Yêu cầu: Đa dạng hóa hình thức visa tương ứng với từng đối tượng để thu hút đầu tư và du lịch (Hình từ Internet)
Ngày 02/01/2025, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 2/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Đại sứ/Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phát cho tăng trưởng
Theo đó, sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Ngoại giao báo cáo tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và ý kiến của Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, tập trung vào một số nội dung cụ thể được quy định tại Thông báo 2/TB-VPCP năm 2025 như sau:
(1) Bộ Ngoại giao:
- Tiếp tục chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025;
- Tạo đột phá trong thu hút các nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, bán dẫn, AI…;
- Thúc đẩy ngoại giao công nghệ, trong đó tích cực thúc đẩy giải quyết các khó khăn, vướng mắc với các đối tác lớn để mở đường cho hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tốt các Hội nghị quốc tế quan trọng trong năm 2025 (Diễn đàn Tương lai ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư, Hội nghị UNCTAD).
(2) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
- Đẩy mạnh tiếp cận, khai thác những thị trường mới, nhiều tiềm năng (thị trường Halal, châu Phi, Nam Á, châu Mỹ Latinh…);
- Tích cực triển khai các các FTA đã ký kết, thúc đẩy khả năng đàm phán FTA các thị trường có tiềm năng ở khu vực Trung Đông (Ca-ta, Ả-rập Xê-út,…), Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên minh châu Phi (AU), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR);
- Tận dụng hiệu quả khuôn khổ quan hệ mới thiết lập (như với UAE, Brazil, Dominica…) để cụ thể hoá các cơ hội hợp tác, thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế - thương mại có tính đột phá, dẫn dắt, mở đường với khu vực Trung Đông và Mỹ Latinh;
- Tăng cường tổ chức các hoạt động/hội nghị xúc tiến, kết nối và quảng bá thương mại giữa Việt Nam và các nước.
(3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan:
- Nghiên cứu thiết lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chuyên ngành với các nước đối tác về khoa học - công nghệ, bán dẫn, AI;
- Thu hút FDI công nghệ cao, gắn với chuyển giao công nghệ, xây dựng các trung tâm R&D; thúc đẩy tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi cung ứng công nghệ cao và tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế về quản trị công nghệ;
- Cụ thể hoá, khai thác tối đa tiềm năng từ các khuôn khổ hợp tác với các đối tác quan trọng như NDIVIA để tạo động lực dẫn dắt, hình thành các chuỗi cung ứng công nghệ cao tại Việt Nam.
(4) Bộ Công an: chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức visa tương ứng với từng đối tượng để tạo thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư và du lịch. Chủ động khẩn trương phối hợp với Bộ Ngoại giao miễn thị thực đơn phương cho một số bạn bè truyền thống và không có vướng mắc.
(5) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: xây dựng lại cơ chế chính sách cấp phép cho lao động nước ngoài theo hướng giảm thủ tục hành chính, nhanh, hiệu quả hơn, không để kéo dài như vừa qua.
(6) Bộ Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển ngành hàng không phục vụ giao thương, vận chuyển hàng hoá.
(7) Các bộ, ngành, địa phương liên quan:
- Khẩn trương, tích cực xem xét, rà soát, có phương án xử lý phù hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, đầu tư, kinh doanh, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu hình thành và thúc đẩy cơ chế phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả, khả thi;
- Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, đặc biệt là các giải pháp mới, đột phá trong huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…;
- Tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, quy hoạch và định hướng cho phát triển.
Xem thêm Thông báo 2/TB-VPCP ban hành ngày 02/01/2025.