04 hình thức thi trên phần mềm thi trực tuyến của Tổng cục Thuế

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
23/05/2024 10:00 AM

Cho tôi hỏi có bao nhiêu hình thức thi trên phần mềm thi trực tuyến của Tổng cục Thuế? – Hà Thiên (Đồng Tháp)

04 hình thức thi trên phần mềm thi trực tuyến của Tổng cục Thuế

04 hình thức thi trên phần mềm thi trực tuyến của Tổng cục Thuế (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 20/5/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 669/QĐ-TCT về Quy chế Quản lý, sử dụng và tổ chức thi, kiểm tra trên phần mềm thi trực tuyến của Tổng cục Thuế.

04 hình thức thi trên phần mềm thi trực tuyến của Tổng cục Thuế

Phần mềm thi trực tuyến của Tổng cục Thuế là là phần mềm được Tổng cục Thuế sử dụng để tổ chức các kỳ thi trực tuyến.

Trong đó, sẽ có 04 hình thức thi trên phần mềm này bao gồm:

(1) Thi trắc nghiệm: là hình thức người dự thi lựa chọn trực tiếp các phương án trả lời có sẵn trên bài thi; hoặc điền vào chỗ trống câu trả lời phù hợp.

(2) Thi tự luận: là hình thức người dự thi nhập trực tiếp nội dung của bài thi tự luận trên giao diện phần mềm thi trực tuyến.

(3) Thi trắc nghiệm kết hợp với tự luận: là hình thức người dự thi kết hợp làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm (đổi với phần thi yêu cầu trắc nghiệm) và hình thức tự luận (đối với phần thi yêu cầu tự luận) trên phần mềm thi trực tuyến.

(4) Làm bài thu hoạch: là hình thức người dự thi nhập trực tiếp nội dung của bài thu hoạch trên giao diện phần mềm thi trực tuyến.

(Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 669/QĐ-TCT năm 2024)

Quy định về tổ chức thi trên phần mềm thi trực tuyến của Tổng cục Thuế

Cụ thể tại Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 669/QĐ-TCT năm 2024 quy định về tổ chức thi trên phần mềm thi trực tuyến của Tổng cục Thuế như sau:

(1) Việc tổ chức thi trên phần mềm thi trực tuyến được thực hiện theo hình thức thi trực tuyến tập trung hoặc thi trực tuyến phân tán.

(2) Đơn vị tổ chức thi có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thi bao gồm: lịch thi, lập danh sách người dự thi theo từng ca thi, phân công cán bộ coi thi, chuẩn bị cơ sở vật chất và các thiết bị, phương tiện phục vụ kỳ thi... trước ngày thi ít nhất 02 ngày làm việc.

(3) Mỗi một địa điểm thi trực tuyến tập trung phải bố trí tối thiểu 02 cán bộ coi thi. Số lượng cán bộ coi thi sẽ căn cứ theo số lượng thí sinh mỗi ca thi. Trung bình 01 cán bộ coi thi sẽ chịu trách nhiệm giám sát tối đa 10 người dự thi/ca thi.

(4) Phiếu dự thi: Phiếu dự thi được phần mềm thi trực tuyến tạo tự động (Mẫu số 03 Phiếu dự thi).

- Đối với hình thức thi trực tuyến tập trung: Phiếu dự thi được đơn vị tổ chức thi in từ phần mềm và phát cho người dự thi khi làm thủ tục dự thi.

- Đối với hình thức thi trực tuyến phân tán: Phiếu dự thi được phần mềm tự động gửi cho người dự thi qua hòm thư điện tử công vụ của từng cá nhân trước ngày dự thi 01 ngày làm việc.

(5) Đơn vị tổ chức thi chịu trách nhiệm tạo ca thi trên phần mềm thi trực tuyến, đưa danh sách người dự thi và cán bộ coi thi từng ca thi lên phần mềm, hoàn thành ít nhất 06 tiếng trước khi diễn ra ca thi; cài đặt thời gian rút đề thi cho ca thi không quá 15 phút kể từ khi bắt đầu ca thi.

(6) Trong quá trình tổ chức thi, đơn vị tổ chức thi phải tổ chức giám sát công tác coi thi của cán bộ coi thi, đảm bảo công tác coi thi tuân thủ các quy định hiện hành, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ coi thi, cán bộ tham gia công tác tổ chức thi (nếu có).

Xem thêm tại Quyết định 669/QĐ-TCT có hiệu lực từ ngày 20/5/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 343

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn