Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản pháp luật hướng dẫn về hoạt động xuất bản tại Việt Nam

Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.

1. Các điều kiện để thành lập nhà xuất bản

Căn cứ Điều 13 Luật Xuất bản 2012 quy định về điều kiện thành lập nhà xuất bản như sau:

Việc thành lập nhà xuất bản phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản;

2. Có người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 của Luật Xuất bản 2012 để bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập và có ít nhất năm biên tập viên cơ hữu;

3. Có trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản do Chính phủ quy định;

4. Phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động xuất bản.

Bên cạnh đó, điều kiện thành lập nhà xuất bản được hướng dẫn cụ thể bởi Điều 8 Nghị định 195/2013/NĐ-CP như sau:

Điều kiện thành lập và bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản

1. Ngoài điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 13 của Luật xuất bản, nhà xuất bản được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 mét vuông (m2) sử dụng trở lên;

b) Có ít nhất 05 (năm) tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản;

c) Có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản.

2. Trong quá trình hoạt động, cơ quan chủ quản nhà xuất bản có trách nhiệm duy trì các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 195/2013/NĐ-CP.

3. Cơ quan chủ quản và nhà xuất bản bảo đảm kinh phí hằng năm ít nhất 05 (năm) tỷ đồng, để nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ xuất bản theo tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản.

Theo đó, để thành lập nhà xuất bản cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản;

- Có người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 của Luật Xuất bản 2012 để bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập và có ít nhất năm biên tập viên cơ hữu;

- Có trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản:

+ Trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 mét vuông (m2) sử dụng trở lên;

+ Có ít nhất 05 (năm) tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản;

+ Có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản.

Trong quá trình hoạt động, cơ quan chủ quản nhà xuất bản có trách nhiệm duy trì các điều kiện về diện tích trụ sở, tài chính đảm bảo hoạt động xuất bản, bảo đảm kinh phí hằng năm ít nhất 05 (năm) tỷ đồng để nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ xuất bản theo tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản.

-  Phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động xuất bản. ( Khoản 4 Điều 13 Luật Xuất bản 2012 được sửa đổi bởi  Khoản 3 Điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018).

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn chức danh Tổng giám đốc (giám đốc) và tổng biên tập nhà xuất bản được quy định tại Điều 17 Luật Xuất bản 2012 cụ thể như sau:

Đối với tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản:

+ Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

+ Có trình độ đại học trở lên;

+ Có ít nhất 03 năm là một trong các công việc biên tập, quản lý xuất bản hoặc báo chí, quản lý tại cơ quan chủ quản nhà xuất bản;

+ Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

Đối với tổng biên tập nhà xuất bản:

+ Có chứng chỉ hành nghề biên tập;

+ Có ít nhất 03 năm làm công việc biên tập tại nhà xuất bản hoặc cơ quan báo chí;

+ Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

Đối với nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu mà có chức danh chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty thì chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản.

Danh sách văn bản hướng dẫn hoạt động xuất bản mới nhất (Hình từ Internet)

2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm

Để kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm thì cơ sở kinh doanh phải có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Căn cứ Khoản 3 Điều 38 Luật Xuất bản 2012 quy định điều kiện cấp phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm bao gồm:

+ Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

+ Người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải thường trú tại Việt Nam, có văn bằng do cơ sở đào tạo chuyên ngành cấp hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;

+ Có đội ngũ nhân viên đủ năng lực thẩm định nội dung sách trong trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách.

Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm theo Khoản 4 và Khoản 5 Điều 38 Luật Xuất bản 2012 như sau:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm;

+ Bản sao có chứng thực một trong các loại giấy quy định tại điểm a khoản 3 Điều 38 Luật Xuất bản 2012;

+ Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm kèm theo bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận quy định tại điểm b khoản 3 Điều 38 Luật Xuất bản 2012;

+ Danh sách nhân viên thẩm định nội dung sách đối với trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách.

Giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm sẽ được cấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông nhân được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn hoạt động xuất bản

1

Luật xuất bản 2012

Luật Xuất bản 2012 số 19/2012/QH13 có hiệu lực vào 01/07/2013 quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản. Hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Một số quy định nổi bật là đối tượng thành lập nhà xuất bản và loại hình tổ chức nhà xuất bản tại Điều 12, tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên tại Điều 19, xuất bản tác phẩm, tài liệu của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Viêt Nam tại Điều 26.

2

Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in

Nghị định 60/2014/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/11/2014 quy định về hoạt động in bao gồm: Điều kiện hoạt động cơ sở in; chế bản, in, gia công sau in; sao chụp (sau đây gọi là photocopy); hợp tác của các cơ sở in để chế bản, in, gia công sau in các sản phẩm in; nhập khẩu thiết bị ngành in. Hoạt động chế bản, in, gia công sau in đối với xuất bản phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất bản. Một số quy định nổi bật là những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, điều kiện hoạt động của cơ sở in tại Điều 11, đăng ký hoạt động cơ sở in tại Điều 14.

3

Nghị định 25/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in

Nghị định 25/2018/NĐ-CP có hiệu lực 01/05/2018 sửa đổi một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP. Một số quy định nổi bật được sửa đổi là chính sách của Nhà nước đối với hoạt động in tại Khoản 2 Điều 1, nhận chế bản, in, gia công sau in hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá tại Khoản 10 Điều 1, chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Khoản 13 Điều 1.

4

Nghị định 195/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật xuất bản

Nghị định 195/2013/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/03/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản về trách nhiệm quản lý nhà nước và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; tổ chức và hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Một số quy định đáng lưu ý là đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản tại Điều 10, điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm và các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm tại Điều 13, điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm và các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm tại Điều 17.

5

Nghị định 150/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông

Nghị định 150/2018/NĐ-CP có hiệu lực 24/12/2018. Nội dung sửa đổi Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản được quy định tại Điều 1 Nghị định này.

6

Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản

Nghị định 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực 01/12/2020 quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nội dung về hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Chương III Nghị định này. Một số quy định nổi bật là vi phạm quy định về giấy phép, điều kiện hoạt động xuất bản tại Điều 22, vi phạm quy định về nội dung xuất bản phẩm tại Điều 24, vi phạm quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản tại Điều 27.

7

Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản

Nghị định 14/2022/NĐ-CP có hiệu lực vào 27/01/2022 sửa đổi một số điều Nghị định 15/2020/NĐ-CP và Nghị định 119/2020/NĐ-CP. Nội dung sửa đổi Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản được quy định tại Điều 2 Nghị định này.

8

Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

Nghị định 18/2014/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/06/2014 quy định về chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với. tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), xuất bản phẩm theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật xuất bản; thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm. Một số quy định nổi bật là nhuận bút đối với tác phẩm báo in, báo điện tử tại Điều 7, nhuận bút đối với tác phẩm báo nói, báo hình tại Điều 10, nhuận bút xuất bản phẩm tại Điều 13.

9

Thông tư 214/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản, lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh và lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 214/2016/TT-BTC có hiệu lực vào 01/01/2017 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản, lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh và lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh.

Thông tư này áp dụng đối với:

+ Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh và đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh.

+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh và xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh.

+ Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.

10

Thông tư 01/2020/TT-BTTTT hướng dẫn Luật xuất bản và Nghị định 195/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật xuất bản do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Thông tư 01/2020/TT-BTTTT có hiệu lực vào 01/04/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản về tổ chức, hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Một số quy định nổi bật là trình tự, thủ tục, cách thức thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập tại Điều 6, hướng dẫn việc ghi thông tin trên xuất bản phẩm tại Điều 11. trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm quy định tại Điều 37 Luật xuất bản tại Điều 17.

11

Thông tư 23/2023/TT-BTTTT sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-BTTTT hướng dẫn Luật Xuất bản và Nghị định 195/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xuất bản do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Thông tư 23/2023/TT-BTTTT có hiệu lực vào 01/05/2024 sửa đổi một số điều Thông tư 01/2020/TT-BTTTT và Nghị định 195/2013/NĐ-CP.

12

Thông tư 32/2021/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Thông tư 32/2021/TT-BTTTT có hiệu lực vào 18/02/2022 hướng dẫn giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước. Một số quy định nổi bật là quy cách, chất lượng xuất bản phẩm tại Điều 4, về áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động xuất bản; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu xuất bản phẩm tại Điều 6.

13

Thông tư 42/2020/TT-BTTTT về Định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động xuất bản do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Thông tư 42/2020/TT-BTTTT có hiệu lực vào 15/02/2021 ban hành kèm theo Định mức kinh tế - kỹ Thuật hoạt động xuất bản.

14

Thông tư 41/2020/TT-BTTTT hướng dẫn về việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông ban hành

Thông tư 41/2020/TT-BTTTT có hiệu lực vào 15/02/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san theo quy định tại Điều 18, Điều 20, Điều 29, Điều 31, Điều 34, Điều 35 Luật Báo chí. Một số quy định nổi bật là hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo in tại Điều 5, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép, thay đổi nội dung ghi trong giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí tại Điều 8, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo điện tử tại Điều 10.

15

Thông tư 22/2018/TT-BTTTT về danh mục hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Thông tư 22/2018/TT-BTTTT có hiệu lực 12/02/2019 ban hành kèm theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm.

16

Thông tư liên tịch 169/2013/TTLT-BTC-BTTTT quy định chế độ thù lao cho người đọc và kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Thông tư 169/2013/TTLT-BTC-BTTTT có hiệu lực 01/01/2014 quy định chế độ thù lao cho người đọc và kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu, bao gồm:

+ Loại xuất bản phẩm lưu chiểu đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý.

+ Định mức, cách tính thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu.

+ Nguồn kinh phí và quản lý, sử dụng kinh phí đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu.

Các quy định nổi bật là định mức đọc và kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu tại Điều 4, nguồn kinh phí và việc áp dụng mức chi trả thù lao đọc và kiểm tra, thẩm định nội dung, tư vấn xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu tại Điều 8.

 

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.147.119
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!