19 nội dung lấy ý kiến sửa đổi Điều lệ công đoàn Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
14/04/2023 14:36 PM

19 nội dung lấy ý kiến sửa đổi Điều lệ công đoàn Việt Nam là nội dung tại Hướng dẫn 82/HD-TLĐ năm 2023 về lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam tại đại hội, hội nghị công đoàn các cấp.

19 nội dung lấy ý kiến sửa đổi Điều lệ công đoàn Việt Nam

19 nội dung lấy ý kiến sửa đổi Điều lệ công đoàn Việt Nam (Hình từ internet)

19 nội dung lấy ý kiến sửa đổi Điều lệ công đoàn Việt Nam

(1) Về Lời nói đầu

- Hình Huy hiệu Công đoàn Việt Nam (phần mô tả về Huy hiệu quy định trong Hướng dẫn thi hành Điều lệ).

- Phần nội dung Lời nói đầu cơ bản giữ nguyên như Điều lệ hiện hành, chỉ sắp xếp lại, đảo vị trí các khổ và sửa đổi, bổ sung một số câu, từ (phần chữ đậm nghiêng) để phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, phù hợp với Điều 10 Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; thể hiện quyết tâm chính trị của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, xứng đáng là cơ sở chính trị, xã hội của Đảng trong công nhân, lao động.

Xin ý kiến các cấp công đoàn việc sửa đổi, bổ sung đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung như thế nào để phù hợp hơn? Có đề xuất cụ thể.

(2) Đối tượng tập hợp của Công đoàn Việt Nam (Điều 1)

Cơ bản giữ nguyên đối tượng kết nạp vào Công đoàn Việt Nam như Điều lệ hiện hành, chưa bổ sung đối tượng lao động là người nước ngoài.

Chỉ biên tập lại cho rõ về đối tượng, điều kiện gia nhập CĐVN, trong đó có điều kiện “hiện không là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, để phù hợp quy định của Bộ luật Lao động khi cho phép tổ chức đại diện của người lao động được thành lập ở doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số đối tượng người lao động khác chưa được quy định trong Điều lệ hoặc đang quy định tại Hướng dẫn thi hành Điều lệ cần thiết xin ý kiến các cấp công đoàn để nghiên cứu bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, đó là:

+ Người lao động nhận khoán hộ trong các nông, lâm trường; lái xe công nghệ... nên bổ sung đối tượng nào? Hình thức tổ chức và hoạt động của các đối tượng người lao động đặc thù nêu trên cần thiết phải được quy định như thế nào cho phù hợp? Có đề xuất cụ thể.

+ Nội dung, hình thức tập hợp người lao động nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam) đang làm việc hợp pháp trong các doanh nghiệp tại Việt Nam đang được quy định cụ thể trong Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam còn phù hợp hay không? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung gì? Có đề xuất cụ thể.

- Về đối tượng không kết nạp vào Công đoàn Việt Nam đang được quy định tại Mục 3.2, Hướng dẫn 03/HD-TLĐ, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối tượng nào? Hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung nào? Nên quy định tại Hướng dẫn thi hành Điều lệ hay quy định vào Điều lệ? Có đề xuất cụ thể.

- Về đoàn viên danh dự được quy định tại Mục 3.2, Hướng dẫn 03/HD-TLĐ, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào? Có đề xuất cụ thể.

(3) Về quyền và nhiệm vụ của đoàn viên (Điều 2)

- Sửa đổi, bổ sung quy định về mất việc làm tạm thời, việc miễn, giảm đoàn phí đối với đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại điểm h khoản 1.

- Sửa đổi quy định tại điểm i khoản 1, theo hướng bỏ quy định về quyền của đoàn viên công đoàn khi được nghỉ hưu, đã tiếp thu kiến nghị của đa số công đoàn cơ sở phản ánh, trong thực tế điều này chỉ phù hợp với số lượng ít cán bộ công đoàn chuyên trách ở cấp trên trực tiếp cơ sở, không khả thi khi áp dụng đối với đại đa số đoàn viên công đoàn.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 1 thành: “i. Được ban chấp hành công đoàn nơi đoàn viên công đoàn tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động sau khi đã nghỉ hưu xem xét tiếp tục là đoàn viên công đoàn nếu có nguyện vọng”.

Nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung gì? Có đề xuất cụ thể.

(4) Về thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam, thẻ đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn (Điều 3)

- Bổ sung quy định các trường hợp công nhận đoàn viên tại điểm d khoản 1 cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới.

- Sửa đổi quy định về kết nạp lại tại điểm đ khoản 1, theo đó, quy định đối với trường hợp đoàn viên công đoàn ra khỏi tổ chức công đoàn vì lý do cá nhân nếu xin gia nhập lại thì do công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở xem xét, kết nạp lại. Đồng thời bổ sung quy định đối với trường hợp đoàn viên công đoàn bị kỷ luật khai trừ, nếu có đủ điều kiện theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, nếu có đơn xin gia nhập lại công đoàn thì công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét kết nạp lại.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định này để phù hợp với tình hình mới, đồng thời phân biệt và phân cấp rõ thẩm quyền kết nạp lại đối với những trường hợp đoàn viên bị xử lý kỷ luật. Nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa?  Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung gì? Có đề xuất cụ thể.

(5) Cán bộ công đoàn (Điều 4, Điều 5)

- Tại Điều 4 sửa đổi khoản 1 về khái niệm cán bộ công đoàn theo hướng giảm phạm vi, đối tượng áp dụng là cán bộ công đoàn, theo đó chỉ quy định đối tượng cán bộ công đoàn là người được hưởng phụ cấp trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, do bầu cử, chỉ định, bổ nhiệm, được cấp có thẩm quyền công nhận.

- Không quy định cụ thể trường hợp cán bộ công đoàn chuyên trách, cán bộ công đoàn không chuyên trách vào Điều lệ, do Đoàn Chủ tịch hướng dẫn.

- Bổ sung khoản 3 Điều 4:

“3. Cán bộ công đoàn làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nếu đủ điều kiện… được cấp có thẩm quyền của công đoàn xét tuyển, điều động, bố trí công việc phù hợp tại các cơ quan của công đoàn”

Bổ sung khoản 4 Điều 4:

“4. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn chi tiết Điều này”.

- Tại điểm đ khoản 1 Điều 5 bổ sung nhiệm vụ cán bộ công đoàn “thu hút, tập hợp thành viên và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam”.

Nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung gì? Có đề xuất cụ thể.

(6) Bổ sung quy định miễn nhiệm và bãi nhiệm cán bộ công đoàn cấp cơ sở (Điều 6 - Điều mới)

Bổ sung quy định về miễn nhiệm và bãi nhiệm cán bộ công đoàn cấp cơ sở khi không còn đủ uy tín nhưng chưa tới mức bị xử lý kỷ luật. Dự thảo chỉ quy định về nguyên tắc, những vấn đề chi tiết cụ thể sẽ quy định tại Hướng dẫn thi hành Điều lệ hoặc quy định riêng của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

Nội dung bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung gì? Có đề xuất cụ thể.

(7) Bổ sung quy định về Huy hiệu, Cờ, Bài hát truyền thống Công đoàn Việt Nam (Điều 8 - Điều mới)

Việc bổ sung nội dung này là hợp lý và mang tính nguyên tắc chung, tinh, gọn, khoa học. Các quy định cụ thể về màu sắc, kích thước, chất liệu, sử dụng trong trường hợp nào do Đoàn Chủ tịch hướng dẫn chi tiết.

Nội dung bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung gì? Có đề xuất cụ thể.

(8) Hệ thống tổ chức công đoàn các cấp (Điều 9)

Dự thảo bổ sung cụm từ “tập đoàn kinh tế” vào điểm d khoản 3; bổ sung cụm từ “nghiệp đoàn” tại điểm e khoản 3.

Việc bổ sung như vậy đã phù hợp hay chưa? Cần thiết sửa đổi, bổ sung nội dung nào cho phù hợp? Có đề xuất cụ thể.

