construction of resettlement houses under the State’s projects.

5. Communities using agricultural land; religious institutions using non-agricultural land as prescribed in Clause 1, Article 159 of this Law.

Article 55. Land allocation with land use levy

The State shall allocate land and collect land use levy in the following cases:

1. Households and individuals that are allocated residential land;

2. Economic organizations that are allocated land to implement investment projects on construction of houses for sale or a combination of sale and lease;

3. Overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises that are allocated land to implement investment projects for the construction of houses for sale or for a combination of sale and lease;

4. Economic organizations that are allocated land to implement investment projects on infrastructure of cemeteries and graveyards for transfer of land use rights together with the infrastructure.

Article 56. Land lease

1. The State may lease land and collect an annual land rental or full one-off rental for the entire lease period in the following cases:

a/ Households and individuals that use land for the purpose of agriculture, forestry, aquaculture or salt production;

b/ Households and individuals that need to further use agricultural land that exceeds the land allocation quotas prescribed in Article 129 of this Law;

c/ Households and individuals that use land for trading and services, mining activities, production of construction materials, production of ceramic products, and non-agricultural production establishments;

d/ Households and individuals that use land for construction of public facilities for commercial purpose;

e/ Economic organizations, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises that use land to implement investment projects in agriculture, forestry, aquaculture or salt production, for non-agricultural business and production purpose, for construction of public facilities for commercial purpose, and for implementation of investment projects on houses for lease;

f/ Economic organizations, self-financed public non-business organizations, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises that use land for construction of non-business facilities;

g/ Foreign organizations with diplomatic functions that use land to build offices.

2. The State may lease land to and collect annual rentals from people’s armed forces units for the purpose of agriculture, forestry, aquaculture or salt production, or in combination with national defense or security tasks.

Article 57. Change of land use purpose

1. Cases in which change of land use purpose requires permission by competent state agencies:

a/ Change of land for rice cultivation to land for perennial crops, forests, aquaculture or salt production;

b/ Change of land for other annual crops to land for saltwater aquaculture, salt production or aquaculture in ponds, lakes or marshlands;

c/ Change of land for special-use forests, protection forests or production forests to land for other purposes within the type of agricultural land;

d/ Change of agricultural land to non-agricultural land;

e/ Change of non-agricultural land which is allocated by the State without land use levy to non-agricultural land which is allocated by the State with land use levy, or to leased land;

f/ Change of non-agricultural land which is not residential land to residential land;

g/ Change of land for construction of non-business facilities or land for public purposes involving commercial purpose, or non-agricultural land for business and production purposes which is not land for trading or services to land for trading or services; change of land for trading or services or land for construction of non-commercial facilities to land for non-agricultural production establishments.

2. When changing the land use purpose under Clause 1 of this Article, land users shall fulfill financial obligations as prescribed by law. The land use regime and the rights and obligations of land users are those applicable to the type of the land used for the new purpose.

Article 58. Conditions for land allocation, land lease and change of land use purpose to implement investment projects

1. For investment projects that use paddy land or land for protection forests or land for special- use forests for other purposes and are other than those to be decided by the National Assembly or approved in principle by the Prime Minister, competent state agencies may only decide on land allocation or land lease or permit change of land use purpose when one of the following documents is available:

a/ The written approval by the Prime Minister for change of land use purpose for the paddy land with an area of 10 ha or more, and for protection forest or special-use forest with a land area of 20 ha or more;

b/ The resolution of the provincial-level People’s Council for change of land use purpose for the paddy land with an area less than 10 ha, and for protection forest or special-use forest with a land area less than 20 ha.

2. For investment projects which use land on islands or in border or coastal communes, wards or townships, competent state agencies may only decide on land allocation, land lease or change of land use purpose upon receiving written approval from related ministries and agencies.

3. Those who are allocated land or leased land by the State, or permitted by the State to change land use purpose to implement investment projects must meet the following conditions:

a/ Having financial capacity to ensure the land use according to the investment project’s schedule;

b/ Paying a deposit in accordance with the investment law;

c/ Not violating the land law if they are implementing other projects on the state-allocated or -leased land.

4. The Government shall detail this Article.

Article 59. Competence to allocate, lease land and approve change of land use purpose

1. Provincial-level People’s Committees may decide on the allocation or lease of land, and permit change of land use purpose in the following cases:

a/ Allocation or lease of land to, and permission for change of land use purpose for, organizations;

b/ Allocation of land to religious institutions;

c/ Allocation of land to overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises under Clause 3, Article 55 of this Law;

d/ Lease of land to overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises under Points e and f, Clause 3, Article 56 of this Law;

2. District-level People’s Committees may decide on the allocation or lease of land, and permit change of land use purpose in the following cases:

a/ Allocation or lease of land to, and permission of change of land use purpose for, households and individuals. If these subjects wish to lease or use agricultural land with an area of 0.5 ha or more for trading and service purposes, written approval from the provincial-level People’s Committee is required before the district-level People’s Committee makes decision;

b/ Allocation of land to communities.

3. Commune-level People’s Committees may lease land from the agricultural land fund for public purposes in their communes, wards or townships.

4. Agencies having the competence to decide on land allocation or lease and permit change of land use purpose as prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article may not delegate their competence.

Article 60. Handling of cases of land allocation and land lease which are decided prior to the effective date of this Law

1. Economic organizations, households, individuals and overseas Vietnamese that are eligible to lease land in accordance with this Law and are allocated land with land use levy by the State prior to the effective date of this Law, may continue using the land for the remaining land use term without having to change to lease land. Upon the expiry of the land use term, if permitted to extend the land use term by a competent state agency, they shall change to lease land in accordance with this Law.

2. Organizations, households, individuals and overseas Vietnamese who are eligible to lease land in accordance with this Law and are allocated land by the State without land use levy prior to the effective date of this Law, shall change to lease land from the effective date of this Law and pay land rental.

3. Economic organizations, households, individuals and overseas Vietnamese that are eligible to lease land in accordance with this Law and lawfully acquire land use rights prior to the effective date of this Law, may continue using the land for the remaining land use term without having to change to lease land in accordance with this Law.

4. Economic organizations that are eligible to lease land in accordance with this Law and lawfully acquire agricultural land use rights from households or individuals that are allocated land without land use levy by the State to implement investment projects in agricultural production prior to the effective date of this Law, may continue using the land for the remaining land use term without having to change to lease land in accordance with this Law.

5. Overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises that lease land with full one-off rental payment for the entire lease period to implement investment projects on construction of houses for sale or for a combination of sale and rent prior to the effective date of this Law, may continue using the land for the remaining land use term, or change to land allocation with land use levy in accordance with this Law if they have demand.

Chapter VI

LAND EXPROPRIATION, LAND REQUISITION, COMPENSATION, SUPPORT AND RESETTLEMENT

Section 1. LAND EXPROPRIATION AND LAND REQUISITION

Article 61. Land expropriation for national defense or security purpose

The State may recover land for national defense or security purpose in the following cases:

1. Land for military barracks or offices;

2. Land for construction of military bases;

3. Land for construction of national defense works, battle fields and special works of national defense or security;

4. Land for military railway stations and ports;

5. Land for industrial, scientific and technological, cultural or sports facilities that directly serve national defense or security purpose;

6. Land for warehouses for the people’s armed forces;

7. Land for shooting grounds, training grounds, and weapon testing and destroying sites;

8. Land for training institutions and centers, hospitals and sanatoriums of the people’s armed forces;

9. Land for construction of public-duty houses of the people’s armed forces;

10. Land for detention and re-education institutions managed by the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security.

Article 62. Land expropriation for socio-economic development in the national or public interest

The State may recover land for socio-economic development in the national or public interest in the following cases:

1. Implementation of projects of national importance which are approved in principle by the National Assembly for which land must be expropriated.

2. Implementation of projects which are approved or decided by the Prime Minister, including:

a/ Projects on construction of industrial parks, export processing zones, hi-tech zones, economic zones, new urban centers; investment projects funded with official development assistance (ODA) capital;

b/ Projects on construction of offices of state agencies, central political and socio-political organizations, offices of foreign organizations with diplomatic functions; ranked historical-cultural relics and scenic spots, parks, squares, statutes, monuments and national public non-business facilities;

c/ Projects for construction of national technical infrastructure including transport, irrigation, water supply and drainage, electricity and communication facilities; oil and gasoline pipelines and depots; national reserve warehouses; facilities for waste collection and treatment.

3. Implementation of projects which are approved by provincial-level People’s Councils for which land must be expropriated, including:

a/ Projects on construction of offices of state agencies, political and socio-political organizations; ranked historical-cultural relics and scenic spots, parks, squares, statutes, monuments, and local public non-business facilities;

b/ Projects on construction of local technical infrastructure including transport, irrigation, water supply and drainage, electricity, communication and urban lighting works; facilities for waste collection and treatment;

c/ Projects on construction of common activities of the communities; projects on resettlement, dormitories for students, social houses, and public-duty houses; construction of religious institutions, public culture, sports and entertainment and recreation centers; markets; graveyards, cemeteries, funeral service centers and cremation centers;

d/ Projects on construction of new urban centers and rural residential areas; on improvement of urban areas and rural residential areas; industrial clusters; concentrated zones for production and processing of agricultural, forestry, aquaculture and seafood products; and projects on development of protection forests or special-use forests;

dd/ Mining projects that are licensed by competent agencies, except mining of minerals for use as common construction materials, peat, and minerals in scattered and small mining areas, and salvage mining.

Article 63. Bases for land expropriation for national defense or security purpose; for socio-economic development in the national or public interest

Land expropriation for national defense or security purpose; for socio-economic development in the national or public interest must be based on the following:

1. The projects require land expropriation as prescribed in Articles 61 and 62 of this Law.

2. The annual district-level land use plans which are approved by competent state agencies.

3. The land use schedule of the projects.

Article 64. Land expropriation due to violations of land law

1. Cases of land expropriation due to violations of the land law include:

a/ Land is not used for the purposes for which land has been allocated, leased, or land use rights have been recognized by the State and the land users, after having been sanctioned administratively for using land for improper purposes, still continue committing the violation;

b/ Land users intentionally damage land;

c/ Land was allocated or leased to wrong subjects or ultra vires;

d/ Land that is ineligible for transfer or donation as prescribed in this Law is transfeưed or donated;

e/ Land that is allocated by the State for management is encroached or occupied;

f/ Land that is ineligible for transfer of land use rights as prescribed by this Law is encroached or occupied due to the irresponsibility of land users;

g/ Land users who fail to fulfill obligations to the State and have been administratively sanctioned for such violation but do not comply;

h/ Land for annual crops that is not used for 12 consecutive months; land for perennial plants that is not used for 18 consecutive months; land for afforestation that is not used for 24 consecutive months;

i/ Land that is allocated or leased for implementing investment projects is not used within 12 consecutive months, or the land use schedule is 24 months late compared with the schedule stated in the project documents since the hand-over in the field. In case of not putting the land into use, the land use term may be extended 24 months and the investors shall pay a sum of money equivalent to the total land use levy or land rental for the delayed period. If the investors still fail to put the land into use when the extended time is over, the State shall recover the land without compensation for land and land-attached assets, except due to force majeure.

2. Land expropriation due to violations of the land law must be based on documents and decisions issued by state agencies which are competent to determine violations of the land law.

3. The Government shall detail this Article.

Article 65. Land expropriation due to termination of land use in accordance with law, voluntary return of land or risks of threatening human life

1. Cases of land expropriation due to termination of land use in accordance with law, voluntary return of land or risks threatening human life include:

a/ Organizations to which land is allocated by the State without land use levy, or organizations to which land is allocated with land use levy and the land use levy is originated from the state budget, are dissolved, go bankrupt, move to another place, or have lower or no land use demand; land users which lease land with annual rental payment are dissolved, go bankrupt, move to another place, or have lower or no land use demand;

b/ Individual land users die without any heir;

c/ Land users return the land voluntarily;

d/ Land is allocated or leased by the State for definite periods and such periods expired without extension allowed;

e/ Land is located in environmentally polluted areas which bears the risks of threatening human life;

f/ Land having risks of being eroded or sunk or otherwise affected by other natural disasters threatening human life.

2. Land expropriation prescribed in Clause 1 of this Article must be based on the following:

a/ For the case of land expropriation prescribed at Point a, Clause 1 of this Article, the document of a competent agency which has taken legal effect;

b/ For the case of land expropriation prescribed at Point b, Clause 1 of this Article, the death certificate or the decision declaring that the individual concerned is dead in accordance with law and the document issued by the commune-level People’s Committee of the locality where the individual concerned resides, confirming that he/she has no heir;

c/ For the case of land expropriation prescribed at Point c, Clause 1 of this Article, the document of the land user on the return of land;

d/ For the case of land expropriation prescribed at Point d, Clause 1 of this Article, the decision on land allocation or land lease;

e/ For the case of land expropriation prescribed at Point e and Point f, Clause 1 of this Article, the decision issued by a competent state agency determining the extent to which land is environmentally polluted, eroded, sunk, or otherwise affected by another natural disaster which threatens human life.

3. The Government shall detail this Article.

Article 66. Competence to recover land

1. Provincial-level People’s Committee may decide on land expropriation in the following cases:

a/ Recovery of land from organizations, religious institutions, overseas Vietnamese, foreign organizations with diplomatic functions, and foreign-invested enterprises, excluding the case prescribed at Point b, Clause 2 of this Article;

b/ Recovery of agricultural land which is part of the public land funds of communes, wards or townships.

2. District-level People’s Committees may decide on land expropriation in the following cases:

a/ Recovery of land from households, individuals and communities;

b/ Recovery of land from overseas Vietnamese who are allowed to own houses in Vietnam.

3. In case both subjects prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article exist in one expropriated area, the provincial-level People’s Committee shall decide on the land expropriation or authorize district-level People’s Committees to decide on the land expropriation.

Article 67. Notification of land expropriation and compliance with decisions on land expropriation for national defense or security purpose; or for socio-economic development in the national or public interest

1. Before issuing a decision on land expropriation, at least 90 days prior to the recovery of agricultural land or 180 days prior to the recovery of non-agricultural land, competent state agencies shall notify the land users of the land expropriation. The contents to be notified include land expropriation, investigation, survey, measurement and inventory plans.

2. In case land users whose land is expropriated agree on the land expropriation plan prior to the time limit prescribed in Clause 1 of this Article, the competent People’s Committee may decide on land expropriation without having to wait until the time limit for the land expropriation notification expires.

3. Land users whose land is expropriated shall coordinate with agencies and organizations performing compensation and ground clearance in the process of investigation, survey, measurement, inventory, and making of plans for compensation, support and resettlement.

4. After the land expropriation decisions take effect and plans for compensation, support and resettlement approved by competent state agencies are publicized, land users whose land is expropriated shall comply with the land expropriation decisions.

Article 68. Organizations in charge of compensation and ground clearance; management of expropriated land

1. Organizations in charge of compensation and ground clearance include public land service organizations and compensation, support and resettlement councils.

2. The expropriated land shall be allocated for management and use according to the following provisions:

a/ Land expropriated under Articles 61 and 62 of this Law shall be allocated to investors for implementation of investment projects or to public land service organizations for management;

b/ Land expropriated under Clause 1, Article 64, and Points a, b, c or d, Clause 1, Article 65 of this Law shall be allocated to public land service organizations for management and auction of land use rights.

In case the land expropriated under Clause 1, Article 64, and Point a, b, c or d, Clause 1, Article 65 of this Law, is agricultural land of households and individuals in rural areas that land shall be allocated to commune-level People’s Committees for management. This land fund shall be allocated or leased in accordance with law to households and individuals that have no land or lack production land.

3. The Government shall detail this Article.

Article 69. Order and procedures for land expropriation for national defense or security purpose; for socio-economic development in the national or public interest

1. The making and implementation of plans for land expropriation, investigation, survey, measurement and inventory are prescribed as follows:

a/ The People’s Committee having competence to recover land shall issue a notice of land expropriation.

The notice of land expropriation must be sent to every land user whose land is expropriated, publicized in the meetings with people in the expropriated area and through the mass media, posted up at offices of the commune-level People’s Committee and at common public places of the residential areas of which land is expropriated;

b/ The commune-level People’s Committee shall coordinate with the organization in charge of compensation and ground clearance to implement plans for land expropriation, investigation, survey, measurement and inventory;

c/ Land users shall coordinate with the organization in charge of compensation and ground clearance in conducting investigation, survey and measurement of land area, inventory of houses and other land-attached assets to develop plans for compensation, support and resettlement;

d/ In case the land users in the expropriated area do not cooperate with the organization in charge of compensation and ground clearance for investigation, survey, measurement and inventory, the commune-level People’s Committee and Vietnam Fatherland Front in the locality and the organization in charge of compensation and ground clearance shall mobilize and persuade the land users to cooperate.

If the land users still do not cooperate with the organization in charge of compensation and ground clearance within 10 days after the mobilization and persuasion, the chairperson of the district-level People’s Committee shall issue a decision on compulsory inventory. Land users whose land is to be expropriated shall comply with that decision. In case the land users do not comply with the decision, the chairperson of the district-level People’s Committee shall issue a decision on enforcement of the decision on compulsory inventory and organize the enforcement in accordance with Article 70 of this Law.

2. The making and appraisal on plans for compensation, support and resettlement are prescribed as follows:

a/ The organization in charge of compensation and ground clearance shall make the plan for compensation, support and resettlement and coordinate with the commune-level People’s Committee in the locality to conduct consultations on the plans for compensation, support and resettlement in the forms of meetings with land users living in the expropriated area, posting up the plan for compensation, support and resettlement at offices of the commune-level People’s Committee and at common public places of the residential areas of which land is expropriated.

The consultation results must be recorded in minutes which are certified by representatives of the commune-level People’s Committee and Vietnam Fatherland Front, and land users whose land is expropriated.

The organization in charge of compensation and ground clearance shall make a written summarization of opinions which clearly specifies the numbers of opinions for, against and other opinions regarding the plans for compensation, support and resettlement; coordinate with the commune-level People’s Committee in the locality in organizing dialogues with those who have objections on the plans for compensation, support and resettlement; and improve the plans for compensation, support and resettlement for submission to competent agencies.

b/ Competent agencies shall appraise the plans for compensation, support and resettlement before submitting them to the competent People’s Committee for decision on land expropriation.

3. The decision on land expropriation, the approval and the organization of implementation of the plans for compensation, support and resettlement are prescribed as follows:

a/ The People’s Committee which has the competence as prescribed in Article 66 of this Law shall issue a decision on land expropriation and a decision on approval of the plans for compensation, support and resettlement in the same day;

b/ The organization in charge of compensation and ground clearance shall coordinate with the commune-level People’s Committee to publicize and post up the decision on approval of the plans for compensation, support and resettlement at the commune-level People’s Committee offices and at common public places of the residential areas of which land is expropriated. The organization shall send the decision on compensation, support and resettlement to each person whose land is expropriated and that decision will clearly show the level of compensation and support, arrangement of the resettlement land or house (if any), time and place of payment for compensation or support, time to arrange resettlement land or house (if any) and time to hand over the expropriated land to the organization in charge of compensation and ground clearance;

c/ The organization in charge of compensation and ground clearance shall implement activities in accordance with the approved plans for compensation, support and resettlement;

d/ In case land users whose land is to be expropriated fail to hand over the land to the organization in charge of compensation and ground clearance, the commune-level People’s Committee and Vietnam Fatherland Front in the locality and the organization in charge of compensation and ground clearance shall mobilize and persuade the land users to hand over.

In case the land users fail to comply with the decision even after the mobilization and persuasion, the chairperson of the district-level People’s Committee shall issue a decision on enforcement of land expropriation and organize the enforcement in accordance with Article 71 of this Law.

4. The organization in charge of compensation and ground clearance shall manage land which is already cleared.

Article 70. Enforcement of decisions on compulsory inventory

1. Principles of enforcement of a decision on compulsory inventory:

a/ The enforcement is conducted in a public, democratic, objective, orderly, safe and lawful manner;

b/ The times of starting the enforcement fall in working hours.

2. The enforcement of a decision on compulsory inventory may be conducted when all the following requirements are met:

a/ Land users whose land is to be expropriated do not comply with the decision on compulsory inventory after the mobilization and persuasion by the commune-level People’s Committee, Vietnam Fatherland Front and the organization in charge of compensation and ground clearance;

b/ The decision on enforcement of the compulsory inventory decision is posted up publicly at the office of the commune-level People’s Committee and at common public places of the residential area of which land is expropriated;

c/ The decision on enforcement of the compulsory inventory decision has taken effect;

d/ The person who is to be coerced has received the effective decision on enforcement.

In case the person who is to be coerced refuses to receive the decision on enforcement or is absent when the decision on enforcement is delivered, the commune-level People’s Committee shall make a written record of delivery.

3. The district-level People’s Committee chairperson who issues the decision on enforcement shall execute the decision on compulsory inventory and organize the execution of the decision on enforcement.

4. The order and procedures for executing the decision on enforcement of compulsory inventory are prescribed as follows:

a/ The organization assigned to conduct the enforcement shall mobilize, persuade and organize dialogues with, the coerced people;

b/ In case the coerced person complies with the decision on enforcement, the organization assigned to conduct enforcement shall make a written record to acknowledge the compliance, and conduct investigation, survey, measurement or inventory.

In case the coerced person fails to comply with the decision on enforcement, the organization assigned to conduct the enforcement shall execute the decision on enforcement.

Article 71. Enforcement of land expropriation decisions

1. The principles of enforcement of a land expropriation decision comply with Clause 1, Article 70 of this Law.

2. The enforcement of a land expropriation decision is conducted when all the following requirements are met:

a/ The person whose land is to be expropriated fails to comply with the land expropriation decision after the mobilization and persuasion by the commune-level People’s Committee and Vietnam Fatherland Front in the locality and the organization in charge of compensation and ground clearance;

b/ The decision on enforcement of the land expropriation decision is posted up at the office of the commune-level People’s Committee and at common public places of the residential area of which land is expropriated;

c/ The decision on enforcement of the land expropriation decision has taken effect;

d/ The person who is to be coerced has received the effective decision on enforcement.

