Quyết định 02/2023/QĐ-TTg: Tăng giá bán lẻ điện bình quân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
06/02/2023 10:52 AM

Tăng giá bán lẻ điện bình quân là nội dung được đề cập tại Quyết định 02/2023/QĐ-TTg ngày 03/02/2023.

Quyết định 02/2023/QĐ-TTg: Tăng giá bán lẻ điện bình quân

Quyết định 02/2023/QĐ-TTg: Tăng giá bán lẻ điện bình quân

Ngày 03/02/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.

1. Quyết định 02/2023/QĐ-TTg: Tăng giá bán lẻ điện bình quân

Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân như sau:

- Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh.

(Trước đó tại Quyết định 34/2017/QĐ-TTg thì mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh.)

- Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

(Trước đó thì mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.)

* Lưu ý: Mức giá trên chưa bao gồm thuế GTGT.

2. Quy định về thanh toán tiền điện

Thanh toán tiền điện theo Điều 23 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012) như sau:

- Bên mua điện phải thanh toán đủ và đúng thời hạn số tiền điện ghi trong hóa đơn cho bên bán điện theo biểu giá điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tiền điện được thanh toán tại trụ sở, nơi ở của bên mua điện hoặc tại địa điểm thuận lợi do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.

- Bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho bên bán điện.

- Bên bán điện thu thừa tiền điện phải hoàn trả cho bên mua điện, kể cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa.

- Lãi suất của số tiền chậm trả hoặc thu thừa do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng mà bên bán điện có tài khoản ghi trong hợp đồng tại thời điểm thanh toán.

- Bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày. 

Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải. 

Trong trường hợp không đề nghị hoà giải hoặc hoà giải không thành, bên mua điện có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện và bên bán điện không được ngừng cấp điện.

- Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. 

Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.

3. Quy định về ngừng, giảm cung cấp điện

Theo Điều 27 Luật Điện lực 2004 quy định về ngừng, giảm cung cấp điện như sau:

- Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 23 Luật Điện lực 2004, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng;

Hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất năm ngày bằng cách thông báo trong ba ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức thông tin khác.

- Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp do sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện thì:

Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý và trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại.

- Trường hợp đơn vị điện lực ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện trái các quy định về ngừng, giảm mức cung cấp điện thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp bên mua điện không thực hiện đúng các quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 46, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 47 Luật Điện lực 2004 thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện:

+ Thanh toán tiền điện đầy đủ, đúng thời hạn và thực hiện các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện;

+ Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các quy định về quản lý nhu cầu sử dụng điện;

+ Thực hiện chế độ sử dụng điện theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, biện pháp bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, an toàn điện và nội dung khác đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện, truyền tải điện;

+ Bảo đảm trang thiết bị sử dụng điện, trang thiết bị đấu nối đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện để đấu nối vào lưới điện truyền tải quốc gia;

Xem thêm Quyết định 02/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 03/02/2023, thay thế Quyết định 34/2017/QĐ-TTg.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 30,048

Bài viết về

lĩnh vực Điện

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn