Mẫu nội dung tham vấn trong đánh giá tác động môi trường năm 2025
Mẫu nội dung tham vấn trong đánh giá tác động môi trường năm 2025 sẽ áp dụng theo mẫu mới nhất tại Phụ lục VIa ban hành kèm theo Nghị định 05/2025/NĐ-CP.
Phụ lục VIa |
Mẫu này sẽ có các nội dung như sau:
(1) Thông tin về dự án:
- Thông tin chung: tên dự án, địa điểm thực hiện, chủ dự án đầu tư
- Phạm vi, quy mô, công suất
- Công nghệ sản xuất (nếu có)
- Các hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư
- Các yếu tố nhạy cảm về môi trường (nếu có)
(2) Các nội dung tham vấn
- Vị trí thực hiện dự án đầu tư:
+ Mô tả vị trí, ranh giới dự án; việc chiếm dụng các loại đất khác nhau.
+ Mô tả mối tương quan của dự án với các đối tượng xung quanh.
+ Mô tả các đối tượng nhạy cảm xung quanh khu vực thực hiện dự án.
- Tác động môi trường của dự án đầu tư:
+ Tóm tắt các tác động có liên quan đến chất thải trong giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành.
+ Tóm tắt các tác động không liên quan đến chất thải trong giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành.
- Biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường:
+ Mô tả các công trình, biện pháp giảm thiểu tác động có liên quan đến chất thải trong giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành.
+ Mô tả các công trình, biện pháp giảm thiểu tác động không liên quan đến chất thải trong giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành.
- Chương trình quản lý và giám sát môi trường; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường:
+ Tóm tắt chương trình quản lý và giám sát môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành.
+ Tóm tắt phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng, giai đoạn vận hành.
- Các nội dung khác
+ Phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản hoặc chôn lấp chất thải (nếu có).
+ Phương án bồi hoàn đa dạng sinh học đối với dự án có phương án bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật (nếu có).
(3) Cam kết của Chủ dự án
- Các cam kết về thực hiện các công trình, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
- Cam kết về tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo đảm kinh tế - xã hội, hỗ trợ hạ tầng, sinh kế người dân tại địa phương (nếu có).
Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 05/2025/NĐ-CP), các đối tượng được tham vấn trong đánh giá tác động môi trường gồm:
- Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư, bao gồm: Cộng đồng người gồm các cá nhân thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú sinh sống tại địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự tại nơi triển khai dự án đầu tư; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển nơi triển khai dự án đầu tư.
Việc tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp được thực hiện thông qua hình thức tham vấn họp lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Chủ dự án đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã gửi giấy mời tới toàn bộ cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp để tham dự cuộc họp tham vấn lấy ý kiến. Trường hợp cộng đồng dân cư, cá nhân không tham dự cuộc họp tham vấn lấy ý kiến thì phải lấy ý kiến bằng văn bản thông qua hình thức gửi phiếu lấy ý kiến theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 26 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 05/2025/NĐ-CP).
Số lượng người tham dự họp lấy ý kiến và đã được tham vấn thông qua hình thức gửi phiếu lấy ý kiến phải đảm bảo từ hai phần ba trở lên trên tổng số người chịu tác động trực tiếp.
Các cá nhân trong cùng một hộ gia đình có thể được lấy ý kiến thông qua người đại diện của hộ gia đình đó; trường hợp cá nhân nhận được phiếu lấy ý kiến nhưng không tham gia cho ý kiến trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được phiếu lấy ý kiến thì được coi là đã được tham vấn;
- Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư, bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi thực hiện dự án và nơi chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư được xác định thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường; Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp nơi dự án nằm trong ranh giới quản lý; cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đối với dự án có xả nước thải vào công trình thủy lợi hoặc có chiếm dụng công trình thủy lợi; cơ quan, tổ chức được nhà nước giao quản lý các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 4 Điều 25 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (nếu có); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh đối với dự án có liên quan đến yếu tố an ninh - quốc phòng (nếu có); các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trực tiếp được xác định thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường.
Việc tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư được thực hiện thông qua hình thức tham vấn bằng văn bản.