In case the person who is to be coerced refuses to receive the decision on enforcement or is absent when the decision on enforcement is delivered, the commune-level People’s Committee shall make a written record of delivery.

3. The chairperson of the district-level People’s Committee issues the decision on enforcement of the land expropriation decision, and organizes the execution of the decision.

4. The order and procedures for enforcement of land expropriation:

a/ Before executing the enforcement, the chairperson of the district-level People’s Committee shall decide to establish an enforcement board;

b/ The enforcement board shall mobilize, persuade, and conduct dialogues with, the coerced persons. If the coerced persons comply, the enforcement board shall prepare a written record to acknowledge the compliance. The land must be handed over within 30 days from the date of making the minutes.

In case the coerced person fails to comply with the decision on enforcement, the enforcement board shall execute the enforcement;

c/ The enforcement board has the power to ask coerced persons and related people to leave the coerced areas and to move their properties out of the land areas by themselves. If these people fail to comply, the enforcement board shall move the coerced persons, related people and their properties out of the areas.

In case the coerced person refuses to receive their properties, the enforcement board shall make a written record, preserve the properties in accordance with law, and notify the properties’ owners to get the properties back.

5. Responsibilities of organizations and individuals in executing decisions on enforcement of land expropriation:

a/ The district-level People’s Committee shall implement the enforcement, settle complaints related to the enforcement in accordance with the law on complaints; implement the resettlement plans before executing the enforcement; ensure necessary conditions and means to serve the enforcement; and allocate funds for enforcement activities;

b/ The enforcement board shall assume the prime responsibility for making the enforcement plans and cost estimation for enforcement activities and submitting them to the competent People’s Committee for approval, conduct the enforcement in accordance with the approved plans and hand over the land to the organization in charge of compensation and ground clearance.

In case there remain properties on the coerced land, the enforcement board shall preserve the properties. The preservation cost shall be born by the properties’ owners;

c/ The police shall maintain social order and safety in the process of organizing the execution of the decision on enforcement of land expropriation;

d/ The commune-level People’s Committee of the locality concerned shall coordinate with related agencies in delivering and posting up the decision on enforcement of land expropriation, participate in the enforcement process and coordinate with the organization in charge of compensation and ground clearance in sealing and moving the properties of coerced people;

e/ Other related agencies, organizations and individuals shall coordinate with the enforcement board in executing the enforcement of land expropriation at the request of the enforcement board.

6. The Government shall detail this Article.

Article 72. Land requisition

1. The State may requisition land in case of extreme necessity to perform the tasks of national defense or security, or in a state of war or emergency, or of prevention and combat of natural disasters.

2. The decision on land requisition must be made in writing. In case of emergency when the decision can not be made in writing, the person who has competence to requisition land may make the decision verbally but shall write a confirmation document on the land requisition decision right at the time of land requisition. The decision on land requisition takes effect from the time of its issuance.

Within 48 hours from the time of making the land requisition decision verbally, the agency of the person making that decision shall confirm in writing and send the confirmation document to the person whose land is requisitioned.

3. The Minister of National Defense, the Minister of Public Security, the Minister of Transport, the Minister of Agriculture and Rural Development, the Minister of Health, the Minister of Industry and Trade, the Minister of Natural Resources and Environment, chairpersons of provincial-level People’s Committees and chairpersons of district-level People’s Committees have the competence to decide on land requisition and to extend the duration of land requisition. The persons who have the competence to requisition land may not delegate this competence to another person.

4. The duration of land requisition must not exceed 30 days from the time the decision on land requisition takes effect. In a state of war or emergency, the duration of land requisition is counted from the date of issuance of the decision on land requisition, but must not exceed 30 days from the date the state of war or emergency is repealed.

In case the duration of land requisition expires but the objectives of the requisition have not been achieved, the land requisition duration may be extended for no more than 30 days. The decision to extend the land requisition must be made in writing and sent to the people whose land is requisitioned before the land acquisition duration expires.

5. The person whose land is requisitioned shall comply with the decision on land requisition. If the land requisition decision is made in accordance with law and the people whose land is requisitioned fail to comply with that decision, the person who decides to requisition the land shall issue a decision on enforcement and organize the enforcement, or assign the chairperson of the provincial-level People’s Committee and the district-level People’s Committee of the locality to organize the enforcement.

6. The person who has the competence to decide on land requisition shall allocate the requisitioned land to organizations and individuals for efficient and proper management and use; return the land when the requisition duration expires; and make compensation for the damage caused by the land requisition.

7. The compensation for damage caused by land requisition is prescribed as follows:

a/ The person whose land is requisitioned is entitled to compensation in case the requisitioned land is destroyed or his/her income is lost as a direct consequence of the land requisition;

b/ If the requisitioned land is destroyed, the compensation must be made in money, based on the price of land use rights transferred in the market at the payment time;

c/ If the person whose land is requisitioned loses income as a direct consequence of the land requisition, the compensation must be determined based on the actual loss of income from the hand-over date to the returning date of the requisitioned land which is indicated in the decision on return of the requisitioned land.

The amount of actual loss of income must be consistent with the income incurred from the requisitioned land in normal conditions prior to the requisition.

d/ The chairperson of the provincial- or district-level People’s Committee of the locality shall form a council to determine the level of compensation for damage caused by the land requisition based on the written declarations of the land users and cadastral records. Based on the level of compensation determined by the council, the chairperson of the provincial- or district-level People’s Committee shall decide on the compensation;

e/ Compensation for damage caused by land requisition must be paid from the state budget in one-off payment and directly to the person whose land is requisitioned within 30 days from the returning date.

8. The Government shall detail this Article.

Article 73. Use of land through transfer and lease of land use rights and receipt of land use rights contributed as capital for production and business

1. If the land used for the projects or facilities for production and business purposes is not subject to recovery by the State as prescribed in Articles 61 and 62 of this Law and such land use is in accordance with the land use master plans and plans approved by competent state agencies, the investors may receive the transfer of, or lease, land use rights, or receive land use rights contributed as capital in accordance with law.

2. The State shall adopt policies to encourage the lease of land use rights or the receipt of land use rights contributed as capital of economic organizations, households and individuals to implement the projects or facilities for production and business.

3. The Government shall detail this Article.

Section 2. COMPENSATION FOR LAND, SUPPORT AND RESETTLEMENT

Article 74. Principles of compensation upon land expropriation by the State

1. Land users who meet the conditions prescribed in Article 75 of this Law upon land expropriation by the State shall be compensated.

2. The compensation must be made in the form of allocating new land with the same land use purpose with the expropriated land. If there is no land available for compensation, the land users shall receive compensation in money calculated according to the specific land price of the type of expropriated land which is decided by the provincial-level People’s Committee at the time of the recovery decision.

3. The compensation upon land expropriation by the State must be made in a democratic, impartial, equal, public, timely and lawful manner.

Article 75. Conditions for receiving compensation when the State expropriates land for national defense or security purpose; for socio-economic development in the national or public interest

1. Households and individuals using land which is not leased land with annual rental payment, having a certificate of land use rights, a certificate of ownership of houses and residential land use rights, or a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets (below referred to as the certificate), or being eligible to be granted a certificate under this Law but not being granted that certificate yet, except the cases prescribed in Clause 2, Article 77 of this Law. Overseas Vietnamese who are eligible to own houses associated with land use rights in Vietnam and are granted a certificate of land use rights and ownership of houses and residential land use rights and other land-attached assets, or being eligible to be granted such certificate under this Law but not being granted that certificate yet.

2. Communities and religious institutions using land which is not allocated or leased land by the State and having a certificate, or being eligible to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets under this Law but not being granted that certificate yet.

3. Overseas Vietnamese who are allocated land with land use levy by the State, or are leased land with full one-off rental payment for the entire lease period, or are transferred land use rights in industrial parks, industrial clusters, export processing zones, hi-tech zones or economic zones, having a certificate or being eligible to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets under this Law but not being granted that certificate yet.

4. Organizations that are allocated land with land use levy by the State, or are leased land with full one-off rental payment for the entire lease period, or receive inherited land use rights, or are transferred land use rights for which the land use levy has been paid or the amount paid for the transfer does not originate from the state budget, having a certificate or being eligible to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets under this Law but not being granted that certificate yet.

5. Foreign organizations with diplomatic functions that are leased land by the State with full one-off rental payment for the entire lease period and having a certificate or being eligible to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets under this Law but not being granted that certificate yet.

6. Economic organizations, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises that are allocated by the State land with land use levy to implement investment projects for construction of houses for sale or for a combination of sale and rent, or are leased land with full one-off rental payment for the entire lease period, having a certificate or being eligible to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets under this Law but not being granted that certificate yet.

Article 76. Compensation for remaining investment costs on land when the State expropriates land for national defense or security purpose; or for socio-economic development in the national or public interest

1. Cases that are not eligible for compensation for land but are eligible for compensation for the remaining investment costs on land when the State recovers the land include:

a/ Land which is allocated by the State without land use levy, except the cases in which agricultural land is allocated to households and individuals as prescribed in Clause 1, Article 54 of this Law;

b/ Land which is allocated with land use levy by the State to organizations but those organizations are exempted from land use levy;

c/ Land which is leased by the State with annual rental payment or leased land with full one- off rental payment for the entire lease period but the land rental is exempted, for cases in which households and individuals use land under the policies for people with meritorious services to the revolution;

d/ Agricultural land belonging to the public land fund of the communes, wards or townships;

e/ Contracted land for agriculture, forestry, aquaculture or salt production.

2. The Government shall detail this Article.

Article 77. Compensation for land and remaining investment costs on land when the State recovers agricultural land from households and individuals

1. Households and individuals using agricultural land when the State expropriates land are eligible to receive compensation for land and remaining investment costs on land in accordance with the following provisions:

a/ Agricultural land area to be compensated includes the area within the quotas as prescribed in Articles 129 and 130 of this Law and the area received in the form of inheritance;

b/ Agricultural land area exceeding the quota specified in Article 129 of this Law is ineligible for compensation for land but is eligible for the remaining investment costs on land;

c/ For agricultural land area exceeding the quota prior to the effective date of this Law, the compensation and support must comply with the Government’s regulations.

2. For agricultural land which was used before July 1,2004, of which land users are households and individuals directly engaged in agricultural production but have not been granted a certificate or not being eligible to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets under this Law, the compensation must be made for the land area which is actually used and does not exceed the agricultural land allocation quota prescribed in Article 129 of this Law.

Article 78. Compensation for land and remaining investment costs on land when the State recovers agricultural land from economic organizations, self-financed public non-business organizations, communities or religious institutions

1. For economic organizations that are using allocated agricultural land with land use levy or leased land with full one-off rental payment for the entire lease period, or are transferred land use rights, if they are eligible for compensation as prescribed in Article 75 of this Law when the State recovers the land, they shall be compensated for land for the remaining land use term.

2. Economic organizations, self-financed public non-business organizations that are using allocated agricultural land with annual rental payment, shall, upon land expropriation by the State, not be compensated for land but for the remaining investment costs on land if the costs do not originate from the state budget.

If agricultural land is not land for special-use forest, protection forest or production forest which is natural forest and has been contracted by economic organizations to households and individuals in accordance with law, upon land expropriation by the State, die households and individuals acquiring the contracted land shall not be compensated for land but for the remaining investment costs on land.

3. Communities and religious institutions that are using agricultural land and eligible for compensation as prescribed in Article 75 of this Law, shall, upon land expropriation by the State, be compensated for land in accordance with the Government’s regulations.

Article 79. Compensation for land when the State recovers residential land

1. Households and individuals using residential land and overseas Vietnam owning houses associated with land use rights in Vietnam, who are eligible for compensation as prescribed in Article 75 of the Law upon land expropriation by the State, shall be compensated as follows:

a/ If they have no other residential land or houses in the communes, wards or townships in which the expropriated land is located, they shall be compensated with residential land or house. If they have no need for compensation with residential land or house, the State shall compensate them in money;

b/ If they have other residential land or houses in the communes, wards or townships in which the expropriated land is located, they shall be compensated in money. For localities with available land fund, the compensation in the form of land may be considered.

2. For households and individuals that are required to move upon the State’s recovery of land and land-attached houses, if they are ineligible for compensation with residential land and have no other living place, the State shall offer houses for them to buy or lease-purchase, or allocate them residential land with land use levy.

3. Economic organization, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises that are using land for housing projects and are eligible for compensation as prescribed in Article 75 of this Law, shall be compensated for land upon land expropriation by the State.

4. The Government shall detail this Article.

Article 80. Compensation for land and remaining investment costs on land when the State recovers non-agricultural land which is not residential land of households and individuals

1. For households and individuals using non-agricultural land which is not residential land, when the State expropriates land, if they are eligible for compensation as prescribed in Article 75 of this Law, they shall be compensated with land having the same land use purpose. In case such land is not available for compensation, they shall be compensated with money calculated based on the remaining land use term.

2. For households and individuals using non-agricultural land which is not residential land and is leased by the State with annual rental payment or with full one-off rental payment for the entire lease period but being exempted from land rental, when the State expropriates land, they shall not be compensated for land but for the remaining investment costs in land, except the cases in which households and individuals use land under the policies for people with meritorious services to the revolution.

3. The Government shall detail this Article.

Article 81. Compensation for land and remaining investment costs on land when the State recovers non-agricultural land which is not residential land from economic organizations, self-financed public non-business organization, communities, religious institutions, overseas Vietnamese, foreign organizations with diplomatic functions, and foreign-invested enterprises

1. For economic organizations and overseas Vietnamese using non-agricultural land which is not residential land or land of cemeteries or graveyards, when the State expropriates land, if they are eligible for compensation as prescribed in Article 75 of this Law, they shall be compensated with land having the same land use purpose. In case that land is not available for compensation, they shall be compensated with money calculated based on the remaining land use term.

2. Economic organizations using land allocated for construction of cemeteries or graveyards as prescribed in Clause 4, Article 55 of this Law, or joint ventures using non-agricultural land that is not residential land as a result of receipt of land use rights contributed as capital as prescribed in Article 184 of this Law, shall be compensated for land according to the Government’s regulations when the State recovers the land.

3. For economic organizations, self-financed public non-business organization, overseas Vietnamese, foreign organizations with diplomatic functions, and foreign-invested enterprises using non-agricultural land which is leased with full one-off rental payment for the entire lease period, if they are eligible for compensation as prescribed in Article 75 of this Law when the State expropriates land, they shall be compensated for land according to the remaining land use term.

4. Economic organizations, self-financed public non-business organization, overseas Vietnamese, foreign organizations with diplomatic functions, and foreign-invested enterprises using non-agricultural land which is leased by the State with annual rental payment shall be compensated for the remaining investment costs on land upon land expropriation by the State.

5. For communities and religious institutions using non-agricultural land, if they are eligible for compensation as prescribed in Article 75 of this Law when the State expropriates land, they shall be compensated for land in accordance with the Government’s regulations.

Article 82. Cases in which compensation for land is not made upon land expropriation by the State

The State shall recover land without compensation for land in the following cases:

1. The cases specified in Clause 1, Article 76 of this Law;

2. Land which is allocated by the State for management;

3. Land which is expropriated as prescribed in Article 64 and at Points a, b, c and d, Clause 1, Article 65 of this Law;

4. Cases that are not eligible for a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in accordance with this Law, except the cases prescribed in Clause 2, Article 77 of this Law.

5. Principles of support upon land expropriation by the State:

a/ Upon land expropriation by the State, in addition to receiving compensation in accordance with this Law, land users shall also be considered for receiving support from the State;

b/ The support must ensure impartiality, equality, publicity, timeliness and lawfulness.

6. The support upon land expropriation by the State includes:

a/ Support for stabilizing livelihood and production;

b/ Support for training, occupation change and job seeking for cases of recovery of agricultural land from households and individuals directly engaged in agricultural production, or of recovery of land which is a combination between residential land and land for trading and services of households and individuals that have to be relocated;

c/ Support for resettlement in case of recovery of land from households, individuals and overseas Vietnamese who have to be relocated;

d/ Other support.

7. The Government shall detail this Article.

Article 83. Assistance upon land expropriation by the State

1. Rules for provision of assistance upon land expropriation by the State:

a) In addition to compensation prescribed in this Law, land users will also receive assistance from the State upon land expropriation by the State;

b) Assistance provision shall be objective, fair, timely, transparent and conformable with law.

2. Assistance upon land expropriation by the State includes:

a) Assistance in stabilization of life and production;

b) Assistance in vocational training, occupation change and job seeking in case of expropriation of agricultural land of households and individuals directly engaged in agricultural production; expropriation of land serving both accommodation and service business of households and individuals who have to be relocated afterward;

c) Assistance in relocation in case of expropriation of homestead land of households, individuals, Vietnamese nationals residing overseas who have to be relocated afterward;

d) Other kinds of assistance.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 84. Support for vocational training, occupation change and job seeking for households and individuals upon land expropriation by the State

1. For households and individuals directly engaged in agricultural production, when the State recovers agricultural land and there is no agricultural land available for compensation, in addition to receiving compensation in money, they are entitled to support for vocational training, occupation change and job seeking.

In case the people who are entitled to support for vocational training, occupation change or job seeking are of working age and have need for vocational training, they may be admitted to vocational training centers, receive counseling on job seeking and preferential loans to develop production and business.

2. Households and individuals using residential land in combination with trading and services in which the main source of income derives from trading and services, and need to be relocated when the State expropriates land, are entitled to preferential loans to develop production and business. Those whose land is expropriated and who are of working age are entitled to support for vocational training, occupation change and job seeking.

3. Based on the annual district-level land use plans, provincial- and district-level People’s Committees shall make and implement plans for vocational training, occupation change and job seeking for those whose expropriated land is agricultural land or residential land in combination with trading and services. Plans for vocational training, occupation change and job seeking shall be developed and approved concurrently with plans for compensation, support and resettlement.

During the process of making plans for vocational training, occupation change and job seeking, provincial- and district-level People’s Committees shall organize consultations with, and give explanation and assimilate opinions from, people whose land is expropriated.

Article 85. Formulation and implementation of resettlement projects

1. Provincial- and district-level People’s Committees shall develop and implement the resettlement projects before conducting the land expropriation.

2. In the concentrated resettlement areas, infrastructure must be developed synchronously, ensuring construction standards and regulations and conformity with the conditions, customs and practices of each region and area.

3. Land expropriation can only be conducted after the construction of houses and infrastructure in the resettlement area is completed.

4. The Government shall detail this Article.

Article 86. Resettlement arrangement for those whose land is expropriated and who need to be relocated

1. The organization in charge of compensation and ground clearance which is assigned by the provincial- and district-level People’s Committees to arrange resettlement shall notify those whose land is expropriated and who need to be relocated of the tentative resettlement arrangement plan and post up the plan at the offices of the commune-level People’s Committee, at common public places of the residential areas of which land is expropriated and at resettlement areas for at least 15 days before competent state agencies approve the plan.

The contents of the notification include the location and area of resettlement land and resettlement houses, design and area of each land lot or apartment, prices of resettlement land and resettlement houses, and the tentative plan for resettlement arrangement for those whose land is expropriated.

2. People whose land is expropriated shall be resettled in the same place if the resettlement projects are developed or conditions for resettlement arrangement exist in the expropriated area. Convenient locations are prioritized for those who hand over the expropriated land early or people with meritorious services to the revolution.

The approved plan for resettlement arrangement must be publicized at the office of the commune-level People’s Committee and at common public places of the residential areas of which land is expropriated.

3. The specific land price used to calculate land use levy at resettlement areas and the sale price of resettlement houses shall be determined by the provincial-level People’s Committee.

4. In case people having land expropriated are resettled while the amount of compensation and support is not enough to buy the minimum resettlement plot, the State shall make up the deficit.

The Government shall specify the minimum resettlement plot in conformity with specific conditions of each region, area and locality.

Article 87. Compensation, support and resettlement for special cases

1. For investment projects that are decided by the National Assembly or approved in principle by the Prime Minister and require relocation of all population in the community, affecting all the livelihood, socio-economic activities, and cultural traditions of the community, and for projects of which the expropriated land is located in several provinces and centrally run cities, the Prime Minister shall decide on the policy framework for compensation, support and resettlement.

2. For projects using loans from international or foreign organizations for which Vietnam has committed to a policy framework for compensation, support and resettlement, that framework policy shall apply.

3. For the cases prescribed at Points e and f, Clause 1, Article 65 of this Law, people whose land is expropriated are entitled to compensation, support and resettlement to stabilize their livelihood and production in accordance with the Government’s regulations.

Section 3. COMPENSATION FOR DAMAGE TO ASSETS, PRODUCTION AND BUSINESS

Article 88. Principles of compensation for damage to assets and damage incurred due to stopped production and business upon land expropriation by the State

1. If land-attached assets are damaged upon land expropriation by the State, lawful owners of those assets are entitled to compensation.

2. Upon the land expropriation by the State, if organizations, households, individuals, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises have to stop production and business which causes them damage, they are entitled to compensation for the damage.

Article 89. Compensation for damage to houses and construction facilities on land upon the land expropriation by the State

1. For houses and land-attached residential construction facilities of households, individuals or overseas Vietnamese which are wholly or partially dismantled upon land expropriation by the State while the remaining part does not meet technical standards as prescribed by law, their owners are entitled to compensation equivalent to the value of new houses and construction facilities with equivalent technical standards.

If the remaining part of the houses and construction facilities still meets the technical standards as prescribed by law, the compensation must be made based on the actual damage.

2. For houses and other land-attached construction facilities not falling into the case specified in Clause 1 of this Article, which are wholly or partially dismantled upon land expropriation by the State while the remaining part does not meet technical standards as prescribed by law, their owners are entitled to compensation for the damage in accordance with the Government’s regulations.

3. For land-attached technical infrastructure and social infrastructure cuưently in use and not falling into the cases specified in Clauses 1 and 2 of this Article, the compensation amount is equivalent to the value of new construction facilities with equivalent technical standards prescribed by specialized law.

Article 90. Compensation for plants and livestock

1. In case the land expropriation by the State causes damage to plants, the compensation shall be made according to the following provisions:

a/ For annual crops, the compensation must be equal to the output value of the harvest. The output value of the harvest is the highest yield of the harvests in the preceding 3 years of the local main crop and the average price at the time of land expropriation;

b/ For perennial crops, the compensation must be equal to the current value of the planting area calculated in local prices at the time of the land expropriation, excluding the value of land use rights;

c/ For plants which have not been harvested yet but can be brought to another location, the transportation cost and the actual damage due to the transportation and re-planting must be compensated;

d/ For planted forests funded by the state budget and for natural forests allocated to organizations, households and individuals for planting, management, growing or protection, the value of the actual damage must be compensated. The compensation amount must be divided to those who manage, grow and protect the forests in accordance with the law on forest protection and development.

2. In case land expropriation by the State causes damage to aquatic livestock, the compensation must be made according to the following provisions:

a/ For aquatic livestock which are due to be harvested at the time of land expropriation, no compensation must be made;

b/ For aquatic livestock which are not due to be harvested at the time of land expropriation, the actual damage due to the early harvest must be compensated. In case the aquatic livestock can be brought to another location, the transportation cost and the damage caused by the transportation must be compensated. The specific compensation amount must be determined by provincial-level People’s Committees.

Article 91. Compensation for transportation costs upon land expropriation by the State

1. Upon land expropriation by the State, people whose assets need to be moved shall be compensated for the cost of dismantlement, transportation and installation. In case of moving machinery or production lines, the damage caused during the process of dismantlement, transportation and installation must also be compensated.

2. Provincial-level People’s Committees shall prescribe the compensation amount mentioned in Clause 1 of this Article.

Article 92. Cases ineligible for compensation for land-attached assets upon land expropriation by the State

1. Land-attached assets falling into any of the cases of land expropriation specified at Points a, b, d, e, f and i, Clause 1, Article 64, and at Points b and d, Clause 1, Article 65 of this Law.

2. Land-attached assets which are illegally created or created after the notice of land expropriation by a competent state agency takes effect.

3. Technical infrastructure, social infrastructure and other construction facilities which are no longer in use.

Article 93. Payment of compensation, support and resettlement money

1. Within 30 days after the decision on the land expropriation by a competent state agency takes effect, agencies and organizations in charge of compensation shall pay compensation and support to people whose land is expropriated.

2. If agencies and organizations in charge of compensation delay the payment, in addition to the compensation and support prescribed in approved plans for compensation, support and resettlement, people whose land is expropriated are entitled to an amount equivalent to the late- payment interest in accordance with the Law on Tax Administration calculated based on the unpaid amount and the delayed period.

3. In case people whose land is expropriated do not receive the compensation and support prescribed in approved plans for compensation, support and resettlement, this compensation and support must be deposited in the temporary custody account of the State Treasury.

4. For land users who are entitled to compensation upon land expropriation by the State but have not fulfilled land-related financial obligations as prescribed by law, the amount of these financial obligations must be deducted from the compensation amount and paid back to the state budget.

5. The Government shall detail this Article.

Article 94. Compensation for land within safety coưidors upon construction of facilities with safety corridors

When the State constructs public, national defense or security facilities with safety corridors without recovering the land located within the safety corridors, the land users are entitled to compensation for the damage caused by limited land use and for the damage to land-attached assets in accordance with the Government’s regulations.

Chapter VII

LAND REGISTRATION, GRANT OF CERTIFICATES OF LAND USE RIGHTS AND OWNERSHIP OF HOUSES AND OTHER LAND-ATTACHED ASSETS

Section 1. REGISTRATION OF LAND, HOUSES AND OTHER LAND-ATTACHED ASSETS

Article 95. Registration of land, houses and other land-attached assets

1. Land registration is compulsory for land users and people who are allocated land for management. Registration of ownership of houses and other land-attached assets is conducted at the request of the owner.

2. Registration of land, houses and other land-attached assets includes the first registration and change registration which are conducted at the land registration organization under the land administration agency, in the form of paper or electronic registration, which are of the same legal validity.

3. First registration is conducted in the following cases:

a/ The land parcel is allocated or leased for use;

b/ The land parcel is in use but not registered yet;

c/ The land parcel is allocated for management but not registered yet;

d/ The houses and other land-attached assets are not registered yet.

4. Change registration is conducted in the cases in which the certificates have been granted or change occurs after the first registration as follows:

a/ The land user or the owner of land-attached assets exercises the right to exchange, transfer, lease, sublease, inherit, donate land use rights or land-attached assets; mortgage or contribute as capital land use rights or land-attached assets;

b/ The land user or the owner of land-attached assets is allowed to change his/her name;

c/ There is a change in the shape, dimension, area, number and address of the land parcel;

d/ There is a change in land-attached assets compared with the registered contents;

e/ There is a change of land use purpose;

f/ There is a change of land use term;

g/ There is a change from land lease with annual rental payment to land lease with one-off rental payment for the entire lease period, from land allocation without land use levy to land lease, or from land lease to land allocation with land use levy in accordance with this Law;

h/ Land use rights or the ownership of houses and other land-attached assets of the wife or husband is converted the joint land use rights and ownership of houses and other land-attached assets of both husband and wife;

i/ The joint land use rights and ownership of houses and other land-attached assets of the organization or the household, of both husband and wife, of joint land users group and joint owners of land-attached assets are split;

k/ There is a change in land use rights or ownership of houses and other land-attached assets as a result of the successful conciliation of land disputes which is confirmed by a competent People’s Committee, the agreement in the mortgage contract to settle the debt, the decision of a competent state agency on settlement of land dispute, complaint and denunciation, the decision or judgment of a People’s Court, the decision on enforcement of the enforcement board which has been implemented, or the document recognizing the result of the auction of land use rights in accordance with law;

l/ The limited use rights to the adjacent land parcel are established, changed or terminated;

m/ There is a change in the limitations on the rights of land users.

5. Land users and owners of land-attached assets who have declared and registered are recorded in the cadastral book and granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets if they so request and are eligible in accordance with this Law and other relevant laws. In case of change registration, land users are granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, or have the change certified in the granted certificate.

In case of first registration, if land users are ineligible for a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, they may use land temporarily until the State issues a handling decision on the issue in accordance with Government’s regulations.

6. For the cases of change registration specified at Points a, b, h, i, k and 1, Clause 4 of this Article, land users shall perform the procedures for change registration within 30 days from the date of the change. In case of inheritance, this period is calculated from the date the inherited land use rights are divided.

7. The registration of land and land-attached assets takes effect on the date of registration in the cadastral book.

Article 96. Cadastral records

8. Cadastral records include paper or digital documents which show detailed information on each land parcel, people assigned to manage the land, the land user, the owner of any land-attached asset, land use rights and changes of land use rights, and the ownership of land-attached assets.

9. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe cadastral records, the establishment, editing and management of cadastral records, and provide a roadmap for change from paper to digital cadastral records.

Section 2. GRANT OF THE CERTIFICATE OF LAND USE RIGHTS AND OWNERSHIP OF HOUSES AND OTHER LAND-ATTACHED ASSETS

Article 97. Certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets

1. A certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets is granted to those who have land use rights and the ownership of houses and other land-attached assets, which is made according to a single form used nationwide.

The Minister of Natural Resources and Environment shall issue specific regulations on the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.

2. The certificate of land use rights, the certificate of house ownership and residential land use rights, the certificate of house ownership and the certificate of construction facilities ownership which have been granted in accordance with the land law, housing law or construction law before December 10, 2009, remain legally valid and are not required to be changed to the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets. In case those who were granted a certificate before December 10, 2009, want to change the certificate, they shall be granted the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in accordance with this Law.

Article 98. Principles of grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets

1. The certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted for each land parcel. Land users who are using several agricultural land parcels in the same commune, ward or township, shall be granted one certificate for all parcels at their request.

2. For a land parcel which is used by several land users or for the houses and other land-attached assets which are owned by several owners, the names of all involved persons shall be recorded in the certificate, and each person shall be granted one certificate. At the request of the land users or owners, only one certificate may be granted to all of them and delivered to the representative.

3. Land users or owners of houses and other land-attached assets shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets after they have fulfilled the financial obligations as prescribed by law.

In case the land users or owners of houses and other land-attached assets do not have to fulfill financial obligations or are exempted from financial obligations or allowed to owe the financial obligations and in case the land is leased with annual rental payment, they may receive the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets right after the certificate is granted by a competent agency.

4. In case land use rights, or land use rights and the ownership of houses and other land- attached assets, or the ownership of houses and other land-attached assets are/is the joint property of husband and wife, the full names of both husband and wife must be recorded in the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, unless husband and wife agree to record the full name of only one person.

In case land use rights, or land use rights and the ownership of houses and other land-attached assets, or the ownership of houses and other land-attached assets are/is the joint property of husband and wife and the granted certificate only records the full name of the husband or wife, a new certificate which records the full names of both husband and wife may be granted if requested.

5. If there is a difference in the area between the actual surveyed data with data recorded on the documents as prescribed in Article 100 of this Law or in the granted certificate while the boundaries of the land parcel in use have not changed compared with the boundaries of the land parcel at the time of receiving the document on land use rights and there is no dispute with the adjacent land users, the land area is determined in accordance with the actual surveyed data for granting or changing the certificate. Land users do not have to pay land use levy for the positive balance in area, if any.

In case of resurvey and the boundaries of the land parcel change compared with the boundaries of the land parcel at the time of receiving the document on land use rights and the surveyed area is larger than the area recorded in that document, the balance area (if any) may be considered for the grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in accordance with Article 99 of this Law.

Article 99. Cases of land use to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets

1. The State shall grant a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for the following cases:

a/ Current land users who are eligible to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in accordance with Articles 100, 101 and 102 of this Law;

b/ People who are allocated land or leased land by the State from the date this Law takes effect;

c/ People who are allowed to exchange, acquire, inherit, receive land use rights as a donation, or receive land use rights contributed as capital, or to receive land use rights upon settlement of contracts on mortgage with land use rights to recover debts;

d/ People who are entitled to use land as a result of the successful conciliation of land disputes, a judgment or decision of the People’s Court, a judgment enforcement decision of the judgment enforcement agency, or a decision on settlement of land disputes, complaints or denunciations of a competent state agency, which has been executed;

dd/ Land use right auction winners;

e/ People who use land in industrial parks, industrial parks, export processing zones, hi-tech zones or economic zones;

g/ People who buy houses and other land-attached assets;

h/ People who buy houses attached to residential land liquidated by the State or buy state- owned houses;

i/ People who use split or consolidated land parcels; a group of land users or members of a household, husband and wife, organizations using land who split or consolidate the existing land use rights;

k/ Land users who request change or re-grant of a lost certificate.

2. The Government shall detail this Article.

Article 100. Grant of the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to households, individuals and communities that are using land and have documents on land use rights

1. Households and individuals that are using land stably and have one of the following documents shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets without having to pay land use levy:

a/ The documents on land use rights before October 15, 1993, which were granted by a competent agency in the process of implementing the land policy of the Democratic Republic State of Vietnam, the Provisional Revolutionary Government of the Republic of South Vietnam or the Socialist Republic of Vietnam;

b/ Temporary certificates of land use rights granted by competent state agencies, or having their names recorded in the Land Register Book or Cadastral Book before October 15, 1993;

c/ Lawful papers on inheritance or donation of land use rights or land-attached assets, documents on hand-over of land-attached gratitude house or charity house;

d/ The document on the transfer of land use rights or purchase of residential land-attached houses before October 15, 1993, and such houses were certified as being used before October 15, 1993, by the commune-level People’s Committee;

e/ The document on liquidation of residential land-attached houses by the State or document on purchase of a state-owned house in accordance with law;

f/ The document on land use rights issued by a competent authority of the former regime to land users;

g/ Other documents issued before October 15, 1993, in accordance with the Government’s regulations.

2. Households and individuals that are using the land and have one of the documents specified in Clause 1 of this Article bearing the names of other people accompanied by the documents on transfer of land use rights signed by the related parties, but have not performed the procedures for the transfer of land use rights in accordance with law prior to the effective date of this Law, and there is no dispute on that land, shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets without having to pay land use levy.

3. Households and individuals that are allowed to use land pursuant to a decision or a judgment of the People’s Court, a judgment enforcement decision of a judgment enforcement agency, a document recognizing results of the successful conciliation or a decision of a competent state agency on settlement of land disputes, complaints or denunciations which was executed, shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets. In case they have not fulfilled their financial obligations, they shall fulfill those obligations in accordance with law.

4. Households and individuals using land that is allocated or leased by the State from October 15, 1993, to the effective date of this Law and have not been granted a certificate, shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets. In case they have not fulfilled their financial obligations, they shall fulfill those obligations in accordance with law.

5. Communities using land with communal houses, temples, shrines, hermitages, worship halls or ancestral temples; agricultural land prescribed in Clause 3, Article 131 of this Law, and that land is dispute-free and is certified as the land used commonly by the community by the commune-level People’s Committee, shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.

Article 101. Grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets to households and individuals that are using land and have no documents on land use rights

1. Households and individuals using the land prior to the effective date of this Law and having none of documents prescribed in Article 100 of this Law that have a book of status of permanent residence in the locality and are directly engaged in agriculture, forestry, aquaculture or salt production in areas with difficult socio-economic conditions or especially difficult socio-economic conditions, and are certified by the commune-level People’s Committee that the land has been used stably and dispute-free, shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets without having to pay land use levy.

2. Households and individuals using land and having none of documents prescribed in Article 100 of this Law that have used land stably before July 1, 2004, with no violations of the land law and such land is certified by the commune-level People’s Committee as dispute-free and conformable with the land use master plan, detailed urban construction master plan and master plan on construction of rural residential areas approved by competent state agencies, shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.

3. The Government shall detail this Article.

Article 102. Grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets to organizations and religious institutions that are using land

1. Organizations using land shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for the land area which is used for proper purposes.

2. The land area used by organizations which is not covered in the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets is settled as follows:

a/ The State shall recover land which is not used, is used improperly, is borrowed or leased illegally, is encroached or occupied;

b/ Organizations shall hand over the land area which was used as residential land to the district-level People’s Committee for management. In case that residential land is in accordance with the land use master plan approved by a competent state agency, the land users are entitled to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets. In case a state enterprise engaged in agriculture, forestry, aquaculture or salt production is allocated land and lets households and individuals use part of that land for residential purpose before July 1, 2004, that enterprise shall make a plan for rearrangement of such residential area into a residential quarter and submit it to the provincial-level People’s Committee for approval before handing over the land to the locality for management.

3. For organizations using leased land as prescribed in Article 56 of this Law, the provincial- level land administration agency shall perform the procedures to sign the land lease contract before granting a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.

4. Religious institutions using land shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets if they fully meet the following conditions:

a/ Being licensed to operate by the State;

b/ The land is dispute-free;

Article 103. Determination of residential land area with respect to land with ponds and gardens

1. In order to be considered as residential land with gardens and ponds of households or individuals must be located within a land parcel with existing houses.

2. If a land parcel with gardens and ponds was formed before December 18, 1980, and the land user possesses one of the documents on land use rights as prescribed in Clauses 1, 2 and 3, Article 100 of this Law, the area of residential land shall be determined in accordance with such documents.

In case the residential area is not indicated clearly in documents on land use rights prescribed in Clauses 1, 2 and 3 of Article 100 of this Law, the residential land area to be recognized without land use levy must not exceed 5 times the land allocation quota prescribed in Clause 2, Article 143, and Clause 4, Article 144 of this Law.

3. If a land parcel with gardens and ponds was formed in the period from December 18, 1980, to before July 1, 2004, and the land user possesses one of the documents on land use rights as prescribed in Article 100 of this Law and the land area is indicated clearly in those documents, the residential land area shall be determined according to those documents.

4. If a land parcel with gardens and ponds was formed in the period from December 18, 1980, to before July 1, 2004, and the land user possesses one of the documents on land use rights as prescribed in Article 100 of this Law and the land area is not indicated clearly in those documents, the residential land area shall be determined as follows:

a/ The provincial-level People’s Committee shall, based on the local conditions and customs, prescribe the residential land recognition quota for each household in accordance with local customs and the number of people in the household;

b/ If the land parcel is larger than the prescribed residential land recognition quota of the locality, the residential land area shall be determined equal to the residential land recognition quota of the locality;

c/ If the land parcel is smaller than the prescribed residential land recognition quota of the locality, the residential land area must be determined as the whole area of the land parcel.

5. In case there are no documents on land use rights as prescribed in Article 100 of this Law, and the land has been used stably since before October 15, 1993, the residential land area shall be determined under Clause 4 of this Article. In case the land has been used stably from October 15, 1993, the residential land area shall be determined in accordance with residential land area allocated to each household or individual as prescribed in Clause 2, Article 143, and Clause 4, Article 144 of this Law.

6. After the residential land area is determined under Clauses 2, 3, 4 and 5 of this Article, the remaining land area with gardens and ponds shall be used for the current land use purpose under Clause 1, Article 10 of this Law.

7. The Government shall detail this Article.

Article 104. Grant of a certificate for land-attached assets

1. Land-attached assets to be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets include houses, other construction facilities, production forests which are planted forests, and perennial crops existing at the time the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets is granted.

2. The grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for land-attached assets must comply with the Government’s regulations.

Article 105. Competence to grant certificates "of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets

1. Provincial-level People’s Committees shall grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to organizations, religious institutions, overseas Vietnamese, foreign-invested enterprises which implement investment projects, and foreign organizations with diplomatic functions.

Provincial-level People’s Committees may authorize the agency in charge of natural resources and environment of the same level to grant the certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.

2. District-level People’s Committees shall grant the certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to households, individuals and communities, and to overseas Vietnamese that are eligible to own house associated with land use rights in Vietnam.

3. For the subjects that were granted a certificate, a certificate of houses ownership or a certificate of construction facilities ownership, and execute the rights of land users or owners of land-attached assets or apply for the renewal or re-grant of the certificate, the certificate of houses ownership or the certificate of construction facilities ownership, the agency in charge of natural resources and environment shall handle in accordance with the Government’s regulations.

Article 106. Rectification and revocation of granted certificates

1. The state agencies which have the competence to grant the certificate shall correct the granted certificates which bear the following errors:

a/ There is wrong information on the name, the papers on legal status or personal identity, in the address of the land user or owner of land-attached assets as compared with the papers on legal status or personal identity at the time of grant of the certificate to such person;

b/ There is wrong information on the land parcel, land-attached assets as compared with the registration application dossier on land and land-attached assets which have been inspected and certified by the land registration agency.

2. The State may withdraw a granted certificate in the following cases:

a/ The State recovers the whole land area indicated on the granted certificate;

b/ The granted certificate is renewed;

c/ The land user or owner of the land-attached assets registers for a change of land or land- attached assets for which a new certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets must be granted;

d/ The existing certificate was granted ultra vires, to an improper land user, for a wrong land area, without sufficient conditions, for improper land use purpose or land use term or land use origin as prescribed by the land law, except for the case in which the person for whom the certificate is granted has transferred land use rights or ownership of land-attached assets in accordance with the land law.

3. The withdrawal of a granted certificate for the cases prescribed at Point d, Clause 2 of this Article shall be decided by the agency having the competence to grant the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets as prescribed in Article 105 of this Law based on the conclusion of the inspection agency at the same administrative level, or based on the effective document issued by a competent state agency on land dispute settlement.

Chapter VIII

LAND FINANCE, LAND PRICE AND AUCTIONS OF LAND USE RIGHTS

Section 1. LAND FINANCE

Article 107. Financial revenues from land

1. Financial revenues from land include:

a/ Land use levy upon land allocation by the State with land use levy, permission for change of land use purpose, or recognition of land use rights with land use levy;

b/ Land rental upon land lease by the State;

c/ Land use tax;

d/ Income tax on transfer of land use rights;

e/ Revenue from sanction of administrative violations of the land law;

f/ Indemnification to the State for damage caused during land management and use;

g/ Charges and fees in land management and use.

2. The Government shall prescribe in detail the collection of land use levy and land rental, sanctioning of administrative violations of the land law, and indemnification to the State for damage caused during land management and use.

Article 108. Bases and time for calculation of land use levy and land rental

1. Bases for calculation of land use levy include:

a/ The land area which is allocated, permitted for change of land use purpose, or of which land use rights are recognized;

b/ The land use purpose;

c/ The land price as prescribed in Article 114 of this Law; in case of auction of land use rights, the land price is the winning price.

2. Bases for calculation of land rental include:

a/ The area of leased land;

b/ The land lease term;

c/ The unit price for land lease; in case of auction of land lease rights, the land rental is the winning unit price;

d/ Types of land lease, including annual rental payment or full one-off rental payment for the entire lease period.

3. The time for calculation of land use levy or land rental is the time when the State decides on the land allocation or land lease, permits change of land use purpose, or recognizes land use rights.

Article 109. Payment of land use levy or land rental upon change of land use purpose or extension of land use term

1. Upon change of land use purpose as prescribed at Points d, e, f and g, Clause 1, Article 57 of this Law, land users shall pay land use levy or land rental in accordance with the following provisions:

a/ Payment of land use levy or the full one-off rental payment for the entire lease period which is the difference between the land use levy or land rental after and before the change of the land use purpose;

b/ Payment of annual rental payment based on the type of land after the change of the land use purpose.

