Tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc là bao nhiêu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
09/01/2024 12:10 PM

Xin hỏi tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc hiện hạnh được quy định là bao nhiêu? - Văn Cường (Quảng Ngãi)

Tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 55 Thông tư 67/2023/TT-BTC quy định về hoa hồng môi giới bảo hiểm như sau:

- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được hưởng hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc từ phí bảo hiểm.

- Tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc và việc thanh toán hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc được xác định trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Khi bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm thanh toán hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc từ phí bảo hiểm thu được theo thời hạn đã thỏa thuận nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được phí bảo hiểm.

- Trong mọi trường hợp, hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc không được vượt quá 15% phí bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thực tế thu được của mỗi nghiệp vụ bảo hiểm thuộc từng hợp đồng bảo hiểm thu xếp qua doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

- Hoa hồng môi giới tái bảo hiểm được thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với thông lệ quốc tế.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì có thể thấy tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tự thỏa thuận với nhau nhưng không được vượt quá 15% phí bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thực tế thu được của mỗi nghiệp vụ bảo hiểm thuộc từng hợp đồng bảo hiểm thu xếp qua doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc là bao nhiêu?

Tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc là bao nhiêu? (Hình từ internet)

Một số quy định về hoạt động môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Căn cứ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì hoạt động môi giới bảo hiểm là hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về loại hình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, chương trình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; các hoạt động liên quan đến việc đàm phán, thu xếp giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm.

Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và luật khác có liên quan để thực hiện các hoạt động môi giới bảo hiểm.

Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:

(1) Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020;

- Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ.

(2) Điều kiện về vốn bao gồm:

- Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;

- Cổ đông, thành viên góp vốn không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.

(3) Điều kiện về nhân sự: có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật dự kiến đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại Điều 138 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

(4) Có hình thức tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

(5) Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài đang trực tiếp thực hiện hoặc có công ty con thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm trong 05 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

- Được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam và xác nhận không vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về môi giới bảo hiểm của nước nơi tổ chức đặt trụ sở chính trong 03 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,375

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn