Đề xuất nhiều nội dung mới về chế độ thai sản từ 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
04/03/2023 08:02 AM

Xin hỏi trong thời gian sắp tới thì các chính sách, chế độ thai sản với người lao động có sự thay đổi gì không? - Ngọc Huyền (Tiền Giang)

Đề xuất nhiều nội dung mới về chế độ thai sản từ 01/01/2025

Đề xuất nhiều nội dung mới về chế độ thai sản từ 01/01/2025

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, nhiều quy định về chế độ thai sản được để xuất như sau:

1. Bổ sung chế độ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định về các chế độ khi tham gia BHXH như sau:

* BHXH bắt buộc gồm:

- Ốm đau;

- Thai sản;

- Hưu trí;

- Tử tuất;

- Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

* BHXH tự nguyện gồm:

- Thai sản;

- Hưu trí;

- Tử tuất;

- Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

* Bảo hiểm hưu trí bổ sung cho Chính phủ quy định.

Hiện hành, tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các chế độ khi tham gia BHXH như sau:

* BHXH bắt buộc gồm:

- Ốm đau;

- Thai sản;

- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Hưu trí;

- Tử tuất.

* BHXH tự nguyện gồm:

- Hưu trí;

- Tử tuất.

* Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.

Như vậy, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất chế độ thai sản với người tham gia BHXH tự nguyện.

2. Đề xuất bổ sung đối tượng hưởng chế độ thai sản

* Đối tượng hưởng chế độ thai sản theo Điều 54 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

- Người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);

- Chủ hộ kinh doanh;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

- Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam;

Trừ trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 169 Bộ luật Lao động hoặc thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia có quy định khác.

Hiện hành theo Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì đối tượng hưởng chế độ thai sản gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

Như vậy, so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung thêm các đối tượng được hưởng chế độ thai sản như sau:

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

- Chủ hộ kinh doanh;

- Người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);

3. Điều chỉnh thời gian hưởng chế độ khi khám thai

Tại Điều 56 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì thời gian hưởng chế độ khi khám thai đề xuất như sau:

- Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần từ 01 đến 02 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 56 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời gian hưởng chế độ khi khám thai theo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

- Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất điều chỉnh thời gian nghỉ việc khám thai của lao động nữ mỗi lần từ 01 đến 02 ngày so với mỗi lần 01 ngày theo mức hiện hành.

4. Bổ sung quy định về thời gian hưởng chế độ khi đình chỉ thai nghén

Theo đó, tại Điều 57 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để xuất bổ sung quy định về thời gian hưởng chế độ khi đình chỉ thai nghén như sau:

- Khi đình chỉ thai nghén thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc được quy định như sau:

+ Tối đa 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

+ Tối đa 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

+ Tối đa 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi; 

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều 57 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

5. Bổ sung quy định với lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con

Theo khoản 2 Điều 58 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì thời gian hưởng chế độ sinh con với lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con như sau:

- Tối đa 05 ngày làm việc;

- Tối đa 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi,

- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ tối đa 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

- Trường hợp vợ sinh đôi mà phải phẫu thuật thì được nghỉ tối đa 14 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con; trường hợp người lao động nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.

Thời gian hưởng chế độ sinh con với lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con theo khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

- 05 ngày làm việc;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung:

-  Trường hợp từ sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.

- Trường hợp người lao động nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,076

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn