Theo TCVN 12944:2020, Halal (tính từ): Được phép hoặc hợp pháp, theo Luật Hồi giáo (Luật Sharia).
Thực phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
(i) Không bao gồm hoặc không chứa bất kỳ thành phần nào của động vật bị cấm sử dụng bởi Luật Hồi giáo hoặc giết mổ không theo Luật Hồi giáo;
(ii) Không chứa bất cứ thành phần nào bị coi là najis (2.4) theo Luật Hồi giáo;
(iii) Không chứa độc tố, không bị nhiễm độc và không gây hại đến sức khỏe con người;
(iv) Không được sơ chế, chế biến, vận chuyển hoặc bảo quản bằng các thiết bị, dụng cụ nhiễm najis;
(v) Trong quá trình sơ chế, chế biến, vận chuyển hoặc bảo quản, thực phẩm phải tách biệt về mặt vật lý với các thực phẩm không đáp ứng các điểm từ (i) đến (v).
Tiêu chuẩn về thực phẩm Halal (Hình từ internet)
Theo TCVN 12944:2020, quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm halal phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Không sử dụng các thành phần hoặc sản phẩm từ động vật không phải là halal hoặc từ động vật halal nhưng được giết mổ không theo Luật Hồi giáo;
- Không sử dụng các thành phần bị coi là najis;
- Dụng cụ, thiết bị được sử dụng phải không bị ô nhiễm bởi najis;
- Trong quá trình sơ chế, chế biến, cần tách biệt hoàn toàn thực phẩm halal với mọi thực phẩm khác không đáp ứng các yêu cầu nêu trong điểm a) đến điểm c) của điều này hoặc mọi chất bị coi là najis;
- Sản phẩm phải an toàn để tiêu dùng, không chứa độc tố, không bị nhiễm độc tố và không gây hại đến sức khỏe con người.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13888:2023 về Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ halal được công bố theo Quyết định 2018/QĐ-BKHCN năm 2023.
Chứng nhận sản phẩm, quá trình hay dịch vụ Halal là phương thức mang lại sự đảm bảo rằng sản phẩm, quá trình hay dịch vụ phù hợp với Luật Hồi giáo và tiêu chuẩn, tài liệu quy định khác về sản phẩm, quá trình, dịch vụ Halal.
Mục đích của chứng nhận sản phẩm, quá trình hay dịch vụ Halal là mang lại sự tin cậy cho tất cả các bên quan tâm rằng sản phẩm, quá trình hay dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu liên quan của Luật Hồi giáo và tiêu chuẩn, tài liệu quy định khác về sản phẩm, quá trình, dịch vụ Halal. Giá trị của chứng nhận là mức độ tin cậy và tin tưởng được thiết lập thông qua sự thể hiện tính khách quan và năng lực trong việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định của một bên thứ ba.
Tiêu chuẩn này dùng cho các tổ chức tiến hành đánh giá và chứng nhận sản phẩm, quá trình sản xuất, chế biến, cung cấp sản phẩm, dịch vụ Halal. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu chung để các tổ chức chứng nhận tiến hành đánh giá và chứng nhận quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm Halal cũng như cung cấp dịch vụ Halal có liên quan. Cách diễn đạt này không gây cản trở việc sử dụng tiêu chuẩn của các tổ chức khác đảm trách các hoạt động thuộc phạm vi của tiêu chuẩn. Thực tế, mọi tổ chức liên quan đến việc đánh giá quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm và cung cấp dịch vụ Halal đều có thể sử dụng tiêu chuẩn này.
Hoạt động chứng nhận bao gồm việc đánh giá quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm và cung cấp dịch vụ Halal của một tổ chức. Hình thức xác nhận quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm và cung cấp dịch vụ Halal của một tổ chức phù hợp với tiêu chuẩn về quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm và cung cấp dịch vụ Halal cụ thể hoặc với các yêu cầu khác, thường là một văn bản xác nhận sự phù hợp hoặc giấy chứng nhận.