14/04/2012 08:11 AM

Đánh giá cao giải pháp cứu địa ốc của Ngân hàng Nhà nước, song giới chuyên gia cho rằng, thông điệp nới tin dụng chỉ có lợi về mặt tâm lý, giúp người có nhu cầu thực mua nhà. Để thị trường khởi sắc, cần có thời gian.


Ngân hàng Nhà nước quyết định loại trừ một số đối tượng ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích cho vay, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, với nhu cầu vốn xây dựng, sửa chữa và mua nhà ở trong khu đô thị cả hoàn thành trước hay sau năm 2012 đều được vay. Trường hợp xây dựng sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê cũng được nới vốn.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty tư vấn Navigat nhận định, cởi mở tín dụng cho bất động sản sẽ giúp cho người có nhu cầu thực dễ vay vốn mua nhà. Ngoài ra, nới tín dụng còn đánh vào tâm lý khách hàng, họ tin rằng sẽ còn nhiều đợt hạ lãi suất. Mặc dù vậy, khả năng địa ốc sốt nóng trong năm nay là rất khó. Bởi các nhà đầu tư đang trong động thái nghe ngóng thị trường và đang ở vị trí thủ thế trong bối cảnh địa ốc khó khăn nên sẽ chưa vội vàng ra quyết định đầu tư tại thời điểm này. "Bài học từ năm 2008 vẫn còn đó, tâm lý nhà đầu tư lúc này là giữ tiền cố thủ thay vì đầu tư vào địa ốc", ông Quang nhận định.

Nới tín dụng cho địa ốc giúp cho người có nhu cầu thực dễ mua nhà hơn. Ảnh: Hoàng Lan

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Thanh Hưng, Tổng giám đốc Công ty Thẩm định giá Thế kỷ, cho rằng, hạ trần lãi suất huy động xuống 12% song vấn đề nhà đầu tư cũng như khách hàng cá nhân quan tâm là lãi suất cho vay ở mức bao nhiêu. Thêm vào đó, mấu chốt vấn đề là doanh nghiệp không có đầu ra.

"Nhiều doanh nghiệp tâm sự với tôi, dù ngân hàng có nới hầu bao thì cũng không ai dám vay bởi vay rồi cũng không biết bán cho ai. Nhà đầu tư thì đã rút khỏi thị trường, người mua nhà thì lác đác", ông Hưng nói.

Theo nghiên cứu của CBRE, trong năm 2012, nguồn cung căn hộ lên tới 20.000 căn, trong khi đó quý I chỉ chào bán khoảng hơn 1.000 căn. Biệt thự liền kề cũng có đến 30.000 căn đang triển khai". Theo ông Hưng, địa ốc đang dư thừa một nguồn cung khổng lồ nên sẽ hiếm nhà đầu tư dám mạo hiểm vay tiền để phát triển dự án, ngoại trừ những doanh nghiệp đang... hấp hối. Ông Hưng phân tích, nhà đầu tư chờ đợi nghe ngóng, chưa quyết định mua, còn doanh nghiệp trước đó phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn như địa ốc giảm giá, lãi suất cao nên không ít đơn vị đã "chết lâm sàng". "Việc nới vốn sẽ có tác dụng tích cực đối với những dự án cực kỳ đói vốn ở giai đoạn trước và sau 2012", ông Hưng nói.

Đánh giá cao sự giải cứu của ngân hàng Nhà nước, ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, động thái này đã giải phóng cho cả người bán lẫn người mua được tiếp cận vốn vay ngân hàng sau một thời gian dài chật vật. Tuy nhiên, vị chuyên gia trong lĩnh vực địa ốc đánh giá "bài toán mới chỉ giải một nửa". "Mấu chốt vấn đề là chi phí xây nhà còn cao dẫn đến giá bất động sản trên trời", ông Võ nói.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước loại bất động sản khỏi lĩnh vực không khuyến khích, một số ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay 1,5 - 2,5% so với trước xuống còn 14,5- 16%. Theo ông Võ, để giải nốt bài toán còn lại thì chi phí xây nhà phải giảm xuống và lãi suất cho vay trung và dài hạn nên ở mức 4-5%, thay vì 16% như hiện nay.

Trong suốt thời gian dài qua, địa ốc Hà Nội đã phát triển không ổn định. Cơn sốt địa ốc nổ ra từ năm 2010- 2011 khiến mặt bằng giá mới được thiết lập. Mặc dù hàng loạt đợt giảm giá đã nổ ra song địa ốc vẫn còn giá ảo. Ở nhiều dự án, mức giá biệt thự, liền kề, tiền chênh vẫn lên đến hàng tỷ đồng. "Có thể dùng quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm hoặc cho phép thế chấp tại ngân hàng nước để cung cấp vốn cho doanh nghiệp", ông Võ nói.

Bên cạnh thái độ thận trọng, nhiều chuyên gia lạc quan thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi nhờ việc nới tín dụng. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường ảm đạm thì việc ngân hàng nới tín dụng là cần thiết. Bởi một số phân khúc như nhà cho người thu nhập thấp, nhà giá trung bình, nhu cầu thực vẫn có nguồn cầu cao. Khi tín dụng nới, lãi suất hạ thì bất động sản sẽ có cơ hội phát triển và kéo theo đó là một loạt ngành khác như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng cũng sẽ tăng trưởng.

"Bản thân thị trường bất động sản còn nhiều vấn đề, song sau một thời gian gian dài địa ốc đứng ở góc độ ngân hàng thì thông điệp vừa qua mang tính chất tích cực. Doanh nghiệp địa ốc không nên quá cầu toàn", ông Ngoạn nói.

Chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm đánh giá, thông điệp nới tín dụng mang tính chất tịch cực, có thể khuyến khích những người có nhu cầu thực mua nhà. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước trong giải pháp cứu thị trường, sau một thời gian dài siết tín dụng. Ông Kiêm cho rằng, lãi suất huy động giảm, có khả năng người dân sẽ rút tiền từ ngân hàng để đổ vào bất động sản.

Ngày 11/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản hiện chiếm khoảng 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống nhưng bất động sản được sử dụng để đảm bảo cho khoản vay là khá lớn. Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ dần khó khăn trong cho vay đối với lĩnh vực này, đặc biệt là khó khăn trong xây dựng nhà để ở nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Với việc giá nhà đã cải thiện, người dân đã có thể tiếp cận và sở hữu được nhà ở nên có thể giải phóng được số nhà ở đang tồn đọng chưa bán được.

Năm 2011, tín dụng cho bất động sản được xếp vào dạng phi sản xuất, năm 2012 thuộc lĩnh vực không khuyến khích. Kể từ cuối tháng 4/2011, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng ở hầu hết các phân khúc sau khi bị siết tín dụng. Các doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình cảnh khó khăn khi lãi suất cho vay trên dưới 20%. Thậm chí lãnh đạo Bộ Xây dựng đã phải nhiều lần đề xuất các giải pháp cứu thị trường. Tuy nhiên, sau thông điệp nới vốn cho bất động sản ngày 11/4, một số ngân hàng hạ lãi suất cho vay địa ốc xuống còn 14,5-16%.



DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,427

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn