Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn xử lý kỷ luật người lao động, cán bộ, công chức, viên chức mới nhất

Hình thức, nguyên tắc xử lý kỷ luật hiện nay. Dưới đây là danh sách tổng hợp văn bản quy định về xử lý kỷ luật người lao động, cán bộ, công chức, viên chức

1. Hình thức xử lý kỷ luật người lao động; cán bộ, công chức; viên chức

Các hình thức kỷ luật đối với người lao động: Theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm:

- Khiển trách.

- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

- Cách chức.

- Sa thải.

Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ: Theo Điều 78 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định gồm:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Cách chức;

- Bãi nhiệm.

Các hình thức kỷ luật đối với công chức: Theo Điều 79 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định gồm:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Hạ bậc lương;

- Giáng chức;

- Cách chức;

- Buộc thôi việc.

Các hình thức kỷ luật đối với viên chức: Theo Điều 52 Luật viên chức 2010 quy định gồm:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Cách chức;

- Buộc thôi việc.

2. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật người lao động; cán bộ, công chức; viên chức

- Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.

- Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.

- Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 04 tháng.

3. Tổng hợp văn bản quy định về xử lý kỷ luật người lao động, cán bộ, công chức, viên chức

Dưới đây là danh sách tổng hợp văn bản quy định về xử lý kỷ luật người lao động, cán bộ, công chức, viên chức.

1

Bộ luật Lao động 2019

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.
Trong đó, tại Mục I Chương VIII quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động; thời hiệu, hình thức xử lý kỷ luật lao động,...

2

Luật cán bộ, công chức 2008

Luật cán bộ, công chức 2008 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010 quy định quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm thi hành công vụ.
Trong đó, tại Chương IX quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm cán bộ, công chức.

3

Luật viên chức 2010

Luật viên chức 2010 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012 quy định về viên chức; quyền nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, tại Chương V quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm đối với viên chức.

4

Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Nghị định 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 20/09/2020 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật; việc áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

5

Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Nghị định 19/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 31/03/2020 quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

6

Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về điều kiện lao động và quan hệ lao động theo các điều, khoản sau đây của Bộ luật Lao động.
Trong đó, Điều 70 của Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động.

7

Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Nghị định 12/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 17/01/2022 quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, đối tượng xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt, việc thi hành các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong đó, Điều 19 của Nghị định này quy định về mức xử phạt đối với người sử dụng lao động vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.

8

Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức

Nghị định 27/2012/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 25/05/2012 quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; việc áp dụng hình thức kỷ luật; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

9

Nghị định 84/2006/NĐ-CP về việc bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nghị định 84/2006/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2006 quy định việc bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

10

Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Nghị định 71/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 20/09/2023 sửa đổi Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Bao gồm quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; thẩm quyền, trình tự thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức.

11

Thông tư 98/2006/TT-BTC hướng dẫn bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 98/2006/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 18/11/2006 hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành công vụ gây lãng phí.

12

Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Thông tư 143/2023/TT-BQP có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2024 quy định về nguyên tắc, thời hiệu, thời hạn; hình thức và thẩm quyền xử lý kỷ luật; hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật; trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

13

Thông tư 75/2020/TT-BQP quy định về việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với Dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Thông tư 75/2020/TT-BQP có hiệu lực kể từ ngày 05/08/2020 quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với Dân quân tự vệ.

14

Quyết định 531/QĐ-BTC năm 2015 về Quy định việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với công, viên chức Bộ Tài chính

Quyết định 531/QĐ-BTC năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 19/03/2015 quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức vi phạm pháp luật. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý do Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

15

Quyết định 326/QĐ-TTCP năm 2014 về Quy chế xử lý kỷ luật đối với công, viên chức của cơ quan Thanh tra Chính phủ

Quyết định 326/QĐ-TTCP năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 27/02/2014 quy định việc áp dụng hình thức kỷ luật; thời hiệu, thời hạn thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý của Thanh tra Chính phủ.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.227.105.42
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!