Chuyển giao công nghệ phải tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước trong các trường hợp sau

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
04/11/2024 11:45 AM

Dưới đây là quy định 3 trường hợp chuyển giao công nghệ phải tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước.

Chuyển giao công nghệ phải tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước trong các trường hợp sau

Theo khoản 1 và 2 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 đã quy định về đăng ký chuyển giao công nghệ, theo đó:

 Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:

(1) Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

(2) Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

(3) Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

 Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp phải đăng ký quy định nêu trên.

Chuyển giao công nghệ phải tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước trong các trường hợp sau

Chuyển giao công nghệ phải tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước trong các trường hợp sau (Hình từ internet)

Quy định về hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ

Căn cứ Khoản 3 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ bao gồm:

- Văn bản đề nghị đăng ký chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;

- Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực văn bản giao kết chuyển giao công nghệ thể hiện nội dung sau đây:

+ Tên công nghệ được chuyển giao.

+ Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

+ Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.

+ Phương thức chuyển giao công nghệ.

+ Quyền và nghĩa vụ của các bên.

+ Giá, phương thức thanh toán.

+ Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

+ Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).

+ Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.

+ Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.

+ Phạt vi phạm hợp đồng.

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

+ Cơ quan giải quyết tranh chấp.

+ Nội dung khác do các bên thỏa thuận.

Lưu ý, trường hợp không có văn bản giao kết bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực.

Quy định giá và phương thức thanh toán chuyển giao công nghệ

(1) Các bên tham gia hợp đồng có thể thỏa thuận thanh toán theo một hoặc một số phương thức sau đây:

- Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa trong đó bao gồm cả hình thức trả được tính theo từng đơn vị sản phẩm sản xuất ra từ công nghệ chuyển giao;

- Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp.

Trường hợp góp vốn bằng công nghệ có sử dụng vốn nhà nước (công nghệ được tạo ra bằng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước để mua công nghệ) phải thực hiện thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật;

- Trả theo phần trăm (%) giá bán tịnh.

Giá bán tịnh được xác định bằng tổng giá bán sản phẩm, dịch vụ mà trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ được chuyển giao (tính theo hóa đơn bán hàng) trừ đi các khoản sau: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu (nếu có); chi phí mua bán các thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện được nhập khẩu, mua ở trong nước; chi phí mua bao bì, chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ, chi phí quảng cáo;

- Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần.

Doanh thu thuần được xác định bằng doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu gồm chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại;

- Trả theo phần trăm (%) lợi nhuận trước thuế.

Lợi nhuận trước thuế được xác định bằng doanh thu thuần trừ đi tổng chi phí hợp lý để sản xuất sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ chuyển giao đã bán trên thị trường. Các bên cũng có thể thỏa thuận thanh toán theo phần trăm lợi nhuận sau thuế;

- Kết hợp hai hoặc các phương thức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 4 Nghị định 76/2018/NĐ-CP hoặc các hình thức thanh toán khác bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

(2) Trường hợp công nghệ chuyển giao (công nghệ được tạo ra bằng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước để mua công nghệ) giữa các bên mà một hoặc nhiều bên có vốn nhà nước, việc định giá thực hiện dựa trên tư vấn thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật.

(3) Trường hợp công nghệ chuyển giao giữa các bên có quan hệ theo mô hình công ty mẹ - công ty con và các bên có quan hệ liên kết theo quy định của pháp luật về thuế, việc kiểm toán giá thực hiện thông qua hình thức thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

(Điều 4 Nghị định 76/2018/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 475

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]