2. When the land use term is extended and the land user is obliged to pay land use levy or land rental, the land user shall fulfill their financial obligations for the extended land use term.

3. The Government shall detail this Article.

Article 110. Exemption from and reduction of land use levy or land rental

1. The exemption from and reduction of land use levy or land rental apply in the following cases:

a/ Using land for production and business purposes in sectors or geographical areas that are given investment preferences in accordance with the investment law, except for investment projects on construction of commercial houses;

b/ Using land for implementation of policies on houses and residential land for the people with meritorious services to the revolution, for poor households, for households and individuals of ethnic minorities living in areas with especially difficult socio-economic conditions, in bordering areas or on islands; using land for social housing construction in accordance with the housing law; residential land for people who have to be relocated when the State expropriates land due to the risks threatening humans life;

c/ Using agricultural land by households and individuals of ethnic minorities;

d/ Using land for construction of non-business facilities of public non-business organization;

dd/ Using land for construction of infrastructure of airports, airfields and facilities to provide air services;

e/ Using land for construction of offices, drying grounds and warehouses; service facilities directly serving agriculture, forestry, aquaculture or salt production for agricultural cooperatives;

g/ Other cases as prescribed by the Government.

2. The Government shall detail this Article.

3. The land development fond of a locality shall be established by the provincial-level People’s Committee or entrusted to the Fund for development investment or other financial funds of the locality to advance capital for compensation, ground clearance or creation of land fund in accordance with land use master plans and plans approved by competent state agencies.

4. The financial sources for the land development fund shall be allocated from the State budget and other mobilized sources in accordance with law.

5. The Government shall detail this Article.

Section 2. LAND PRICE

Article 112. Principles and methods of land valuation

1. Land valuation must abide by the following principles:

a/ Based on the lawful land use purpose at the time of land valuation;

b/ Based on the land use term;

c/ Being suitable with the popular market price of transferred land with the same land use purpose, or winning price in auctions of land use rights in case of organizing auctions of land use rights, or the income earned from land use;

d/ At a time, the adjacent land parcels with the same land use purpose, profitability and income earned from land use have the same price.

2. The Government shall prescribe land valuation methods.

Article 113. Land price frames

The Government shall promulgate land price frames once every 5 years for each type of land and for each region. During the implementation of land price frames, if the popular price in the market increases 20% or more over the maximum price or reduces 20% or more below the minimum price prescribed in land price frames, the Government shall adjust land price frames accordingly.

Article 114. Land price tables and specific land prices

1. Based on the principles, methods of land valuation and land price frames, provincial-level People’s Committees shall develop and submit the land price tables to the People’s Councils of the same level for review before promulgation. Land price tables shall be developed once every 5 years and publicized on January 1 of the beginning year of the period.

During the implementation of land price tables, when the Government adjusts land price frames or there are changes in popular land price in the market, provincial-level People’s Committees shall adjust land price tables accordingly.

At least 60 days before submitting the land price tables to the People’s Council of the same level for review, the provincial-level People’s Committee shall send the draft land price tables to agencies in charge of developing land price frames for consideration. In case of big difference in land prices at bordering locations among provinces and centrally run cities, this difference must be reported to the Prime Minister for decision.

2. Land price tables shall be used as a basis for the following cases:

a/ Calculation of land use levy when the State recognizes land use rights of households and individuals for land areas within land use quotas, or permits change of land use purpose from agricultural land or non-agricultural land which is non-residential land to residential land for land areas within land allocation quotas applied to households and individuals;

b/ Calculation of land use tax;

c/ Calculation of charges and fees in land management and use;

d/ Calculation of fines for administrative violations in the field of land;

e/ Calculation of indemnification paid to the State for damage caused in land management and use;

f/ Valuation of land use rights paid to the people who voluntarily return land to the State in case the returned land is allocated with land use levy, recognized of land use rights with land use levy, or leased land with full one-off rental payment for the entire lease period by the State.

3. Provincial-level People’s Committees shall decide on specific land prices. The provincial- level land administration agency shall assist the provincial-level People’s Committee in the determination of specific land prices. During the implementation, the provincial-level land administration agency may hire organizations having consultancy functions for advising on the determination of specific land prices.

The determination of specific land prices must be based on the investigation, collection of information about land parcels, market land price and information on land price in the land database, and based on suitable valuation methods. Based on the consultation on land price, the provincial-level land administration agency shall submit the specific land price to the council for land price appraisal for consideration before submitting it to the People’s Council of the same level for decision.

The council for land price appraisal comprises the chairperson of the provincial-level People’s Committee as the chairperson, and representatives of related agencies and organizations and the organization with the function of consultancy on land price determination.

4. Specific land price shall be used as a basis for the following cases:

a/ Calculation of land use levy when the State recognizes land use rights of households and individuals for land areas in excess of land use quotas, or permits change of land use purpose from agricultural land or non-agricultural land which is non-residential land to residential land for land areas in excess of land allocation quotas applied to households and individuals; and determination of land rental for agricultural land areas in excess of land allocation quotas or quotas for receipt of transferred agricultural land use rights of households and individuals;

b/ Calculation of land use levy when the State allocates land with land use levy not through auction of land use rights, recognizes land use rights, or permits change of land use purpose for organizations that shall pay land use levy;

c/ Calculation of land rental when the State leases land not through auction of land use rights;

d/ Valuation of land use rights upon equitization of state enterprises that are allocated land with land use levy, leased land with one-off rental payment; and calculation of land rental in case equitized state enterprises are leased land by the State with annual rental payment;

e/ Calculation of compensation amount upon land expropriation by the State.

5. The Government shall detail this Article.

Article 115. Consultancy on land price determination

1. Consultancy on land price determination may be necessary in the following cases:

a/ Development or adjustment of land price frames; development or adjustment of land price tables and determination of specific land prices at the request of competent state agencies;

b/ Settlement of complaints about land price at the request of competent state agencies or related parties;

c/ Performance of civil transactions related to specific land prices at the request by parties.

2. Conditions for activities and practice of land price determination consultancy comply with the Government’s regulations.

3. The land price determination by consultants must be independent, impartial and honest and must comply with land valuation principles and methods prescribed in Article 112 of this Law.

4. Land prices determined by consultants serve as one of the bases for competent state agencies to prescribe or decide on land prices.

Article 116. Rights and obligations of organizations with the function of consultancy on land price determination

1. An organization with the function of consultancy on land price determination has the following rights:

a/ To provide consultancy on land price determination in accordance with this Law, the Law on Price and other relevant laws;

b/ To request information and documents relating to the consultancy on land price determination from consultancy hirers; and to receive service charges as agreed in the contracts;

c/ To unilaterally terminate or cancel the contract on consultancy on land price determination when the consultancy hirer violates conditions agreed by both parties in the contract or as prescribed by law;

d/ Other rights as prescribed by law.

2. An organization with the function of consultancy on land price determination has the following obligations:

a/ To take responsibility before law for the accuracy, honesty and impartiality of the results of consultancy on land valuation determination;

b/ To implement the agreements with consultancy hirers stated in the contract on consultancy on land price determination;

c/ To submit to the inspection and examination by competent state agencies; and to report on the organization and results of consultancy on land price determination to competent state agencies annually or in unexpected cases;

d/ To fulfill the tax obligations and other financial obligations in accordance with law;

e/ To register the list of member valuators and the change or adjustment of this list to competent state agencies of the locality where the organization is headquartered;

f/ To archive documents and records on results of consultancy on land price determination;

g/ Other obligations as prescribed by law.

Section 3. AUCTIONS OF LAND USE RIGHTS

Article 117. Principles of auctions of land use rights

1. Auctions of land use rights shall be conducted on the principles of publicity, continuity, impartiality, honesty, equality and protection of lawful rights and interests of involved parties.

2. Auctions of land use rights shall be conducted in accordance with the order and procedures prescribed in the land law and law on asset auctions.

Article 118. Cases subject to auction of land use rights and cases not subject to auction of land use rights

1. The State shall allocate land with land use levy or lease land through auction of land use rights in the following cases, except the cases prescribed in Clause 2 of this Article:

a/ Investment in construction of houses for sale or for lease or for lease-purchase;

b/ Investment in construction of infrastructure for transfer or for lease;

c/ Use of land fund to create capital for infrastructure construction;

d/ Use of land for trading or services, and land for non-agricultural production establishments;

e/ Lease of land which is part of agricultural land fund for public purposes for agriculture, forestry, aquaculture or salt production;

f/ Allocation or lease of land expropriated by the State through rearrangement and handling of working offices, non-business establishments, or production or business establishments of which the land-attached assets are owned by the State;

g/ Allocation of urban and rural residential land to households or individuals;

h/ Allocation or lease of land in the cases eligible to land use levy or land rental reduction.

2. Cases not subject to auction of land use rights upon land allocation and land lease by the State:

a/ Land allocation without land use levy;

b/ Use of land for which land use levy or land rental is exempted as prescribed in Article 110 of this Law;

c/ Use of land as prescribed at Points b and g, Clause 1, and in Clause 2, Article 56 of this Law;

d/ Use of land for mining activities;

e/ Use of land for implementation of projects on construction of resettlement housing, social housing or public-duty housing;

f/ Land allocation to cadres, civil servants and public employees who change offices under transfer decisions of competent agencies;

g/ Allocation of residential land to households or individuals that have permanent residence status books in a commune but have no residential land and have not been allocated residential land by the State;

h/ Allocation of residential and to households of individuate that have permanent residence status books in a township in an area with difficult socio-economic conditions or with especially difficult socio-economic conditions but have no residential land and have not been allocated residential land by the State;

i/ Other cases as decided by the Prime Minister.

3. In case the land has been put up for auction of land use rights as prescribed in Clause 1 of this Article but nobody participates in the auction or only one person registers or the auction fails after at least 2 times, the State may allocate or lease land without organizing auctions of land use rights.

Article 119. Holding of auctions of land use rights

1. Conditions for holding an auction of land use rights upon land allocation or land lease by the State:

a/ The annual district-level land use plan approved by a competent state agency is available;

b/ The land has been cleared or is land with attached assets owned by the State;

c/ The plan for holding the auction of land use rights approved by a competent state agency is available.

2. Organizations and individuals participating in an auction of land use rights must satisfy the following conditions:

a/ Being eligible to be allocated or leased land as prescribed in Article 55 or 56 of this Law;

b/ Meeting the conditions for the implementation of investment projects under Article 58 of this Law in case of land allocation or land lease for implementation of investment projects.

Chapter IX

LAND INFORMATION SYSTEM AND LAND DATABASE

Article 120. Land information system

1. The land information system shall be designed comprehensively and developed as a uniform system nationwide to serve multiple purposes in accordance with national standards and regulations as well as international ones recognized in Vietnam.

2. The land information system includes the following basic parts:

a/ Technical infrastructure for land information technology;

b/ The system of operation software, system software and application software; c/ The national land database.

Article 121. The national land database

1. The national land database shall be uniformly developed nationwide.

2. The national land database has the following components: a/ Database on legal documents on land;

b/ Cadastral database;

c/ Database of base investigations on land;

d/ Database of land use master plans and plans;

e/ Database of land prices;

f/ Database of land statistics and land inventories;

g/ Database on inspection, examination, settlement of disputes, complaints and denunciations on land;

h/ Other databases related to land.

3. The contents, structure and information types of the land database shall be prescribed by the Minister of Natural Resources and Environment.

Article 122. Management and use of land databases

1. Information in land databases provided by competent state agencies bears the same legal validity as information in paper documents.

2. Land databases are a national property which needs to be strictly protected in terms of security and safety. All activities of illegal access, destruction or causing deviations in information of land databases are prohibited.

3. Organizations and individuals that have demands for land information and land data may use or exploit them through central and local land information portals with payment of fee. The use and exploitation of land information and data must be in accordance with law.

Article 123. Online public services in the field of land

1. Online public services to be provided include registration of land and land-attached assets, performance of transactions on land and land-attached assets, and provision of land information and data.

2. Land administration agencies shall provide public services as prescribed in Clause 1 of this Article and provide services in a convenient, simple and safe manner to organizations and individuals in the internet environment.

Article 124. Responsibilities for developing the land information system

1. The State shall adopt investment policies for the development of the land information system and land databases and ensure funds for the operation and maintenance of the land information system and land databases.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the development, management and use of the land information system and the national land database; and provide online public services in the field of land in accordance with the Government’s regulations.

3. Ministries, sectors and related agencies shall provide results of base investigations on land and other land-related information and data to the Ministry of Natural Resources and Environment to update the national land database and the land information system.

4. Provincial-level People’s Committees shall organize the development, management and exploitation of the land information system and the land databases in their localities and provide land data to the Ministry of Natural Resources and Environment to integrate into the national land database.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall issue detailed regulations on the development, management and exploitation of the land information system and on conditions for organizations and individuals practicing consultancy on land database and land information system development.

Chapter X

LAND USE REGIME

Section 1. LAND USE TERM

Article 125. Land used for long and stable term

Land users may use land for a long and stable term in the following cases:

1. Residential land used by households or individuals.

2. Agricultural land used by communities as prescribed in Clause 3, Article 131 of this Law.

3. Land for protection forest, for special-use forest and for production forest which are natural forests.

4. Land for trading or services, for non-agricultural production establishments of households and individuals that are using the land stably and that land is not allocated for limited term or leased by the State.

5. Land for construction of offices as prescribed at Point 1, Article 147 of this Law and land for construction of public service facilities of public non-business organization which are not self-financed as prescribed at Point 2, Article 147 of this Law.

6. Land used for national defense or security purpose.

7. Land used by religious institutions as prescribed in Article 159 of this Law.

8. Land for religious practices.

9. Land for transportation and irrigation, land with historical-cultural relics and scenic spots and land used for the construction of other public facilities for non-commercial purposes.

10. Land for cemeteries or graveyards.

11. Land used by economic organizations as prescribed in Clause 3, Article 127 and Clause 2, Article 128 of this Law.

Article 126. Land used for limited term

1. The term for land allocation, recognition of agricultural land use rights for households and individuals directly engaged in agricultural production as prescribed in Clauses 1 and 2, at Point b, Clause 3, in Clauses 4 and 5, Article 129 of this Law is 50 years. When the term expires, households or individuals directly engaged in agricultural production that have demand may continue using land in accordance with the land use term prescribed in this Clause.

2. The term for lease of agricultural land to households or individuals must not exceed 50 years. At the expiry of the term, households or individuals that have demand shall be considered by the State for continued leasing of the land.

3. The term for land allocation or land lease to organizations for the purpose of agriculture, forestry, aquaculture or salt production; to organizations, households or individuals for the purpose of trading and services or for non-agricultural production establishments; to organizations for implementing investment projects; to overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises for implementing investment projects in Vietnam, shall be considered and decided on the basis of the investment projects or applications for land allocation or land lease, but must not exceed 50 years.

For large investment projects with slow recovery of capital, projects in areas with difficult socio-economic conditions or with especially difficult socio-economic conditions which require a longer term, the term of land allocation or land lease must not exceed 70 years.

For projects on construction of houses for sale or for a combination of sale and rent or for lease- purchase, the land use term shall be determined in accordance with the duration of the project. Those who buy houses associated with land use rights may use land for a long and stable term.

At the expiry of the term, if the land users still have land use needs, the State shall consider an extension which must not exceed the term prescribed in this Clause.

4. The land lease term for the purpose of office construction of foreign organizations with diplomatic functions must not exceed 99 years. At the expiry of the term, if these organizations are still in need of the land, the State shall consider extending the land lease term or leasing another land parcel. Each extension period must not exceed the term prescribed in this Clause.

5. The lease term for land which is part of agricultural land fund for public purposes of communes, wards or townships must not exceed 5 years;

6. Regarding land for construction of non-business facilities of self-financed public non-business organization as prescribed in Clause 2, Article 147 of this Law, and other public facilities involving commercial purpose, the land use term must not exceed 70 years.

At the expiry of the term, if the land users still have land use needs, the State shall consider an extension but the extension must not exceed the term prescribed in this Clause.

7. For a land parcel with multiple use purposes, the land use term shall be determined in accordance with the land use term of the land type used for the main purpose.

8. The term for land allocation and land lease prescribed in this Article shall be calculated from the date of the decision on land allocation or land lease issue by a competent state agency.

Article 127. Land use term upon change of land use purpose

1. The land use term for households and individuals upon change of land use purpose is prescribed as follows:

a) In case the land use purpose is changed from land for protective forest or special-use forest to land for other purposes, the term shall be determined on the basis of the land type of the new purpose. The land use term shall be calculated from the time of the decision on approval;

b) In case the land use purpose is changed from land for rice cultivation, other annual crops, perennial crops, production forest, aquaculture or salt production to land for protective forest or special-use forest, households or individuals may use the land for a stable and long term;

c) In case the land use purpose is changed among land categories including land for other annual crops, perennial crops, production forests, aquaculture or salt production, households and individuals may continue using such land for the determined land use term.

At the expiry of the term, if the land users still have land use needs, the State shall consider an extension which must not exceed the term prescribed in Clause 1, Article 126 of this Law;

d) In case the land use purpose is changed from agricultural purpose to non-agricultural purpose, the land use term shall be determined on the basis of the land type of the new purpose. The new land use term shall be calculated from the time of the decision on approval;

e) In case the land use purpose is changed from non-agricultural land with long and stable land use term to non-agricultural land with limited land use term or from non-agricultural land with limited land use term to non-agricultural land with long and stable land use term, households and individuals may use the land for a long and stable term.

2. For organizations, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises implementing investment projects outside industrial parks, industrial clusters, export processing zones or hi- tech zones, when the land use purpose is changed, the land use term shall be determined on the basis of the investment project as prescribed in Clause 3, Article 126 of this Law.

3. Economic organizations that change the land use purpose from non-agricultural land with long and stable land use term to non-agricultural land with limited land use term or from non- agricultural land with limited land use term to non-agricultural land with long and stable land use term, may use the land for a long and stable term.

Article 128. Land use term in case of transfer of land use rights

1. The land use term in case of transfer of land use rights for the land with definite land use term is the remaining period of the land use term defined prior to the transfer of land use rights.

2. People who acquire land use rights for the land with a long and stable land use term may use the land for a long and stable term.

Section 2. AGRICULTURAL LAND

Article 129. Allocation quotas for agricultural land

1. The allocation quotas for land for annual crops, aquaculture and salt production for each household or individual directly engaged in agricultural production are prescribed as follows:

a/ Not exceeding 3 hectares for each type of land in provinces and centrally run cities in the southeast region and Mekong Delta region;

b/ Not exceeding 2 hectares for each type of land in other provinces and centrally run cities.

2. The allocation quotas for land for perennial crops for each household or individual in a delta commune, ward or township must not exceed 10 hectares and must not exceed 30 hectares for each household or individual in a midland or mountainous commune, ward or township.

3. The land allocation quota for each household or individual does not exceed 30 hectares for each of the following land categories:

a/ Land for protection forest;

b/ Land for production forest.

4. In case a household or individual is allocated with land of different categories including land for cultivation of annual crops, land for aquaculture and land for salt production, the total quota for all categories must not exceed 5 hectares.

If the household or individual is additionally allocated with land for perennial crops, the land allocation quota for perennial crops must not exceed 5 hectares in a delta commune, ward or township and must not exceed 25 hectares in a midland and mountainous commune, ward or township.

If the household or individual is additionally allocated with land for production forest, the land allocation quota for production forest must not exceed 25 hectares.

5. The allocation quota for empty land, land for bare hill or land with water surface under the type of unused land to households or individuals for the purpose of agriculture, aquaculture or salt production in accordance with land use master plan must not exceed the quotas prescribed in Clauses 1, 2, and 3 of this Article, and such quotas shall not be included in the allocation quotas of agricultural land to households or individuals as prescribed in Clauses 1, 2, and 3 of this Article.

Provincial-level People’s Committees shall prescribe the allocation quotas of empty land, land for bare hill and land with surface water in the type of unused land to households or individuals for use in accordance with land use master plans and plans which have been approved by competent state agencies.

6. The allocation quotas of agricultural land for annual crops, perennial crops, afforestation, aquaculture or salt production in the buffer zone of a special-use forest for each household or individual must comply with Clauses 1, 2, 3, 4 and 5 of this Article.

7. Households and individuals may continue using the land area which is located in a commune, ward or township other than where they have permanent residence status books. If that land is allocated without land use levy, its area shall be included in the allocation quota for agricultural land of the households or individuals

The land administration agency that allocates agricultural land without land use levy to households or individuals shall send a notice to the commune-level People’s Committee of the locality where the households or individuals have permanent residence status books for its calculation of allocation quotas of agricultural land.

8. The area of agricultural land of households or individuals, which is acquired through the transfer, lease, sublease, inheritance or donation of land use rights, the receipt of land use rights contributed as capital or is contracted from other subjects or leased from the State, is not included in the allocation quota of agricultural land as prescribed in this Article.

Article 130. Quota for acquisition of agricultural land use rights by households and individuals

1. The quota for acquisition of land use rights by households or individuals must not exceed 10 times of the allocation quota for agricultural land for households or individuals applicable to each type of land prescribed in Clauses 1, 2 and 3, Article 129 of this Law.

2. The Government shall prescribe quotas for acquisition of land use rights of households and individuals in accordance with specific conditions of each locality and in each period.

Article 131. Agricultural land used by households, individuals or communities

1. Agricultural land used by households or individuals includes agricultural land allocated or leased by the State and agricultural land of which land use rights are recognized by the State or leased from other organizations, households or individuals or obtained through exchange, transfer, inheritance or donation in accordance with law.

