Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn hoạt động Kinh doanh bảo hiểm mới nhất

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Trong đó, khái niệm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm được quy định cụ thể như sau:

- Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm (khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022);

- Kinh doanh tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam nhận một khoản phí tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm (khoản 3 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022);

- Nhượng tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chuyển giao một phần trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài trên cơ sở thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm (khoản 4 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Tổng hợp văn bản hướng dẫn hoạt động Kinh doanh bảo hiểm mới nhất (Hình từ Internet)

2. Các hành vi bị nghiêm cấm khi tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Căn cứ Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì các hành vi bị nghiêm cấm đối với các bên tham gia bảo hiểm trong quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm:

- Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

- Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.

- Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:

+ Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

+ Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

- Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

3. Danh sách các văn bản hướng dẫn hoạt động kinh doanh bảo hiểm mới nhất 2024

Dưới đây là tổng hợp các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm mới nhất được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp:

1

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 số 08/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Một số nội dung đáng chú ý tại Luật này là quy định về các loại hình bảo hiểm tại Điều 7, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, quy định tại Chương II về hợp đồng bảo hiểm, quy định về đề phòng, hạn chế tổn thất, phòng, chống gian lận bảo hiểm tại Mục 9 Chương III, và quy định về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Chương IV.

2

Nghị định 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm

Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này có thể kể đến như là:

- Quy định về nghiệp vụ của các loại bảo hiểm, cụ thể là nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe lần lượt tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5;

- Quy định tại Chương II về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, với Mục 1 quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Mục 3 quy định về tổ chức hoạt động, Mục V quy định về chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm;

- Quy định tại Chương III về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;

- Quy định tại Chương 6 về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

3

Nghị định 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô

Nghị định 21/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/05/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều khoản của Luật Kinh doanh bảo hiểm về bảo hiểm vi mô.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về số tiền bảo hiểm và số phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Điều 3, quy định về điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tại Điều 7, quy định về nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tại Điều 19, hay quy định về phân phối sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Điều 28.

4

Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Nghị định 67/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/09/2023 quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy; trách nhiệm của các bộ, cơ quan có liên quan, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là:

- Quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với chủ xe cơ giới tại Mục 1 Chương II;

- Quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại Mục 1 Chương III;

- Quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng tại Chương IV.

5

Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số

Nghị định 98/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2013 quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

Trong đó,  nội dung đáng chú ý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được quy định tại Chương 2, với một số nội dung như là:

- Mục 1 Chương 2 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, và biện pháp khắc phục hậu quả về thành lập và hoạt động;

- Mục 3 Chương 2 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, và biện pháp khắc phục hậu quả về khai thác bảo hiểm;

- Mục 4 Chương 2 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, và biện pháp khắc phục hậu quả về hoạt động môi giới, đại lý bảo hiểm và văn phòng đại diện;

- Mục 6 Chương 2 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, và biện pháp khắc phục hậu quả về khả năng thanh toán.

6

Thông tư 199/2014/TT-BTC về hướng dẫn kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp tái bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 199/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định một số tài khoản, nguyên tắc, phương pháp hạch toán, mẫu báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe và doanh nghiệp tái bảo hiểm nhân thọ được thành lập và hoạt động theo pháp luật tại Việt Nam.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về tài khoản kế toán tại Điều 2, quy định về nguyên tắc kế toán tách Quỹ tại Điều 9, hay quy định về chứng từ và sổ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Điều 22.

7

Thông tư 232/2012/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 232/2012/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 quy định một số Tài khoản, nguyên tắc, phương pháp hạch toán, mẫu Báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, sức khỏe, tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật tại Việt Nam.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về tài khoản kế toán tại Điều 2, quy định về kế toán các khoản phải thu của khách hàng tại Điều 4, quy định về kế toán các khoản phải trả cho người bán tại Điều 8, hay quy định về kế toán các hợp đồng bảo hiểm chưa phát sinh trách nhiệm tại Điều 20.

8

Thông tư 175/2011/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 175/2011/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 19/01/2012 quy định một số Tài khoản, mẫu Báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định áp dụng hệ thống tài khoản kế toán tại Điều 2, quy định về kế toán các khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Điều 4, quy định về kế toán khoản hoàn hoa hồng môi giới bảo hiểm tại Điều 5, hay quy định về kế toán Chi phí trực tiếp kinh doanh môi giới bảo hiểm tại Điều 7.

9

Thông tư 195/2014/TT-BTC hướng dẫn đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 195/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/02/2015 hướng dẫn việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cấp phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm tại Điều 4, quy định về xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm tại Điều 5, hay quy định về các biện pháp thực hiện tại Điều 6.

10

Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 67/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02/11/2023 quy định, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó bao gồm biểu mẫu các thông tin của cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; mẫu tài liệu giải trình phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm; hướng dẫn, minh họa các phương pháp, công thức, cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ; thời điểm ghi nhận doanh thu đối với từng loại hình bảo hiểm.

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng, Chương III quy định về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, và Chương IV quy định về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

11

Thông tư 69/2022/TT-BTC hướng dẫn chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 69/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Trong đó, một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là:

- Quy định về chứng chỉ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm lần lượt tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6;

- Quy định về nội dung đào tạo chứng chỉ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm lần lượt tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11;

- Quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký dự thi chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm tại Điều 13;

- Quy định về chứng chỉ đại lý bảo hiểm tại Chương III.

12

Thông tư 70/2022/TT-BTC quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 70/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Trong đó, một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là:

- Quy định về về quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Mục 1 Chương II;

- Quy định về về kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Mục 2 Chương II;

- Quy định về về kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Mục 3 Chương II.

13

Thông tư 09/2011/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 09/2011/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 07/03/2011 hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về đối tượng chịu thuế tại Điều 3, quy định về đối tượng không chịu thuế tại Điều 4, quy định về người nộp thuế tại Điều 5, quy định về thuế suất tại Điều 7, quy định về phương pháp tính thuế tại Điều 8, hay quy định về một số khoản chi được trừ tại Điều 13.

14

Thông tư 105/2016/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 105/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/08/2016 quy định về hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của công ty quản lý quỹ.

Một số nội dung đáng chú ý liên quan đến hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được thể hiện cụ thể tại Mục 3 Chương II Thông tư này, với quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài tại Điều 8 và thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài tại Điều 9 và quy định về tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài tại Mục  1 Chương IV.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.219.68
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!