(9) Đại hội, hội nghị công đoàn các cấp (theo Điều 10, Điều 11)

- Dự thảo tại khoản 2 Điều 10 sửa đổi, bổ sung thành:

“2. Đại hội công đoàn các cấp được tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm 1 lần. Nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp dưới có thể được điều chỉnh cho phù hợp nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp trên và tình hình thực tế. Đại hội Công đoàn Việt Nam do BCH Tổng Liên đoàn quyết định”.

- Bổ sung 01 nhiệm vụ “b. Góp ý kiến vào văn kiện đại hội công đoàn cấp trên (nếu có)” vào điểm b, khoản 2, Điều 11 (Điều lệ hiện hành chưa quy định).

Nội dung sửa đổi, bổ sung như trên đã phù hợp hay chưa? cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào cho phù hợp hơn? Có đề xuất cụ thể.

(10) Ban chấp hành công đoàn các cấp (Điều 13)

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 (gộp cả nội dung điểm a khoản 1 vào nội dung khoản 1), quy định về tính đại diện của ban chấp hành công đoàn các cấp.

- Sửa đổi khoản 2, quy định rõ thẩm quyền của công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định ủy viên ban chấp hành, các chức danh ban chấp hành, chỉ định cả ban chấp hành công đoàn cấp dưới; thẩm quyền điều chỉnh thời gian hoạt động của ban chấp hành công đoàn cấp dưới phù hợp với nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên; bỏ quy định “lâm thời”.

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại khoản 4, khoản 5, quy định về trình tự, thủ tục bầu bổ sung vượt quá số lượng và bầu bổ sung khi khuyết; bỏ quy định tỷ lệ % bổ sung đối với CĐCS để phù hợp thực tiễn.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 6, quy định về các trường hợp thôi tham gia BCH, các nội dung sửa đổi, bổ sung tương đồng với Điều lệ Đảng, quy định của Đảng.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 8, quy định về kỳ họp của ban chấp hành công đoàn các cấp để phù hợp thực tiễn.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào cho phù hợp hơn? Có đề xuất cụ thể.

(11) Về Đoàn Chủ tịch, ban thường vụ công đoàn các cấp (Điều 14)

Sửa đổi, bổ sung khoản 7, quy định về kỳ họp của Đoàn Chủ tịch, ban thường vụ công đoàn các cấp để phù hợp thực tiễn.

Nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào cho phù hợp hơn? Có đề xuất cụ thể.

(12) Tách một phần tại Điều 13 Điều lệ hiện hành thành Điều 15 về hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở

Việc tách Điều như vậy đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào cho phù hợp hơn? Có đề xuất cụ thể.

(13) Trình tự, thủ tục thành lập, giải thể CĐCS, nghiệp đoàn cơ sở (Điều 16)

- Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 thành: “Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở hoạt động hợp pháp khi có quyết định công nhận của công đoàn cấp trên”.

- Bổ sung tên khoản 2:

“2. Công đoàn cấp trên xem xét, quyết định thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở” và nội dung trình bày trong khoản 2 được chuyển từ điểm d khoản 2 Điều 14 Điều lệ hiện hành lên.

- Sửa đổi khoản 3, gồm 3 điểm a, b, c, trong đó tên khoản 3 khẳng định “quyền hạn” của công đoàn cấp trên trong việc thành lập công đoàn cơ sở.

- Tại khoản 4, bổ sung trường hợp sáp nhập, hợp nhất.

Việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Điều 16 nhằm làm rõ 02 phương pháp thành lập công đoàn cấp cơ sở (phương pháp mới do người lao động thành lập; phương pháp truyền thống do công đoàn cấp trên thành lập); rõ thẩm quyền của công đoàn cấp trên trong việc hỗ trợ người lao động thành lập công đoàn và công nhận kết quả thành lập công đoàn cấp cơ sở.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào cho phù hợp hơn? Có đề xuất cụ thể.

(14) Gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của Người lao động tại doanh nghiệp (Điều 18 - Điều mới)

- Đây là điều hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và thể hiện như Điều 18 trong Dự thảo.

Đề nghị các cấp công đoàn cho ý kiến cụ thể vào nội dung quy định của Điều 16 và đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể (nếu có) để phù hợp với quan điểm, nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quy định của pháp luật, phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia đã được nội luật hóa, phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

(15) Sửa đổi, bổ sung 09 Điều (Điều 19, 20, 21, 22, 24, 25, 26, 27, 28)

- Về công đoàn cơ sở:

Bổ sung 04 Điều (Điều 19, 20, 21, 22) quy định về các loại hình công đoàn cơ sở vào Điều lệ.

Sau khi nghiên cứu, xét thấy những quy định về đối tượng tập hợp, nhiệm vụ, quyền hạn của các loại hình công đoàn cơ sở tại Điều 15 Điều lệ hiện hành và Mục 13 Hướng dẫn thi hành Điều lệ đã chín muồi, ổn định, chặt chẽ, phát huy hiệu quả, cần thiết phải được quy định vào Điều lệ, đã được tích hợp, biên tập vào Điều lệ.

- Về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:

Bổ sung 05 Điều (Điều 24, 25, 26, 27, 28) quy định về các loại hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vào Điều lệ.

Sau khi nghiên cứu, xét thấy những quy định về đối tượng tập hợp, nhiệm vụ, quyền hạn của các loại hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tại Điều 17, 18 Điều lệ hiện hành và Mục 14, 15 Hướng dẫn thi hành Điều lệ đã chín muồi, ổn định, chặt chẽ, phát huy hiệu quả, cần thiết phải được quy định vào Điều lệ, đã được tích hợp, biên tập vào Điều lệ.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào cho phù hợp hơn? Có đề xuất cụ thể.

(16) Đối với công đoàn ngành trung ương, công đoàn trong lực lượng vũ trang (Điều 30, 31, 32)

- Dự thảo sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, Điều 30 về đối tượng tập hợp của công đoàn ngành Trung ương từ “thuộc ngành” thành “cùng ngành, nghề trên phạm vi cả nước” nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021, về củng cố, phát triển công đoàn ngành, nghề phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

- Sửa đổi, bổ sung đối tượng tập hợp của công đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam tại Điều 31 từ “các doanh nghiệp, đơn vị cơ sở” thành “đơn vị cơ sở, doanh nghiệp”.

- Sửa đổi tên gọi Điều 32 từ “Công đoàn Công an nhân dân Việt Nam” thành “Công đoàn trong Công an nhân dân Việt Nam”; bỏ từ “viên chức” và biên tập lại đối tượng tập hợp của công đoàn trong Công an nhân dân tại khoản 2, Điều 32 thành “trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị khoa học - kỹ thuật…” sắp xếp, biên tập về từ, ngữ cho phù hợp với mô hình tổ chức, bộ máy mới của lực lượng an ninh nhân dân.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào cho phù hợp hơn? Có đề xuất cụ thể.

(17) Về công tác nữ công (Điều 34, 35)

Sửa đổi, bổ sung Điều 34 và Điều 35 về công tác nữ công để phù hợp với Quy định 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư, nội dung sửa đổi, bổ sung đã thể hiện trong Dự thảo.

Xin ý kiến các cấp công đoàn về nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên.

(18) Về tài chính, tài sản công đoàn (Điều 36, 37)

Tại điểm h khoản 2 Điều 36 sửa thành:

“h. Tổ chức hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên nữ, lao động nữ, về giới và bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em”.

Xin ý kiến các cấp công đoàn việc sửa đổi, bổ sung trên đã phù hợp hay chưa phù hợp? Hoặc, nên quy định như thế nào để vừa phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật? Có đề xuất cụ thể.

(19) Về Ủy ban Kiểm tra công đoàn (Điều 39)

Sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn một số vấn đề tại Điều 39 Dự thảo, như:

+ Sửa đổi từ cơ chế “cử” thành “chỉ định” tại điểm b khoản 4;

+ Bỏ quy định “lâm thời” tại khoản 5 Điều 39;

+ Bổ sung quy định sáp nhập, hợp nhất và quy định thời gian hoạt động của Ủy ban kiểm tra theo khoản 2 Điều 13 Điều lệ (sửa đổi, bổ sung).

Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã phù hợp hay chưa? Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào cho phù hợp hơn? Có đề xuất cụ thể.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 22,346

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn