Chính sách mới >> Tài chính 02/07/2012 10:41 AM

02/07/2012 10:41 AM

Lạm phát 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ 2011, tăng trưởng kinh tế trong hai quý cũng mới 4,38%... các chuyên gia cho rằng đây là cơ sở hợp lý để NHNN linh hoạt 'nới lỏng' chính sách tiền tệ.

Kể từ 1/7, các ngân hàng thương mại sẽ được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước với mức thấp hơn 1% khi cuối ngày 29/6, cơ quan này vừa công bố sẽ điều chỉnh giảm hàng loạt lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn từ 11% xuống còn 10% một năm; tái chiết khấu từ 9% về 8% và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng 12% xuống 11%.

Đánh giá về động thái này, một chuyên gia là thành viên trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện lãi suất cơ bản không còn đề cập nhiều, mà chủ yếu tập trung vào lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu và lãi suất thị trường mở để tác động đến cung tiền trong lưu thông.

Theo ông, doanh nghiệp hiện nay đang rơi vào tình trạng hàng tồn kho tăng lại khó tiếp cận nguồn vốn với lãi suất vừa phải để triển khai các dự án kinh doanh, sản xuất.... Trong khi đó, để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ hiện nay đang có dư địa rất lớn từ hai công cụ là tiền tệ và tài khóa. Giả sử năm nay Việt Nam chỉ cần tăng trưởng tín dụng 10% thì từ giờ đến cuối năm, mỗi tháng sẽ cung ra thị trường khoảng 50.000 tỷ đồng.

Thứ hai về nguồn ngân sách (gồm đầu tư của nhà nước và trái phiếu), từ nay đến cuối năm mỗi tháng có thể bơm ra hơn 21.000 tỷ đồng. Vậy tổng cộng hai khoản này mỗi tháng Việt Nam có thể bơm ra nền kinh tế 71.000 tỷ đồng để kích thích sản xuất, tăng trưởng GDP.

Trên lý thuyết, Chính phủ muốn tăng cung tiền có một số kênh chính, trong đó có kênh tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. Với kênh này, một khi giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng… thì các nhà băng sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Khi ấy ngân hàng thương mại vay tiền của Ngân hàng Nhà nước ra kinh doanh sẽ có lời nên họ sẽ đẩy mạnh vay và tăng được đầu cung vốn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, chủ trương của cơ quan quản lý là lạm phát xuống thì lãi suất phải điều chỉnh xuống. Trên thực tế, lãi suất hiện nay của Việt Nam vẫn cao và doanh nghiệp khó tiếp cận nhưng trước đó do lạm phát chưa xuống nên chúng ta phải để ở mức cao. Còn nay, lạm phát xuống tương ứng thì ta phải giảm lãi suất để khả năng huy động vốn phục vụ nền kinh tế tốt hơn.

Ông Kiêm cũng nhìn nhận, một khi giảm lãi suất thì sẽ kích thích cho vay ra, và tạo điều kiện chính sách tiền tệ nới rộng hơn chứ không phải Việt Nam thấy kinh tế khó khăn và bơm ra một cách vô lối. "Do đó, cần nhìn nhận rằng, động thái điều hành của chúng ta đang đi đúng nguyên tắc là theo quy luật thị trường", ông Kiêm nhấn mạnh.

Cũng theo Tiến sĩ Kiêm, để giảm lãi suất cho vay ra nền kinh tế phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là các ngân hàng và doanh nghiệp phải ngồi cùng nhau để cân đối lại đối tượng cho vay. Vì nếu đưa vốn ra mà không thu hồi được thì sẽ tăng nợ xấu. 'Do đó, chỉ đưa vốn vào nơi nào thực sự có hiệu quả", ông nói.

Thứ 2, muốn hạ lãi suất cho vay bản thân nhà băng phải huy động được lãi suất đầu vào thấp. Vì họ không thể cho vay lãi suất thấp khi nguồn vốn cao. Do đó, cần có thời gian để hòa nguồn vốn này lại mới có nguồn giá rẻ.

Thứ 3 là phải có độ trễ, chậm nhất 3 tháng sau khi ban hành một chính sách thì lãi suất mới giảm. Ngoài ra, vai trò quản lý chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước cũng là yếu tố quan trọng. Theo đó, cơ quan này nên giám sát chặt biên độ giữa huy động và cho vay, thu hẹp càng nhiều càng tốt. Khi đó, ngân hàng thương mại buộc phải tìm cách giảm tối đa chi phí...thì mới có lãi suất cho vay hợp lý.

PGS- Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM cũng cho rằng, hiện tại lạm phát 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng kinh tế trong hai quý cũng mới 4,3%... Đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt 'nới lỏng' chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, theo ông việc tiếp tục giảm lãi suất tái cấp vốn hoàn toàn không có gì bất ngờ. Bởi lẽ, hiện nay lãi suất tiền gửi ngắn hạn đã về 9% nhưng đầu ra vẫn chưa thể đi xuống. Nếu giảm huy động nữa thì một số ngân hàng nhỏ sẽ khó khăn về thanh khoản. Do đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải xoay ra công cụ khác là giảm các lãi suất chủ chốt để 'nới tiền tệ' cốt làm sao cho lượng tín dụng tăng lên. "Động thái giảm lãi suất này nhằm nâng khả năng tiếp cận vốn lên giúp tăng tín dụng. Bởi nền kinh tế muốn tăng trưởng thì phải có vốn đầu tư tăng lên", ông Ngân nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù giảm lãi suất là cần thiết song trong bối cảnh này nó chỉ có tác động một phần, vấn đề doanh nghiệp cần hiện nay chính là khơi thông đầu ra. Chỉ khi đó mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp - thị trường mới được giải quyết thấu đáo.

Theo Tiến sĩ Kiêm, để làm được điều này, trước hết phải khai thông hàng tồn kho. Muốn vậy, Việt Nam phải tạo ra sức mua mới bằng các biện pháp như cấp nhanh vốn cho các công trình dự án đã được triển khai nhưng còn dang dở nhằm tăng khả năng tiêu thụ xi măng, sắt thép...Song song đó, cần quyết liệt triển khai các chương trình bình ổn giá, hạ giá thành sản phẩm để kích cầu tiêu dùng.

Đồng quan điểm, PGS-Tiến sĩ Ngân cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ của chính sách tài khóa (ví dụ miễn giảm thuế doanh nghiệp) với chính sách tiền tệ, cùng với giải pháp thúc đẩy thị trường hàng hóa, kích cầu tiêu dùng...

Song song đó phải xử triệt để cục máu đông nợ xấu. Nhưng để làm được điều này, theo ông phải mất một thời gian dài. Do vậy, ông cho rằng, Việt Nam nên hướng về kế hoạch dài hạn 5 năm chứ không nên quá chú trọng vào giải pháp ngắn hạn, tạm thời", ông nói.

Theo Lệ Chi

Vnexpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,656

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]