Dự kiến từ 01/07/2025, người cao tuổi sẽ chuyển sang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Hình từ internet)
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về trợ cấp hưu trí xã hội.
Cụ thể, dự thảo Nghị định đã đề xuất đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, cụ thể như sau:
(1) Công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây:
(i) Từ đủ 75 tuổi trở lên;
(ii) Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
(iii) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
(2) Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại (i) và (ii) thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bên cạnh đó, tại điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Nghị định đã đề xuất như sau:
- Các điểm b và c khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội hết hiệu lực kể từ ngày dự thảo Nghị định có hiệu lực.
- Đối với trường hợp đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được chuyển sang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội kể từ ngày dự thảo Nghị định có hiệu lực (tức dự kiến từ 01/7/2025).
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ danh sách đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng quyết định chuyển sang chế độ trợ cấp hưu trí xã hội
Các đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP hiện nay bao gồm:
- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a a khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Như vậy, theo dự kiến thì từ ngày 01/07/2025, người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc các trường hợp trên sẽ chuyển sang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Lưu ý:
Đối với người cao tuổi thuộc các trường hợp dưới đây thì dự kiến vẫn sẽ được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng như hiện nay:
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
(điểm a và d khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP)
Đối tượng quy định tại (1) và (2) ở phần trên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng mức 500.000 đồng/tháng.
Trường hợp đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.
Đối tượng đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng khi chết được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí mai táng với mức là 10.000.000 đồng
Trình tự, thủ tục thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 8 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trong đó cụm từ “trợ cấp xã hội hằng tháng” được thay thế bằng cụm từ “trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng”.
- Thời gian hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng
+ Người cao tuổi đủ 75 tuổi trước ngày 01/7/2025 thì hưởng từ ngày 01/07/2025;
+ Người cao tuổi đủ 75 tuổi sau ngày 01/07/2025 thì hưởng kể từ thời điểm người đó đủ 75 tuổi.
- Thời điểm hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
+ Người cao tuổi đủ 70 tuổi trước ngày 01/7/2025 thì hưởng từ ngày 01/07/2025;
+ Người cao tuổi đủ 70 tuổi sau ngày 01/07/2025 thì hưởng kể từ thời điểm người đó đủ 70 tuổi.