Đã có Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc và chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; điểm 13 của Nghị quyết 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV.
Theo Dự thảo Nghị định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất các đối tượng sau đây sẽ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
(1) Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.
Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, i, k, l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
(2) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh quy định tại điểm m khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
Phương án 1:
+ Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.
+ Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này mà có đề nghị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Phương án 2:
Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có đề nghị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
(3) Đối tượng quy định tại (2) và điểm n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội đồng thời thuộc nhiều đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội thì việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện như sau:
- Đối tượng quy định tại (2) đồng thời thuộc đối tượng quy định tại một trong các điểm b, c, d, đ, e, i, a, l, k, n, h và g khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng tương ứng quy định tại điểm b, c, d, đ, e, i, a, l, k hoặc n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội theo thứ tự đến trước;
- Đối tượng quy định tại điểm n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội đồng thời thuộc đối tượng quy định tại một trong các điểm b, c, d, đ, e, i, a, l và k khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng tương ứng quy định tại điểm b, c, d, đ, e, i, a, l hoặc k khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội theo thứ tự đến trước;
(4) Đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm a khoản 7 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP;
- Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 91/2000/QĐ-TTg; Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2010;
- Người đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 142/2008/QĐ-TTg; Quyết định 38/2010/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 142/2008/QĐ-TTg; Quyết định 53/2010/QĐ-TTg; Quyết định 62/2011/QĐ-TTg;
- Người đang hưởng trợ trợ cấp hằng tháng theo Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội.
(5) Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về mức tham chiếu:
- Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội.
- Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội bằng mức lương cơ sở.
- Khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Nếu được ban hành chính thức, Dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
Kể từ ngày Dự thảo Nghị định này có hiệu lực thi hành, các Nghị định của Chính phủ và các điều khoản sau đây hết hiệu lực thi hành:
- Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Khoản 2 Điều 3 và các khoản 1, 3 Điều 7 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu;
Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu.
- Các khoản 7, 8 và 9 Điều 38 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.