Quy định về công việc đặc thù theo Bộ luật Lao động và thời hạn báo trước chấm dứt hợp đồng lao động

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/03/2024 17:00 PM

Tôi muốn biết, những ngành, nghề, công việc đặc thù là những công việc gì? Khi đang làm những công việc đó cần lưu ý gì về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động? – Chị Mai (Quảng Bình)

Quy định liên quan đến Ngành, nghề, công việc đặc thù

Quy định liên quan đến ngành, nghề, công việc đặc thù (hình ảnh từ internet)

Ngành, nghề, công việc đặc thù theo Bộ luật lao động

Bên cạnh những ngành nghề phổ thông, có tính chất giống nhau thì pháp luật Việt Nam cũng có những quy định riêng dành cho những công việc có tính chất khác biệt, đặc thù.

Cụ thể, căn cứ theo Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, những ngành, nghề, công việc đặc thù bao gồm:

(1) Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;

(2) Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

(3) Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài;

Những lưu ý về thời hạn báo trước đối với người lao động làm những ngành, nghề, công việc đặc thù

Khi một trong các bên, người sử dụng vào động và người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì ngoài những điều kiện cụ thể về lí do chấm dứt. Các bên phải bảo đảm thời hạn báo trước được quy định lần lượt tại các Điều 35, 36 của Bộ luật lao động 2019.

Đặc biệt, trong trường hợp người lao động làm một trong các công việc thuộc vào trường hợp ngành, nghề, công việc đặc thù quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP thời hạn báo trước được quy định như sau:

(1) Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;

(2) Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

Hậu quả pháp lý khi vi phạm thời hạn báo trước

Vi phạm về thời hạn báo trước là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, theo quy định tại Điều 40, Điều 41 của Bộ luật Lao động 2019.

Trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:

(1) Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

(2) Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc người sử dụng lao động phải trả thêm trợ cấp thôi việc

(3) Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và làm việc thì hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:

(1) Không được trợ cấp thôi việc.

(2) Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

(3) Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,233

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn