Hướng dẫn xử lý nước ăn uống trong khi ngập lụt do bão Yagi

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
13/09/2024 18:14 PM

Bão Yagi và hoàn lưu bão gây ngập lụt nhiều nơi. Dưới đây là hướng dẫn xử lý nước ăn uống trong khi ngập lụt do bão Yagi.

Hướng dẫn xử lý nước ăn uống trong khi ngập lụt do bão Yagi

Cụ thể, theo Tài liệu Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường bão lụt 2024 của Cục Quản lý môi trường y tế, có nội dung xử lý nước ăn uống trong khi ngập lụt.  

Nên lựa chọn nước mưa, nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng  lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý theo 03 bước sau đây:

Bước 1: Làm trong nước

Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

- Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

- Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (Lưu ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

Lưu ý: Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Hướng dẫn xử lý nước ăn uống trong khi ngập lụt do bão Yagi

Hướng dẫn xử lý nước ăn uống trong khi ngập lụt do bão Yagi (Hình từ internet)

Bước 2: Khử khuẩn nước

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử khuẩn nước.

2.1. Bằng các chế phẩm khử khuẩn

Khử khuẩn nước bằng các chế phẩm khử khuẩn nước sinh hoạt đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực và hạn sử dụng. Thực hiện khử khuẩn theo đúng hướng dẫn sử dụng trên nhãn sản phẩm hoặc hướng dẫn của cán bộ y tế.

Lưu ý:

- Nước đã được khử khuẩn có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

- Nếu sử dụng các các chế phẩm có hoạt chất khử khuẩn là Clo, sau khi khử khuẩn ngửi thấy mùi Clo thì việc khử khuẩn mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo cần mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi rồi mới sử dụng.

- Việc khử khuẩn nước bằng hóa chất dạng bột cần được thực hiện theo hướng dẫn của các cán bộ y tế có chuyên môn.

- Trước khi tiến hành khử khuẩn cần kiểm tra hạn sử dụng của chế phẩm trên nhãn sản phẩm.

2.2. Sử dụng các thiết bị lọc nước

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước.

Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau thì tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước.

Lưu ý: sử dụng nước đã được làm trong ở bước 1 để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Bước 3: Trữ nước an toàn

Nước sau khi được khử khuẩn cần được lưu trữ an toàn trong các dụng cụ chứa nước sạch có nắp đậy để tránh muỗi đẻ trứng và tái nhiễm bẩn.

Lưu ý: Có thể sử dụng các nguồn nước an toàn khác như nước đóng chai, đóng bình hoặc nước đã đun sôi.

Hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường và chôn cất tử thi trong khi ngập lụt

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 574

Bài viết về

Phòng chống lụt bão

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]