Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Luật An toàn thực phẩm 2010 định nghĩa sơ chế chế thực phẩm như sau:
…
14. Sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm.
15. Sản xuất ban đầu là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác.
16. Sơ chế thực phẩm là việc xử lý sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nhằm tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu thực phẩm hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến thực phẩm.
…
Theo đó, sơ chế thực phẩm là quá trình xử lý sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt và khai thác với mục đích tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu thực phẩm hoặc bán thành phầm cho khâu chế biến thực phẩm.
Sơ chế thực phẩm là gì; Các hộ kinh doanh sơ chế mứt tết nhỏ lẻ có cần xin cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định các cơ sở không phụ thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:
1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
c) Sơ chế nhỏ lẻ;
d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
g) Nhà hàng trong khách sạn;
h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
i) Kinh doanh thức ăn đường phố;
k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
2. Các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.
Theo đó, các hộ kinh doanh sơ chế mứt tết nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng nghĩa các cơ sở sơ chế này không phải xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, việc kinh doanh sơ chế vẫn phải đảm bảo các quy định an toàn tương đương về thực phẩm và các quy định pháp luật liên quan khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống và người kinh doanh thức ăn đường phố như sau:
Điều 32. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố
1. Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
2. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
3. Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.
4. Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.
5. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
6. Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo đó, khi tiến hành các hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố cần phải đáp ứng các quy định pháp luật về nơi bày bán thức ăn, nguyên liệu, dụng cụ ăn uống và người kinh doanh thức ăn đường phố như sau:
- Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố:
+ Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
+ Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.
- Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố:
+ Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
+ Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
+ Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.
+ Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.
+ Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
+ Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nguyễn Trường Giang