2. The use of agricultural land allocated by the State to households or individuals is prescribed as follows:

a/ Households and individuals that are allocated land by the State prior to the effective date of this Law may continue using such land in accordance with this Law;

b/ In a locality where land has not been allocated to households or individuals in accordance with the land law, the commune-level People’s Committee shall make a plan for land allocation and request the district-level People’s Committee to decide on land allocation;

c/ In a locality where the People’s Committees of different levels have provided guidelines for households and individuals to negotiate and adjust land areas for one another during the implementation of land policies and law before October 15, 1993, and such land area has been used stably, the current land users may continue using their land.

3. The use of agricultural land by communities is prescribed as follows:

a/ Communities are allocated land or recognized land use rights by the State to preserve national identities associated with the traditions and customs of the people;

b/ Communities which are allocated land or recognized land use rights by the State shall protect the allocated land and may use land for combined purposes of agriculture and aquaculture, but may not use such land for other purposes.

Article 132. Agricultural land used for public purposes

1. Depending on the land fund, characteristics and demands of the locality, each commune, ward or township may establish an agricultural land fund for public purposes of the locality which does not exceed 5% of the total land area for annual crops, perennial crops and aquaculture production.

Agricultural land which is returned or to which land use rights are donated to the State by organizations, households or individuals, reclaimed land and expropriated agricultural land constitute the source for creation or supplementation of the agricultural land fund used for public purposes of the commune, ward or township.

In a locality where the area of agricultural land fund used for public purposes exceeds 5%, the excess area must be used for construction or compensation when other land is used for construction of public facilities of the locality; or be allocated to households and individuals that are directly .engaged in agriculture or aquaculture in the locality but have not been allocated or still lack production land.

2. The agricultural land fund for public purposes of a commune, ward or township shall be used for the following purposes:

a/ Construction of public facilities of the locality, including facilities for culture, physical training and sports, entertainment, recreation, health, education, markets, cemeteries, graveyards and other public facilities in accordance with regulations of the provincial-level People’s Committee;

b/ Compensation for people whose land is used for construction of public facilities as prescribed at Point a of this Clause;

c/ Construction of gratitude houses and charity houses.

3. The commune-level People’s Committee shall lease the land area which has not been used for the purposes specified in Clause 2 of this Article to households and individuals in the locality for the purposes of agriculture and aquaculture, through auctions of land lease. The land use term for each lease period must not exceed 5 years.

Rentals gained from the lease of land that is part of the agricultural land fund for public purposes must be paid to the state budget under management of the commune-level People’s Committee and may only be used for public needs of the commune, ward or township in accordance with law.

4. The agricultural land fond for public purposes of a commune, ward or township must be managed and used by the commune-level People’s Committee of the locality in accordance with the land use master plan and plans approved by competent state agencies.

Article 133. Agricultural land used by organizations, overseas Vietnamese and foreign- invested enterprises

1. Economic organizations, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises that have demand for land for agriculture, forestry, aquaculture or salt production, shall be considered by the State to lease land for implementation of investment projects.

2. Economic organizations and public non-business organization that have been allocated or leased land prior to the effective date of this Law for the purpose of agriculture or forestry production, shall review the current land use status and make a plan for land use. A plan for land use must clearly define the land area and boundaries, the area of land of each type to be used and its use term, and the land area to be handed over to the locality.

Provincial-level People’s Committees shall direct the review and approval of plans for land use; allocate or lease land in accordance with the approved plans for land use; and recover the land that is unused, or used for a improper purpose, or contracted, leased, lent illegally, or encroached or occupied in order to create the land fund for allocation and lease to organizations, households and individuals. During the process of land allocation or land lease, ethnic minority households and individuals in the locality that have no land or lacking production land, shall be prioritized.

3. Land that is allocated by the State without land use levy to economic organizations for agriculture, forestry, aquaculture or salt production before the effective date of this Law, must be changed to leased land.

Article 134. Land for rice cultivation

1. The State shall develop policies to protect land for rice cultivation and to limit the change from the purpose of rice cultivation to other non-agricultural purposes. In case it is necessary to change a certain area for rice cultivation to another purpose, the State shall take measures to supplement such land area or improve the efficiency in using land for rice cultivation.

The State shall adopt policies to support and invest in the construction of infrastructure and application of modern science and technologies into the areas planned for high-productivity and high-quality rice cultivation.

2. Those who use land for rice cultivation shall improve and increase the fertility of the soil. They may not use that land for planting perennial trees, afforestation, aquaculture and salt production or for non-agricultural purposes without permission by competent state agencies.

3. People who are allocated or leased land by the State for non-agricultural purposes and that land is currently used for wet rice cultivation, shall pay a certain amount of money under the Government’s regulations for the State to supplement the lost area of wet rice cultivation land or improve efficiency in using land for rice cultivation.

Article 135. Land with production forest

1. The State shall allocate land with production forest which is natural forest to the forest management organizations for management, protection and development.

2. The State shall allocate or lease land with production forest which is planted forest according to the following provisions:

a/ Allocation of land to households and individuals directly engaged in agricultural production within the quotas prescribed at Point b, Clause 3, Article 129 of this Law for the purpose of forestry production. The area of production forest used by households and individuals which exceeds the quotas must change to leased land;

b/ Lease of land to economic organizations, households, individuals, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises to implement afforestation projects;

c/. Economic organizations, households, individuals, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises which are allocated or leased land with production forest by the State as prescribed at Points a and b of this Clause may use the land not covered with forest for planting forest or perennial trees.

3. Economic organizations, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises using land with production forest may concurrently provide landscape and eco-environmental tourist services using the space under the forest canopy.

4. Concentrated land area with production forest which is far from residential areas and can not be allocated directly to households or individuals, shall be allocated by the State to organizations for protection and development of the forest combined with agricultural production, forestry or aquaculture.

Article 136. Land with protection forest

1. The State shall allocate land with protection forest to the protection forest management organization for management, protection, zoning off for regeneration and afforestation in accordance with land use master plans and plans already approved, by competent state agencies. These organizations may use land for other combined purposes in accordance with the law on forest protection and development.

2. The protection forest management organization shall allocate land with protection forest under contracts to households or individuals that are living in the protection forest area for protection and development of the forest. District-level People’s Committees shall allocate residential land and land for agricultural production to such households or individuals.

3. Organizations, households or individuals that have demand and ability to protect and develop the forest and are living in the protection forest area for which no management organization has been established or in the area that is planned for protection forest, shall be allocated the land with protection forest for protection and development, and may use the land for other combined purposes in accordance with the law on forest protection and development.

4. Provincial-level People Committees shall decide on the lease of land with protection forest to economic organizations in the areas where it is allowed to provide landscape and eco- environmental tourist services under the forest canopy.

5. Communities that are allocated by the State protection forests in accordance with the Law on Forest Protection and Development, are entitled to be allocated land with protection forest for protection and development. The communities have the rights and obligations prescribed in the Law on Forest Protection and Development.

Article 137. Land with special-use forest

1. The State shall allocate land with special-use forest to the special-use forest management organization for management and protection in accordance with land use master plans and plans already approved by competent state agencies. These organizations may use the land for other combined purposes in accordance with the law on forest protection and development.

2. The special-use forest management authority shall allocate under short-term contracts land with special-use forest in strictly protected forest areas to households or individuals that can not move out of the area to protect the forests.

3. The special-use forest management organization shall allocate under contracts land with special-use forest in eco-rehabilitation areas to households or individuals residing stably in the area to protect and develop the forests.

4. Competent People’s Committees shall decide to allocate and lease land in the buffer zones of special-use forests to organizations, households and individuals for the purpose of production, research or experiment on forestry or in combination with national defense or security tasks in accordance with the master plan for forest development of the buffer zone. These subjects may use the land for other combined purposes in accordance with the law on forest protection and development.

5. Provincial-level People Committees shall decide to lease land with special-use forest in the area that is allowed to provide landscape and eco-environmental tourist services under the forest canopy to economic organizations.

Article 138. Land for salt production

1. Land for salt production shall be allocated to households or individuals within the local land allocation quota for salt production. The land area which exceeds the allocation quota must be changed to leased land.

Land for salt production shall be leased by the State to economic organizations, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises to implement investment projects on salt production.

2. Land areas where salt can be produced at high productivity and with high quality shall be protected and primarily reserved for salt production.

3. The State shall encourage the use of land areas with potential for salt production for industrial and daily needs.

Article 139. Inland land with water surface

1. Ponds, lakes and marshes shall be allocated by the State within land allocation quotas to households or individuals for aquaculture and agricultural production.

Ponds, lakes and marshes shall be leased by the State to economic organizations, households, individuals, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises to implement investment projects on aquaculture production, agricultural production or agricultural production in combination with non-agricultural purposes.

2. In case a pond, lake or marsh is located in several communes, wards and townships, its use shall be decided by the district-level People’s Committee. In case a pond, lake or marsh is located in several districts, towns and provincial cities, its use shall be decided by the provincial-level People’s Committee. In case a pond, lake or marsh is located in several provinces and centrally run cities, its use shall be determined by the Government.

Article 140. Coastal land with water surface

1. Coastal land with water surface shall be leased by the State to economic organizations, households, individual, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises for aquaculture, agricultural, forestry, salt production or non-agricultural purposes.

2. The use of coastal land with water surface is prescribed as follows:

a/ Conforming with land use master plans and plans which have been approved by competent state agencies;

b/ Protection of land and increase of the sedimentation process in coastal land;

c/ Protection of the ecosystem, environment and landscape;

d/ Not hampering the protection of national security and maritime navigation.

Article 141. Riparian and coastal alluvial land

1. Riparian and coastal alluvial land includes riparian alluvial land, river islets, coastal alluvial land and sea islands.

2. Riparian and coastal alluvial land shall be managed by the People’s Committee of the commune, ward or township where such land is located.

Riparian and coastal alluvial land frequently expanded or eroded shall be managed and protected by district-level People’s Committees.

3. Riparian and coastal alluvium land shall be leased by the State to economic organizations, households, individuals, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises to implement investment projects on agricultural or non-agricultural production and business.

4. Households or individuals that are allocated riparian and coastal alluvial land by the State for agricultural purpose prior to the effective date of this Law may continue using such land for the remaining land use term. At the expiry of this term, if they still have demand to use the land in accordance with land use master plans and plans approved by competent agencies and do not violate the land law, the State shall consider leasing the land to them.

5. The State shall encourage economic organizations, households and individuals to invest in the use of riparian and coastal alluvial land.

6. The Government shall detail this Article.

Article 142. Land used for farm economy

1. The State shall encourage farm economy of households or individuals in order to use land efficiently for the development of production, expansion of the scale and enhancement of the efficiency of land use in agriculture, forestry, aquaculture or salt production, in association with services, processing and sale of agricultural products.

2. Land used for farm economy includes the land allocated by the State without land use levy within land allocation quotas applicable to households and individuals that are directly engaged in agriculture, forestry, aquaculture or salt production as prescribed in Article 129 of this Law, the land leased from the State, the land obtained via lease, transfer, inheritance and donation, the land contracted from organizations, and the land contributed by households or individuals.

3. Households or individuals that are using land for farm economy may change the land use purposes in accordance with law.

4. Households or individuals using land for farm economy in accordance with approved land use master plans and plans without any disputes, may continue using the land in accordance with the following provisions:

a/ If the land is allocated without land use levy and within the allocation quotas applicable to households or individuals directly engaged in agriculture, forestry, aquaculture or salt production as prescribed in Clause 1, Article 54 of this Law, households or individuals may continue using the land under Clause 1, Article 126 of this Law;

b/ If the land is allocated without land use levy to households or individuals not directly engaged in agriculture, forestry, aquaculture or salt production, at the expiry of the land use term, households or individuals shall change to lease land;

c/ If the land is leased from the State or transferred, inherited, donated or contracted from organizations or contributed by households or individuals, households or individuals may continue using the land in accordance with this Law.

5. It is forbidden to take advantage of farm economy to occupy and accumulate land for non-production purposes.

Section 3. NON-AGRICULTURAL LAND

Article 143. Rural residential land

1. Residential land used by households or individuals in rural areas includes land for construction of houses and facilities for livelihood, gardens and ponds within one land parcel in a rural residential area which is established in accordance with the land use master plan and the master plan for development of rural residential areas already approved by competent state agencies.

2. Based on the local land fund and the rural development master plans approved by competent state agencies, provincial-level People’s Committees shall determine the land allocation quota to each household or individual for housing construction in rural areas and the minimum area for the division of a residential land parcel in accordance with local conditions and customs.

3. The allocation of residential land in rural areas indicated in the land use master plans and plans must be in synchrony with the master plan for public facilities and public non-business facilities, ensuring convenience for production, people’s life, environmental sanitation and rural modernization.

4. The State shall adopt policies to create conditions for rural residents to have accommodation by making full use of the land in existing residential areas and to restrict the expansion of residential areas on agricultural land.

Article 144. Urban residential land

1. Urban residential land includes land for construction of houses and facilities for livelihood, gardens and ponds within one land parcel in an urban residential area which is established in accordance with the land use master plan and urban construction master plan already approved by competent state agencies.

2. Urban residential land shall be allocated in synchrony with land for construction of public facilities and non-business facilities, ensuring environmental sanitation and modern urban landscape.

3. The State shall develop land use master plans for the purpose of urban housing construction and adopt policies to create conditions for urban residents to have accommodation.

4. Provincial-level People’s Committees shall, based on the land use master plans, urban construction master plans and the local land fund, determine the allocation quota of residential land to each household or individual for their own housing construction in case they are not eligible to be allocated land in an investment project on housing construction; and prescribe the minimum area for the division of a residential land parcel.

5. The change of land use purpose from residential land to land for construction of production and business establishments must conform to land use master plans and plans and the urban construction master plan already approved by competent state agencies and with regulations on public order, safety and urban environmental protection.

Article 145. Land for construction of condominiums

1. Land for construction of condominiums includes land for the construction of condominiums, facilities directly serving the life of families living in the condominiums and facilities for public use in accordance with the construction master plan approved by competent state agencies.

2. The land master plan for construction of condominiums must be in harmony with the master plans on public facilities and environmental protection.

3. The Government shall detail the use of land for construction of condominiums.

Article 146. Land used for improvement and development of urban areas and rural residential areas

1. Land for urban improvement and development includes land for improvement of the existing inner urban areas and land planned for expanding existing urban areas or developing new urban areas.

Land for improvement and development of rural residential areas includes land for improvement of existing residential areas, land which is part of the agricultural land fund for public purposes, and land planned for expanding existing residential areas.

2. The use of land for improvement and development of urban areas and rural residential areas must conform to the land use master plans and plans, urban construction master plan and master plan for development of rural residential areas which have been approved by competent state agencies, and with construction standards and regulations issued by competent state agencies

3. Provincial-level People’s Committees shall organize the development of projects and assign them to economic organizations, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises for implementation in accordance with law in order to improve or develop new urban or rural residential areas. The land for such projects shall be allocated appropriately in land use master plans and plans for the whole area, including land for construction of infrastructure, residential land, land for public facilities and non-business facilities, land for trading and services and land for non-agricultural production establishments.

When implementing projects on technical infrastructure, development or improvement of urban or rural residential areas, the State shall proactively recover the land which includes land for construction of infrastructure and the nearby area in accordance with land use master plans and plans.

4. In case the communities develop or improve their facilities for public purposes based on the contributions of people or the support by the State, the voluntary contribution of land use rights, compensation or support shall be agreed upon by the communities and the land users.

Article 147. Land for construction of offices and non-business facilities

1. Land for construction of offices includes land for construction of offices of state agencies, political organizations and socio-political organizations.

2. Land for construction of non-business facilities includes land for construction of non-business facilities in the sectors and fields of economy, culture, society, health, education and training, physical training and sports, science and technology, environment, and foreign affairs and other non-business facilities.

3. The use of land prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article must conform to the land use master plans and plans, the urban construction master plan and the master plan for development of rural residential areas approved by competent state agencies.

4. The heads of agencies or organizations to which land is allocated or leased shall preserve the allocated or leased land and ensure proper land use purposes.

It is forbidden to use the land for construction of offices and non-business facilities for other purposes.

5. The State shall encourage the use of land for the purpose of development of culture, health, education and training, physical training and sports, science and technology, and environment.

Article 148. Land for national defense or security purpose

1. Land used for national defense or security purpose includes land used in the cases prescribed in Article 61 of this Law.

2. Provincial-level People’s Committees shall perform the state management of land used for national defense or security purpose in their localities.

The Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security shall coordinate with provincial-level People’s Committees in formulating land use master plans and plans for national defense or security purpose to meet the requirements of socio-economic development and strengthening of national defense and security; review and define the boundaries of land used for national defense or security purpose; and define the areas and locations of land for national defense or security purpose which are no more needed or are improperly used, for handover to the localities for management and use.

3. For land areas that are planned for national defense or security purpose but are still not used for these purposes, the current users may continue using the land until the decision by a competent state agency to recover the land is issued, but must not cause deformation to the natural terrain.

4. The Government shall detail this Article.

Article 149. Land for industrial parks, export processing zones, industrial clusters and trade villages

1. The use of land for construction of industrial parks, export processing zones, industrial clusters or trade villages must conform to land use master plans and plans and detailed construction master plans approved by competent state agencies.

During the planning and establishment of industrial parks or export processing zones, the planning and construction of housing areas and public facilities outside the industrial parks or export processing zones to serve the life of workers in industrial parks or export processing zones must be carried out simultaneously.

2. The State shall lease the land to economic organizations, overseas Vietnamese or foreign- invested enterprises to invest in construction and commercial operation of infrastructure of industrial parks, industrial clusters and export processing zones. For the land area that is leased with annual rental payment, the lessee may sublease that land with annual rental payment. For the land area that is leased with full one-off rental payment for the entire lease period, the lessee may sublease that land with full one-off rental payment for the entire lease period or annual rental payment.

Investors are entitled to exemption from land rental for the land used for construction of infrastructure for common use in industrial parks, industrial clusters or export processing zones.

3. Economic organizations, households, individuals, overseas Vietnamese and foreign- invested enterprises that invest in production and business in industrial parks, industrial clusters or export processing zones are entitled to sublease land together with infrastructure from other economic organizations, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises that have invested in the construction and commercial operation of infrastructure, and have the following rights and obligations:

a/ In case of subleasing land with full one-off rental payment for the entire lease period, they have the rights and obligations prescribed in Article 174 of this Law;

b/ In case of subleasing land with annual rental payment, they have the rights and obligations prescribed in Article 175 of this Law.

4. Land users in industrial parks, industrial clusters or export processing zones shall use land for the determined land use purposes, be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, and have the rights and obligations prescribed in this Law.

5. Economic organizations, households, individuals or overseas Vietnamese that invest in production and business in industrial parks, industrial clusters or export processing zones and have been allocated land by the State or acquired land use rights together with infrastructure from other economic organizations or overseas Vietnamese that have invested in the construction and commercial operation of infrastructure of industrial parks, industrial clusters or export processing zones prior to the effective date of this Law, may continue using the land for the remaining project duration without having to change to lease land. At the expiry of the project duration, if these subjects still have demand, the State shall consider leasing land to them in accordance with this Law.

6. The Government shall detail this Article.

Article 150. Land for hi-tech zones

1. Land for hi-tech zones that are established under decisions of the Prime Minister includes land of different categories with different land use regimes used for the production and trading of hi-tech products, research, development and application of high technology and training of hi-tech human resources.

During the planning and establishment of hi-tech zones, the planning and construction of housing areas and public facilities outside the hi-tech zones to serve the life of experts and workers in hi-tech zones must be carried out simultaneously.

2. The management board of a hi-tech zone shall be allocated land in the hi-tech zone by the provincial-level People’s Committee. The board may lease land to organizations, individuals, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises using land in the hi-tech zone in accordance with this Law.

3. The management board of a hi-tech zone shall make a detailed construction plan of the hi-tech zone and submit it to the provincial-level People’s Committee of the locality where the land is located for approval.

The provincial-level People’s Committee shall allocate land to the management board of the hi-tech zone to organize the construction and development of the hi-tech zone in accordance with the approved master plan.

4. Land users that lease land in a hi-tech zone from its management board have the same rights and obligations as leasing land from the State in accordance with this Law.

5. The enterprise that develops the hi-tech zone or develops the infrastructure is entitled to lease land from the management board. Those who have demand to use land in the hi-tech zone may sublease land from this enterprise.

6. Land users in a hi-tech zone shall use land in accordance with land use purposes indicated in the land lease contract, be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, and have the rights and obligations prescribed in this Law.

In case of transfer of land use rights in a hi-tech zone, the transferee shall continue using the land for the determined land use purpose.

7. The State shall encourage organizations, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises to invest in the construction and commercial operation of infrastructure in hi-tech zones, and encourage organizations, individuals, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises to use land for the development of science and technology.

8. The determination of land rental rates and calculation of land rentals in hi-tech zones must comply with this Law.

Article 151. Land for economic zones

1. Land for economic zones includes land used for construction of economic zones or border- gate economic zones which are established under decisions of the Prime Minister. Land in an economic zone includes land used for its functional areas, including non-tariff zone, tariff- bonded zone, export processing zone, industrial park, entertainment zone, tourist area, urban area, residential area, administrative area and other functional areas which are consistent with characteristics of each economic zone in order to create an especially favorable investment and business environment for investors.

The construction or opening of an economic zone must conform to the master plan on the economic zone system in the whole country.

2. Provincial-level People’s Committees shall allocate land to the management boards of economic zones to organize the construction of the economic zones in accordance with the approved land use plan which is included in the detailed construction master plans of the economic zones.

3. The management board of an economic zone shall carry out the compensation and ground clearance for the expropriated land which is allocated by a competent state agency before re-allocating or leasing the land. The management board may re-allocate land with or without land use levy or lease land to land users that need to use the land in the functional areas of the economic zone under Articles 54, 55 and 56 of this Law.

The land use term for production and business in an economic zone must not exceed 70 years.

4. Land users in an economic zone are entitled to invest in the construction of and trading in houses and infrastructure, and to conduct production, business and service activities, and have the following rights and obligations:

a/ In case of being re-allocated land in the economic zone by the management board, they have the rights and obligations as allocated land by the State in accordance with this Law;

b/ In case of leasing land in the economic zone from the management board, they have the rights and obligations as leasing land from the State in accordance with this Law.

5. The State shall encourage investment in the construction and commercial operation of infrastructure in economic zones and encourage the use of land for economic development.

6. The land use regime and rights and obligations of land users in an economic zone shall apply in accordance with each type of land as prescribed in this Law.

7. Economic organizations, households, individuals or overseas Vietnamese that invest in production and business in an economic zone and have been allocated land by the State or acquired land use rights from other economic organizations or overseas Vietnamese prior to the effective date of this Law may continue using the land for the remaining project duration without having to change to lease land. At the expiry of the project duration, if these subjects still have demand, the management board shall consider leasing land to them in accordance with this Law.

8. The Government shall detail this Article.

Article 152. Land used for mining activities

1. Land used for mining activities includes land used for mineral exploration, exploitation and processing, land for auxiliary facilities for mining activities and safety corridors in mining activities.

2. Land used for mineral exploration and exploitation shall be leased by the State to organizations, individuals, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises that are permitted to carry out projects on mineral exploration and exploitation.

Land used as ground for mineral processing falls under the type of non-agricultural land for production and business purposes with the same land use regime as for the land for trading and services or non-agricultural production establishments as prescribed in Article 153 of this Law.

3. The use of land for mining activities must comply with the following provisions:

a/ Having a license for mining activities and a decision on land lease for mineral exploration and exploitation or a decision on lease of land as mineral processing ground, granted by a competent state agency according to the Government’s regulations;

b/ Taking measures for environmental protection, waste treatment and other measures to avoid causing damage to other land users in the area or the surrounding areas;

c/ The use of land must be in line with the progress of mineral exploration and exploitation. Land users shall return the land in accordance with the progress of mineral exploration and exploitation and with the status of surface soil as stipulated in the land lease contract;

d/ If the mineral exploration and exploitation do not require the use of surface soil or do not affect the use of the ground, there is no need to lease the surface soil.

Article 153. Land used for trading and services; land for non-agricultural production establishments

1. Land used for trading or services includes land used for construction of trading or service establishments and other facilities serving trading or services.

Land used for non-agricultural production establishments includes land used for construction of non-agricultural production establishments that are located outside industrial parks, industrial clusters or export processing zones.

2. The use of land for trading, services and non-agricultural production establishments must be in line with land use master plans and plans, urban construction master plan and master plan for development of rural residential areas which have been approved by competent state agencies, and with regulations on environmental protection.

3. Economic organizations, households or individuals may use land for trading, services or for non-agricultural production establishments, which is the land obtained through leasing land from the State, acquiring land use rights, leasing or subleasing land or receiving land use rights contributed as capital from other economic organizations, households or individuals, or from overseas Vietnamese, or subleasing land together with infrastructure from foreign-invested enterprises.

Overseas Vietnamese may use land for trading, services or non-agricultural production establishments, which is the land obtained through leasing land from the State, or leasing or subleasing land from other economic organizations, households or individuals, or from other overseas Vietnamese, or subleasing land together with infrastructure from foreign-invested enterprises. Overseas Vietnamese who are defined Clause 1, Article 186 of this Law are also entitled to obtain land through inheritance or donation of land use rights to use for construction of trading, services or non-agricultural production establishments.

Foreign-invested enterprises may use land for trading, services or non-agricultural production establishments, which is the land obtained through leasing land from the State, or leasing or subleasing land from economic organizations or overseas Vietnamese, or subleasing land together with infrastructure from other foreign-invested enterprises.

Article 154. Land used for production of construction materials and ceramic products

1. Land used for production of construction materials and ceramic products includes land, land with surface water for material exploitation and land used as ground for processing and producing construction materials and ceramic products.

The use of land for exploiting raw materials for manufacturing bricks, tiles or ceramic products must take advantage of hilly land, uncultivated hillocks, abandoned land, land in riverbed or ponds or lakes that need to be dig deep, land along the rivers not being used for agricultural production, soil dikes no longer in use, or land from rehabilitation of rice fields.

2. Land or land with surface water used for exploiting raw materials shall be leased by the State to households or individuals that are permitted to exploit raw materials for the production of construction materials and ceramic products; to economic organizations, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises that are licensed to implement investment projects on exploitation of raw materials for production of construction materials and ceramic products.

Land used as ground for production of construction materials and ceramic products falls under the type of non-agricultural land for production and business purposes with the same land use regimes as for trading, services or non-agricultural production establishments as prescribed in Article 153 of this Law.

3. The use of land for production of construction materials and ceramic products must comply with the following provisions:

a/ Having a decision on land lease for the purpose of exploitation of raw materials, processing and production of construction materials and ceramic products issued by a competent state agency;

b/ Taking necessary measures to avoid causing damage to production activities, life and negative effects to the environment, water flows or transportation;

c/ Land users shall return the land in accordance with the progress of exploitation of raw materials and with the status of surface soil as stipulated in the land lease contract.

4. It is forbidden to use land of the following types to exploit raw materials for manufacturing bricks, tiles or ceramic products:

a/ Land with historical-cultural relics or scenic landscapes which have been ranked or placed under the protection of provincial-level People’s Committees;

b/ Land within the safety corridor of construction facilities.

5. In the process of using land to exploit raw materials for manufacturing bricks, tiles or ceramic products, land users shall apply appropriate technology measures to exploit and use the land suitably and economically and shall take necessary measures to avoid causing damage to production activities and the life of adjacent land users and adverse effects to the environment.

Article 155. Land used for public purposes or for implementation of build-transfer (BT) and build-operate-transfer (BOT) projects

1. The use of land for public purposes must be in line with the land use master plans and plans, urban construction master plan and master plan for development of rural residential areas approved by competent state agencies.

2. For land used for public purposes, a detailed construction master plan must be formulated which clearly defines the functional areas used for public purposes involving non-commercial purpose and functional areas used for public purposes involving commercial purpose.

The land used for functional areas for non-commercial purposes shall be allocated by the State without land use levy under Article 54 of this Law. The land used for functional areas for commercial purpose shall be leased by the State under Article 56 of this Law.

3. The State shall allocate land to investors for management to implement BT projects and allocate or lease land to investors to implement BOT projects and other forms as prescribed by the investment law.

4. The Government shall detail this Article.

Article 156. Land used for civil airports and airfields

1. Land used for civil aviation operations at airports or airfields includes:

a/ Land used for construction of offices of state agencies which operate constantly at airports or airfields;

b/ Land used for construction of infrastructure in airports or airfields, including land for construction of runways, taxiways, aircraft parking areas, facilities to ensure flight operations, aviation security and airfield emergency, fences, construction-serving roads, internal roads and other auxiliary facilities areas of the airfields;

c/ Land used for construction of facilities for aviation services at airports or airfields;

d/ Land used for construction of facilities for non-aviation services.

2. Airport authorities shall be allocated land by provincial-level People’s Committees in accordance with land use master plans and plans and master plan for airports and airfields which have been approved by competent state agencies. The certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets which are used for civil aviation operations at airports or airfields shall be granted to the airport authorities.

3. Based on land use master plans and plans approved by the state management agency in charge of civil aviation, airport authorities shall allocate land without land use levy or lease land in accordance with the following provisions:

a/ Allocation of land without land use levy for the land specified at Points a and b, Clause 1 of this Article;

b/ Lease of land with annual rental payment for the land specified in Points c and d, Clause 1 of this Article. The calculation and collection of land rental must comply with this Law.

4. Organizations and individuals using land at airports or airfields have the following rights and obligations:

a/ To use land for proper purposes; to refrain from exchanging, transferring, donating or leasing land use rights, or mortgaging or contributing as capital land use rights;

b/ To use the assets under their ownership which are attached to the leased land as collateral at credit institutions which are licensed to operate in Vietnam; to sell or lease assets and contribute as capital assets under their ownership which are attached to the leased land.

5. The Government shall detail this Article.

Article 157. Land used for construction of public facilities with safety corridors

1. Land used for construction of public facilities with safety corridors includes land used for construction of systems of transport, irrigation, dykes, water supply and drainage, waste treatment, power transmission, oil and gas pipelines and communication, and land within the safety corridors of these systems.

2. The use of land for public facilities with safety corridors must ensure the use of both the aerial and underground space, the combination of different facilities in the same land area in order to save land, and comply with relevant specialized laws concerning safety protection of facilities.

3. Legally recognized users of land within the safety coưidors may continue using the land in accordance with the determined purposes and may not hinder the safety protection of the facilities.

In case the use of that land hinders the safety protection of the facilities, the owners of facilities and the land users shall take remedial measures. In case of failure to remedy the problem, the State will recover the land and pay compensation in accordance with law.

4. Agencies or organizations directly managing the facilities with safety corridors shall publicize information on boundary marks of the safety corridors and take the main responsibility for the protection of the facilities. In case the safety corridors of the facilities are illegally encroached, occupied or used, the agencies or organizations shall promptly report it to and request handling from the commune-level People’s Committee of the locality where the safety corridors are located.

5. The People’s Committees of all levels of the locality where the facilities with safety corridors are located shall coordinate with the agencies or organizations directly managing the facilities in disseminating laws and regulations on safety protection of facilities, publicizing boundary marks for the land use within the safety corridors and promptly deal with the illegal occupation, encroachment or use of the safety corridors.

6. The Government shall detail this Article.

Article 158. Land with historical-cultural relics and landscapes

1. Land with historical-cultural relics and landscapes which are ranked or under the protection of provincial-level People’s Committees shall be strictly managed in accordance with the following provisions:

a/ Organizations, households, individuals and communities that directly manage land with historical-cultural relics and landscapes shall assume the main responsibility in the use of such land in accordance with the law on cultural heritage;

b/ Commune-level People’s Committees shall assume the main responsibility for the management of land with historical-cultural relics and landscapes in their localities which are not specified at Point a of this Clause;

c/ If land with historical-cultural relics and landscapes is encroached, occupied or used for improper or illegal purposes, the chairperson of the commune-level People’s Committee of the locality where such land is located shall detect, prevent and deal with these illegal activities promptly.

2. In special cases in which it is necessary to use land with historical-cultural relics and landscapes for other purposes, the change of the land use purpose must conform with the land use master plans and plans approved by competent state agencies and must be approved in writing by the state agencies which have the competence to decide on the ranking of those historical- cultural relics and landscapes.

Article 159. Land used by religious institutions

1. Land used by religious institutions includes land for pagodas, churches, oratories, sanctuaries, monasteries, religious schools, head offices of religious institutions and other religious institutions whose operation is licensed by the State.

2. Provincial-level People’s Committees shall base themselves on the state policies on religions and land use master plans and plans approved by competent state agencies to determine the land areas to be allocated to the religious institutions.

Article 160. Land used for belief practices

1. Land for belief practices includes land for communal houses, temples, shrines, hermitages, ancestral worship houses and ancestral temples.

2. Land for belief practices must be used properly and in accordance with the land use master plans and plans, urban construction master plan and master plan for development of rural residential areas which have been approved by competent state agencies.

3. The construction or expansion of communal houses, temples, shrines, hermitages, ancestral worship houses and ancestral temples of the communities must be permitted by competent state agencies.

Article 161. Land used for construction of underground facilities

1. The use of land for construction of underground facilities must conform to the master plan for construction of underground facilities, land use plans and other related master plans which have been approved by competent state agencies.

2. Provincial-level People’s Committees shall decide on land allocation and land lease for construction of underground facilities in accordance with the Government’s regulations.

Article 162. Land used to cemeteries or graveyards

1. Land used for cemeteries or graveyards must be developed in concentrated areas in conformity with land use master plans; be located far from residential areas and convenient for burial services and visits, satisfying sanitation and environmental requirements and used economically.

2. Provincial-level People’s Committees shall prescribe land quotas and management regimes for construction of graves, statues and monuments, and memorial stela in cemeteries or graveyards with economical use of land, and adopt policies to encourage the burial without using land.

3. It is forbidden to build cemeteries or graveyards which are not in conformity with land use master plan and plans which have been approved by competent state agencies.

Article 163. Land with rivers, streams, canals, springs and special-use water surface

1. Based on the determined main purpose, land with rivers, streams, canals, springs or special-use water surface must be used and managed in accordance with the following provisions:

a/ The State shall allocate land with special-use water surface to organizations for management in combination with use and exploitation of such land for non-agriculture purposes, or non-agriculture purposes in combination with aquaculture and exploitation of aquatic resources;

b/ The State shall lease out land with rivers, streams, canals or springs with annual rental payment to economic organizations, households or individuals for aquaculture;

c/ The State shall lease out land with rivers, streams, canals or springs with annual rental payment to overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises for implementing their investment projects on aquaculture.

2. The exploitation and use of land with rivers, streams, canals, springs or special-use water surface must not affect the determined main land use purpose; and must also comply with the technical regulations of the related sector or field and the regulations on environmental and landscape protection, and may not obstruct natural flows and waterway transportation.

Section 4. UNUSED LAND

Article 164. Management of unused land

1. Commune-level People’s Committees shall manage and protect unused land in their localities and register it in cadastral records.

2. Provincial-level People’s Committees shall manage unused land on uninhabited islands.

3. The management of unused land must comply with the Government’s regulations.

4. Based on the land use master plans and plans approved by competent state agencies, the People’s Committees of all levels shall make plans for investment, reclamation and improvement of the unused land in order to put it into use.

5. The State shall encourage investment by organizations, households and individuals to put unused land into use in accordance with the land use master plans and plans approved by competent state agencies.

6. Land areas planned for agricultural purposes shall be allocated with priority to local households or individuals directly engaged in agricultural, forestry, aquaculture or salt production that have not been allocated land or lack production land.

Chapter XI

RIGHTS AND OBLIGATIONS OF LAND USERS

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 166. General rights of land users

1. To be granted the certificate of land use rights, houses and other land-related assets ownership.

2. To enjoy the results of the labor and investment on land.

3. To enjoy the benefits derived from facilities constructed by the State for protecting and improving agricultural land.

4. To receive the State’s guidance and assistance in the improvement and fertilization of agricultural land.

5. To be protected by the State against others’ infringements of their lawful rights and benefits related to land.

6. To receive compensation when land is expropriated by the State in accordance with this Law.

7. To complain about, denounce or file lawsuits over violations of their lawful land use rights and other violations of the land law.

Article 167. The right to exchange, transfer, lease, sublease, inherit, donate, mortgage land use rights and contribute land use rights as capital

1. Land users may exercise the rights to exchange, transfer, lease, sublease, inherit, donate, mortgage land use rights and to contribute land use rights as capital in accordance with this Law.

2. A group of land users sharing land use rights have the following rights and obligations:

a/ A group of land users including households and individuals have the same rights and obligations as households and individuals in accordance with this Law.

In case one member of the group of land users is an economic organization, that group of land users has the same rights and obligations as economic organizations in accordance with this Law;

b/ For a group of land users sharing land use rights which can be split into portions for each member in the group, if every member wants to exercise his/her land use rights over such portion, they shall carry out the prescribed procedures to have the common land parcel split into different parcels of their own and apply for the certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets. Those members will then have the rights and obligations of land users in accordance with this Law.

In case land use rights of the group of land users can not be split into portions, the group shall authorize its representative to exercise the rights and perform the obligations of the group.

3. The notarization and certification of contracts and documents on the exercise of the rights of land users shall be conducted as follows:

a/ Contracts on transfer, donation, mortgage or contribution of land use rights as capital or the rights to use land and land-attached assets must be notarized or certified, except the case of real estate business prescribed at Point b of this Clause;

b/ Contracts on lease or sublease of land use rights or the rights to use land and land-attached assets, a contract on exchange of agricultural land use rights, a contract on transfer of land use rights or the rights to use land and land-attached assets in which one party or all parties involved in the transaction is/are a real estate business organization or organizations must be notarized or certified at the request of the parties;

c/ The documents on inheritance of land use rights or the rights to use land and land-attached assets must be notarized or certified under the civil law;

d/ The notarization shall be conducted at notarization-practicing organizations and the certification shall be conducted at commune-level People’s Committees.

Article 168. Time to exercise the rights of land users

1. Land users may exercise the rights to transfer, lease, sublease, donate and mortgage land use rights and to contribute land use rights as capital upon receipt of a certificate. In case of exchanging agricultural land use rights, land users may exercise their rights upon receipt of a decision on land allocation or land lease. In case of inheritance of land use rights, land users may exercise their rights upon receipt of a certificate or when they are eligible to be granted a certificate.

A land user who is allowed to delay the performance of, or owe, his/her financial obligations, may exercise his/her rights only after fulfilling all financial obligations.

2. The transfer of land use rights within an investment project on construction of houses for sale or lease or the transfer of land use rights together with the whole project within an investment project on construction of infrastructure for transfer or lease may only be conducted upon receipt of a certificate and satisfaction of all conditions prescribed in Article 194 of this Law.

Article 169. Acquisition of land use rights

1. Acquisition of land use rights is prescribed as follows:

a/ Households and individuals may acquire agricultural land use rights through exchange of land use rights as prescribed at Point b, Clause 1, Article 179 of this Law;

b/ Economic organizations, households and individuals may acquire land use rights through receipt of transfer of land use rights, except the cases prescribed in Article 191 of this Law. Overseas Vietnamese may acquire land use rights through receipt of transfer of land use rights in industrial parks, industrial clusters, export processing zones, hi-tech zones or economic zones. Foreign-invested enterprises may acquire investment capital which is the value of land use rights in accordance with the Government’s regulations;

c/ Organizations, households, individuals and communities may acquire land use rights through receipt of donation of land use rights as prescribed at Point c, Clause 2, Article 174, and Point e, Clause 1, Article 179, of this Law, except the case prescribed in Article 191 of this Law;

d/ Organizations, households, individuals and communities may acquire land use rights through receipt of inherited land use rights;

e/ Overseas Vietnamese who are eligible to own houses in Vietnam under the housing law may acquire land use rights through purchase, lease-purchase, inheritance or donation of houses associated with land use rights, or acquire land use rights in housing development projects;

f/ Economic organizations and joint ventures may acquire land use rights through receipt of contribution of land use rights as capital;

g/ Organizations, households, individuals, communities, religious institutions and overseas Vietnamese may acquire land use rights through land allocation by the State. Foreign-invested enterprises may acquire land use rights through land allocation by the State to carry out investment projects on construction of houses for sale or for a combination of sale and lease;

h/ Economic organizations, self-financed public non-business organizations, households, individuals, overseas Vietnamese, foreign-invested enterprises and foreign organizations with diplomatic functions may acquire land use rights through land lease by the State;

i/ Organizations, households, individuals, communities and religious institutions may acquire land use rights through the State’s recognition of the existing stable use of the land;

k/ Organizations, households, individuals, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises may acquire land use rights through the successful conciliation of land disputes which is certified by a competent People’s Committee, the agreement in the mortgage contract to handle the debt, or the decision of a competent state agency on settlement of land disputes, complaints or denunciations, the decision or judgment of a People’s Court, the decision on judgment enforcement of the judgment enforcement agency which has been executed, the document recognizing the result of the auction of land use rights in accordance with law, or the document on splitting land use rights for households or groups sharing land use rights in accordance with law;

l/ Communities and religious institutions may acquire land use rights through the successful conciliation of land disputes which is certified by a competent People’s Committee, the decision of a competent state agency on settlement of land disputes, complaints or denunciations, the decision or judgment of a People’s Court, or the judgment enforcement decision of the judgment enforcement agency which has been executed;

m/ The organization which is a newly established legal entity through splitting or merger under the decision of a competent agency or organization or according to a lawful document on splitting or merger of economic organizations may acquire land use rights from the organizations which are split or merged legal entities.

2. Households and individuals may acquire land use rights, regardless of place of residence, except the cases prescribed in Clauses 3 and 4, Article 191, and Article 192 of this Law.

Article 170. General obligations of land users

1. To use the land for proper purposes, in accordance with the land parcel boundaries, in compliance with regulations on use of the depth beneath and the space above the parcel while protecting underground public facilities and in accordance with other relevant laws.

2. To declare and register land; to complete all related procedures upon exchange, transfer, lease, sublease, inheritance, donation of land use rights; mortgage or contribution of land use rights as capital in accordance with law.

3. To fulfill financial obligations in accordance with law.

4. To take measures to protect the land.

5. To comply with regulations on environmental protection and not to cause damage to the lawful benefits of related land users.

6. To comply with the law on discovery of underground objects.

7. To return the land upon the State’s decision on land expropriation or at the expiry of the land use term without being permitted to extend the land use term.

Article 171. Limited use rights to the adjacent land parcel

1. The limited use rights to the adjacent land parcel include the right to access path, water supply and drainage, irrigation and drainage in cultivation, gas supply, power lines, communication and other reasonable needs on the adjacent land parcel.

2. The limited use rights to the adjacent land parcel shall be established in accordance with the civil law and must be registered under Article 95 of this Law.

Article 172. Right to choose method of land rental payment

1. Economic organizations, self-financed public non-business organizations, households, individuals, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises specified in Clause 1, Article 56 of this Law may choose between the form of annual rental payment or full one-off rental payment for the entire lease period.

2. Economic organizations, self-financed public non-business organizations, households, individuals, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises that are leasing land from the State with annual rental payment may change to the form of full one-off rental payment for the entire lease period. The specific land price used for determination of land rental must be re-determined in accordance with this Law at the time the decision on approval of the change to the form of full one-off rental payment for the entire lease period is issued.

Section 2. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF ORGANIZATIONS USING LAND

Article 173. Rights and obligations of organizations that are allocated land without land use levy by the State

1. Organizations to which the land is allocated by the State without land use levy have the rights and obligations prescribed in Articles 166 and 170 of this Law.

2. Organizations to which the land is allocated by the State without land use levy may not exchange, transfer, donate, lease land use rights; mortgage, contribute land use rights as capital, and are not entitled to compensation upon land expropriation by the State.

Article 174. Rights and obligations of organizations that are allocated land with land use levy by the State, or leased land with full one-off rental payment for the entire lease period

1. In addition to the rights and obligations prescribed in Clause 1 of this Article, economic organizations that are allocated land with land use levy or leased land with full one-off payment for the entire lease period by the State have the rights and obligations prescribed in Articles 166 and 170 of this Law.

2. Economic organizations that are allocated land with land use levy or leased land with full one-off rental payment for the entire lease period by the State have the following rights:

a/ To transfer land use lights and land-attached assets under their ownership;

b/ To lease land use rights and land-attached assets under their ownership in case of being allocated with land use levy by the State and to sublease land use rights and land-attached assets under their ownership in case of being leased land with full one-off rental payment for the entire lease period by the State;

c/ To donate land use rights to the State and communities for construction of facilities for common public interests of the communities and donate land-attached gratitude houses in accordance with law;

d/ To mortgage with land use rights and land-attached assets under their ownership at credit institutions which are licensed to operate in Vietnam;

e/ To contribute land use rights and land-attached assets under their ownership as capital for cooperation in production and business with organizations, individuals, overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises in accordance with law.

3. Self-financed public non-business organizations leasing land with full one-off rental payment for the entire lease period from the State and for which the paid rental does not originate from the state budget, have the rights and obligations prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article. The exercise of the rights is subject to written approval by a competent state agency.

Self-financed public non-business organizations leasing land with full one-off rental payment for the entire lease period from the State and for which the paid rental originates from the state budget have the rights and obligations prescribed in Article 173 of this Law.

4. Organizations that are allocated land with land use levy or leased land with full one-off rental payment for the entire lease period by the State, but are entitled to exemption from or reduction of land use levy or land rental, have the following rights and obligations:

a/ If the organization is allocated or leased land by the State for implementation of projects on construction of and trading in houses and is entitled to exemption from or reduction of land use levy or land rental, it has the same rights and obligations as being not entitled to exemption from or reduction of land use levy or land rental;

b/ If the organization is allocated or leased land by the State for implementation of investment projects for profit purpose that is not prescribed at Point a of this Clause, and is allowed to pay a reduced land use levy or land rental, it has the same rights and obligations as being not entitled to exemption from or reduction of land use levy or land rental for the land type with similar land use purpose;

c/ If the organization is allocated or leased land by the State for implementation of investment projects for profit purpose that is not prescribed at Point a of this Clause, and is exempted from land use levy or land rental, it has the same rights and obligations as leasing land with annual rental payment for the land type with similar land use purpose.

Article 175. Rights and obligations of economic organizations and public non-business organizations using leased land with annual rental payment

1. Economic organizations or public non-business organizations using leased land from the State with annual rental payment have the following rights and obligations:

a/ General rights and obligations prescribed in Article 166 and Article 170 of this Law;

b/ To mortgage their assets attached to the leased land at credit institutions which are licensed to operate in Vietnam;

c/ To sell their assets attached to the leased land upon the satisfaction of the conditions prescribed in Article 189 of this Law. The buyer of these assets may continue to be leased land for determined land use purpose by the State;

d / To contribute their assets attached to the leased land as capital. The recipient of these assets may continue to be leased land for determined land use purpose by the State;

e/ To sublease land use rights with annual rental payment for the land with completely constructed infrastructure in case they are permitted to invest in the construction and commercial operation of infrastructure in industrial parks, industrial clusters, export processing zones, hi-tech zones or economic zones.

2. Economic organizations or public non-business organizations using land leased from organizations, households or individuals that are located outside industrial parks, industrial clusters or export processing zones have the rights and obligations prescribed in the civil law.

Article 176. Rights and obligations of economic organizations which acquire land use rights or change land use purposes

1. Economic organizations which acquire land use rights or change land use purpose have the general rights and obligations prescribed in Articles 166 and 170 of this Law.

2. Economic organizations acquiring the rights to use the land which originates from being allocated with land use levy or being leased with full one-off rental payment for the entire lease period by the State and the land use levy or land rental does not originate from the state budget have the rights and obligations prescribed in Clause 2, Article 174 of this Law.

3. Economic organizations acquiring the agricultural land use rights in accordance with law have the following rights and obligations:

a/ If they acquire land use rights without changing, the land use purpose, they have the rights and obligations prescribed in Clause 2, Article 174 of this Law;

b/ If they acquire land use rights and change the land use purpose and are eligible for being allocated land with land use levy or leased land with full one-off rental payment for the entire lease period, they have the rights and obligations prescribed in Clause 2, Article 174 of this Law;

c/ If they acquire land use rights and change the land use purpose and are eligible for being leased land with annual rental payment, they have the rights and obligations prescribed in Article 175 of this Law.

4. The rights and obligations of economic organizations which are approved by competent state agencies to change the land use purpose from land allocation without land use levy to land allocation with land use levy or to land lease are prescribed as follows:

a/ If the economic organization is allocated land with land use levy or leased land with full one-off rental payment for the entire lease period, it has the rights and obligations prescribed in Clause 2, Article 174 of this Law;

b/ If the economic organization is leased land with annual rental payment, it has the rights and obligations prescribed in Clause 1, Article 175 of this Law.

Article 177. Rights and obligations of economic organizations receiving land use rights as contributed capital; land use rights of economic organizations upon dissolution or bankruptcy

1. Economic organizations receiving land use rights as contributed capital from households, individuals or other economic organizations have the rights and obligations prescribed in Article 174 of this Law in the following cases:

a/ The land of economic organizations which contribute capital is the land allocated with land use levy or leased with full one-off rental payment for the entire lease period by the State, or obtained through acquisition of land use rights;

b/ The land contributed by households or individuals is not the land leased by the State with annual rental payment.

2. Land use rights of cooperatives upon dissolution or bankruptcy are prescribed as follows:

a/ The land allocated without land use levy or allocated with land use levy or leased by the State or obtained through buying land-attached assets or obtained through lawful acquisition of land use rights from others for which the land use levy or land rental, or the paid amount for purchase of land-attached assets, or the fund for acquisition of land use rights originates from the state budget, shall be recovered by the State;

b/ The land allocated with land use levy, leased with foil one-off rental payment for the entire lease period by the State, or obtained through buying land-attached assets or obtained through lawful acquisition of land use rights from others for which the land use levy or land rental, or the paid amount for purchase of land-attached assets, or the fund for acquisition of land use rights does not originate from the state budget; the land obtained through contribution of land use rights as capital from cooperative members, is not expropriated by the State. Land use rights belong to the cooperative and shall be settled in accordance with the charter of the cooperative and the resolution of the members’ meeting.

3. Land use rights of the economic organization which is an enterprise, upon its dissolution or bankruptcy, shall be settled in accordance with law.

Article 178. Rights and obligations of economic organizations that are leased land for construction of underground facilities

Economic organizations that are leased land by the State to invest in the construction of underground facilities have the following rights and obligations:

1. If the land is leased with full one-off rental payment for the entire lease period, they have the same rights and obligations as economic organizations prescribed in Clauses 1, 2 and 4, Article 174 of this Law;

2. If the land is leased with annual rental payment, they have the same rights and obligations as economic organizations prescribed in Clause 1, Article 175 of this Law.

Section 3. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF HOUSEHOLDS, INDIVIDUALS AND COMMUNITIES USING LAND

Article 179. Rights and obligations of households and individuals using land

1. Households or individuals that use agricultural land allocated by the State within land use quotas, are allocated land with land use levy or leased with full one-off rental payment for the entire lease period, have land use rights recognized by the State, or obtain land through exchange, transfer, inheritance or donation, have the following rights and obligations:

a/ The general rights and obligations prescribed in Article 166 and Article 170 of this Law;

b/ To exchange agricultural land use rights with other households and individuals within the same commune, ward or township;

c/ To transfer land use rights in accordance with law;

d/ To lease land use rights to other organizations, households, individuals or overseas Vietnamese investing in Vietnam;

e/ Individuals using land are entitled to bequeath their land use rights in accordance with their will or law.

If any member of a household to which land has been allocated by die State dies, land use rights of that member may be inherited in accordance with his/her will or law.

If the heir is an overseas Vietnamese who falls into the category defined in Clause 1, Article 186 of this Law, he/she is entitled to inherit land use rights. Otherwise, he/she is only entitled to receive the value of the inherited land use rights;

e/ To donate land use rights under Point c, Clause 2, Article 174 of this Law and to donate land use rights to households, individuals or overseas Vietnamese who fall into the category defined in Clause 1, Article 186 of this Law;

g/ To mortgage land use rights at credit institutions which are licensed to operate in Vietnam, or at other economic organizations or individuals in accordance with law;

h/ To contribute land use rights as capital to organizations, households, individuals or overseas Vietnamese for cooperation in production or business;

i/ In case the land is subject to recovery for project implementation, land users are entitled to invest on land by their own or to lease land use rights to the investor or to contribute land use rights as capital to the investor for project implementation in accordance with the Government’s regulations.

2. Households or individuals that are leased land by the State with annual rental payment have the following rights and obligations:

a/ The general rights and obligations prescribed in Article 166 and Article 170 of this Law;

b/ To sell their assets attached to the leased land. The buyer of these assets may continue leasing land from the State for the determined purpose;

c/ To inherit or donate their assets attached to the leased land. The heir or donee may continue leasing land from the State for the determined purpose;

d/ To lease their assets attached to the leased land in accordance with the civil law;

e/ To mortgage their assets attached to the leased land at credit institutions which are licensed to operate in Vietnam, or at other economic organizations or individuals in accordance with law;

f/ To contribute their assets attached to the leased land within the lease term as capital tó organizations, households, individuals or overseas Vietnamese for cooperation in production or business. The recipient of such capital contribution may continue leasing land from the State for the determined purpose

3. Households or individuals that sublease land in industrial parks, industrial clusters or export processing zones have the following rights and obligations:

a/ In case of leasing or subleasing land with full one-off rental payment for the entire lease period, they have the rights and obligations prescribed in Clause 1 of this Article;

b/ In case of leasing or subleasing land with annual rental payment, they have the rights and obligations prescribed in Clause 2 of this Article.

4. Households or individuals that are allocated or leased land by the State and are entitled to exemption from or reductions of land use levy or land rental have the same rights and obligations as being not entitled to exemption from or reductions of land use levy or land rental.

5. Households or individuals that use leased land from organizations, households or individuals that do not fall into the case specified in Clause 3 of this Article, have the rights and obligations prescribed in the civil law,

Article 180. Rights and obligations of households and individuals changing land use purpose from land allocation without land use levy to land allocation with land use levy or land lease

1. Households or individuals that change land use purpose from land allocation without land use levy to land allocation with land use levy or land lease have the general rights and obligations prescribed in Articles 166 and 170 of this Law.

2. The rights and obligations of households or individuals using land of which the land use purpose is permitted to change from land allocation without land use levy to land allocation with land use levy or land lease by competent state agencies are prescribed as follows:

a/ In case of being allocated land with land use levy or leased land with full one-off rental payment for the entire lease period, these households or individuals have the rights and obligations prescribed in Clause 1, Article 179 of this Law;

b/ In case of being leased land with annual rental payment, these households or individuals have the rights and obligations prescribed in Clause 2, Article 179 of this Law.

Article 181. Rights and obligations of religious institutions and communities using land

1. Religious institutions and communities using land have the general rights and obligations prescribed in Articles 166 and 170 of this Law.

2. Religious institutions and communities using land may not exchange, transfer, lease or donate land use rights or mortgage or contribute as capital land use rights.

Section 4. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF OVERSEAS VIETNAMESE, FOREIGN ORGANIZATIONS WITH DIPLOMATIC FUNCTIONS AND FOREIGN-INVESTED ENTERPRISES USING LAND

Article 182. Rights and obligations of foreign organizations with diplomatic functions

1. Foreign organizations with diplomatic functions using land in Vietnam have the following rights and obligations:

a/ The general rights and obligations prescribed in Articles 166 and 170 of this Law;

b/ To construct facilities on land in accordance with the licenses granted by competent state agencies of Vietnam;

c/ To own the facilities on the leased land constructed by their own within the lease term.

2. In case there are different provisions in treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, foreign organizations with diplomatic functions have the rights and obligations as provided in those treaties.

Article 183. Rights and obligations of overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises using land for implementation of investment projects in Vietnam

1. Overseas Vietnamese investing in Vietnam who are allocated land with land use levy by the Vietnamese State have the following rights and obligations:

a/ The general rights and obligations prescribed in Articles 166 and 170 of this Law;

b/ The rights and obligations prescribed in Clause 2, Article 174 of this Law.

2. Overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises that are leased land with annual rental payment from the Vietnamese State have the following rights and obligations:

a/ The general rights and obligations prescribed in Articles 166 and 170 of this Law;

b/ To mortgage their assets attached to the leased land at credit institutions which are licensed to operate in Vietnam, and to contribute as capital their assets attached to the leased land. The recipient of the capital contribution may lease land from the State for the determined purpose for the remaining lease term;

c/ To sell their assets attached to the leased land upon fulfillment of the requirements prescribed in Article 189 of this Law;

d/ To lease houses if they are permitted to invest in the construction of and trading in houses.

3. Overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises that lease land from the State with full one-off rental payment for the entire lease period and foreign-invested enterprises that are allocated land with land use levy to implement projects have the following rights and obligations:

a/ The general rights and obligations prescribed in Articles 166 and 170 of this Law;

b/ To transfer land use rights and land-attached assets under their ownership during the land use term;

c/ To lease and sublease land use rights and land-attached assets under their ownership within the land use term;

d/ To mortgage land use rights and land-attached assets under their ownership at credit institutions which are licensed to operate in Vietnam within the land use term;

e/ To contribute land use rights and land-attached assets under their ownership as capital for cooperation in production and business within the land use term.

4. Foreign-invested enterprises using land formed through the purchase of shares of Vietnamese enterprises have the following rights and obligations:

a/ In case the foreign-invested enterprise formed through the purchase of shares of Vietnamese enterprises is a wholly foreign-invested enterprise or a foreign-invested enterprise in which the foreign investor is the dominant shareholder in accordance with the law on enterprises, that foreign-invested enterprise has the rights and obligations prescribed in Clauses 2 and 3 of this Article corresponding to the form of payment of land use levy or land rental;

b/ In case the foreign-invested enterprise formed through the purchase of shares of Vietnamese enterprises is an enterprise in which the Vietnamese party is the dominant shareholder in accordance with the law on enterprises, that foreign-invested enterprise has the rights and obligations as economic organizations as prescribed in Articles 174 and 175 of this Law.

5. For overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises that use land to implement investment projects in Vietnam and are allocated or leased with full one-off rental payment for the entire lease period by the State and are exempted from land use levy or land rental or allowed to pay a reduced one, they have the rights and obligations prescribed in Clause 4, Article 174 of this Law.

Article 184. Rights and obligations of joint ventures using land through receipt of land use rights as capital and wholly foreign-invested enterprises which are converted from joint ventures

1. Joint ventures between foreign organizations, foreign individuals or overseas Vietnamese and economic organizations in which the economic organizations contribute land use rights as capital, have the rights and obligations prescribed in Article 174 of this Law in the following cases:

a/ The land of which land use rights are contributed by the economic organizations is land allocated with land use levy or leased with full one-off rental payment for the entire lease period by the State, and the paid amount of land use levy or land rental does not originate from the state budget;

b/ The land of which land use rights is contributed by the economic organizations through acquisition of land use rights is not the land leased by the State with annual rental payment, and the paid amount for the acquisition of land use rights does not originate from the state budget.

2. In case a state enterprise leases land from the State before July 1, 2004, and is entitled to contribute the value of land use rights as allocated from the state budget, not as a recorded debt, and does not have to pay land rental in accordance with the land law, as capital to establish a joint venture with a foreign organization or individual, that joint venture has the rights and obligations prescribed in Article 174 of this Law. The value of land use rights is considered the State’s capital contributed to the joint venture.

3. In case an overseas Vietnamese who is allocated land with land use levy or leased land with full one-off rental payment for the entire lease period by the State contributes the value of land use rights in the capacity as a domestic economic organization as capital to a joint venture with a foreign organization or individual, that joint venture has the rights and obligations prescribed in Article 174 of this Law.

4. If a joint venture in which the Vietnamese party contributes land use rights as capital is converted into a wholly foreign-invested enterprise, it has the following rights and obligations:

a/ The rights and obligations prescribed in Clause 2, Article 183 of this Law, for the case in which the contributed land use rights are not used for implementing investment projects on houses for sale and the wholly foreign-invested enterprise is leased land by the State with annual rental payment under Clause 1, Article 56 of this Law;

b/ The rights and obligations prescribed in Clause 3, Article 183 of this Law, for the case in which the contributed land use rights are not used for implementing investment projects on houses for sale and the wholly foreign-invested enterprise is leased land by the State with full one-off rental payment for the entire lease period under Clause 1, Article 56 of this Law;

c/ The rights and obligations prescribed in Clause 3, Article 183 of this Law, for the case in which the contributed land use rights are used for implementing projects on houses for sale and the wholly foreign-invested enterprise is allocated land by the State under Clause 3, Article 55 of this Law.

Article 185. Rights and obligations of overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises using land in industrial parks, industrial clusters, export processing zones, hi-tech zones or economic zones

1. Overseas Vietnamese may acquire land use rights in industrial parks, industrial clusters, export processing zones, hi-tech zones or economic zones, and have the rights and obligations prescribed in Article 174 of this Law.

2. Overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises leasing or subleasing land in industrial parks, industrial clusters, export processing zones, hi-tech zones or economic zones have the following rights and obligations:

a/ In case of making full one-off rental payment for the land lease or sublease for the whole lease or sublease period, they have the rights and obligations prescribed in Article 174 of this Law;

b/ In case of making annual rental payment, they have the rights and obligations prescribed in Article 175 of this Law.

Article 186. Rights and obligations related to land use of overseas Vietnamese who are eligible to own houses in Vietnam; foreign individuals or overseas Vietnamese who are ineligible to buy houses associated with land use rights in Vietnam

1. Overseas Vietnamese who are entitled to own houses in accordance with the housing law are entitled to own houses associated with residential land use rights in Vietnam.

2. Overseas Vietnamese who are entitled to own houses associated with residential land use rights in Vietnam have the following rights and obligations:

a/ The general rights and obligations prescribed in Article 166 and Article 170 of this Law;

b/ To transfer land use rights when selling, donating, bequeathing, exchanging houses with domestic organizations or individuals, overseas Vietnamese who are eligible to own houses for their own living; to donate houses associated with residential land use rights to the State, communities or donate houses of gratitude as prescribed at Point c, Clause 2, Article 174 of this Law. In case of donating or bequeathing to people who are ineligible to own houses in Vietnam, such people may only to receive the value of houses associated with residential land use rights;

c/ To mortgage houses associated with residential land use rights at credit institutions which are licensed to operate in Vietnam;

d/ To lease, and authorize the management of, houses when unused.

3. If all the heirs of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets are foreigners or overseas Vietnamese who are ineligible to own houses in Vietnam as prescribed in Clause 1 of this Article, the heirs shall not be granted the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets but may transfer or donate the inherited land use rights in accordance with the following provisions:

a/ In case of transferring land use rights, the heirs may act as the transfer or in the contract of transfer of land use rights;

b/ In case of donating land use rights, the people to receive land use rights must be the subjects specified at Point e, Clause 1, Article 179 of this Law and be eligible under the housing law, in which the heir may act as the donor in the contract or written document on donation commitment;

c/ In case of not making the transfer or donation of land use rights, the heir or his/her representative with a lawful document on authorization, shall submit a dossier on the inheritance to the land registration agency in order to update on the cadastral book.

4. In case there is an overseas Vietnamese who is ineligible to buy a house associated with residential land use rights in Vietnam among the heirs while others are eligible to inherit land use rights in accordance with the land law and the inherited land use rights have not been divided, the heirs or their representatives with lawful documents on authorization, shall submit dossiers on the inheritance to the land registration agency in order to update on the cadastral book.

Once the inheritance is made, the certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets are granted to those who are eligible for being granted such certificate.

Regarding the overseas Vietnamese who is ineligible to buy houses associated with residential land use rights in Vietnam, his/her inherited part shall be dealt with in accordance with Clause 3 of this Article.

5. In the cases specified at Point c, Clause 3, and in Clause 4 of this Article, the heirs may authorize in writing other persons to take care or use land temporarily and perform the obligations in accordance with the land law and other relevant laws.

Article 187. Rights and obligations of overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises leasing land for construction of underground facilities

Overseas Vietnamese or foreign-invested enterprises investing in the construction of underground facilities and leasing land from the State have the following rights and obligations:

1. In case of leasing land with full one-off rental payment for the entire lease period, they have the rights and obligations prescribed in Clauses 3 and 5, Article 183 of this Law.

2. In case of leasing land with annual rental payment, they have the rights and obligations prescribed in Clauses 2 and 5, Article 183 of this Law.

Section 5. CONDITIONS FOR THE EXERCISE OF RIGHTS OF LAND USERS

Article 188. Conditions for the exercise of the rights to exchange, transfer, lease, sublease, inherit, donate or mortgage land use rights; to contribute land use rights as capital

1. Land users may exercise the rights to exchange, transfer, lease, sublease, inherit, donate or mortgage land use rights and contribute land use rights as capital when meeting the following conditions:

a/ Having the certificate, except the case prescribed in Clause 3, Article 186 and the case of receiving inheritance prescribed in Clause 1, Article 168 of this Law;

b/ The land is dispute-free;

c/ The land use rights are not distrained to secure judgment enforcement;

d/ Within the land use term.

2. In addition to the conditions specified in Clause 1 of this Article, when exercising the rights to exchange, transfer, lease, sublease, inherit, donate or mortgage land use rights and contribute land use rights as capital, land users must also be eligible under Articles 189, 190, 191, 192, 193 and 194 of this Law.

3. The exchange, transfer, lease, sublease, inheritance, donation or mortgage of land use rights or contribution of land use rights as capital must be registered with the land registration agency and will take effect from the time of registration in the cadastral book.

Article 189. Conditions for selling and buying assets attached to land which is leased by the State with annual rental payment

1. Economic organizations, households, individuals, overseas Vietnamese and foreign- invested enterprises may sell assets attached to leased land when fully meeting die following conditions:

a/ The assets attached to leased land are legally established in accordance with law;

b/ The construction has been completed in accordance with the detailed construction master plan and approved investment project.

2. The buyer of assets attached to leased land must ensure the following conditions:

a/ Having financial capacity to implement investment projects;

b/ Having business lines relevant to investment projects;

c/ Not violating the land law when being allocated or leased land from the State to implement the previous projects.

3. The buyers of assets may continue leasing land from the State within the remaining land use term according to specific land price and for the purposes determined in the project documents.

4. The case of leasing land to implement projects on construction and commercial operation of infrastructure is prescribed in Article 194 of this Law.

Article 190. Conditions for exchanging agricultural land use rights

Households and individuals using agricultural land which is allocated by the State or obtained through exchange, acquisition of land use rights, inheritance, donation of lawful land use rights from other land users, may only exchange these agricultural land use rights to other households and individuals in the same commune, ward or township to facilitate agricultural production, and do not have to pay income tax incurred from the exchange of land use rights and registration fee.

Article 191. Cases in which acquisition or donation of land use rights is not allowed

1. Organizations, households, individuals, communities, religious institutions, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises may not receive transfer or donation of land use rights in case the transfer or donation of land use rights is prohibited by law.

2. Economic organizations may not acquừe the rights to use paddy land, protection forest land or special-use forest land from households or individuals, except the case of change in land use purpose in accordance with the land use master plan and plans approved by competent state agencies.

3. Households and individuals not directly engaged in agricultural production may not receive the transfer or donation of paddy land use rights.

4. Households and individuals may not receive the transfer or donation of residential land use rights and agricultural land use rights with regard to the land located in the areas of protection forests, strictly protected zones and ecological rehabilitation zones in special-use forests if they do not live in such protection forests or special-use forests.

Article 192. Cases in which households and individuals may transfer or donate land use rights under certain conditions

1. Households and individuals living in the strictly protected zones or ecological rehabilitation zones in special-use forests and are not able to move out of these areas may only transfer or donate the rights to use residential land or forest land in combination with agricultural, forestry and aquaculture production purposes to households and individuals living in these areas.

2. Households and individuals that are allocated residential land or agricultural land in protection forests by the State may only transfer or donate the rights to use residential or agricultural land to households and individuals living in these areas.

3. Households and individuals of ethnic minorities using allocated land under the support policies of the State may transfer or donate land use rights after 10 years from the date of issuance of the decisions on land allocation in accordance with the Government’s regulations.

Article 193. Conditions for receiving the transfer or contribution as capital of, or leasing, agricultural land use rights to carry out investment projects on non-agricultural production and business

Economic organizations, households and individuals may receive the transfer or contribution as capital of, or lease, agricultural land use rights to carry out investment projects on non-agricultural production and business when fully meeting the following conditions:

1. Economic organizations may receive the transfer or contribution as capital of, or lease, agricultural land use rights to carry out investment projects upon receiving written approval from a competent state agency.

2. The use purpose for the land area of which land use rights are acquired, contributed as capital or leased must be consistent with the land use master plan and plans approved by competent state agencies.

3. For land used exclusively for wet rice cultivation, the provisions of Clause 3, Article 134 of this Law shall apply.

Article 194. Conditions for transferring land use rights in implementation of investment projects on construction of and trading in houses; investment projects on construction of infrastructure for transfer of lease

1. The transfer of land use rights in investment projects on construction of and trading in houses must be conducted in accordance with the following provisions:

a/ The provincial-level People’s Committee may, based on the Government’s regulations on conditions and types of urban centers, permit investors of projects on construction of and trading in houses to transfer land use rights in the form of dividing land parcels upon completion of the infrastructure construction and fulfillment of financial obligations related to land;

b/ For investment projects on construction of and trading in houses, the transfer of land use rights together with the transfer of the whole or part of the project may be conducted upon receipt of the certificate. Those who acquire land use rights shall implement investment projects in accordance with the approved schedule.

2. The transfer of land use rights together with the transfer of the whole project on construction of infrastructure for transfer or lease must meet the following conditions:

a/ Satisfaction of all conditions specified in Clause 1, Article 188 of this Law;

b/ The technical infrastructure facilities must be completely constructed in accordance with the schedule stated in the approved project document.

3. The Government shall detail this Article.

Chapter XII

LAND-RELATED ADMINISTRATIVE PROCEDURES

Article 195. Land-related administrative procedures

1. Land-related administrative procedures include:

a/ Procedures for land expropriation, land allocation, land lease, and change of land use purpose;

b/ Procedures for registration of land and land-attached assets and grant of the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;

c/ Procedures for renewal, re-grant, correction or withdrawal of the certificate, the certificate of house ownership or the certificate of construction work ownership;

d/ Procedures for exercising the rights of land users;

dd/ Procedures for enforcing decisions on compulsory inventory and enforcing the implementation of land expropriation decisions;

e/ Procedures for conciliation and settlement of land disputes at administrative agencies;

g/ Procedures for sanction of administrative violations in the field of land.

2. The Government shall detail this Article.

Article 196. Publicity of land-related administrative procedures

1. Contents of administrative procedures that need to be publicized include:

a/ State agencies which have competence to receive dossiers and return results;

b/ Time for handling each of the administrative procedures;

c/ Documents in the dossier for each of the administrative procedures;

d/ The process and responsibilities for settling each of the administrative procedures;

e/ Financial obligations, charges and fees payable for each of the administrative procedures.

5. The publicity of contents prescribed in Clause 1 of this Article must be conducted by regular posting at the offices of the agencies where the dossiers are received and the results are returned; and posting on the website of the national database on administrative procedures and websites of provincial and district-level People’s Committees.

Article 197. Implementation of land-related administrative procedures

1. Ministries and agencies shall, according to their functions, tasks and powers, coordinate in the direction, guidance and examination of the implementation of land-related administrative procedures to ensure consistency of the land-related administrative procedures with other related administrative procedures.

2. People’s Committees at all levels shall direct, guide, examine and implement administrative procedures in the localities and issue regulations on the coordination among relevant local agencies in settling land-related administrative procedures and other related administrative procedures.

3. Agencies having competence to settle land-related administrative procedures shall follow the prescribed order and procedures.

4. Land users and other related people shall fully follow the land-related administrative order and procedures and fulfill financial obligations as prescribed by law.

Chapter XIII

SUPERVISION, INSPECTION, SETTLEMENT OF DISPUTES, COMPLAINTS, DENUNCIATIONS AND HANDLING OF VIOLATIONS OF LAND LAW

Section 1. SUPERVISION, MONITORING AND EVALUATION OF LAND MANAGEMENT AND USE

Article 198. Oversight by the National Assembly, People’s Councils at all levels, Vietnam Fatherland Front and its member organizations of the land management and use

1. The National Assembly and People’s Councils at all levels shall exercise the power to oversee the land management and use in accordance with the Constitution and the Law on Oversight Activities of the National Assembly and the Law on Organization of the People’s Councils and People’s Committees.

2. The Vietnam Fatherland Front and its member organizations shall exercise the power to supervise the land management and use in accordance with the Constitution, the Law on the Vietnam Fatherland Front and other relevant laws.

Article 199. Supervision by citizens of land management and use

1. Citizens have the right to supervise and report on wrongdoings and violations in the land management and use by themselves or through representative organizations.

2. The supervision and reporting must ensure objectivity, honesty and lawfulness. Citizens may not abuse the right to supervise and report to lodge complaints and denunciations illegally or negatively affect social order. Citizens shall take responsibility before law for the accuracy of the information they have reported.

3. The contents of supervision of the land management and use by citizens include:

a/ Formulation, adjustment, publicization and implementation of land use master plans and plans;

b/ Land allocation, land lease, and permission for change of land use purpose;

c/ Land expropriation, compensation, support and resettlement;

d/ Registration of land and land-attached assets, and grant of the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;

e/ Collection of, exemption from, or reduction of, land use levy, land rental and land-related taxes, and land valuation;

f/ Implementation of administrative procedures related to the rights and obligations of land users.

4. The methods of supervision of the land management and use by citizens include:

a/ Directly exercising the right to supervision through reporting and sending petitions to agencies or persons with settling competence;

b/ Sending petitions to the lawful representative organizations for these organizations to conduct the supervision.

5. Responsibilities of competent state agencies upon receiving opinions from citizens and representative organizations:

a/ To examine, settle and respond to the opinions in writing according to their competence;

b/ To forward the petitions to competent state agencies for settlement, for cases falling beyond their competence;

c/ To notify the results to the reporting organizations or individuals.

Article 200. System of monitoring and evaluation of the land management and use

1. The system of monitoring and evaluation of the land management and use shall be used to evaluate the implementation of the land law, the efficiency of land management and use, and the impacts of land policy and law on the economy, society and environment on both national and local scales.

2. The system of monitoring and evaluation of the land management and use shall be developed based on the land information system and the collection of other information during the implementation of the land law throughout the country, including:

a/ Information on land use master plans and plans, land statistics and inventories, land prices and land taxes; land allocation, land lease, land expropriation, permission for change of land use purpose, grant of the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets; implementation of investment projects using land; observance of the land law; examination, inspection and handling of land-related violations of administrative agencies;

b/ Information on the settlement of disputes and lawsuits over land;

c/ Information from the supervision process of the land law implementation of the National Assembly, People’s Councils at all levels, Vietnam Fatherland Front and its member organizations, other related organizations and people;

d/ Necessary information which needs to be collected by technology solutions including aerial photography from satellites, aircraft and other flying craft, field surveys and other Technical equipment;

dd/ Necessary information from the sociological survey data on land management and use which is obtained from different researches, investigations, surveys and performance of additional sociological investigations when necessary.

3. The agency in charge of natural resources and environment shall manage the monitoring and evaluation system, conduct evaluation of the land law implementation, the efficiency in the land management and use and the impacts of land policy and law on the economy, society and environment on both national and local levels. The evaluation results shall be sent periodically to the Government and the National Assembly.

4. The state agency which archives the information specified in Clause 2 of this Article shall provide information sufficiently, accurately and timely to the agency managing the monitoring and evaluation system. The agency in charge of natural resources and environment shall update the information in the monitoring and evaluation system into the land information system.

5. The monitoring and evaluation system on the land management and use shall be made public for information search by organizations and individuals in accordance with law.

6. The Government shall prescribe in detail the creation and operation of the monitoring and evaluation system on land management and use.

Section 2. INSPECTION, SETTLEMENT OF DISPUTES, COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS AND TREATMENT OF VIOLATIONS OF LAND LAW

Article 201. Specialized land inspection

1. Specialized land inspection means inspection activities earned out by competent state agencies toward agencies, organizations and individuals regarding their observance of the land law and professional, technical and management regulations in the field of land.

The Ministry of Natural Resources and Environment shall direct and organize the implementation of specialized land inspection throughout the country.

Local land administration agencies shall organize specialized land inspections in localities.

2. The specialized land inspection includes the following contents:

a/ Inspection of the observance of the land law by People’s Committees at all levels;

b/ Inspection of the observance of the land law by land users and other related organizations and individuals;

c/ Inspection of the observance of professional and technical regulations in the field of land.

3. Specialized land inspectors have the following tasks:

a/ To inspect the observance of the land law by state agencies and land users in land management and use;

b/ To detect, prevent and handle violations of the land law according to their competence or propose the settlement of violations to competent state agencies.

4. The powers and obligations of leaders of inspection teams, inspectors, civil servants performing specialized land inspection, and the procedures for specialized land inspection comply with the inspection law.

Article 202. Conciliation of land disputes

1. The State shall encourage the disputing parties to conciliate themselves or have theừ land disputes settled through grassroots conciliation.

2. In case the self-reconciliation fails, the parties may send a petition to the commune-level People’s Committee of the locality where the disputed land is located, for reconciliation.

3. Commune-level People’s Committee chairpersons shall organize conciliation of land disputes in their localities. In the process of conciliation, they shall coordinate with the commune-level Vietnam Fatherland Front Committee and its member organizations and other social organizations. The conciliation procedures carried out at the commune-level People’s Committees shall be completed within 45 days from the date the commune-level People’s Committees receive a petition for settlement of land dispute.

4. The conciliation process must be recorded in a written record with signatures of all parties and certified by the commune-level People’s Committee on the result, either a successful or unsuccessful conciliation. The conciliation minutes shall then be sent to the involved parties and archived at the commune-level People’s Committee concerned.

5. In case of successful conciliation which results in changes in the boundaries or land users, the commune-level People’s Committee shall send the conciliation minutes to the district-level Division of Natural Resources and Environment, for land disputes among households, individuals and communities, or to the provincial-level Department of Natural Resources and Environment, for other land disputes.

The district-level Division of Natural Resources and Environment or the provincial-level Department of Natural Resources and Environment shall submit the case to the People’s Committee of the same level for decision on recognizing the change in boundaries or renewing the certificate of land use rights, houses and other land-related assets ownership.

Article 203. Authority to settle land disputes

If the conciliation at a commune-level People’s Committee fails, a land dispute shall be settled as follows:

1. The land dispute in which the concerned party possesses a certificate or any of the papers prescribed in Article 100 of this Law and the dispute over land-attached assets shall be settled by the People’s Court;

2. For the land dispute in which the concerned party does not possess a certificate or any of the papers prescribed in Article 100 of this Law, the parties may choose between the following two options of settlement:

a/ Filing a written request for dispute settlement with a competent People’s Committee as prescribed in Clause 3 of this Article;

b/ Filing a lawsuit with a competent People’s Court in accordance with the law on civil procedures;

3. In case the concerned parties choose the option of settlement at a competent People’s Committee, the settlement is as follows:

a/ In case the dispute occurs among households, individuals and communities, the chairperson of the district-level People Committee is responsible for the settlement. If the concerned parties disagree with the settlement decision, they are entitled to lodge a complaint with the chairperson of the provincial-level People’s Committee or to file a lawsuit at a People’s Court in accordance with the law on administrative procedures;

b/ In case the dispute involves one party being an organization, a religious institution, an overseas Vietnamese or a foreign-invested enterprise, the chairperson of the provincial-level People’s Committee is responsible for the settlement. If the concerned parties disagree with the settlement decision, they are entitled to lodge a complaint with the Minister of Natural Resources and Environment or to file a lawsuit with a People’s Court in accordance with the law on administrative procedures;

4. The person having competence to settle the land dispute as prescribed in Clause 3 of this Article shall issue a settlement decision. The legally effective decision on dispute settlement must be strictly abided by the concerned parties. If the parties fail to comply, the decision shall be enforced.

Article 204. Settlement of complaints and lawsuits related to land

1. Land users and people who have land use-related rights and obligations are entitled to lodge complaints about, or file lawsuits against, administrative decisions or administrative acts in land management.

2. The order and procedures for settling complaints about administrative decisions or administrative acts related to land comply with the law on complaints. The order and procedures for settling lawsuits against administrative decisions or administrative acts related to land comply with the law on administrative procedures.

Article 205. Settlement of denunciations about land

1. Individuals are entitled to denounce violations of the law on land management and use.

2. The settlement of denunciations about violations of the law on land management and use shall comply with the law on denunciations.

Article 206. Handling of violators of land law

1. Violators of the land law shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned or examined for penal liability in accordance with law.

2. Those who commit violations of the land law which cause damage to the State or other people, shall be handled in accordance with law and pay compensation for the actual damage caused to the State or to other people.

Article 207. Handling of persons who commit violations of land law while on duty in the field of land

1. Those who commit violations of the land law while on duty shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability in accordance with law for the following violations:

a/ Abusing positions and powers to commit illegal acts in land allocation, land lease, change of land use purpose, land expropriation, compensation, support, resettlement, transfer of land use rights, implementation of land use master plans and plans, determination of financial obligations related to land, management of cadastral records, or issuance of administrative decisions in land management;

b/ Lacking responsibility in management which lets violations of land law occur, or committing other acts which cause damage to land resources or the rights and obligations of land users;

c/ Violating regulations on consultation, publicization and publicity of information; violating regulations on administrative order and procedures; violating reporting regulations in land management.

2. The Government shall detail this Article.

Article 208. Responsibilities of chairpersons of People’s Committees at all levels in detecting, preventing and handling violations of law on land management and use

1. Chairpersons of the People’s Committees at all levels shall detect, prevent and promptly handle violations of the law on land management and use in localities.

2. Chairpersons of commune-level People’s Committees shall detect, prevent and promptly handle the illegal transfer of land use rights and change of land use purpose; detect, prevent and promptly handle the construction of facilities on encroached land, occupied land or the land used for improper purposes in their localities, and force the violators to restore the land to the conditions as before the violation was committed.

Article 209. Receipt and handling of responsibility of heads, civil servants or public employees working at land administration agencies at all levels and commune-level cadastral civil servants who violate the order of carrying out administrative procedures

1. Organizations or individuals that detect civil servants or public employees of the land administration agencies at all levels or commune-level cadastral civil servants violating regulations on the order and procedures and terms for land allocation, land lease, permission for change of land use purpose, land expropriation, performance of procedures for exercising the rights of land users, or grant of the certificate, may send a petition to the following competent persons:

a/ For violations committed by commune-level cadastral civil servants, the petition shall be sent to the chairperson of the commune-level People’s Committee;

b/ For violations committed by civil servants or public employees working at a land administration agency, the petition shall be sent to the director of the land administration agency concerned;

c/ For violations committed by the director of a land administration agency, the petition shall be sent to the chairperson of the People’s Committee of the same level.

2. Within 30 days after receiving a petition, the chairperson of the People’s Committee or the head of the land administration agency prescribed in Clause 1 of this Article shall consider and settle the petition and notify the result to the petitioner.

Chapter XIV

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 210. Transitional provisions

1. For those that leased land from the State before July 1, 2004, and have paid land rental for the entire lease period or prepaid land rental for many years while the land lease period for which the land rental is already paid remains 5 years or more, economic organizations have the rights and obligations prescribed in Article 174 of this Law, while households and individuals have the rights and obligations prescribed in Clause 1, Article 179 of this Law.

2. If an investor leasing land from the State with annual rental payment for construction and commercial operation of infrastructure of industrial parks, industrial clusters or export processing zones has subleased out the land together with infrastructure in the form of full one-off rental payment for the entire lease period prior to the effective date of this Law, the investor shall pay the land rental to the State in accordance with the Government's regulations. Those who sublease the land have the same rights and obligations as leasing land with full one-off rental payment for the entire lease period from the State after the investor has paid the whole land rental to the state budget.

3. Households and individuals that are directly engaged in agricultural production and have been allocated or recognized land use rights or acquired agricultural land use rights prior to the effective date of this Law, if still having demand at the expiry of the land use term, may use the land within the term prescribed in Clause 1, Article 126 of this Law. The land use term shall be counted from October 15, 2013, for cases in which the land use term expires on October 15, 2013, in accordance with the 2003 Land Law; and from the expiry date of the land allocation term, for cases in which the land use term expires after October 15, 2013.

4. For households and individuals that use agricultural land prior to the effective date of this Law and have not been granted the certificate, the land use term upon the grant of the Certificate shall be counted from the effective date of this Law.

5. For the land allocated by the State to economic organizations to create capital for infrastructure construction within a project, or the land obtained through the winning at auctions of land use rights before July 1, 2004, and used by the economic organizations with no determined land use term, the land use term will comply with the Government’s regulations.

6. The provisions of this Law do not apply to the projects or facilities for which the compensation, support and resettlement have been conducted prior to the effective date of this Law. In case the plan for compensation, support and resettlement for the project or facilities has been approved or the compensation, support and resettlement are being conducted in accordance with the plan approved before the effective date of this Law, the compensation, support and resettlement must still be conducted in accordance with the approved plan, not in accordance with this Law.

7. Regarding cases of land allocation, land lease, change of land use purpose or recognition of land use rights which have been implemented before the effective date of this Law and the land users have not fulfilled their financial obligations, the time for calculation of land use levy or land rental shall comply with the Government’s regulations.

8. Households and individuals using agricultural land areas allocated in excess of the land use quotas before the effective date of this Law, shall change to lease land in accordance with this Law.

9. The Government shall prescribe the handling of specific cases in which the land is used in contravention of the land law and the cases guaranteed by land use rights before the effective date of this Law.

Article 211. Effect

1. This Law takes effect on July 1, 2014.

Land Law No. 13/2003/QH11 and Resolution No. 49/2013/QH13 of June 21, 2013, of the National Assembly on extension of the land use term for annual crops, aquaculture or salt production of households and individuals cease to be effective on the effective date of this Law.

2. Article 57 of Law No. 66/2006/QH11 on Vietnam Civil Aviation, Article 2 of Law No. 34/2009/QH12 Amending and Supplementing Article 126 of the Law on Housing and Article 121 of the Land Law, Article 4 of Law No. 38/2009/QH12 Amending and Supplementing a Number of Articles of Laws Concerning Capital Construction Investment, Article 264 of Law No. 64/2010/QH12 on Administrative Procedures, and the provisions on land requisition in Law No. 15/2008/QH12 on Compulsory Purchase and Requisition of Property, are hereby annulled.

Article 212. Detailing provision

The Government shall detail the articles and clauses as assigned in this Law.

This Law was passed on November 29, 2013, by the XIIIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 6th session.-

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Sinh Hung

6.467.149

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.12.61
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!