Tải App trên Android

Dân số Thành phố Hà Nội năm 2024 là bao nhiêu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
06/01/2024 14:30 PM

Tôi muốn hỏi dân số Thành phố Hà Nội năm 2024 là bao nhiêu? Hiện nay, Thành phố Hà Nội có bao nhiêu quận huyện? – Nhật Vy (Cà Mau)

Dân số Thành phố Hà Nội năm 2024 là bao nhiêu?

Dân số Thành phố Hà Nội năm 2024 là bao nhiêu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Dân số Thành phố Hà Nội năm 2024 là bao nhiêu?

Theo số liệu thống kê dân số trung bình được cập nhật của Tổng cục Thống kê thì dân số Thành phố Hà Nội năm 2024 là khoảng 8,5 triệu người.

Được biết, dân số Thành phố Hà Nội là đông thứ hai của cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.

Tổng quan chung về Thành phố Hà Nội

Thành phố Hà Nội là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một trong những thành phố trực thuộc Trung ương và cũng là một trong hai đô thị loại đặc biệt của Việt Nam và.

Thành phố này có vị trí từ 20°53’ đến 21°23’ vĩ độ Bắc và 105°44’ đến 106°02’ kinh độ Đông, thuộc khu vực trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng màu mỡ. Hà Nội tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên và Phú Thọ. Bên cạnh diện tích tự nhiên rộng lớn khoảng 3.358,6 km², Hà Nội còn có hệ thống sông ngòi phong phú và đa dạng như sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Đáy và sông Nhuệ.

Thành phố Hà Nội là tỉnh thành có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện nhất Việt Nam (30 đơn vị). Đây là thành phố có nhiều quận, huyện nhất cả nước, trong đó có 1 thị xã, 12 quận và 17 huyện, là tỉnh thành có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện nhất Việt Nam.

Hiện nay Thành phố Hà Nội có 12 quận bao gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm. Thành phố Hà Nội cũng có 17 huyện bao gồm: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn và Ứng Hòa và 1 thị xã là Sơn Tây.

Tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương

Tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 bao gồm:

(1) Quy mô dân số thành phố trực thuộc Trung ương phải có dân số từ 1.000.000 người trở lên.

(2) Diện tích tự nhiên thành phố trực thuộc Trung ương là 1.500 km2 trở lên.

(3) Đơn vị hành chính trực thuộc của thành phố trực thuộc Trung ương

Thành phố trực thuộc Trung ương có số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên.

Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận.

(4) Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.

(5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13.

Cụ thể:

- Cân đối thu chi ngân sách: Dư;

- Thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước: 1,75 lần;

- Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước;

- Tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước;

- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế: 90%;

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường: 90%.

Lưu ý: Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 có tiêu chí đặc thù đối với thành phố trực thuộc trung ương.

Cụ thể, Thành phố trực thuộc trung ương có 02 yếu tố đặc thù sau đây thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số, tiêu chuẩn tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện bằng 50% mức quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13; các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định tại Mục 2 (Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị):

- Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận;

- Được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 60,079

Bài viết về

Chính sách mới của Hà Nội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]