Sẽ gửi thông báo xử phạt người sử dụng thuốc lá điện tử về cơ quan, tổ chức (Đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
15/01/2025 09:38 AM

Đề xuất gửi thông báo xử phạt về cơ quan, tổ chức với người sử dụng thuốc lá điện tử là nội dung đang được Bộ Y tế lấy ý kiến.

Sẽ gửi thông báo xử phạt người sử dụng thuốc lá điện tử về cơ quan, tổ chức (Đề xuất)

Sẽ gửi thông báo xử phạt người sử dụng thuốc lá điện tử về cơ quan, tổ chức (Đề xuất) (Hình từ Internet)

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định).

Dự thảo Nghị định

Sẽ gửi thông báo xử phạt người sử dụng thuốc lá điện tử về cơ quan, tổ chức (Đề xuất)

Cụ thể, dự thảo Nghị định đã đề xuất bổ sung Điều 26a sau Điều 26 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về mức xử phạt hành chính với vi phạm quy định chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Hình thức xử phạt chính:

(i) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

(ii) Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại (i) đối với hành vi tái phạm.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định tại mục này.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng;

+ Gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.

Như vậy, từ nội dung được đề xuất nêu trên thì người có hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngoài bị phạt tiền, tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì còn bị buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.

Xem thêm tại dự thảo Nghị định.

Cơ sở thực tiễn để ban hành quy định xử phạt hành chính với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng 

Theo dự thảo Tờ trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế xác định cơ sở thực tiễn để ban hành quy định xử phạt hành chính với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như sau:

Dự thảo Tờ trình

* Thuốc lá điếu

- Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm đáng kể từ 47,4% năm 2010 (GATS 2010) xuống còn 45,3% năm 2015 (GATS 2015) và 41,1% năm 2021 (điều tra STEPS 2021). 

- Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022). 

Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.

* Thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng)

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) đang tăng nhanh, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS):

Tỷ lệ hút TLĐT ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Qua kết quả điều tra trong những năm qua về tình hình sử dụng TLĐT, TLNN theo các nhóm tuổi, giới tính cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT, TLNN ngày càng tăng và tăng rất nhanh chóng. Đặc biệt, đã có xu hướng gia tăng sử dụng sản phẩm này gia tăng ở trẻ em gái.

- Tỷ lệ hút TLĐT trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.

- Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 , lên 8% năm 2023.

- Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng TLĐT là 4,3% năm 2023.

Bằng rất nhiều nỗ lực, công sức và kinh phí của nhiều cấp, nhiều ngành và Ủy ban nhân dân các cấp, tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường đã giảm đáng kể. Tuy nhiên sự xuất hiện của TLĐT, TLNN đã dẫn đến tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở trẻ em. Có các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau:

- TLĐT, TLNN hấp dẫn và thu hút giới trẻ như hướng đến phong cách sống thời thượng; kiểu dáng, hương vị đa dạng, hấp dẫn (gấu, hộp sữa, đồng hồ đeo tay..). TLĐT có giá rất rẻ, vài chục nghìn cũng có thể mua được, nên các em dễ dàng sở hữu các sản phẩm này. 

- TLĐT, TLNN rất dễ tìm kiếm, việc mua bán dễ dàng diễn ra nhanh chóng, thuận tiện từ các trang mạng xã hội hay các địa điểm bán lẻ, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học.

- Các thông tin quảng cáo, tiếp thị của các công ty thuốc lá gây hiểu nhầm cho người sử dụng như có công dụng cai nghiện, giảm phơi nhiễm, giảm hại….thậm chí sử dụng các thần tượng của giới trẻ để quảng bá các sản phẩm này. 

Đây là điều cực kỳ đáng báo động trong giới trẻ vì các sản phẩm này ngoài tính chất độc hại, gây bệnh, còn gây nghiện nicotin, và nghiện ma túy do tình trạng “núp bóng” TLĐT trộn ma túy, ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai của đất nước. Rất nhiều vụ bắt giữ do sử dụng ma túy trong thuốc lá mới, hay tình trạng học sinh ngộ độc thuốc lá mới dẫn đến phải cấp cứu, nhập viện trong thời gian vừa qua đã được các cơ quan báo chí phản ảnh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Cụ thể Bộ Công an đã khởi tố tội phạm về TLĐT, TLNN có ma túy: năm 2023: 86 vụ/155 đối tượng, riêng quý I/2024 đã khởi tố 33 vụ/73 đối tượng (Chỉ 1 quý năm 2024 mà gần bằng ½ của cả năm 2023) cho thấy sự gia tăng nhanh chóng, báo động các vi phạm này. Năm 2023, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi nhập viện do TLĐT, TLNN là 71/1.224 người.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]