Sẽ rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Hình từ Internet)
Chính phủ ban hành Nghị quyết 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
Theo đó, trong nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được đặt ra như sau:
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác ATVSLĐ. Doanh nghiệp chủ động bảo đảm nguồn lực đầu tư cải thiện điều kiện lao động, triển khai biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động (sau đây viết tắt là TNLĐ), BNN.
- Tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác ATVSLĐ gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN đối với cả khu vực không có quan hệ lao động; lồng ghép nội dung ATVSLĐ trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực lao động, y tế, môi trường.
- Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi mức đóng, chế độ hưởng, đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ tại Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới ban hành kèm theo Nghị quyết 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 gồm các nội dung như sau:
- Tăng cường xử lý các vi phạm về ATVSLĐ gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của người dân, người lao động; đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng và gây bức xúc trong dư luận xã hội nhằm răn đe và tuyên truyền tính nghiêm minh của pháp luật.
- Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác báo cáo, thống kê, cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực ATVSLĐ; kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ, thanh tra lao động, thanh tra ATVSLĐ các cấp; tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp về tình hình thi hành pháp luật ATVSLĐ kịp thời, đúng quy định pháp luật; nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chú trọng khu vực không có quan hệ lao động.
- Có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, chú trọng kiểm soát điều kiện lao động; nghiên cứu cơ chế kiểm soát chất lượng các hoạt động: huấn luyện ATVSLĐ; quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (sau đây viết tắt là BNN); kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo đảm ATVSLĐ vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và chiến lược phát triển dài hạn của quốc gia, các ngành, các cấp và địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương.
- Tăng cường quản lý và nâng cao năng lực cho người làm công tác y tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030 được phê duyệt tại Quyết định 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020.
Xem thêm tại Nghị quyết 209/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 28/10/2024.