Chính sách mới >> Tài chính 02/11/2024 17:30 PM

Xếp hạng tín nhiệm Moody's, Fitch Ratings và S&P của Việt Nam mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
02/11/2024 17:30 PM

Dưới đây là xếp hạng tín nhiệm Moody's, xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings và xếp hạng tín nhiệm S&P của Việt Nam được cập nhật mới nhất.

Xếp hạng tín nhiệm Moody's, Fitch Ratings và S&P của Việt Nam mới nhất

Xếp hạng tín nhiệm Moody's, Fitch Ratings và S&P của Việt Nam mới nhất (Hình từ internet)

Xếp hạng tín nhiệm Moody's, Fitch Ratings và S&P của Việt Nam mới nhất

Standard & Poor's, Moody's Investor Service (MIS) và Fitch Ratings là ba hãng định mức tín dụng hàng đầu trên thế giới.

Vừa qua, Chính phủ có Báo cáo 688/BC-CP ngày 20/10/2024 về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó có đề cập đến xếp hạng tín nhiệm Moody's, Fitch Ratings và S&P của Việt Nam.

Cụ thể, đánh giá về tình hình kinh tế năm 2024: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tố, thấp hơn giới hạn cho phép.

(Đến hết năm 2024, dư nợ công khoảng 36 - 37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33 - 34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21 - 22% tổng thu NSNN, trong phạm vi Quốc hội cho phép, tạo dư địa thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với những biến động phát sinh.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.

(Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024: Singapore tăng 3%, Thái Lan tăng 2,4%, Malaysia tăng 4,9%, Indonesia tăng 5%. Fitch Rating nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB) với triển vọng "Ổn định"; Moody's xếp hạng tín nhiệm ở mức Ba2, triển vọng "Ổn định"; S&P xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+, triển vọng "Ổn định"; WB dự báo năm 2024, Việt Nam tăng 6,1%, HSBC dự báo tăng 6,5%, ADB dự báo tăng 6%, IMF dự báo tăng 6,1%.)

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam như sau:

+ Fitch Rating xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ với triển vọng "Ổn định";

+ Moody's xếp hạng tín nhiệm ở mức Ba2, triển vọng "Ổn định";

+ S&P xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+, triển vọng "Ổn định".

Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030

Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 412/QĐ-TTg năm 2022.

Trong đó, Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 đặt mục tiêu:

Về tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hoàn thiện, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trên cơ sở khoa học, công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.

Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên.

Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế vĩ mô: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.

Các chỉ tiêu về tài khóa: Kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP.

Các chỉ tiêu lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12%; đến năm 2030 duy trì tối thiểu 12%; tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có rủi ro của khối ngân hàng ở mức tối thiểu 9%; duy trì mức dự trữ ngoại hối tương đương với tối thiểu 16 tuần nhập khẩu.

Các chỉ tiêu chủ yếu về xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

Các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,836

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]