BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN
ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2421/TĐC-HCHQ
V/v Hướng dẫn thực hiện Thông tư số
07/2017/TT-BKHCN
|
Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2017
|
Kính
gửi: Các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh,
thành phố
Ngày 16/6/2017, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban
hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà
nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản
lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Để triển khai thực hiện
có hiệu quả quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ tại văn bản nêu trên, Tổng cục
Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TC ĐL CL) có ý kiến như sau:
1. Đề nghị các Chi cục
Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Chi cục TC ĐL CL) chủ động nghiên cứu các nội
dung quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN để hướng dẫn cho cán bộ, công chức,
viên chức và người lao động đang công tác tại Chi cục triển khai thực hiện.
Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2017, do đó, trong thời hạn Thông tư này chưa có hiệu lực thi hành thì
việc kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm
quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư số
27/2012/TT-BKHCN.
2. Để thống nhất thực
hiện các quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN , trên cơ sở ý kiến đề nghị
hướng dẫn của một số địa phương, Tổng cục TC ĐL CL hướng dẫn cách thức xử lý một
số vướng mắc như sau:
a) Đối với tình huống, vướng mắc “Khi
doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký kiểm tra
nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu (hàng hóa
nhập khẩu không thuộc đối tượng áp dụng) thì Chi cục
có được quyền từ chối ban đầu hay không, hay ra văn bản hoặc đóng dấu hàng hóa
ngoài danh mục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu”;
Theo quy định, chỉ những hàng hóa nhập
khẩu thuộc đối tượng kiểm tra được quy định tại khoản 1
Điều 1 Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN thì doanh nghiệp nhập khẩu
hàng hóa mới phải thực hiện thủ tục đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng nhập khẩu tại Chi cục TC ĐL CL nơi doanh nghiệp mở tờ khai
hải quan. Do đó, đối với trường hợp nêu trên, sau khi giải thích rõ cho doanh
nghiệp hiểu về quy định quản lý, Chi cục có thể từ chối ban đầu hoặc có văn bản
trả lời doanh nghiệp, trong đó nêu rõ hàng hóa do doanh
nghiệp nhập khẩu không thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu để
doanh nghiệp chủ động thực hiện các hoạt động liên quan đến
thông quan hàng hóa tại cơ quan hải quan.
b) Đối với tình huống, vướng mắc “khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN quy định đối với hàng hóa nhập khẩu là
thép (trừ thép cốt bê tông), thực hiện theo quy định
tại khoản 1 Điều 5
Thông tư này. Tuy nhiên, hiện nay, hàng hóa nhập khẩu là thép (trừ thép làm cốt bê tông, thép
phải tuân thủ quy định quản lý tại QCVN do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành)
đang được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN (đang còn hiệu lực thi hành)”:
Từ ngày 01/10/2017, việc quản lý chất lượng thép (trừ thép làm cốt bê tông) được thực
hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 của Bộ
Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 18/2017/TT-BCT ngày 21/9/2017 của Bộ
Công Thương về việc bãi bỏ một số điều của Thông tư số
liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN
ngày 31/12/2015.
c) Đối với tình huống, vướng mắc cho
rằng “Đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; đồ chơi trẻ em; thép làm cột
bê tông; thiết bị điện và điện tử (an toàn, tương thích điện tử), thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều
5 Thông tư này, như vậy có mâu thuẫn với khoản 3 Điều 4 Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN và khoản 2 Điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa”;
- Khoản 3 Điều
4 của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN đã được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số
07/2017/TT-BKHCN. Do đó, việc quy định áp dụng khoản 2 Điều 5 (được quy định tại khoản
3 Điều 1 của Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN) là không mâu thuẫn.
- Tại khoản 3
Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015 đã quy định “Trong trường hợp các văn
bản quy phạm pháp luật do cùng
một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Tại khoản 2 Điều
34 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã nêu "Hàng
hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy
theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến
quá trình sản xuất, sản phẩm cuối cùng bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc được thừa nhận
theo quy định tại Điều 26 của Luật này’’.
Tại khoản 2 Điều
35 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định
"Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định chi tiết trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng
hóa nhập khẩu thuộc phạm vi được phân công quản lý
quy định tại khoản 5 Điều 68, khoản 4 Điều 69 và khoản 2 Điều 70 của Luật này”.
Tại Điều 72 Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định "Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, Nghị
quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP
ngày 06/02/2017, trong đó đề nghị các
Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi các văn bản quy phạm
pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối
với hàng hóa nhập khẩu theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, chuyển mạnh sang áp dụng biện pháp hậu kiểm.
Nguyên tắc công bố hợp quy, trình tự
công bố hợp quy đã được quy định cụ thể tại khoản 2, khoản
3 Điều 1 của Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định
về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh
giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Căn cứ vào quy định trên, liên quan đến
hoạt động chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, việc quy định “hàng hóa nhập khẩu
được đánh giá dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định
đã đăng ký hoặc được thừa nhận” là không trái với quy định.
Mặt khác, đối với hàng hóa có rủi ro
cao (ví dụ như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng), việc quản lý chất lượng vẫn được
thực hiện phù hợp với Điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa.
d) Đối với tình huống, vướng mắc “Trường
hợp quá 15 ngày mà người nhập khẩu không nộp
kết quả thì Chi cục có phải ra Thông báo “Không đáp ứng yêu cầu chất lượng hàng hóa nhập khẩu" hay không và người nhập khẩu nộp kết
quả không đạt thì Chi
cục xử lý như thế nào nếu hàng hóa đã được thông quan. Đồng
thời, việc xác định 15 ngày kể từ ngày thông quan
thì Chi cục không thể xác định được thời gian thông
quan":
- Tại điểm b
khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 5 (được quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN)
đã quy định cụ thể “Người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm bảo đảm
hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp hàng
hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, người nhập khẩu phải kịp thời báo cáo cơ quan kiểm tra, đồng thời tổ chức việc xử lý, thu
hồi hàng hóa này theo quy định của pháp luật".
Do đó, căn cứ vào quy định nêu trên, doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm
về hàng hóa do mình nhập khẩu và sẽ bị xử lý vi phạm (nếu có) đối với hàng hóa
nhập khẩu theo các quy định của Luật Hải quan, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng
hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong
lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Về việc “xác định 15 ngày kể từ ngày thông quan hàng
hóa”:
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của
Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP “kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên
ngành và với cơ quan hải quan" (điểm 1 Mục II) và Nghị quyết số 19- 2017/NQ-CP “thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng
dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng
dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử" (điểm
e mục 1 Phần III), ngày 03/6/2016, liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông
tư liên tịch số 77/2016/TTLT-BTC-BKHCN
hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về
chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc
trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo quy định của pháp luật về hải quan, khi doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục hải quan, hàng
hóa mới được thông quan. Tình trạng nhận biết thời gian thông quan được thể hiện
trên hồ sơ hải quan (đối với bản in) của doanh nghiệp hoặc
thông báo phản hồi xử lý “thông quan” khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký kê
khai hàng nhập khẩu với cơ quan hải quan qua giao dịch điện tử.
Do đó, căn cứ vào các nội dung được
quy định tại Thông tư liên tịch số 77/2016/TTLT-BTC-BKHCN, việc xác định thời gian 15 ngày kể từ ngày thông quan
hàng hóa là có cơ sở để thực hiện. Đồng thời, việc xác định
sự tuân thủ quy định “15
ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa" sẽ được Chi cục TC ĐL CL kiểm tra, làm rõ khi doanh nghiệp nộp kết quả
đánh giá sự phù hợp theo quy định tại khoản 1, khoản 2
Điều 5 (quy định tại khoản 3 Điều 1 của
Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN).
Nếu doanh nghiệp
vi phạm, căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm
hành chính theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
TC ĐL CL và các quy định pháp luật khác có liên quan.
đ) Đối với tình huống, vướng mắc "Đối
với các hàng hóa không thuộc Điều 9a thì cơ
quan kiểm tra thực hiện theo khoản 7 Điều 1 của Thông tư số
07/2017/TT-BKHCN được không?”:
Tại khoản 4 Điều
36 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định "Hàng
hóa nhập khẩu sau khi được thông quan được
phép lưu thông trên thị trường và chịu sự kiểm tra chất lượng theo quy định tại
Mục 5 Chương này”.
Hiện nay, việc kiểm tra nhà nước về
chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường được thực hiện theo quy định của
Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các quy định tại Điều 9a - Áp dụng biện pháp miễn kiểm tra hàng hóa nhập khẩu (quy định
tại khoản 7 Điều 1 của Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN) chỉ áp dụng để thực hiện biện pháp quản lý đối với
các hàng hóa đã được áp dụng biện pháp miễn kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, không
áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu khác.
e) Đối với tình huống, vướng mắc liên
quan đến quy định "về trình tự và kết quả thực hiện thủ tục hành chính
khi doanh nghiệp nhập khẩu áp dụng hình thức
tự đánh giá/đánh giá dựa trên kết quả của tổ chức chứng nhận, giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận":
- Đối với trường hợp doanh nghiệp tự
đánh giá, Chi cục TC ĐL CL sẽ thực hiện theo các bước như sau:
+ Tiếp nhận đăng ký của doanh nghiệp
(Biểu mẫu 1. ĐKKT ban hành kèm theo Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN, trong đó thể hiện rõ người nhập khẩu
tự đánh giá sự phù hợp và cam kết về chất lượng hàng hóa nhập khẩu phù hợp quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng và chịu
trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng
hóa);
+ Chi cục TC ĐL CL xác nhận doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký kiểm tra nhà
nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu (xác nhận trên Biểu mẫu 1. ĐKKT);
+ Chi cục TC ĐL CL tiếp nhận kết quả
tự đánh giá sự phù hợp do doanh nghiệp nộp để phục vụ cho
công tác hậu kiểm (thanh tra, kiểm tra).
- Đối với trường
hợp đánh giá dựa trên kết quả của tổ chức chứng nhận, giám định đã đăng ký hoặc
thừa nhận, Chi cục TC ĐL CL sẽ thực hiện theo các bước như sau:
+ Tiếp nhận đăng ký của doanh nghiệp
(Biểu mẫu 1. ĐKKT ban hành kèm theo Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN, trong đó thể hiện rõ việc đánh giá dựa
trên kết quả của tổ chức chứng nhận, giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận và cam
kết về chất lượng hàng hóa nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu
chuẩn công bố áp dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật
về chất lượng sản phẩm, hàng hóa);
+ Chi cục TC ĐL CL xác nhận doanh
nghiệp đã thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập
khẩu (xác nhận trên Biểu mẫu 1. ĐKKT);
+ Chi cục TC ĐL CL tiếp nhận kết quả
đánh giá sự phù hợp do doanh nghiệp nộp để phục vụ cho công tác hậu kiểm (thanh
tra, kiểm tra).
- Trường hợp kết quả đánh giá (hàng
hóa nhập khẩu được đánh giá dựa trên kết quả tự đánh giá của người nhập khẩu hoặc
được đánh giá dựa trên kết quả đánh giá của
tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận) cho thấy “hàng hóa không phù hợp
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng”,
bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp phải tự tổ chức việc xử
lý, thu hồi hàng hóa theo quy định của pháp luật, Chi cục
TC ĐL CL cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện
việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khắc phục của doanh nghiệp, đồng
thời thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước có liên
quan để phối hợp theo dõi, xử lý theo quy định hiện hành của
pháp luật.
g) Về thành phần
hồ sơ liên quan đến việc kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia đối với trường hợp doanh nghiệp tự đánh giá:
Tại điểm b khoản
1 Điều 5 (quy định tại khoản 3 Điều 1
của Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN) đã quy định cụ thể thành phần hồ sơ doanh nghiệp tự đánh giá phải đáp ứng nộp cho Chi cục TC ĐL CL
(cơ quan kiểm tra), bao gồm:
- Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax;
- Tên sản phẩm, hàng hóa;
- Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia;
- Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp
với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
- Cam kết chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia,
tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm
trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.
Chi cục TC ĐL CL tiếp nhận kết quả
đánh giá sự phù hợp do doanh nghiệp nộp với đầy đủ các thành phần hồ sơ nêu trên để phục vụ cho công tác hậu kiểm (thanh tra, kiểm tra).
h) Với tình huống, vướng mắc “việc
quy định như Thông tư số 07/2017/TT- BKHCN là có bắt buộc doanh nghiệp phải
lựa chọn các hình thức đánh giá sự phù hợp tương ứng với hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định tại Điều 5a (khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN) hay doanh nghiệp được lựa chọn hình thức
đánh giá sự phù hợp tốt hơn (như thông qua các tổ chức được chỉ định)?”;
Như đã nêu tại điểm c khoản 2 công văn này, để hoạt động kiểm tra
chuyên ngành tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng kiểm
tra ít nhất có thể, chuyển mạnh sang
áp dụng biện pháp hậu kiểm, trong lĩnh vực phân công quản
lý, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định biện pháp đánh giá sự phù hợp đối với
hàng hóa nhập khẩu tương ứng (Điều 5a - quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN).
Do đó, biện pháp đánh giá sự phù hợp đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điều 5a là bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Trường hợp doanh nghiệp tự nguyện lựa chọn áp dụng biện
pháp đánh giá sự phù hợp ở mức độ cao hơn so với quy định (ví dụ lựa chọn biện
pháp đánh giá sự phù hợp dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận, giám
định được chỉ định) thì vẫn chấp nhận được với điều kiện các tổ chức đánh giá sự phù hợp này được cấp
đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp hoặc được chỉ định
theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
hướng dẫn để các Chi cục TC ĐL CL biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ KHCN (để b/c);
- Các đơn vị thuộc Tổng cục TĐC;
- Lưu: VT, HCHQ.
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Hoàng Linh
|