Các trường hợp phá thai bị pháp luật nghiêm cấm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
20/01/2025 09:37 AM

Sau đây là các trường hợp phá thai bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định mới nhất hiện nay.

Các trường hợp phá thai bị pháp luật nghiêm cấm

Các trường hợp phá thai bị pháp luật nghiêm cấm (Hình từ Internet)

1. Các trường hợp phá thai bị pháp luật nghiêm cấm 

(1) Theo Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định về quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai như sau

- Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.

- Bộ y tế có trách nhiệm củng cố, phát triển mạng lưới chuyên khoa phụ sản và sơ sinh đến tận cơ sở để bảo đảm phục vụ y tế cho phụ nữ.

- Nghiêm cấm các cơ sở y tế và cá nhân làm các thủ thuật nạo thai, phá thai, tháo vòng tránh thai nếu không có giấy phép do Bộ y tế hoặc Sở y tế cấp.

(2) Theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP nghiêm cấm hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

(3) Tại Danh mục kỹ thuật áp dụng chuyên khoa Phụ sản về phá thai ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2020 gồm các trường hợp và biện pháp kèm theo với các trường hợp phá thai như sau: 

- Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai đến hết 9 tuần;

- Phá thai to từ 13 tuần đến 22 tuần bằng phương pháp đặt túi nước;

- Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai đến hết 8 tuần;

- Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai từ 13 tuần đến hết tuần 22;

- Phá thai bằng phương pháp nong và gắp từ tuần thứ 13 đến hết tuần thứ 18;

- Phá thai bệnh lý (bệnh lý mẹ, bệnh lý thai);

- Phá thai người bệnh có sẹo mổ lấy thai cũ;

- Phá thai từ tuần thứ 6 đến hết 12 tuần bằng phương pháp hút chân không;

- Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai đến hết 7 tuần;

- Phá thai đến hết 7 tuần bằng phương pháp hút chân không.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì việc phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai trên 22 tuần sẽ bị pháp luật nghiêm cấm. Theo Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2020 chỉ cho phép phá thai đến hết tuần 22 (5 tháng) và người có yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe theo sự thăm khám của bác sĩ.

2. Tội phá thai trái phép

Tội phá thai trái phép theo Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:

- Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]