Trường hợp không được chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
19/10/2024 16:45 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp chi tiết về trường hợp không được chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 01/01/2025

Trường hợp không được chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 01/01/2025 (Hình từ internet)

Ngày 18/10/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuộc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp không được chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 01/01/2025

Không chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 22/2024/TT-BYT sau đây: 

- Tình trạng sức khỏe, bệnh lý người bệnh được xác định không đủ điều kiện để chuyển;

- Cơ sở khám chữa bệnh nơi người bệnh đang khám và điều trị đang trong thời gian cách ly y tế theo quy định của pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

- Cơ sở khám chữa bệnh nơi người bệnh đang khám và điều trị là cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Như vậy, người bệnh không được chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

Thủ tục thanh toán trực tiếp cho người bệnh có bảo hiểm y tế từ 01/01/2025

Theo Điều 5 Thông tư 22/2024/TT-BYT thì thủ tục thanh toán trực tiếp cho người bệnh có bảo hiểm y tế được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

- Người bệnh hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật của người bệnh trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú. 

Hồ sơ gồm: 

Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm:

+ Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân thân theo quy định tại khoản 1 Điều 15  Nghị định 146/2018/NĐ-CP, cụ thể: 

Điều 15. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân; trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.

+ Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán.

+ Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

- Bảo hiểm xã hội cấp huyện có trách nhiệm:

+ Tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của người bệnh và lập giấy biên nhận hồ sơ. Những hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn bổ sung đầy đủ;

+ Trong thời hạn 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán phải hoàn thành việc giám định bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp. Trường hợp không thanh toán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Xem thêm tại Thông tư 22/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư 22/2024/TT-BYT bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản đã được thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,368

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]