Các trường hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép điện lực và không giới hạn công suất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
30/10/2024 08:15 AM

Sau đây là các trường hợp tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất.

Các trường hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép điện lực và không giới hạn công suất

Các trường hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép điện lực và không giới hạn công suất (Hình từ Internet)

1. Điện mặt trời mái nhà là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 135/2024/NĐ-CP thì điện mặt trời mái nhà là điện được sản xuất từ các tấm quang điện theo nguyên lý biến đổi từ quang năng thành điện năng, thông qua kết cấu xây dựng nhằm lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng, kết nối với thiết bị điện và phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện.

2. Các trường hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép điện lực và không giới hạn công suất 

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 135/2024/NĐ-CP về chính sách khuyến khích thì tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất trong các trường hợp:

- Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;

- Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia;

- Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.

3. Nguyên tắc phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ 

Nguyên tắc phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ theo Điều 4 Nghị định 135/2024/NĐ-CP như sau:

- Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các đối tượng được quy định tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP.

- Hoạt động mua bán sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ thực hiện theo quy định tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP.

- Công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương phải phù hợp với quy định tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP, không bao gồm điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tại các huyện, xã hải đảo có lưới điện nhưng chưa đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia.

- Công trình xây dựng trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ phải bảo đảm đã tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, an toàn, phòng cháy chữa cháy. Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

- Trong quá trình đầu tư xây dựng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, tổ chức, cá nhân không sử dụng các tấm quang điện, thiết bị chuyển đổi điện một chiều thành điện xoay chiều nhập khẩu đã qua sử dụng.

- Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được vận hành bảo đảm an toàn hệ thống điện quốc gia bình đẳng như các nguồn điện năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió).

4. Trình tự cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Trình tự cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ theo Điều 12 Nghị định 135/2024/NĐ-CP như sau:

- Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia:

+ Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định hoặc không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 135/2024/NĐ-CP, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ra thông báo trả toàn bộ hồ sơ để tổ chức, cá nhân bổ sung và nộp lại hồ sơ theo quy định;

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ra thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong quá trình giải quyết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký phát triển có trách nhiệm xác định thời điểm tiếp nhận theo thứ tự về thời gian để giải quyết theo quy định;

+ Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan tiếp nhận gửi hồ sơ đến đơn vị điện lực tại địa phương để lấy ý kiến về việc điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ đề nghị phát triển có hoặc không gây quá tải trạm biến áp, lưới điện hạ áp và phân phối tại khu vực đăng ký phát triển, công suất đề nghị có hoặc không phù hợp phụ tải hiện có (căn cứ theo sản lượng điện tiêu thụ tại 12 tháng gần nhất). Đơn vị điện lực phải xem xét, giải quyết và gửi ý kiến cho cơ quan tiếp nhận trong thời hạn tối đa 07 ngày.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,200

Bài viết về

lĩnh vực Điện

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]