Đề xuất mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với người lao động

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
25/05/2023 10:12 AM

Đề xuất mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với người lao động là nội dung tại dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (dự thảo Nghị định) đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến.

Đề xuất mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với người lao động

Đề xuất mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với người lao động (Hình từ Internet)

1. Các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện 

Các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo Điều 3 dự thảo Nghị định như sau:

- Giám định mức suy giảm khả năng lao động.

- Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.

- Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.

2. Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo Điều 4 dự thảo Nghị định như sau:

- Người lao động được xem xét hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định tại mục 1 này khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

+ Tai nạn xảy ra không thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị định.  

- Người lao động không được hưởng các chế độ quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị định nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:

+ Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;

+ Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

+ Sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

3. Đề xuất mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với người lao động

Theo đó, tại Điều 6, 7, 8 và 9 dự thảo Nghị định đã đề xuất các mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:

* Trợ cấp một lần:

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần với mức như sau: 

+ Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

+ Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 dự thảo Nghị định, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, cứ thêm mỗi năm đóng kể từ năm đóng thứ 2 trở đi được tính thêm 0,3 mức lương cơ sở.

- Thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;

+ Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động;

+ Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động;

+ Người lao động bị suy giảm khả năng lao động trên 31% bị chết trong quá trình điều trị do thương tật tái phát mà số tháng người lao động đó được hưởng trợ cấp chưa đủ 36 tháng.

* Trợ cấp hằng tháng:

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

- Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

+ Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5% mức lương cơ sở, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức lương cơ sở.

* Thời điểm hưởng trợ cấp:

- Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; 

Trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị định, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

- Trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

- Trường hợp người lao động được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị định thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

- Thời điểm hưởng trợ cấp một lần quy định tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị định được tính từ lúc cơ quan bảo hiểm xã hội ra quyết định.

* Trợ cấp phục vụ:

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên do bị tai nạn lao động mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng thì hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Xem thêm dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,419

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn