04 quy định về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
15/09/2022 07:56 AM

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là gì? Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có nhiệm vụ gì? – Thùy Dương (Đồng Nai)

04 quy định về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

04 quy định về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Hình từ internet)

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là gì?

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, con dấu và bảng cân đối kế toán riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Trụ sở chính của Quỹ đặt tại thành phố Hà Nội.

(Khoản 1 Điều 2 Quyết định 78/2014/QĐ-TTg)

2. Chức năng của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu không nằm trong kế hoạch ngân sách trên phạm vi toàn quốc.

(Khoản 2 Điều 2 Quyết định 78/2014/QĐ-TTg)

3. Nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có các nhiệm vụ sau:

- Tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc.

- Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với các dự án bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc.

- Hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án bảo vệ môi trường vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

- Tài trợ, đồng tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường:

+ Xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường, ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường, thiên tai gây ra, các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về quản lý, khai thác tài nguyên và môi trường biển và hải đảo;

+ Thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch, nhiệm vụ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

+ Hỗ trợ trao các giải thưởng về môi trường, các hình thức khen thưởng nhằm tôn vinh tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường;

+ Thực hiện các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

- Nhận ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản với các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản.

- Nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu đối với các tổ chức và cá nhân trong nhập khẩu phế liệu.

- Thực hiện một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), bao gồm:

+ Tổ chức theo dõi, quản lý, thu lệ phí bán chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs) được Ban Chấp hành quốc tế về CDM cấp cho các dự án CDM thực hiện tại Việt Nam;

+ Chi hỗ trợ cho các hoạt động phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch (CDM); xem xét, phê duyệt tài liệu dự án CDM; quản lý và giám sát dự án CDM;

+ Trợ giá đối với sản phẩm của dự án CDM.

- Hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới điện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Hỗ trợ tài chính đối với các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thẩm định, phê duyệt mức, thời gian và hình thức hỗ trợ tài chính đối với các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sử dụng vốn hỗ trợ từ Quỹ theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

- Trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định các nội dung và hình thức hỗ trợ phát sinh trong quá trình hoạt động.

- Thực hiện các chương trình, đề án, dự án và nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao.

(Điều 4 Quyết định 78/2014/QĐ-TTg)

4. Nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được quy định tại Điều 7 Quyết định 78/2014/QĐ-TTg như sau:

- Nâng mức vốn điều lệ của Quỹ do ngân sách nhà nước cấp từ 500 (năm trăm) tỷ lên 1.000 (một nghìn) tỷ đồng trong 3 năm (2015-2017); đến năm 2017, được cấp đủ 1.000 (một nghìn) tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ của Quỹ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

- Vốn bổ sung hằng năm từ các nguồn:

+ Ngân sách nhà nước chi sự nghiệp môi trường cấp bù kinh phí tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã thực hiện hàng năm và bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ.

Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhu cầu sử dụng vốn từ nguồn chi sự nghiệp môi trường của Quỹ gửi Bộ Tài chính xem xét, quyết định;

+ Các khoản bồi thường thiệt hại về môi trường và đa dạng sinh học thu vào ngân sách nhà nước;

+ Lệ phí bán, chuyển các chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs) thu được từ các dự án CDM thực hiện tại Việt Nam;

+ Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;

+ Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm: Tổ chức ký quỹ bảo vệ môi trường cho hoạt động chôn lấp chất thải có được hưởng lãi suất từ số tiền ký quỹ này hay không?

Ký quỹ bảo vệ môi trường cho hoạt động chôn lấp chất thải là gì? Khoản tiền, thời gian ký quỹ bảo vệ môi trường cho hoạt động chôn lấp chất thải?

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,905

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn