Theo đó, ưu tiên phát triển công nghiệp hóa dược là ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị ngành dược phẩm và hóa chất toàn cầu, có tác động lan tỏa cao đến một số ngành kinh tế khác.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hóa dược thiên nhiên của Việt Nam gắn liền với quy hoạch và đầu tư phát triển vùng dược liệu để hình thành các chuỗi giá trị ngành dược phẩm.
Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia để phát triển ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam, trong đó định hướng các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa dược theo phương pháp tổng hợp hóa học, các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa dược thiên nhiên.
Trong đó, mục tiêu của Chương trình là phát triển ngành công nghiệp hóa dược, nâng dần tỷ lệ sản xuất và sử dụng nguyên liệu làm thuốc trong nước và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hóa dược.
Đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành hóa chất Việt Nam; Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước và Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu đạt 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc; đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm trong nước. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm hóa dược thiên nhiên (dược chất, cao định lượng, tinh dầu giàu hoạt chất) trên 10%/năm.
Đến năm 2045, công nghiệp hóa dược của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, có sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị ngành dược phẩm toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành hóa dược đạt 8 - 11%/năm.
Xem chi tiết tại Quyết định 270/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 13/02/2025.