Thủ tục cấp giấy phép môi trường từ ngày 06/01/2025 (Hình từ internet)
Ngày 06/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo Điều 29 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 05/2025/NĐ-CP) thì hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Một số nội dung được quy định cụ thể như sau:
(1) Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được quy định như sau:
- (*) Đối với dự án đầu tư, dự án đầu tư mở rộng của cơ sở đang hoạt động không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường: Bản sao báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư, dự án đầu tư mở rộng theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng;
- Đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc quy định nêu trên: Chủ dự án đầu tư, cơ sở không phải nộp tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
(2) Thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường được quy định như sau:
- Chủ dự án đầu tư (bao gồm cả dự án đầu tư mở rộng của cơ sở đang hoạt động; dự án có phân kỳ đầu tư đang hoạt động) thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường sau khi đã hoàn thành toàn bộ dự án hoặc phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc công trình, hạng mục công trình có phát sinh chất thải và các công trình bảo vệ môi trường kèm theo;
- Chủ dự án đầu tư (bao gồm cả dự án đầu tư mở rộng của cơ sở đang hoạt động) không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường sau khi đã có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và điểm (*) khoản (1). Trường hợp dự án đã có thủ tục về môi trường theo quy định, đang trong quá trình xây dựng, chủ dự án đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường trước khi đi vào vận hành;
- Chủ cơ sở tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để bảo đảm thời điểm phải có giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tính đến thời điểm phải có giấy phép môi trường.
(3) Chủ dự án đầu tư, cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho cơ quan cấp giấy phép môi trường và thực hiện việc nộp phí thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định. Một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:
- Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở có cùng địa điểm hoạt động, cùng chủ đầu tư và có các quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc hồ sơ về môi trường khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nhau phê duyệt thì thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thuộc cơ quan cấp trên;
- Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở có địa điểm hoạt động liền kề nhau, cùng chủ đầu tư, cùng chung hệ thống xử lý nước thải hoặc khí thải thì được xem xét tích hợp trong một giấy phép môi trường. Trường hợp có các quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc hồ sơ về môi trường khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nhau phê duyệt thì thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thuộc cơ quan cấp trên;
- Trường hợp dự án đầu tư đã được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư có nhu cầu chia tách dự án phải thực hiện các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 8 Điều 27 Nghị định 08/2022/NĐ-CP trước khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường;
- Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở đã được cấp giấy phép môi trường, giấy phép môi trường thành phần theo quy định chia tách thành nhiều dự án, cơ sở thì chủ dự án, cơ sở được kế thừa nội dung giấy phép môi trường, giấy phép môi trường thành phần đã được cấp trong thời hạn của giấy phép; trong thời gian 06 tháng kể từ ngày chia tách theo quy định của pháp luật, chủ dự án, cơ sở sau chia tách phải lập hồ sơ cấp đổi giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật. Dự án, cơ sở sau chia tách thực hiện thủ tục cấp, cấp điều chỉnh, cấp lại hoặc thực hiện đăng ký môi trường theo quy định trước khi giấy phép môi trường, giấy phép môi trường thành phần đã cấp hết hiệu lực.
(4) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ (trừ trường hợp quy định tại khoản (9)), cơ quan cấp giấy phép môi trường thực hiện các nội dung sau:
- Công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép hoặc cơ quan được ủy quyền, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thời gian công khai báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường ít nhất là 10 ngày kể từ ngày đăng tải;
- (**) Gửi văn bản tham vấn ý kiến đến cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi (nếu xả nước thải vào công trình thủy lợi), chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (nếu dự án đầu tư, cơ sở nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó), trừ trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thay đổi nội dung liên quan đến hoạt động xả nước thải so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc cấp giấy phép môi trường trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, trừ trường hợp quy định tại khoản (9); trường hợp quá thời hạn nêu trên mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với việc cấp giấy phép môi trường.
Đối với dự án đầu tư xả nước thải trực tiếp ra môi trường từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên (trừ nước trao đổi nhiệt, nước nuôi trồng thủy sản) vào sông, hồ liên tỉnh, sông, hồ giáp ranh giữa các tỉnh hoặc xả trực tiếp nước thải ra biển ven bờ, cơ quan cấp giấy phép môi trường lấy ý kiến tham vấn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liền kề có sông, hồ liên tỉnh, sông, hồ giáp ranh hoặc biển ven bờ của tỉnh liền kề để phối hợp giải quyết những vấn đề bảo vệ môi trường trong khu vực, trừ trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thay đổi nội dung liên quan đến hoạt động xả nước thải so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về nội dung được lấy ý kiến trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, trường hợp quá thời hạn nêu trên mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với việc cấp giấy phép môi trường.
Đối với dự án đầu tư xả trực tiếp ra môi trường từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) nước thải trở lên (trừ nước trao đổi nhiệt, nước nuôi trồng thủy sản) hoặc xả bụi, khí thải có lưu lượng từ 200.000 m3/giờ trở lên, cơ quan cấp giấy phép môi trường lấy ý kiến tham vấn của tổ chức chuyên môn về kết quả tính toán của mô hình phát tán chất ô nhiễm, sự cố môi trường (nếu có), trừ trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không thay đổi nội dung liên quan đến hoạt động xả nước thải, bụi, khí thải so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tổ chức chuyên môn được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về nội dung được lấy ý kiến trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, trường hợp quá thời hạn nêu trên mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với việc cấp giấy phép môi trường;
- Trừ trường hợp quy định tại khoản (9), việc thẩm định cấp giấy phép môi trường được thực hiện như sau:
Đối với trường hợp dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và không có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có thay đổi nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và chưa đến mức phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập hội đồng thẩm định, không tổ chức kiểm tra thực tế.
Đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập hội đồng thẩm định. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng thẩm định tổ chức khảo sát thực tế tại khu vực dự kiến triển khai dự án đầu tư. Tùy theo quy mô, tính chất, mức độ của dự án việc tổ chức khảo sát thực tế do chủ tịch hội đồng thẩm định quyết định cử đại diện thành phần hội đồng thực hiện.
Đối với trường hợp cơ sở, dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và chưa đến mức phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra, hội đồng thẩm định có ít nhất 07 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cơ quan trung ương; hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra có ít nhất 05 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ít nhất 03 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong đó chủ tịch hội đồng thẩm định (hoặc trưởng đoàn kiểm tra) là đại diện của cơ quan thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn được ủy quyền, giao nhiệm vụ.
Cơ cấu, thành phần của hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra gồm: 01 chủ tịch hội đồng hoặc trưởng đoàn kiểm tra; 01 phó chủ tịch hội đồng hoặc phó trưởng đoàn kiểm tra trong trường hợp cần thiết; 01 thành viên thư ký; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan; đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của tỉnh (nếu có); các chuyên gia, cán bộ, công chức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư, cơ sở.
Thành viên hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, viết bản nhận xét, đánh giá về các nội dung quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến nhận xét, đánh giá của mình.
Chuyên gia tham gia xây dựng báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của dự án đầu tư, cơ sở không được tham gia hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường của dự án đầu tư, cơ sở đó.
(5) Căn cứ kết quả thẩm định của hội đồng thẩm định hoặc kết quả của đoàn kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường xem xét, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở trong trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường hoặc có văn bản thông báo trả hồ sơ cho chủ dự án đầu tư, cơ sở và nêu rõ lý do trong trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép môi trường.
Trường hợp hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung để bảo đảm đủ căn cứ cho việc cấp phép, cơ quan cấp giấy phép môi trường có văn bản thông báo cho chủ dự án đầu tư, cơ sở và nêu rõ các nội dung phải chỉnh sửa, bổ sung. Cơ quan cấp giấy phép môi trường không yêu cầu chủ dự án đầu tư, cơ sở thực hiện các công việc khác ngoài các nội dung nêu trong văn bản thông báo yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Thời gian trả kết quả hoặc thông báo chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ phải bảo đảm trong thời hạn cấp phép theo quy định.
Trong thời hạn tối đa 12 tháng, kể từ ngày có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung của cơ quan cấp giấy phép môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và gửi cơ quan cấp phép.
Trường hợp giấy phép môi trường đã được cấp có thời hạn còn lại dưới 12 tháng, chủ dự án đầu tư, cơ sở phải hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan cấp phép để được cấp giấy phép môi trường trước khi giấy phép môi trường đã được cấp hết hiệu lực. Sau thời hạn này, việc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
(6) Trừ trường hợp quy định tại khoản (9), trong thời hạn 20 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, 15 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và 10 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện, kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp giấy phép môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung (trường hợp hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của cơ quan cấp giấy phép môi trường), cơ quan cấp giấy phép môi trường xem xét, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở; trường hợp không cấp giấy phép môi trường phải có văn bản trả lời chủ dự án đầu tư, cơ sở và nêu rõ lý do.
(7) Trong quá trình kiểm tra cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở, đoàn kiểm tra thực hiện quan trắc chất thải sau xử lý trước khi xả thải ra môi trường đối với cơ sở có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và cơ sở có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư có số thứ tự 1 Mục I Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Việc quan trắc chất thải của đoàn kiểm tra thực hiện tối thiểu 01 lần (lấy mẫu đơn). Trường hợp cơ sở có nhiều công trình xử lý bụi, khí thải tương đồng về thông số ô nhiễm đặc trưng được xử lý, công nghệ, thiết bị xử lý thì đoàn kiểm tra lựa chọn 01 công trình có công suất xử lý lớn nhất để quan trắc, đánh giá hiệu quả xử lý cho các công trình xử lý bụi, khí thải tương đồng này. Chi phí cho hoạt động lấy và phân tích mẫu chất thải của đoàn kiểm tra được lấy từ nguồn phí thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Thời gian phân tích mẫu chất thải và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường của cơ sở không tính vào thời hạn cấp giấy phép môi trường.
Trường hợp kết quả phân tích mẫu chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chủ cơ sở có trách nhiệm kiểm tra, khắc phục và thực hiện quan trắc bổ sung 01 mẫu đối với công trình xử lý chất thải đã được khắc phục để bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải. Sau khi khắc phục, chủ cơ sở nộp lại báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường để được tiếp tục xem xét, xử lý theo quy định.
(8) Việc tiếp nhận và trả kết quả giấy phép môi trường theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020 phải bảo đảm đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ.
(9) Việc tiếp nhận và trả kết quả cấp giấy phép môi trường được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình của cơ quan cấp phép trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Việc tiếp nhận và trả kết quả cấp giấy phép môi trường được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình quy định tại khoản này chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của chủ dự án đầu tư.
(10) Hoạt động thẩm định cấp giấy phép môi trường đối với trường hợp quy định tại khoản (9) được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định do cơ quan cấp phép thành lập với không quá 05 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; không quá 03 thành viên đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cơ quan cấp giấy phép môi trường không tổ chức kiểm tra thực tế. Thời hạn lấy ý kiến đối với cơ quan, tổ chức quy định tại điểm (**) khoản (4) là 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến. Thời hạn cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường xem xét, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư hoặc có văn bản trả lời chủ dự án đầu tư về việc không cấp giấy phép môi trường quy định là 05 ngày.
(11) Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
(12) Hồ sơ thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP được thực hiện theo các hình thức bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc; bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính.
(13) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các mẫu văn bản liên quan đến quá trình thực hiện cấp giấy phép môi trường, trừ trường hợp quy định tại khoản (11) .